Sáp dầu là gì?
Theo National Cancer Institute, sáp dầu hay petrolatum là một chất béo, nhờn, không mùi, không vị làm từ dầu mỏ. Nó có thể được sử dụng trên da để giúp ngăn ngừa nứt nẻ và tạm thời bảo vệ da khỏi những vết bỏng, xước.
Ai có thể sử dụng sáp dầu?
Bởi vì sáp dầu là một chất nhờn ẩm, nó rất thích hợp dùng cho những người có da khô hoặc rất khô và đang trong tình trạng khỏe mạnh. Tuy nhiên sản phẩm này vẫn còn gây nhiều tranh cãi khi có những nghiên cứu cho rằng sáp dầu có khả năng gây dị ứng hay thậm chí là ung thư.
BÀI LIÊN QUAN
Để chắc chắn sáp dầu an toàn cho da, bạn nên bôi thử một lượng nhỏ sản phẩm lên da để kiểm tra phản ứng của mình.
Lưu ý: Nếu da dễ nổi mụn hoặc đang bị viêm, bạn nên tránh sử dụng petrolatum. Ngoài ra, đối với các bạn có những bệnh lý về da (chàm, vảy nến…) hoặc có vết thương hở, tuyệt đối không sử dụng sáp dầu trước khi có chỉ định của bác sĩ.
Những lợi ích và các mẹo hay sử dụng sáp dầu
1. Loại bỏ da khô hay nứt nẻ
Sáp dầu có thể dùng để làm dịu vùng da khô nứt. Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), thuốc mỡ có hiệu quả và ít gây kích ứng hơn so với thuốc nước. Để có kết quả dưỡng ẩm tốt nhất, bạn nên thoa sáp dầu lên vùng da đang còn ẩm nước để giúp khóa ẩm hoàn hảo.
2. Hạn chế hiện tượng trầy xước do ma sát (chafing)
AAD khẳng định rằng, chafing là một loại kích ứng da gây đau đớn, xảy ra khi các bộ phận cơ thể chà xát với nhau hoặc với quần áo, giày dép. Sáp dầu có thể giúp bạn hạn chế tình trạng chafing xảy ra. Nếu như hôm nay bạn phải mặc một chiếc quần bó sát hay đi một đôi giày có chất liệu khá thô, thoa sáp dầu lên những vùng hay bị cọ xát để tránh tổn thương da.
3. Tạo hiệu ứng phát sáng cho da
Tương tự việc bạn sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm cho da bóng sáng, bạn có thể sử dụng petrolatum như một sáp bắt sáng trên các điểm cao của khuôn mặt. Lớp finish sẽ tạo cho làn da bạn một vẻ ngoài căng mọng. Dùng một chút sáp dầu trên đầu ngón tay, hãy thoa dọc theo xương gò má hoặc bất kỳ điểm nào bạn muốn nhấn sáng.
4. Điều chỉnh lớp nền trang điểm
Mong muốn lớp nền trang điểm của bạn có một kết thúc căng mọng? Hãy trộn sáp dầu vào chất nền yêu thích của bạn để tạo ra một hỗn hợp nền bóng ẩm. Chỉ cần đảm bảo bạn không pha quá nhiều sáp dầu mà làm loãng công thức cũng như độ che phủ vốn có của kem nền. Và phương thức này chỉ nên áp dụng khi bạn hoạt động trong khu vực có điều hòa hoặc vào những ngày thời tiết lạnh.
5. Làm mềm bờ môi khô
Tương tự với da cơ thể, bạn có thể dùng sáp dầu để làm dịu bờ môi khô. Nó sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng môi nứt nẻ và thô ráp. Theo AAD, bạn hoàn toàn có thể sử dụng sáp dầu như một chất dưỡng môi khi bạn không có kem dưỡng riêng cho vùng da đặc biệt này.
6. Giữ cho thuốc nhuộm tóc không ám vào da
Nếu bạn thực hiện nhuộm tóc tại nhà, bạn cần tìm cách tránh cho da không bị dính thuốc nhuộm. Và sáp dầu là một giải pháp hiệu quả. Nó sẽ giúp tạo một hàng rào trên làn da của bạn, cho phép thuốc nhuộm lướt qua nhanh chóng và dễ dàng mà không bám lại trên da.
7. Giữ ẩm cho móng
Sáp dầu cũng có thể sử dụng để giữ cho móng tay và lớp biểu bì của bạn ngậm nước – theo AAD. Nếu bạn thường xuyên làm móng tay và móng chân, hãy thoa một lớp sáp dầu để móng tay và lớp biểu bì giữa móng được giảm độ giòn. Từ đó ngăn ngừa tình trạng móng bị gãy xước, sứt mẻ.
8. Dưỡng ẩm cho bầu mắt
Lớp da trên mí mắt là phần da mỏng nhất trên cơ thể và rất dễ bị kích ứng – theo AAD. Nếu bầu mắt của bạn bắt đầu có vẻ khô, hãy bôi một lượng dầu sáp để dưỡng ẩm.
9. Cố định lông mày
Bạn có biết rằng sáp dầu có thể cố định những cọng lông mày nghịch ngợm hay không? Thoa một ít sáp dầu lên cọ và chải đôi mày, bạn sẽ ngăn cản chúng lệch ra khỏi khuôn chân mày trong suốt cả ngày.
—
Xem thêm:
Bột vitamin C – Lựa chọn mới cho liệu trình chăm sóc da trắng sáng
Vitamin F – “người hùng thầm lặng” cần có trong mọi quy trình chăm sóc da
Nhóm thực hiện
Biên dịch: Nhi Shiny Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Skincare.com Ảnh: Tổng hợp