Cô gái nghèo ôm giấc mộng lớn
Cách nhà hàng cô đang đứng bây giờ chỉ hai dãy nhà là một ngôi nhà kiểu Ý đã cũ, nơi cô trải qua một tuổi thơ bình dị, gắn mình với cây đàn piano từ năm 4 tuổi. Cha mẹ cô thời ấy đã làm việc vất vả để giúp hai cô con gái có thể theo học tại một trường tư, chất lượng dành riêng cho nữ sinh. Cô con gái đầu đã làm vừa lòng ông bà khi được nhận vào trường Tisch School of Arts (một trong những trường đại học uy tín nhất của nước Mỹ trong lĩnh vực nghệ thuật), cho dù chỉ sau đó ít lâu, cô quyết định rời bỏ môi trường hàn lâm để theo đuổi giấc mộng làm ca sĩ.
Hành trình từ cô bé Stefani đến Lady Gaga vinh quang của cô không chút bằng phẳng. Đã nhiều lần cô chia sẻ về những khó khăn cô phải đối mặt suốt thời thơ ấu cho đến buổi đầu sự nghiệp, và cũng đã nhiều lần bị các nhà báo hoài nghi đặt câu hỏi về tính chân thực. “Mọi người thật cay nghiệt – họ cho rằng tôi không thể đơn thuần yêu thương người hâm mộ của mình hay chia sẻ những câu chuyện từ quá khứ. Họ có biết tôi đã phải nếm trải bao nhiêu cay đắng? Họ có biết tôi đã phải quỳ lạy những ai? Họ có biết đã bao lần tôi bị sỉ nhục cả về thể xác lẫn tâm hồn?”. Cô khẳng định tất cả đều là sự thật, và cô chẳng xấu hổ gì khi phải thừa nhận tham vọng lớn của mình phải trả giá bằng nhiều nỗi đau khổ.
Tuy nhiên, cô gái phố nghèo mong muốn trở thành Madonna thứ hai của nước Mỹ không hề ảo tưởng về chính mình. Cho đến nay, cô đã bán được 24 triệu đĩa trên khắp thế giới. Chuyến lưu diễn gần đây nhất, dù bị cắt ngắn bớt do cô phải phẫu thuật hông cũng đã thu lại đến 168 triệu USD, mang lại cho riêng cô phần thù lao 80 triệu USD và đưa cô vào danh sách các ngôi sao dưới 30 tuổi giàu có nhất thế giới.
Thông tin này khiến cho chính Lady Gaga, người luôn khiến cho mọi người phải sốc, cũng kinh ngạc không tin nổi. Cô tròn mắt thốt lên với tôi: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được là có lúc mình lại giàu như thế này, khiếp thật!”.
Tuy nhiên, nữ ca sĩ giờ đã lừng danh và giàu có này vẫn hăm hở giúp cha mẹ các công việc vặt tại tiệm ăn. Cô thậm chí còn phụng phịu giả vờ để trêu đùa bà mẹ, người vẫn chọn mặc một bộ đồ lùng thùng và đội chiếc mũ rơm cho thoải mái mỗi ngày, bất kể con gái bà đã thành công ra sao. Nhìn cảnh tượng Lady Gaga dúi đầu vào lòng mẹ khi bà trêu chọc lại cô, tôi lại càng không tin nổi mọi điều đang diễn ra trước mắt mình là sự thật: Tất cả giống như một bức tranh vẫn được in trên bưu thiếp, một cô con gái bé nhỏ bên bà mẹ bao dung.
Trong khi đó, cha cô đứng lặng lẽ phía sau, im ắng như ông vẫn thường vậy. Tiệm ăn của ông đã trở thành địa chỉ để nhận thư từ hay quà tặng gửi cho con gái. Ở đây, ông giữ hàng túi, hàng túi thư của người hâm mộ, chưa kể vô số những món đồ handmade, những chiếc áo da hay đàn ghi-ta được thiết kế lại theo phong cách kỳ quặc. Lady Gaga trỏ vào cha mình và mách nhỏ với tôi: “Dù tôi có ở nơi nào trên thế giới đi chăng nữa, vào bất cứ giờ nào đi chăng nữa, nếu có ai đó mang một món quà ngọt ngào dành cho tôi tới đây, ông sẽ gọi cho tôi ngay. Qua điện thoại, ông sẽ bảo: Con nói chuyện với họ vì bố được không? Vì bố! Ông lúc nào cũng bảo “vì bố” như thế đấy! Và nếu tôi có đáp: Ôi bố yêu ơi, con sắp lên sân khấu và có 80.000 người đang chờ con ở đây, thì ông cũng vẫn nài nỉ: Chào một câu thôi mà!…”.
Triết lý nghệ thuật cũng là triết lý sống
Câu chuyện nhỏ của cô khiến tôi phải muốn nhấn mạnh tới một điều: Lady Gaga chưa bao giờ khiến người hâm mộ phải thất vọng trong suốt chuyến lưu diễn có tới 98 buổi của mình. Chỉ đến khi cái hông của cô đau đớn đến mức cô không thể cử động được nữa, nữ ca sĩ mới chấp nhận việc phải thất hứa với người hâm mộ. Và đó cũng một phần là bởi các bác sĩ nói rằng họ phải phẫu thuật, chứ không thì cô đã vẫn tiếp tục lên sân khấu. “Khi lưu diễn thì cơ thể bạn lúc nào cũng đau nhức cả. Tôi chịu chẳng phân biệt được phần nào trên cơ thể mình đang đau đớn nhất, nhưng tôi biết rõ là mình có tới 26 bài cần hát”.
Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật hóa ra không chỉ có ích đối với cô về mặt sức khỏe, mà còn có ích cả về mặt tinh thần. Lần đầu tiên trong suốt ba năm lao động không ngừng nghỉ với tư cách của một siêu sao, Lady Gaga được phép trốn khỏi ánh đèn và nghỉ ngơi thực sự. Cô đã làm cả thế giới xôn xao lên với những bài hát gây sốc, với những đêm diễn đầy nổi loạn, với việc tham dự giải Grammy trong một quả trứng, với những trang phục không biết thuộc phong cách nào… Bên cạnh đó, cô chẳng ngại đứng lên đấu tranh cho quyền bình đẳng của những người đồng tính. Cô không chỉ là một ca sĩ, cô trở thành người tạo cảm hứng, người mang đến câu trả lời cho câu hỏi: “Nghệ sĩ thì có thể làm được những gì” bằng những phương thức quyết liệt nhất. Nếu bạn cần một định nghĩa của Lady Gaga về chính mình, cô sẽ thản nhiên đáp: “Tôi là một nghệ sĩ tự hành xác!”.
Khi cùng cô tới văn phòng với tên gọi quen thuộc Haus of Gaga, tôi được gặp Brandon Maxwell, stylist của cô và cũng được gọi là giám đốc thời trang của Haus. Anh vốn là trợ lý của Nicola Formitchetti, cựu stylist của nữ ca sĩ, người vừa rời bỏ vị trí để theo đuổi sự nghiệp tại Diesel sau khi trêu chọc rằng Lady Gaga phải thay đến 12 trang phục mỗi ngày. Brandon cũng thừa nhận: “Mỗi khi sắp lên xe đến một buổi chụp ảnh nào đó, thì cô ấy cũng đã tự diễn riêng một fashion show tại nhà rồi”. Tuy vậy, anh vẫn không giấu được sự ngưỡng mộ dành cho người phụ nữ vẫn làm cả thế giới sốc về lựa chọn thời trang: “Ngay cả khi ở trần, cô ấy vẫn rất có phong cách”. Có một dạo, khi album Artpop vừa ra mắt, Lady Gaga luôn xuất hiện giữa nơi công cộng với khuôn mặt đầy phấn màu và cũng chẳng ngại phát biểu với tôi: “Là một học trò của Andy Warhol, giờ tôi đang biến giấc mơ của ông ấy thành sự thật”. Có lẽ, nếu bậc thầy của trào lưu Pop Art còn sống, ông cũng không thể nào phủ nhận được lời phát biểu của cô. Cô gái có tên Stefani vừa ôm lấy mẹ ở trong tiệm ăn đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là một nữ nghệ sĩ với khả năng biến hóa khôn lường và chói lọi như màu sắc trong tranh của Andy Warhol. Sức hấp dẫn của Lady Gaga càng thể hiện rõ ràng hơn khi tôi được mời tới căn hộ của cô. Giấy dán tường in hình những bông hoa khổng lồ biến nơi này thành một không gian vừa lộn xộn, vừa thần tiên mà ở đó chuyên gia trang điểm Tara Savelo đang mải mê ngồi vẽ, chuyên gia làm tóc Frederic Aspiras đang say sưa giữa một loạt các bộ tóc giả màu bạch kim để chuẩn bị cho buổi chụp hình tiếp theo. Căn nhà của cô giống như một công xưởng nghệ thuật hơn là một nơi để ở, hoặc triết lý sống của cô đã đồng nhất với triết lý của sự sáng tạo. Brandon Maxwell thầm thì với tôi: “Phải đến cả triệu lần, trước buổi diễn, chúng tôi vẫn thấy cô ấy nằm dài ra sàn, vẽ một cái gì đó, sửa chữa một cái gì đó”.
Và cũng như mọi nghệ sĩ khác, Lady Gaga không bao giờ cảm thấy tự hài lòng với bản thân. Cô bật cho chúng tôi nghe lại album của chính mình trong căn hộ, không phải để khoe khoang, mà là để một lần nữa hoàn chỉnh các bài hát. Cô nhún vai thừa nhận: “Tôi phải viết đến cả trăm bài hát trước khi chọn ra vài bài cho album. Tôi nghe lại chúng hết lần này sang lần khác. Và rồi tôi sửa đổi cho đến khi mọi thứ thật hoàn hảo. Tôi cứ làm như thế mỗi ngày cho đến khi chúng tuôn trào ra như máu ở đầu ngón tay”.
Ngồi giữa không gian âm nhạc của chính mình, Lady Gaga hé lộ thêm cho tôi biết cô đang cùng ê-kíp của mình hoàn thiện Artpop, một ứng dụng cho phép người hâm mộ có thể dùng những bài hát trong album cùng tên để tạo ra những bản nhạc mới, hoặc có thể tạo ra các mô hình chỉ với một ngón tay. Tuy vậy, cô có vẻ không quá quan tâm tới các vấn đề kinh doanh. Album vừa hết, cô lại đứng bật dậy: “Một lần nữa nhé!” rồi bắt đầu nhảy say mê theo các giai điệu. Một khi Lady Gaga đã nhảy múa, thì mọi điều khác đều sẽ phải chờ.
Nhóm thực hiện
Thực hiện P. H - Minh họa Dzũng Yoko - Ảnh Corbis, Tư Liệu