Thời trang / Thế giới thời trang

Fashion4Freedom và hành trình từ làng nghề truyền thống đến với ELLE Fashion Journey 2018

Fashion4Freedom nổi tiếng với những sản phẩm thời trang mang giá trị thủ công truyền thống song song với các phương thức tận dụng nguyên liệu thừa từ ngành công nghiệp thời trang. Tới với ELLE Fashion Journey 2018, BST dành cho nam giới mang tên "Reclamation" sẽ được giới thiệu.

Fashion4Freedom và hành trình từ làng nghề truyền thống đến với ELLE Fashion Show 2018

Fashion4Freedom với sự chung tay của ba người phụ nữ: Nguyễn Lan Vy, Lê Thị Châu Quỳnh và Victoria Ho và đã xây dựng được chỗ đứng riêng trên thị trường thời trang quốc tế. Thời trang zero-waste là một trong những cách tiếp cận xu hướng thời trang bền vững. Fashion4Freedom dùng lại những sản phẩm thừa bị bỏ đi, tái tạo nó theo cách mới và đưa vào BST. 70% vải dùng trong BST trình diễn tại ELLE Fashion Journey 2018 sắp tới của Fashion4Freedom được dệt từ chỉ thừa bị bỏ đi. Thương hiệu này thu mua về, sau đó đưa đến các làng nghề để dệt thành vải.

Một số thương hiệu thời trang trên thế giới chọn cách tiêu hủy hàng tồn, đốt vải, chỉ thừa nhưng Fashion4Freedom cố gắng tìm lại những sản phẩm thừa đó và tái sử dụng. Đó cũng là lý do BST của Fashion4Freedom sẽ có nhiều màu sắc nổi bật hơn.

Chào chị Lan Vy! Con đường chị đến với thời trang và quay trở về Việt Nam làm việc đã diễn ra như thế nào?

Trước đây, tôi từng làm việc trong lĩnh vực tài chính khoảng 10 năm. Cái duyên đến với thời trang khá tình cờ. Năm 2007, khi về Việt Nam, mục đích ban đầu của tôi và đồng nghiệp là đầu tư xưởng may mặc theo hướng thời trang bền vững bằng cách giảm lượng khí CO2 thải ra từ các nhà máy. Khi đến thăm các làng nghề truyền thống, tôi bắt đầu có hứng thú tìm hiểu nhiều hơn và dần trở thành đam mê.

Thiết kế và thời trang chỉ là một phần của Fashion4Freedom. Mục đích chính của chúng tôi là liên kết khách hàng với làng nghề. Chúng tôi xây dựng một nguồn quỹ để giúp đỡ nghệ nhân có đủ điều kiện cơ bản để phát triển ngành nghề của họ. Ví dụ như xây sàn nhà chống lụt, cung cấp laptop, điện thoại… Đổi lại, trong thời gian 3 năm, làng nghề đó phải giúp đỡ những làng nghề khác để cùng tạo ra nhiều sản phẩm hơn để đóng góp cho xã hội. Bằng cách đó, chúng tôi đã xây dựng thành công khoảng 100 làng nghề.

fashion4freedom ntk lan vy 1
Nhà thiết kế Nguyễn Lan Vy

Đối tượng khách hàng chủ yếu của thương hiệu là những ai?

Sản phẩm hiện tại của chúng tôi được xuất đi hơn 42 quốc gia trên thế giới. Đối tượng khách hàng chủ yếu là người nước ngoài và cũng có cả người Việt. Không phải người Việt chưa hiểu được giá trị của sản phẩm mà đó một phần do cách làm thương hiệu của tôi. Tôi thường dành thời gian làm việc với những người thợ ở vùng quê nên không có nhiều hoạt động quảng bá, truyền thông ở Việt Nam. Khách hàng nước ngoài biết đến thương hiệu phần lớn nhờ vào sức ảnh hưởng của đôi giày rồng.

Vậy thì có thể nói giày rồng là sản phẩm “xương sống” của Fashion4Freedom?

Sự thành công của giày rồng khá bất ngờ, hoàn toàn nằm ngoài dự tính của tôi. Đôi giày này gắn với kỷ niệm giữa tôi và bà cố. Bà mất lúc tôi 5 tuổi nhưng tôi vẫn còn nhớ hình ảnh bà mang đôi guốc gỗ yêu thích mỗi khi cảm thấy vui. Khi đến thăm làng nghề chạm guốc, tôi lại nhớ đến tiếng guốc của bà và tự hỏi vì sao những đôi guốc chạm khắc tinh xảo như xưa lại không còn nữa.

Tôi quyết định đưa chúng quay trở lại. Sau quá trình tìm hiểu, tôi hiểu rằng đôi guốc gỗ cần được thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đạt, đồng thời phải giữ được độ bền và đạt một số tiêu chuẩn nhất định khi xuất sang nước ngoài. Sau 18 tháng, chúng tôi mới cho ra đời đôi giày rồng đầu tiên. Thành công của giày rồng có lẽ đến từ việc nó chạm đến trái tim của mỗi người, làm một phần ký ức được sống lại. Khi họ tìm thấy câu chuyện của chính mình trong một sản phẩm nào đó, đó chính là sự liên kết trong thời trang.

Một niềm vui gần đây nhất là giày rồng được trao giải tại cuộc thi thiết kế của Đức (Germany Design Awards). Đây là giải thưởng dành riêng cho NTK người Đức hoặc gốc Đức. Nhưng họ vẫn dành giải thưởng riêng cho các thiết kế khiến họ ấn tượng.

Theo chị, điều làm khách hàng nước ngoài trân quý nhất ở ngành nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam là gì?

Đó chính là vải. Vải của dân tộc H’Mông và vải dzèng rất được yêu thích. (Vải dzèng là loại vải truyền thống của bà con dân tộc Tà ôi, Pacô, Cơtu ở 2 huyện Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế). Ví dụ như vải dzèng, các hạt trên bề mặt không phải được đính kết lên mà được dệt trực tiếp vào vải nên chất liệu thường khá dày và khó cắt). Điều này khiến khách hàng nước ngoài cảm thấy tò mò và muốn khám phá bí mật đằng sau những tấm vải này. Sau đó, họ muốn tìm hiểu cặn kẽ hơn về làng nghề ở Việt Nam.

Sống ở nước ngoài đã lâu trước khi quay về Việt Nam làm việc. Chị có gặp khó khăn hay rào cản nào không?

Khó khăn nhất của tôi là thay đổi suy nghĩ “cần gì có đó”. Khi tôi ở New York, rất dễ tìm được nguồn nguyên liệu mình muốn. Nhưng khi về Việt Nam, việc này trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, tiếng Việt của tôi còn khá bập bẹ nên đôi khi không thể nói cho người khác hiểu được ý muốn của mình.

Tuy nhiên, trong khó khăn tôi lại tìm thấy cơ hội. Ví dụ như khi may vest, tôi không thể tìm được một chiếc cúc áo không có khắc chữ “fashion” vì hầu như nó đã trở thành một “biểu tượng” khó thay đổi. Nhưng sau đó, tôi nghĩ đến việc dùng vỏ dừa để thay thế. Thời gian đầu, những người trong làng nghề chưa tìm thấy cơ hội phát triển vì cho rằng không ai có nhu cầu mua sản phẩm của họ. Nhưng khi tôi tìm đến và trình bày ý tưởng, biết được nguyên liệu của mình có thể tạo ra sản phẩm, họ cảm thấy rất vui.

fashion4freedom ntk lan vy 2
NTK Lan Vy gặp không ít khó khăn khi quay trở về Việt Nam và bắt đầu công việc với thời trang.

Theo đuổi xu hướng thời trang bền vững kết hợp yếu tố văn hóa, duy trì làng nghề thủ công là những tiêu chí phù hợp với ELLE Fashion Journey. Cảm xúc của chị khi lần đầu tham gia trình diễn tại ELLE Fashion Journey là gì?

Khi nhận được lời mời trình diễn tại ELLE Fashion Journey, tôi vô cùng bất ngờ. Vì Fashion4Freedom là thương hiệu thời trang có cách hoạt động không giống với đa số thương hiệu khác. Với tôi, thời trang không đơn thuần là trang phục mặc hàng ngày mà còn chứa đựng trong đó giá trị nghệ thuật, yếu tố lịch sử.

Tôi cảm thấy rất vui vì có cơ hội tham gia ELLE Fashion Journey năm nay. Ở nước ngoài, có nhiều chương trình về thời trang bền vững nhưng ở Việt Nam, tạp chí Phái đẹp ELLE tiên phong trong việc tổ chức buổi diễn hoành tráng, dành riêng cho đề tài này.

Chị hãy chia sẻ thêm về nguồn cảm hứng thiết kế BST của Fashion4Freedom mang tới ELLE Fashion Journey?

BST lần này nói riêng và ý tưởng thời trang của Fashion4Freedom nói chung là kết hợp giữa thời trang và những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử và về con người, dân tộc Việt Nam. BST mang tên “Reclamation” lần này và những BST trong tương lai cũng sẽ đi theo định hướng đó. Đặc biệt là với truyền thống dệt vải dzèng có hơn 700 năm tuổi. Tôi muốn dùng những yếu tố mới mẻ của thời trang để mang những giá trị truyền thống quay trở lại.

BST lần này lấy cảm hứng từ cung đình Huế kết hợp cùng kỹ thuật thêu ruy băng. Cảm hứng này sẽ dàn trải cả BST hay mỗi thiết kế lại mang ý tưởng khác nhau?

Mỗi thiết kế có sự kết hợp của nhiều nghệ sĩ, từ nhiều làng nghề nên sẽ kể một câu chuyện riêng. Tôi muốn mang những gì nổi bật nhất của làng nghề lên sàn diễn lần này. Tuy nhiên, các thiết kế sẽ được tinh giản hơn khi đưa đến tay khách hàng để đảm bảo tính ứng dụng và sự thoải mái.

fashion4freedom ntk lan vy 3
BST “Reclamation” sẽ tái hiện kỹ thuật dệt vải dzèng truyền thống của người dân tộc Tà ôi ở Huế.

Sau gần 10 năm phát triển thương hiệu, chị hài lòng với điều gì trên hành trình này?

Có thể góp phần nhỏ mang nền văn hóa, thời trang Việt Nam đến gần hơn với quốc tế là niềm vui của tôi. Bây giờ, người ta có thể nhớ đến giày rồng nhiều hơn hình ảnh hay cái tên Nguyễn Lan Vy. Nhưng tôi vẫn hài lòng vì điều đó. Giày rồng là thành quả của nhiều nghệ nhân. Nếu không có họ, đôi guốc ấy sẽ không có hồn và sự gắn kết lớn đến vậy.

Chị có thể chia sẻ một chút về dự định trong tương lai của mình?

Tôi đang tìm hiểu phương thức dệt vải từ vỏ cây, lá cây trên đồng ruộng của những người nông dân. Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh thời trang bền vững. Tháng 12 tới, tôi sẽ gặp đại diện của Pi.eco, tổ chức chuyên vớt rác thải ni lông trên biển để dệt vải. Nếu sự kết hợp này có thể diễn ra, tôi tin rằng sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm ý nghĩa hơn nữa.

BST lần này sẽ tới tay của Leo Cerda (Leonardo Dicabrio), người thuộc viện bảo tồn biển Amazon. Anh ấy cũng có một tổ chức riêng chuyên trồng lại cây ở Amazon và giúp đỡ các dân tộc ở đó. Chúng tôi cảm thấy có sự tương đồng trong cách thức làm việc là sống chung với những người dân tộc để giúp đỡ họ bảo tồn làng nghề và bảo vệ môi trường. Leo Cerda đang tham khảo cách làm làng nghề ở Huế của chúng tôi để áp dụng cho dân tộc Hakhu ở Amazon. Đổi lại, như một cách để hỗ trợ, anh ấy sẽ giới thiệu chúng tôi đến Hollywood nếu thấy sản phẩm phù hợp.

Cảm ơn chị Vy về những chia sẻ. Chúc chị có buổi trình diễn thành công cùng ELLE Fashion Journey 2018.

Cảm ơn SI ANTIQUE DECOR – 36 Lê Công Kiều, Quận 1 đã hỗ trợ địa điểm để chúng tôi thực hiện video này.

ELLE Việt Nam chân thành cảm ơn đơn vị đồng hành VinFast, Aquafina, Shiseido, Singleton, White Palace, The Myst Đồng Khởi; đối tác e-commerce Robins.vn; đối tác hình ảnh DAINGO studio; đối tác sản xuất Viet Vision; đơn vị hỗ trợ làm tóc L’Oréal Professionnel, M by Chí Tâm.

Xem thêm:

Nguyễn Hoàng Tú mang những thiết kế đặc biệt nhất trở lại ELLE Fashion Show 2018

Nhà thiết kế Tăng Thanh Hà sẽ trình diễn bộ sưu tập tại ELLE Fashion Show 2018

Nhà thiết kế Tom Trandt mang BST làm từ “rác thời trang” trình diễn tại ELLE Fashion Show 2018

Nhóm thực hiện

Bài: THÙY TRANG, THÙY DUNG Hình ảnh & Video: BÁ DUY, HOÀI MINH, QUỐC NAM Video có sử dụng tư liệu Fashion4Freedom cung cấp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)