Hoàng hôn trên chùa Shwesandaw
Tôi đến thành cổ Bagan vào trưa cuối cùng của năm cũ, sau khi đã lang thang từ hồ Inle cho đến những thị trấn đã hao mòn bởi năm tháng ở Mandalay. Xe khách đưa tôi xuyên qua những con phố cũ kỹ nhỏ hẹp, khói bụi phủ mờ ô cửa kính và cuối cùng dừng lại ở New Bagan. Không náo nhiệt như Nyaung-U, không âm u cô tịch như thành cổ Bagan, New Bagan sạch sẽ, mới mẻ và thân thiện hơn. Năm 1990, chính phủ quy hoạch khu vực này và di dời một ngôi làng từ thành cổ Bagan đến sinh sống. Khi du lịch phát triển, New Bagan trở nên sầm uất tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn và dịch vụ.
Khách sạn tôi ở xây theo kiểu nhà truyền thống Miến Điện, nằm trong một con phố nhỏ gần trung tâm. Chính giữa lối vào là một khu vườn nhỏ được trồng cây xanh rợp, hai bên là dãy phòng đơn giản và tương đối sạch sẽ. Ở cùng phòng tôi là một cô gái người Đức, vừa tròn 20 tuổi. Sau vài câu chuyện trò làm quen, chúng tôi thống nhất đi thành cổ Bagan ngắm mặt trời lặn ngay chiều hôm ấy. Tầm 4 giờ chiều, cái nóng đã dịu đi, không khí bớt đặc quánh bụi bặm như ban trưa. Chúng tôi thong thả đi bộ ra con đường trung tâm, hỏi thuê một chiếc xe điện ngộ nghĩnh.
Từ New Bagan đến thành cổ Bagan khoảng 5 cây số. Nắng vàng ruộm những con đường, soi tỏ những hạt bụi lơ lửng trong không gian. Lena, cô bạn cùng phòng tôi có đôi mắt xanh như bầu trời và gương mặt lấm tấm tàn nhang, thích thú giành chở bởi đây là lần đầu tiên cô được lái xe điện. Chúng tôi vụt qua con đường nhựa nối hai khu vực rồi bắt đầu chầm chậm tiến vào lối đất đỏ, nơi hiện hữu di tích cổ. Không ai nói với ai, nhưng cả hai chúng tôi đều có cùng tâm trạng hồi hộp và hân hoan khó tả, bởi chúng tôi sắp tận mắt khám phá một trong những di sản kỳ diệu nhất của con người.
Thành cổ Bagan từng là thủ đô của Myanmar trong suốt 230 năm (giữa thế kỷ XIII và XIV). Hiện nơi đây còn lưu giữ được hơn 2.000 ngôi đền chùa. Dưới thời Vua Anawrahta thế kỷ 9, Bagan là thành phố phát triển thịnh vượng, rộng lớn và rất hùng vĩ, trở thành một trung tâm lý tưởng để nghiên cứu tôn giáo và thế tục. Thời hoàng kim của Bagan kết thúc năm vào 1287 khi vương quốc bị quân Mông Cổ xâm lược. Hàng ngàn ngôi đền rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Rất nhiều trong số đó đã không còn tồn tại với thời gian. Một số khác bị phá hủy bởi thiên tai, điển hình là trận động đất lịch sử vào tháng 8 năm 2016.
Nơi ngắm hoàng hôn lý tưởng nhất là chùa Shwesandaw, được xây vào năm 1057 với 5 tầng phía dưới và chóp phía trên. Mới còn sớm nhưng khách du lịch đã chật kín những vị trí đẹp nhất hướng về phía mặt trời. Nắng chói chang vàng như mật ong phủ kín cả vùng thành cổ Bagan. Ít phút sau, trải rộng trước mắt tôi là một bức tranh huyền bí với sự phối hợp tuyệt vời của màu sắc. Màu đỏ gạch của những ngôi đền lấp ló giữa khoảng xanh mướt của cây cối, dưới bầu trời vằn vện những những quầng mây xám tựa như bọt sóng rồi bất ngờ chuyển sang sắc tím mê man. Chúng tôi ngẩn ngơ, lặng nhìn theo những vệt sáng đang lịm dần vào màn đêm tối sẫm. Ánh đèn vàng chiếu ra từ vài ngôi đền chính, tỏa sáng ma mị như những vầng hào quang.
BÀI LIÊN QUAN
Đón giao thừa ở New Bagan
Chúng tôi mặc áo gió, quấn khăn co rúm người chạy xe về lại New Bagan. Những đền đài mới vừa rồi còn hùng vĩ giờ trở nên hoang vu lạnh lẽo trong màn đêm chập choạng. Chúng tôi vừa đi vừa cười đùa để xua tan những tưởng tượng kinh dị cứ chực nhen nhóm trong đầu. New Bagan đã lên đèn rực rỡ, tấp nập người qua lại. Chúng tôi chọn một nhà hàng địa phương có những chiếc bàn gỗ sơn nhiều màu sắc cùng ghế mây xinh xắn. Bữa ăn tối trong đêm cuối cùng của năm cũ ngoài tôi và Lena còn có Andre, một cậu nghệ sĩ trẻ người Brazil và Caitlin từ New Zealand. Những câu chuyện cứ nối tiếp nhau miên man. Lena trẻ trung tươi mới háo hức kể về những vùng đất đẹp mê hồn ở Đông Nam Á. Andre bay bổng và lãng mạn, ấp ủ nhiều dự án nghệ thuật nhưng lại thiếu tự tin vào bản thân.
Bàn ăn được dọn ra gồm cơm, món salad lá trà tôi vô cùng yêu thích, món cà ri chay cùng rất nhiều đĩa nhỏ đựng những món ăn nhẹ như cải chua, cá kho, đậu ván xào… trông phong phú như bàn ăn của người Hàn Quốc. Một trong những món ngon đặc biệt nhất của người Myanmar chính là lá trà lên men. Những lá trà này được sử dụng để chế biến món salad và được dùng để ăn vặt, khai vị hay ăn cùng với cơm. Lá trà cũng có thể làm món cơm rang, món khoái khẩu mà ngày nào tôi cũng phải ăn khi ở Yangon. Chúng tôi không quên gọi một chai rượu vang đặc biệt của Myanmar có xuất xứ từ hồ Inle. Hương vị đậm đà từ gia vị Myanmar quyện với vị cay nồng của rượu vang khiến bữa ăn tối thêm đầm ấm và rộn ràng, không khí thân thiết tựa như một gia đình. Gần khuya, mọi người tập trung trên sân thượng của một hostel. Không khí náo nhiệt với tiếng người và nhạc DJ đối lập với vẻ trầm tư ban chiều. Đúng 12 giờ, pháo hoa được đốt sáng rực rỡ. Chúng tôi dù quen hay lạ cùng nâng ly và chúc mừng năm mới. Hạnh phúc lan tỏa và kết nối hàng trăm trái tim hân hoan.
Bình minh ngày đầu năm mới
Đêm ấy chúng tôi bên nhau nhảy múa đến quên cả thời gian, khi tiệc tàn cũng là lúc 3 giờ sáng. Trăng và sao vằng vặc lấp lánh giăng đầy trời. Tôi và Lena quay về khách sạn, thiếp đi và bừng tỉnh vào lúc 5 giờ sáng. Myanmar lúc ấy là mùa Đông, sương sớm cộng thêm gió thổi buốt tận xương. Không muốn bỏ lỡ bình minh đầu tiên của năm mới, chúng tôi mặc áo ấm rồi lên xe điện lao vút đi trong bóng tối chập choạng. Lần này, tôi và Lena chọn một ngôi đền nhỏ không tên, cách xa khu đông khách du lịch nhưng vẫn có tầm nhìn khắp một khu thành cổ. Theo tập tục của người Myanmar, khi bước vào trong đền, chúng tôi phải bỏ hết giày dép ở phía ngoài. Chúng tôi bước đi trên nền đất lạnh ngắt, leo lên tận tầng tháp trên cùng. Không gian u tịch nhưng bình yên vô cùng với một màu đen thẫm. Ngay lúc đó, nỗi nhớ nhà bỗng xâm chiếm lấy toàn bộ cơ thể và tâm trí.
Rồi khoảng trời trước mắt dần hừng sáng, những tia nắng đầu tiên bắt đầu ló dạng xuyên qua lớp sương dày phủ lên thành cổ Bagan. Những chóp của tòa đền tháp dần hiện lên trong mây. Đó là một cảnh tượng vô cùng huyền ảo, như mơ, như thực. Chúng tôi nín thở trước kỳ quan siêu nhiên này, một nỗi xúc động trào dâng trong lòng, bởi bất ngờ quá đỗi, bởi tôi không thể dùng từ nào để có thể tả hết cảnh đẹp trước mắt. Mặt trời như quả lòng đỏ trứng gà khổng lồ, lấp ló phía chân trời và dần lên cao. Trời càng sáng, màn sương càng mỏng hơn, đền tháp dần hiện lên rõ hơn. Xa xa là con đường mòn, bụi cuộn tròn tung lên bởi vó ngựa. Lần đầu tiên, tôi thấy mình mơ hồ về lằn ranh của quá khứ, hiện tại và tương lai. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận rõ nhất sự ngưng đọng của thời gian và không gian. Tôi thấy mình tan ra và hòa vào những hạt bụi lãng đãng bay khắp thành cổ. Tôi đã không ngờ rằng mình ngơ ngẩn đến thế khi mặt trời nhuộm hồng cả khoảng trời, những quả khinh khí cầu chậm rãi bay lên không trung hòa với hàng ngàn ngôi đền cổ trên nền đất đỏ Bagan, bay về phía mặt trời. Cô bé người bán rong người Miến Điện ngồi bên cạnh bất chợt quay sang nhìn tôi mỉm cười, đôi má được bôi phấn Thanaka tạo hình chiếc lá thoáng ửng hồng. Chợt một chiếc lông chim bồ câu ở đâu đậu nhẹ trên vai áo. Tôi ướm lên mặt trời rực rỡ và thầm ước nguyện một năm mới bình an.
—
Xem thêm
Khám phá 7 thác nước đẹp kỳ vĩ trên thế giới
5 quán cà phê nên ghé khi tới Barcelona
Nhóm thực hiện
Bài: Quỳnh Hương Hình ảnh: Quỳnh Hương, Dương Phạm, Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE