Nói lời xin lỗi là cách chúng ta thể hiện sự tôn trọng đối với người chúng ta làm tổn thương cũng như mong muốn thay đổi bản thân vì những điều tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt được hiểu quả và chạm đến đối phương, lời xin lỗi của bạn không chỉ đơn giản là lời nói thể hiện cảm xúc hối hận.
Theo một nghiên cứu năm 2016 có tên Sự đàm phán và cách kiểm soát xung đột, một lời xin lỗi hiệu quả cần phải bao gồm 6 yếu tố sau:
- Thể hiện cảm giác hối hận
- Lý giải cho lối cử xử của mình
- Thừa nhận trách nhiệm
- Khẳng định sự hối lỗi
- Đề nghị được thay đổi
- Xin được tha
Cũng theo tiến sĩ Jennifer Thomas – đồng tác giả cuốn sách Khi lời xin lỗi là không đủ, có 5 ngôn ngữ xin lỗi khác nhau gồm: thể hiện sự hối hận, thừa nhận trách nhiệm, sự bù đắp cho lỗi lầm, sự ăn năn và xin được tha thứ. “Lời xin lỗi có ý nghĩa khác nhau đối với từng cá nhân và hoàn cảnh, vì vậy, ngôn ngữ khi nói lời xin lỗi cùng khác nhau. Ví dụ, khi bạn nói rằng bạn đã sai và bạn xin lỗi, cách nói này sẽ chạm tới 77% hầu hết mọi người, tuy nhiên, 23% còn lại thì muốn nghe những điều khác nữa. Đó là lý do tại sao chúng ta có tới 5 ngôn ngữ xin lỗi khác nhau”.
Vì thế bạn nên thay đổi lời xin lỗi của mình theo từng đối tượng khác nhau để lời xin lỗi của bạn được cảm thông và chấp nhận. Sau đây là một số cách nói lời xin lỗi dành cho những người quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Xin lỗi người yêu
“Duy trì những kết nối về mặt cảm xúc là chìa khoá cho một mối quan hệ bền lâu. Vì vậy, việc nói lời xin lỗi và mong muốn tha thứ là điều hết sức quan trọng. Lời xin lỗi có nghĩa rằng bạn không đổ lỗi cho những mâu thuẫn giữa cả hai” – theo Amy Morin, tác giả cuốn 13 điều mà người có tinh thần mạnh mẽ không làm.
Amy cũng chia sẻ rằng thay vì nói “Xin lỗi vì đã khiến anh/em cảm thấy như vậy” thì hãy nói rằng “Xin lỗi anh/em vì đã lên giọng như thế” vì cách nói này thể hiện rằng bạn nhận trách nhiệm cho những hành động của mình.
Thomas cũng nói rằng bạn cần phải thể hiện rõ cho người ấy thấy sự chân thành trong lời xin lỗi của bạn. Đồng thời, bạn cũng nên nói rằng bạn sẽ thay đổi vì cả hai. Thomas nói rằng việc này sẽ cho họ thấy được bạn đang mong muốn về một tương lai tốt đẹp bên nhau.
Xin lỗi đồng nghiệp
Khi mắc sai lầm trong môi trường làm việc, điều hầu hết mọi người hướng tới là kết quả công việc và người ta thường không dành nhiều thời gian để quan tâm và hiểu vấn đề của bạn. Nói đơn giản, khi bạn mắc lỗi và làm việc không hiểu quả, bạn sẽ nhanh chóng bị thay thế. Vì vậy, lời xin lỗi sẽ liên quan đến việc bạn có còn tiếp tục được người khác tín nhiệm và giao việc tiếp hay không. Vì vậy, điều quan trọng trong lời xin lỗi đồng nghiệp chính là giành lại được sự tin tưởng.
Theo Thomas, có 40% người muốn nghe thấy đối phương nói rằng họ đã sai và 40% người khác muốn nghe được câu “tôi xin lỗi”. Vậy nên, một lời xin lỗi đồng nghiệp nếu bao gồm 2 yếu tố này sẽ đảm bảo chắc chắn 80% người khác sẽ cảm thấy sẽ đồng cảm.
Morin cũng khuyên rằng khi xin lỗi đồng nghiệp, hãy cố gắng giữ mọi chuyện chỉ giữa hai người. “Đừng đổ lỗi cho sếp, cho công ty hay cho hoàn cảnh vì hành vi của bạn bởi bạn cần phải cho họ thấy rõ rằng bạn là người chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình”.
Xin lỗi bạn bè
“Khi xin lỗi bạn bè, bạn có thể đề nghị được bù đắp cho những gì bạn đã làm sai. Cho dù thực tế rằng chúng ta không thể xóa đi những gì mình đã làm nhưng lời đề nghị này sẽ cho thấy bạn tôn trọng mối quan hệ này và cố gắng thay đổi vì nó” – Morin gợi ý.
Điều mà bạn bè muốn thấy chính là thái độ trân trọng và mong muốn được duy trì tình bạn lâu dài của chúng ta. Vì thế, lời khuyên của Morin cũng chính là việc thực hiện ngôn ngữ xin lỗi thứ 3 trong danh sách của Thomas – bù đắp cho sai lầm.
Xin lỗi bố mẹ
Theo nghiên cứu của Thomas, khi xin lỗi người khác, mọi người thường có xu hướng mắc phải 3 lỗi sau: Họ đổ lỗi, họ bào chữa và họ tìm cách phủ nhận lỗi lầm của mình. Và đặc biệt là khi xin lỗi bố mẹ mình.
Điều mà người khác tìm kiếm trong lời xin lỗi chính là sự thừa nhận lỗi lầm chứ không phải là lý do chúng ta khiến họ thất vọng. Morin phân tích: “Bố mẹ bạn biết rằng bạn không hoàn hảo và họ cũng biết rất rõ những điểm chưa tốt của bạn. Vì vậy, đừng tìm cách biện hộ cho lỗi lần của bản thân đối với bố mẹ mình”. Vì vậy, một lời xin lỗi gửi tới bố mẹ cần phải thể hiện được sự hối hận và mong muốn nhận được sự tha thứ.
Bạn cũng nên nói rằng bạn sẽ thay đổi lối cư xử để cho bố mẹ thấy rằng bạn thực sự hối hận về hành động của mình.
Xin lỗi trẻ em/con cái
Những lời xin lỗi cũng có rất nhiều ý nghĩa đối với trẻ nhỏ bới cách chúng ta nói lời xin lỗi cũng chính là cách trẻ em học xin lỗi. Vì vậy, bản thân bạn cần phải tạo ra một ví dụ tốt để trẻ em noi theo.
Morin nói rằng việc thể hiện sự hối hận chính là điều quan trọng nhất cho một lời xin lỗi với trẻ nhỏ. Trong lời xin lỗi, bạn cũng nên thể hiện rõ rằng bạn nhận trách nhiệm với hành động của mình và mong muốn sửa đổi cho lần sau.
Xin lỗi anh/chị em
Đối với anh chị em trong nhà, Thomas cho rằng việc bạn thực sự nói lời xin lỗi với họ cũng đã giúp cả hai cởi mở được những mâu thuẫn. “Lời xin lỗi đơn giản cũng đủ để anh/chị em của bạn biết rằng bạn không đổ lỗi, biện hộ hay chối bỏ sai lầm của mình. Sau đó, bạn có thể chọn bất kì ngôn ngữ xin lỗi nào để giúp họ hiểu và thông cảm cho bạn hơn” – Thomas chia sẻ thêm.
Đối với anh em trong nhà, họ là những người cùng lớn lên dưới một mái nhà và những cuộc cãi vã là không hề ít. Vì vậy, lời xin lỗi dành cho anh chị em của bạn cần thể hiện được sự tôn trọng bạn dành cho họ.
Morin cũng nhắc nhở rằng bạn nên tránh việc lôi những chuyện cũ ra nói hay nhắc cho họ nhớ về những lần họ cũng đã khiến bạn tổn thương. Bạn cần tập trung vào những gì đang xảy ra ở hiện tại và thành thật xin lỗi về sai lầm của mình.
—
Xem thêm
Điểm tin thời trang: Prada xin lỗi về món đồ lưu niệm chú khỉ thiếu tế nhị
Các nàng mong muốn các chàng xin lỗi bạn gái như thế nào?
Nhóm thực hiện
Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE Bài: TN Tham khảo: TIME magazine