NTK Rei Kawakubo sẽ được vinh danh tại lễ trao giải Isamu Noguchi, giải thưởng uy tín về nghệ thuật tại Bảo tàng Isamu diễn ra vào tháng 5 tới. Ngoài ra, tin thời trang đáng mong đợi dành cho những yêu mến Gabrielle Chanel và nhà mốt Pháp, chương 25 của chuỗi phim Inside Chanel đã ra mắt, tái hiện lại hành trình vượt biển Atlantic mang tính lịch sử của NTK.
Rei Kawakubo là NTK đầu tiên nhận giải thưởng Isamu Noguchi
Giải thưởng Isamu Noguci dành cho những cá nhân kế thừa đam mê sáng tạo, ý thức trách nhiệm toàn cầu cùng tinh thần giao lưu văn hóa Đông – Tây của Isamu Noguchi, một NTK, nhà điêu khắc tài ba của thế kỷ 20. Mới đây, Rei Kawakubo, nhà sáng lập thương hiệu Comme des Garçons và đồng sáng lập Dover Street Market, đã chính thức trở thành NTK đầu tiên nhận được giải thưởng danh dự này.
Ngoài thời trang, Kawakubo còn tham gia thiết kế đồ họa, quảng cáo, nội thất trong các cửa hàng và xem đó là một phần không thể tách rời trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm của Kawakubo xuất hiện trong rất nhiều triển lãm. Đặc biệt hơn, bà là một trong hai nghệ sĩ duy nhất có buổi triển lãm solo tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (năm 2017) ngay khi còn sống.
“Tôi không phải là một nghệ sĩ, kỹ sư hay nhà thiết kế. Tôi chỉ không ngừng tìm tòi những điều chưa từng tồn tại và giới thiệu chúng đến mọi người. Thật khó để khám phá điều mới mẻ mà không có sự thỏa hiệp nào. Tôi luôn phải đấu tranh với những quan điểm bảo thủ. Tôi nhớ Noguchi từng bị từ chối ở Osaka World Fair năm 1970 chỉ vì điều ông giới thiệu “quá mới”. Tôi hiểu cảm giác đó và đang nỗ lực nhiều hơn nữa”, NTK Rei Kawakubo chia sẻ.
Kawakubo từng nhận Giải thưởng Quốc tế của Tập đoàn thời trang năm 1986 và Giải thưởng Thiết kế Xuất sắc của Trường Đại học Harvard năm 2000. Năm 1993, bà được Chính phủ Pháp trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ nghệ thuật. NTK sẽ được vinh danh tại Lễ trao giải Isamu Noguci, diễn ra tại Bảo tàng Noguchi vào ngày 2/5 tới.
BÀI LIÊN QUAN
Inside Chanel ra mắt chương 25: Gabrielle Chanel Goes West
Inside Chanel là chuỗi phim ngắn hé mở những câu chuyện ít người biết về Gabrielle Chanel và thương hiệu Pháp. Bắt đầu từ chương 1 với tên gọi No.5, series như quyển hồi ký tái hiện cuộc đời cũng như di sản thời trang của NTK.
Chương 25: Gabrielle Chanel Goes West (tạm dịch: Hành trình tiến về phương Tây của Gabrielle Chanel) kể về chuyến vượt đại dương Atlantic đầu tiên của bà vào năm 1931. Tại đây, Gabrielle Chanel đã viết nên một trang sử mới không chỉ đối với sự nghiệp thiết kế mà còn cho thời trang ở Mỹ.
Nước Mỹ yêu quý Chanel, Hollywood khao khát Chanel. Với nhà sản xuất lừng danh Samuel Goldwyn, Chanel là người duy nhất có thể thay thế một Hollywood hào nhoáng bằng cảm hứng thiết kế gắn liền với đời sống dành cho các ngôi sao, dù họ xuất hiện trên màn ảnh hay trên đường phố. Đặt chân đến Mỹ, Chanel được nữ minh tinh Greta Garbo tiếp đón và trở thành chủ đề được quan tâm nhất vào thời điểm đó. Báo chí gọi đây là “cuộc gặp gỡ giữa hai nữ hoàng”.
Trong mắt người yêu thời trang ở Mỹ lúc bây giờ, Chanel toát ra sức hút khó cưỡng cả về phong cách lẫn thần thái tự tin cùng khiếu hài hước tuyệt vời. Dù kinh tế suy thoái, Chanel vẫn gặt hái thành công ở cả phương diện doanh số và hiệu ứng truyền thông. Danh sách khách hàng ngôi sao của bà phải kể đến Barbara Weeks, Madge Evans, Gloria Swanson, Marlene Dietrich, Elizabeth Taylor, Jane Fonda, Jean Seberg và cả Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy. Tuy nhiên, khi Hollwood khước từ các thiết kế “quá sạch sẽ” của bà, “bà đầm” đã không thỏa hiệp mà chọn cách rời đi.
Theo Vanity Fair, Chanel là “người đầu tiên đưa yếu tố hiện đại vào thời trang”. Năm 1954, trong khi giới mộ điệu Pháp quay lưng với sự trở lại của NTK 71 tuổi, tín đồ thời trang ở Mỹ vẫn dành cho bà sự ngưỡng vọng. Báo chí viết: “Ở tuổi 71, hơn cả thời trang, Gabrielle Chanel đã tạo ra một cuộc cách mạng”. Năm 1957, Giải thưởng thời trang Neiman Marcus vinh danh Chanel là NTK ảnh hưởng nhất thế kỷ.
Không thể không nhắc đến sự gắn kết đặc biệt giữa Marilyn Monroe và chai nước hoa đầu tiên đầy tự hào của Chanel, Chanel No.5. Câu trả lời nổi tiếng của nữ minh tinh đã biến mùi hương này trở thành trang phục quyến rũ và đáng khao khát nhất. “Gabrielle Chanel, cô gái từng xem nước Mỹ là một huyền thoại, đã trở thành huyền thoại của chính nước Mỹ”.
—
Xem thêm:
Điểm tin thời trang: Tom Ford trở thành Chủ tịch của CFDA, Dior mang BST Haute Couture đến Dubai
Điểm tin thời trang: Những thông tin cập nhật mới nhất về mùa thời trang Resort 2020
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: WWD, Chanel