Là thiết kế kinh điển không ngừng được biến tấu qua mỗi mùa mốt, quần jeans còn là ví dụ điển hình cho tính xoay vòng của thời trang. Có bề dày lịch sử gần 150 năm, quần jeans trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn luôn là thiết kế không thể thiếu trong tủ đồ của cả hai phái. Cùng khám phá những điều ít người biết về món đồ thời trang quen thuộc này.
Về lịch sử
1. 20/5/1873 là sinh nhật của quần jeans xanh, đó cũng là ngày Jacob Davis và Levi Strauss & Co. nhận được bằng sáng chế cho thiết kế này.
2. Tên gọi vải denim xuất phát từ tên của một loại vải cứng gọi là serge, được sản xuất tại Nîmes, Pháp.
3. Chiếc quần đầu tiên có hai màu: xanh indigo (xanh chàm) và màu nâu để che bụi bẩn tốt hơn.
4. Quần jeans màu xanh trở nên phổ biến bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ khi những người lính Mỹ trong Thế chiến thứ 2 mặc khi làm nhiệm vụ.
5. Trong những năm 50, quần jeans màu xanh từng bị cấm ở một số nơi như trường học, nhà hát và nhà hàng vì chúng được xem là một hình thức nổi loạn.
6. Cửa hàng Limbo ở New York East Village là nơi đầu tiên giặt quần mới để tạo hiệu ứng sờn, cũ. Ngay lập tức, kiểu quần này trở thành xu hướng.
7. Levi Strauss là thương hiệu đầu tiên đính nhãn dán màu đỏ bên cạnh túi sau của quần.
8. Sợi màu cam Levi Strauss & Co. sử dụng để may quần jeans đã được đăng ký nhãn hiệu. Nó được dùng như một đặc điểm nhận dạng và để phù hợp với màu sắc của nút đinh tán bằng đồng.
9. Đinh tán được sử dụng trên quần jeans giúp làm chiếc quần chắc chắn hơn, nhất là ở phần túi. Lúc đầu, Levis Strauss & Co. đặt định tán ở tất cả túi trước và sau. Tuy nhiên, sau khi mọi người phàn nàn phần đinh ở túi sau làm trầy yên xe và ghế, nhà sản xuất đã bọc phần nút và sau đó là tháo chúng ra khỏi túi sau.
10. Trong khoảng thời gian quần jeans được mặc bởi những công nhân nhà máy, quần dành cho nam có khóa kéo phía trước. Trong khi đó, quần dành cho phụ nữ có khóa kéo bên hông.
Về quy trình sản xuất
11. 20.000 tấn chàm được sản xuất hàng năm chỉ để nhuộm quần jeans.
12. Hơn 50% denim được sản xuất tại châu Á, tập trung ở Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.
13. Gần 450 triệu quần jeans được bán ra ở Mỹ mỗi năm.
14. Loại quần skinny jean không được làm từ bông nguyên chất được làm từ một loại vải denim pha (thêm chất elastane) để tăng tính co dãn cho quần.
Về ngành công nghiệp sản xuất
15. 2 tỷ chiếc quần jeans được sản xuất mỗi năm.
16. Để sản xuất được một số lượng trang phục denim, 2,7 tỷ mét vải được dệt ra, đủ để cuộn vòng quanh trái đất 67 lần.
17. 1 chiếc quần jeans chỉ mất 15 phút để sản xuất.
18. 60 tỷ đô la Mỹ là tổng giá trị ngành công nghiệp sản xuất quần jeans đặt ra vào năm 2023.
19. Trên thế giới, Mỹ là thị trường tiêu thụ denim nhiều nhất, chiếm 39%. Về nhì là châu Âu 20%, thứ ba là Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 10%. Phần còn lại chiếm 21%.
20. Mỗi nhà máy có thể sản xuất trung bình 2.500 chiếc quần jeans mỗi ngày.
21. Nhật Bản là nơi duy nhất còn dệt và nhuộm denim thủ công, do đó mức giá lẫn chất lượng thuộc hàng cao nhất thế giới.
22. Một chiếc quần jeans từng phải tốn 42 lít nước để sản xuất nhưng ngày nay chỉ cần sử dụng ít hơn đến 96% lượng nước của trước kia.
23. “Eco-friendly” là xu hướng thời trang của tương lai. Có ít nhất 10 thương hiệu trên thế giới bao gồm Everlane, Patagonia… cam kết về tính thân thiện với môi trường trong cách sản phẩm denim của mình.
24. Theo thống kê, một người Mỹ có thể sở hữu đến 7 chiếc quần jeans xanh
25. Chiếc quần jeans đắt nhất thế giới thuộc về thương hiệu Secret Circus có giá 1,3 triệu đô la với kim cương trang trí quanh túi. Ngược lại, chỉ với khoảng 30 đô la, bạn đã có thể mua được một chiếc quần từ những thương hiệu như Gap, Zara, Uniqlo…
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: History of jeans