Nếu chẳng may một ngày thức dậy, bạn cảm thấy da đầu ngứa và đỏ rát. Cơn ngứa kéo theo cảm giác khó chịu cứ xảy ra thường xuyên khiến bạn gãi mãi và tóc xuất hiện những vảy trắng, hãy nghiêm túc nghĩ đến bệnh Eczema da đầu (hay còn gọi là chàm da đầu).
Eczema da đầu là gì?
Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh Eczema da đầu bao gồm da bị kích ứng, bong tróc (gàu), ngứa, đỏ hoặc đóng vảy da, các mảng da nhờn và xuất hiện rụng tóc. Chàm có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào trên cơ thể, từ khuỷu tay, bàn chân, mắt cá chân, đầu gối… và dĩ nhiên ngay cả da đầu. Eczema da đầu thường ít được quan tâm và nhận định sớm từ ban đầu, bởi nhiều người đơn giản nghĩ rằng những dấu hiệu trên chỉ đơn giản vì da đầu bị khô, dùng dầu gội không thích hợp hoặc có khi ai cũng bị giống mình.
Nguyên nhân gây chàm hiện nay chưa rõ, nhưng nhiều lý do bắt nguồn từ cơ địa dị ứng. Những người mắc chứng hen suyễn hay dị ứng theo mùa như viêm mũi dị ứng có nguy cơ mắc chàm cao. Loại bệnh chàm da đầu phổ biến nhất được gọi là viêm da tiết bã và triệu chứng không mong muốn nhất là gàu.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm da tiết bã là một tình trạng viêm mãn tính gây ra bởi sự sản xuất quá mức của bã nhờn – các loại dầu tự nhiên do tuyến bã nhờn tiết ra ở da đầu. Đây không phải là bệnh truyền nhiễm.
Có một mối liên quan mạnh mẽ giữa viêm da tiết bã và nấm Malassezia, thường xuất hiện ở da nhưng thường phát triển quá mức ở những người mắc bệnh về da đầu. Mối liên hệ chính xác giữa nấm và các triệu chứng bệnh chàm chưa được hiểu rõ, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng một số tương tác giữa Malassezia, chất chuyển hóa của chúng (các chất được tạo ra trong quá trình trao đổi chất) với da và các tế bào miễn dịch dẫn đến phản ứng viêm. Cụ thể, ở những người bị bệnh chàm da đầu, nấm Malassezia xâm chiếm các lớp bề mặt của da và tiết ra các chất làm tăng sản xuất axit béo. Điều này dẫn đến viêm và khô da, là nguyên nhân khiến da bong tróc.
Cuộc sống căng thẳng dẫn đến stress hay thời tiết khắc nghiệt là hai trong số nhiều nguyên nhân gây bệnh Eczema da đầu. Ngoài ra, bạn nên biết thêm những nguyên nhân khác gây kích hoạt trình trạng bệnh trên:
- Thay đổi nội tiết
- Uống rượu nặng
- Cơ thể mệt mỏi
- Đổ mồ hôi nhiều
- Tiếp xúc với hoá chất hoặc chất gây dị ứng
- Rối loạn hệ thần kinh, bao gồm bệnh Parkinson, chấn thương sọ não, đột quỵ và động kinh
- HIV / AIDS
- Các tình trạng da khác, như bệnh vẩy nến, bệnh hồng ban hoặc mụn trứng cá
- Dị ứng hoặc tiền sử gia đình có người bị dị ứng viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô, bệnh thường diễn ra theo mùa), hen suyễn và bệnh chàm
- Béo phì
- Trầm cảm hoặc rối loạn ăn uống
- Các vấn đề về da khác như mụn trứng cá
Bệnh chàm thường liên quan đến viêm da tiếp xúc, một phản ứng dị ứng xảy ra khi da bạn bị đỏ, ngứa. Nếu bệnh chàm của bạn là dị ứng, nghĩa là gia đình bạn có người từng mắc bệnh chàm. Ở trường hợp này, nấm có thể không phải là thủ phạm. Các bác sĩ tin rằng nhiều người mắc bệnh chàm da có hàng rào da bị lỗi do một gen thay đổi bên trong các protein cấu trúc của da. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến các mảng da khô, viêm, đỏ và ngứa. Những khu vực này có thể tiết ra chất lỏng và hình thành vảy trắng. Nếu bạn càng gãi chúng, sự tổn thương da đầu càng nghiêm trọng.
Eczema da đầu là bệnh mãn tính và dai dẳng
Không tự ý chữa trị
Nhiều người sẽ nghĩ mình đơn thuần chỉ bị gàu và bắt đầu gội đầu nhiều hơn hoặc tìm đến những loại dầu gội trị gàu đặc biệt. Tuy nhiên hành động này chỉ khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn, nhất là khi bạn gội đầu dưới vòi nước quá nóng. Bạn chỉ nên gội đầu bằng nước ấm vừa phải và tránh cọ xát da đầu quá mạnh gây xước da. Hãy tìm đến bác sĩ da liễu có uy tín khi cảm thấy bệnh về tóc ngày càng biến chuyển xấu và nặng hơn. Bác sĩ sẽ chuẩn đoán đúng bệnh chỉ bằng cách nhìn da đầu và tóc của bạn.
Chàm da đầu là căn bệnh mãn tính có khuynh hướng tái phát bất kể điều trị thế nào. Không có cách chữa trị bệnh chàm da đầu hoặc viêm da tiết bã, nhưng thuốc có thể giúp giảm và ngăn ngừa các triệu chứng. Kích ứng hay ngứa da đầu có thể điều trị bằng một số loại dầu gội chứa salicylic acid (có khả năng loại bỏ da chết và dầu thừa gây mụn, thường có trong sản phẩm chuyên trị mụn), coal tar (dẫn xuất than đá, tránh xa vùng mắt và không được nuốt), zinc (kẽm), resorcinol, ketoconazole (chất chống nấm), selenium sulfide. Kem bôi, thuốc mỡ hoặc thuốc xịt làm từ các thành phần này cũng có thể được áp dụng để giúp làm dịu sự kích ứng và ngăn chặn sự bong tróc.
Kiên trì điều trị
Điều quan trọng là bạn phải nghiêm túc và kiên trì thực hiện đúng lời khuyên của bác sĩ mới mong bệnh thuyên giảm. Những loại thuốc bôi cần được thoa nhiều trong ngày đặc biệt là vào ngày Thu Đông. Các bác sĩ cũng sẽ kê thêm một số loại thuốc uống bổ sung kẽm, vitamin B3, B6, H theo thể trạng người bệnh.
Để điều trị bệnh chàm da đầu và ngăn ngừa bùng phát, ngoài việc uống và bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ, hãy cố gắng làm theo các khuyến nghị sau:
- Tránh tiếp xúc với bất kỳ chất kích thích và chất gây dị ứng
- Làm sạch da đầu với dầu gội được chỉ định và không dùng nước nóng khi gội đầu
- Không chà xát da đầu quá mạnh gây xước da, chỉ nên massage thật nhẹ nhàng bằng những đầu ngón tay
- Giữ tâm trí rộng mở, chia sẻ nỗi lo với người xung quanh để stress không thể tấn công
- Gội đầu sau khi bạn đổ mồ hôi nhiều, chẳng hạn như sau khi tập luyện, vì mồ hôi có thể là nguyên nhân gây bệnh
- Tránh các sản phẩm chăm sóc tóc và da có chứa cồn. Alcohol loại bỏ dầu bảo vệ khỏi bề mặt da, khiến da đầu bị khô. Điều này có thể làm da đầu bong tróc và ngứa nặng hơn, góp phần gây bệnh chàm bã nhờn
- Không gãi ngứa các mảng da đầu hoặc da xung quanh. Mặc dù có thể khó tránh khỏi việc gãi khi một phần cơ thể của bạn cảm thấy khô và ngứa, hãy cố gắng đừng để những khu vực xung quanh vị lây lan. Bạn thậm chí có thể gây nhiễm trùng thứ cấp nếu gãi da đầu quá mức
Bên cạnh đó, bạn nên duy trì một chế độ uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả sẽ giúp mồ hôi bớt nhờn. Tránh rượu nặng, cà phê, rượu, bia, thuốc lá, đồ hộp, thực phẩm cay nóng hay các thức ăn chứa nhiều chất bột, đường. Có thể thay nước lọc bằng các loại trà thanh nhiệt, nước ép trái cây để giải độc cơ thể, nâng cao sức đề kháng.
Kết luận
Dù Eczema da đầu là căn bệnh mãn tính nên không thể khỏi hẳn, bạn vẫn nên cố gắng điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Thực tế cho thấy, Eczema da đầu mang đến những bất tiện và khó chịu về mặt thẩm mỹ. Những vùng da bong tróc, vảy trắng hoặc đỏ rát, khiến người mắc bệnh luôn không thoải mái. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng con người, nhưng đây là căn bệnh gây phiền phức khá nhiều cho chất lượng cuộc sống. Chữa trị thật tốt để bệnh thuyên giảm là cách giúp bạn cảm thấy tự tin và vui vẻ hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Sophie Thanh Huyền Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: self, everydayhealth Ảnh: Tổng hợp