Ưu đãi “Bong bóng đỏ” cho mẹ và bé
Năm nay, ban tổ chức LHP Cannes tiến hành một sáng kiến mới mang tên “Le Ballon Rouge” (Bong bóng đỏ), đặt theo tên bộ phim thiếu nhi của đạo diễn Albert Lamorisse năm 1956. “Bong bóng đỏ” cung cấp một gói dịch vụ hỗ trợ ưu đãi, giúp liên hoan phim trở nên thu hút hơn trong mắt các gia đình có con nhỏ.
Cannes 2019 có hẳn một khu vực riêng để các bậc phụ huynh cho con bú và thay tã cho bé; một nhà lều lớn dành cho thiếu nhi; quy trình chứng nhận cấp 2 huy hiệu miễn phí cho bảo mẫu và em bé; ưu tiên vào cổng cho gia đình có trẻ con và xe đẩy; cộng với bộ dụng cụ em bé “Le Ballon Rouge VIP” bao gồm một danh sách bảo mẫu chăm sóc trẻ sau giờ làm đã được chứng nhận đẩy đủ.
Những đổi mới trên là một phần trong quá trình hiện đại hóa liên hoan phim quốc tế tròn 72 tuổi, sau vụ bê bối của nhà sản xuất Harvey Weinstein và ảnh hưởng từ phong trào #MeToo. Thế nhưng, liệu đó là những sáng kiến thực sự giá trị hay lại chỉ là những mánh khóe quảng cáo không mấy thực tế?
Leslie Felperin, cây bút phê bình điện ảnh của tờ The Guardian, tỏ ý hoan nghênh nhưng đồng thời đặt ra nghi vấn về tính hiệu quả của các sáng kiến tổ chức mới. “Đó là một nghĩa cử tử tế, nhưng tôi không chắc liệu có bao nhiêu bà mẹ đang làm việc toàn thời gian dám mơ tới chuyện đưa con mình đến LHP Cannes? Tưởng tượng việc phải đưa xe đẩy của con vào cung Croisette (địa điểm tổ chức Cannes), thật kinh khủng. Bạn còn chẳng đi bộ bình thường từ đầu này sang đầu kia được”.
Tiếp tục “bổn cũ soạn lại”
Ngoài một số đổi mới và bộ VIP dành cho gia đình có con nhỏ, LHP Cannes dường như vẫn chưa sẵn sàng giải quyết các vấn đề nghiêm trọng hơn. Cannes 2019 bị chỉ trích vì trao giải “Cành cọ vàng” cao quý cho diễn viên người Pháp Alain Delon, bất chấp quan ngại về phát ngôn phản đối các cặp đôi đồng tính nhận con nuôi của ông. Alain Delon cho rằng đó là hành động “phản tự nhiên”. Thậm chí nam diễn viên còn từng thừa nhận hành vi tát phụ nữ của mình. Trả lời trang Variety, đại diện liên hoan phim cho biết họ chọn tôn vinh Alain Delon vì ông là “một diễn viên huyện thoại và một phần của lịch sử Cannes”, chứ họ “không trao cho ông ấy giải Nobel Hoà bình”.
Đúng một năm trước, LHP Cannes cũng rộng cửa chào đón sự trở lại của đạo diễn Lars von Trier – biểu tượng của điện ảnh cực đoan, dù trước đó ông ta bị nữ ca sĩ Björk tố cáo quấy rối tình dục trên trường quay bộ phim Dance In The Dark năm 2000.
Bên cạnh đó, tên tuổi của các nữ đạo diễn vẫn cực hiếm hoi trong danh sách đề cử của những giải thưởng hàng đầu LHP Cannes năm nay, với duy nhất 4 cái tên: Jessica Hausner, Céline Sciamma, Mati Diop và Justine Triet. Kịch bản thiểu số được Cannes lặp lại của năm 2017 và 2018, như một thông lệ đáng buồn, khi cũng chỉ có đúng 3 phụ nữ trong tổng số 21 đạo diễn tham gia tranh giải.
Tuy nhiên, sự thiếu cân bằng và công bằng đối với phái nữ là vấn đề lớn của cả ngành công nghiệp điện ảnh chứ không riêng gì Cannes. Phụ nữ không phải là cộng đồng thiểu số trên thế giới, nhưng ngành điện ảnh lại đang kể câu chuyện hoàn toàn ngược lại. Nữ diễn viên Salma Hayek gọi đây là “một phương trình phức tạp” và là trách nhiệm của cả ngành, không chỉ của mỗi liên hoan phim Cannes. Cô cho rằng hiện không có nhiều phụ nữ tham gia làm phim vì họ không nhận được tài trợ, hoặc không được “bật đèn xanh” trong sản xuất lẫn phân phối phim.
Nhờ “hòn đá” năm 2018, sóng đã bắt đầu lan trên “mặt hồ” Cannes
Nhớ lại năm 2018, lễ bế mạc LHP Cannes đã khiến cả thế giới thực sự rúng động. Nữ minh tinh người Ý Asia Argento chỉ đích danh Harvey Weinstein ngay trên sân khấu liên hoan phim danh giá, tố cáo ông ta đã cưỡng hiếp cô cũng chính tại Cannes, năm 1997. Cô lên án mạnh mẽ: “Liên hoan phim này là địa bàn săn mồi của hắn”.
Dữ dội, không sợ hãi, Argento chuyển hướng sang những khán giả phục trang quý phái, đại diện cho tinh hoa của điện ảnh thế giới đang ngồi trong khán phòng – những người cô tin rằng không khác gì đồng lõa vì đã cho phép những kẻ như Harvey Weinstein tự do thực hiện hành vi đồi bại. “Hắn sẽ sống trong ô nhục, bị xa lánh bởi chính cộng đồng điện ảnh đã từng tôn vinh hắn, từng che đậy cho tội ác của hắn. Các người biết mình là ai, nhưng quan trọng hơn cả là chúng tôi biết các người là ai. Và chúng tôi sẽ không để cho các người nhởn nhơ thoát tội thêm lần nào nữa”.
Trước đó, 82 nữ nghệ sĩ đã đồng loạt biểu tình ngay trên thảm đỏ liên hoan Cannes 2018 vì bình đẳng giới. Con số 82 tượng trưng cho 82 bộ phim được phụ nữ đạo diễn từng tham gia tranh giải trong lịch sử Cannes – con số quá ít ỏi khi so sánh với hơn 1.600 tác phẩm đến từ các đạo diễn nam. Nữ đạo diễn duy nhất từng chiến thắng “Cành cọ vàng” là Jane Campion với tác phẩm The Piano, nhưng đó là chuyện đã xảy ra từ năm 1993.
Ban tổ chức LHP Cannes có nỗ lực đáp lại lời kêu gọi yêu cầu họ phải chủ động hơn nữa trong việc giúp đỡ các nạn nhân bị quấy rối hoặc tấn công tình dục tại sự kiện. Năm 2018, Cannes khai trương một đường dây nóng đặc biệt để nạn nhân hoặc nhân chứng có thể gọi điện trình báo sự việc, tố cáo kẻ tấn công.
Tất cả xảy ra trong năm 2018, năm đỉnh điểm của phong trào #MeToo, năm đã được kỳ vọng sẽ trở thành bước ngoặt trong lịch sử LHP Cannes – khi liên hoan phim nhất nhì thế giới này cuối cùng cũng hiện đại hóa, cũng chuyển mình hòa vào dòng chảy của cơn sóng #MeToo toàn cầu. Nhưng có vẻ tình hình không đơn giản và lạc quan được như ta kỳ vọng. Đá đã ném xuống hồ, sóng cũng đã bắt đầu gợn lăn tăn, nhưng lan xa được đến đâu lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Một năm đã qua kể từ những phê phán gay gắt của Asia Argento trên sân khấu, và LHP Cannes 2019 vẫn đang chật vật đối phó với kẻ thù cố hữu của chính nó: bóng ma dai dẳng của hàng loạt vụ tấn công tình dục trong lịch sử và sự bất lực rõ ràng trong việc đảm bảo cân bằng giới tính.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Guardian