Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 10 năm của thương hiệu thời trang bình dân Anh quốc đổ bộ tại Mỹ, nhưng tiếc rằng dấu mốc này lại gắn với một cái kết buồn khi tất cả các cửa hàng Topman, Topshop đóng cửa sau một thời gian dài làm ăn thua lỗ.
Topshop đệ đơn phá sản, đóng cửa tất cả cửa hàng tại Mỹ
11 cửa hàng của Topshop tại Mỹ đã bị đóng cửa. Quyết định này được đưa ra sau khi Topshop đệ đơn phá sản vì kinh doanh thua lỗ, cộng với những cáo buộc lạm dụng tình dục, ngược đãi nhân viên và phân biệt chủng tộc đối với chủ tịch Philip Green.
Không chỉ có ở Mỹ mà Tập đoàn Arcadia còn dự định đóng thêm 23 cửa hàng khác tại quê nhà Anh quốc, khiến 520 nhân viên có nguy cơ lâm vào cảnh thất nghiệp. Ngoài ra, tiền thuê tại 194 cửa hàng khác của tập đoàn Arcadia cũng bị cắt giảm. Việc Topshop đóng cửa và cắt giảm tiền thuê tại nhiều cửa hàng được cho là “nỗ lực cuối cùng” để cứu vãn công ty trước khi bị phá sản hoàn toàn và để “bảo vệ một cách thoả đáng” tiền trợ cấp của những nhân viên còn lại. Theo những văn bản thoả thuận tự nguyện của công ty (Company Voluntary Agreement/CVA), Tập đoàn Arcadia sẽ thêm 120 triệu euro vào kế hoạch cho một vài năm tới để bù vào khoảng trợ cấp bị thâm hụt của nhân viên. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia thì kế hoạch này có thể vẫn sẽ không đủ sức để duy trì trong một vài năm.
Ian Grabiner – Tổng giám đốc của Tập đoàn Arcadia gọi động thái này là “khó khăn nhưng cần thiết” để cứu lấy việc kinh doanh của tập đoàn. Tập đoàn Arcadia của Phillip Green có tổng cộng 1170 cửa hàng tại 36 quốc gia, nhưng đa số chỉ là nhượng quyền hoặc cấp quyền thương hiệu. Trước đó, 200 cửa hàng tại Anh đã bị đóng cửa trong vòng 3 năm qua vì thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Nhiều chuyên gia bán lẻ đã tin rằng Topshop – thương hiệu thuộc quyền sở hữu của Philip Green, đã không còn được giới trẻ hiện giờ ưa chuộng nữa. Thay vào đó, những thương hiệu bán lẻ trực tuyến như Asos và Pretty Little Things ngày càng thu hút được nhiều khách hàng hơn. Hai thương hiệu này không chỉ “nhỉnh” hơn Topshop về giá cả, tốc độ sản xuất hàng mà còn bắt kịp được xu hướng của giới trẻ.
Arcadia vẫn chưa xác nhận khi nào sẽ chính thức đóng các cửa hàng. Tuy vậy, Topshop vẫn sẽ duy trì hình thức bán hàng trực tuyến và phân phối sản phẩm thông qua đối tác Nordstrom.
Ralph Lauren cho ra mắt BST ủng hộ cộng đồng LGBTQ+
Mùa Pride đang đến trên khắp thế giới và nhiều thương hiệu thời trang góp phần thể hiện sự ủng hộ đối với cộng đồng LGBTQ+ bằng cách tung ra các BST mới. Đặc biệt, năm nay còn đánh dấu kỉ niệm lần thứ 50 của sự kiện Bạo loạn Stonewall vào năm 1969. Đây là vụ việc đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ khi cộng đồng đồng tính phản kháng lại chính phủ, mở đầu các cuộc đấu tranh cho quyền lợi của người đồng tính ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới.
Nhanh chóng bắt kịp xu hướng, Ralph Lauren đã cho ra mắt BST gồm những chiếc áo thun, áo hoodie, áo sơmi, túi tote và mũ bóng chày in logo hình ngựa kinh điển của Ralph Lauren trong 6 màu sắc cầu vồng. BST này được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Cass Bird, với dàn mẫu bao gồm những gương mặt có sức ảnh hưởng trong cộng đồng LGBTQ+. Đó là người mẫu Jacob Bixenman, vận động viên Olympic Gus Kenworthy, diễn viên Josie Totah, vũ công ba lê Harper Watters, Evrisha, Tyriq và Cory từ nhóm queer Hetrick-Martin Institute.
100% lợi nhuận từ áo thun và 50% lợi nhuận từ các sản phẩm khác trong BST sẽ được quyên góp cho Tổ Chức Cộng Đồng Stonewall (Stonewall Community Foundation) – một trong những tổ chức của cộng đồng LGBTQ+ lớn nhất thế giới.
Nhóm thực hiện
Bài viết: Kỳ Duyên Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: BBC và Dazed Digital