Tại 70 quốc gia trên thế giới, quan hệ tình dục đồng giới có sự đồng thuận vẫn bị xem là tội danh hình sự. Họ bị pháp luật trừng phạt bằng tù đày, tra tấn và thậm chí tử hình. Ở cả các nước nơi quyền LGBT được luật pháp bảo vệ, kỳ thị xã hội vẫn còn, và thế có nghĩa là sống cởi mở, sống chân thật với con người mình vẫn luôn đi cùng mạo hiểm và đánh đổi.
Năm 2019, quyền LGBT thế giới đang có nhiều thay đổi. Những màu sắc xuất hiện trên bức tranh toàn cảnh đó, dẫu sáng hay tối, đều là động lực để chúng ta tiếp tục đấu tranh, hướng tới sự bình đẳng. Cuộc chiến nhân danh quyền bình đẳng chưa bao giờ dễ dàng, song những tiến bộ vẫn đang được thực thi khắp nơi, từng bước nhỏ làm nên thay đổi lớn.
Tổ chức Human Rights Campaign (Mỹ), Hiệp hội LGBTI quốc tế (ILGA) và Viện nghiên cứu Williams thuộc trường Luật, Đại học UCLA (Mỹ) đã cung cấp các số liệu đo lường mức độ chấp nhận xã hội với cộng đồng LGBT ở nhiều quốc gia.
Từ đó, nhân tháng Sáu – Tháng Tự Hào (Pride Month) của cộng đồng LGBT, cùng ELLE nhìn lại bức tranh quyền LGBT thế giới năm 2019 tại 8 quốc gia khác nhau nhé.
Argentina
Sự chấp nhận của chính phủ Argentina với cộng đồng LGBT cao nhất nhì trong các nước phương Tây, thậm chí cao hơn cả Hoa Kỳ. Năm 2010, Argentina trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh và thứ 10 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Năm 2012, Argentina là nước đầu tiên thông qua Luật Bản dạng giới, cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính hợp pháp của họ với thủ tục hành chính đơn giản. Năm 2015, Argentina chấm dứt lệnh cấm người lưỡng tính và đồng tính nam hiến máu – điều mà Mỹ và nhiều quốc gia khác đến nay vẫn chưa làm được.
Tuy nhiên, dù Argentina có nhiều tiến bộ về quyền LGBT, nạn kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại. Khảo sát năm 2017 cho thấy hơn 70% thanh niên LGBT tại Argentina bị bắt nạt ở trường. 83% phụ nữ chuyển giới Argentina từng bị bạo hành hoặc phân biệt.
Để chống phân biệt đối xử với người chuyển giới trong tuyển dụng, các nhà hoạt động xã hội Argentina đang thúc đẩy các biện pháp bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn và đảm bảo ít nhất 1% số nhân viên nhà nước là người chuyển giới.
Úc
Nước Úc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào cuối năm 2017, với 61% phiếu ủng hộ sau khảo sát trưng cầu dân ý qua đường bưu điện.
Dù vậy, Dịch vụ pháp lý LGBTI của bang Queensland vẫn ghi nhận được 220 trường hợp sử dụng ngôn từ kích động, mang tính thù địch. Cuộc khảo sát qua đường bưu điện đã tạo điều kiện cho sự kỳ thị và phỉ báng cộng đồng LGBT có cơ hội lan truyền công khai dưới vỏ bọc của những tranh luận hợp pháp.
Từ năm 2013, bên cạnh giới tính nam và nữ, công dân một số bang tại Úc có thêm lựa chọn giới tính khác cho giấy khai sinh, hộ chiếu và bằng lái xe: dấu X. Năm 2017, các nhà hoạt động vì quyền người liên giới (Intersex) tại Úc và New Zealand công bố Tuyên bố Darlington, kêu gọi loại bỏ hoàn toàn mục giới tính ra khỏi các giấy tờ tùy thân.
Pháp luật Úc cũng có chính sách bảo vệ quyền LGBT trong trường học và nơi làm việc. Tuy nhiên, năm 2017, một giáo viên tại ngôi trường theo hội thánh Baptist đã bị sa thải vì là người đồng tính, hướng sự chú ý của dư luận đến các lỗ hổng tôn giáo trong việc bảo vệ pháp lý cho cộng đồng LGBT.
Cape Verde
Cape Verde, quốc đảo nhỏ bé ngoài khơi Tây Bắc châu Phi, là một trong những quốc gia đi đầu về quyền LGBT ở châu Phi và trên thế giới. Cape Verde hợp pháp hóa quan hệ đồng tính từ năm 2004, xem việc phân biệt đối xử nơi công sở dựa trên khuynh hướng tính dục là bất hợp pháp từ năm 2008.
Cùng nhiều quốc gia khác, Cape Verde tham gia Liên minh Quyền bình đẳng (Equal Rights Coalition) – tổ chức liên chính phủ hoạt động vì quyền LGBT, đồng thời tích cực hỗ trợ chiến dịch “Tự do và Bình đẳng” (Free and Equal) của Liên Hiệp Quốc.
Iceland
Iceland hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2010. Các cặp đôi đồng tính có quyền nhận con nuôi và tiếp cận với thụ tinh trong ống nghiệm tương đương với các cặp vợ chồng dị tính.
Luật chống phân biệt đối xử của Iceland liệt kê khuynh hướng tính dục và bản dạng giới là các phạm trù được pháp luật bảo vệ, giúp cộng đồng LGBT không phải chịu thiệt thòi khi tìm việc làm, mua bán hàng hóa, dịch vụ và được bảo vệ trước thù ghét và quấy rối.
Một số nhà hoạt động còn cho rằng chính sự nổi tiếng về quyền LGBT của Iceland đã khiến cộng đồng LGBT tại đây khó lên tiếng tố cáo khi bị kỳ thị, bất công. Họ không muốn phá hỏng hình ảnh khoan dung, nhân ái của đất nước mình, hoặc cứ đinh ninh rằng mình là người duy nhất bị tấn công.
Ấn Độ
Ấn Độ đã có những bước tiến lớn về quyền LGBT trong vài năm gần đây, nhưng sự chấp nhận của xã hội vẫn còn thấp. Tòa án tối cao Ấn Độ hợp pháp hóa quan hệ đồng tính vào tháng 9/2018 với lời phát biểu của Chánh án Dipak Misrai: “Cộng đồng LGBT có các quyền cơ bản như mọi công dân. Bản dạng của con người rất quan trọng. Chúng ta phải xóa bỏ định kiến, trân trọng sự hòa nhập và đảm bảo quyền bình đẳng”.
Các “Hijras” luôn là một phần không thể tách rời trong văn hóa Ấn Độ suốt hàng ngàn năm qua. Họ là nhóm người chuyển giới hoặc liên giới chuyên biểu diễn một số nghi lễ tôn giáo quan trọng và ban phước lành cho dân chúng. Tuy nhiên, ngày nay, các “Hijras” nói riêng và cộng đồng người chuyển giới nói chung luôn phải đấu tranh với quấy rối và kỳ thị trong đời sống, công việc lẫn chăm sóc y tế.
Thủ tục đổi tên và giới tính trên giấy tờ tại Ấn Độ vẫn còn phức tạp, quan liêu.
Ả Rập Saudi
Ả Rập Saudi là một trong những nước có tỷ lệ chấp nhận xã hội thấp nhất đối với người LGBT. Dù hình phạt tử hình không được ghi rõ trong bộ luật hình sự, Ả Rập Saudi tuân theo giáo luật Sharia hà khắc của đạo Hồi – bộ luật xác định rằng quan hệ đồng giới đáng bị trừng phạt bằng hình thức ném đá đến chết.
Tuy nhiên, rất hiếm khi có người bị kết án tử hình chỉ với một tội danh duy nhất. Do đó, không dễ xác định được một phạm nhân bị tử hình vì khuynh hướng tính dục của họ hay vì một tội danh nào khác.
Đầu năm 2019, Abdullah Bentalab – một thanh niên tị nạn là người đồng tính đến từ Ả Rập Saudi – chia sẻ câu chuyện của mình trên trang Montreal Gazette. Khi vô tình thấy bức ảnh con trai tham gia cuộc diễu hành Pride vì quyền LGBT tại London, mẹ Abdullah Bentalab muốn con tiếp nhận điều trị tâm lý, còn người cha thì đánh đập con thậm tệ và dọa sẽ tố cáo với cảnh sát. Hai người thậm chí còn mời một “sheikh” (tộc trưởng) đến nhà để… trừ tà, đuổi “con quỷ” ra khỏi người anh.
Nam Phi
Năm 1996, Nam Phi trở thành nước đầu tiên trên thế giới cho khuynh hướng tính dục của công dân là một phạm trù được hiến pháp bảo vệ. 10 năm sau, Nam Phi tiếp tục là quốc gia châu Phi đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Năm 2003, Nghị viện Nam Phi đã thông qua “Đạo luật thay đổi mô tả và tình trạng giới tính”, cho phép người dân thay đổi giới tính hợp pháp của họ với những điều kiện nhất định, bao gồm bằng chứng phẫu thuật.
Bất chấp những biện pháp bảo vệ quyền LGBT của chính phủ, cuộc khảo sát năm 2013 của Pew cho thấy có đến 61% người dân Nam Phi nghĩ rằng xã hội không nên chấp nhận đồng tính luyến ái. Tội phạm vì thù ghét, đặc biệt là những vụ “cưỡng hiếp để sửa chữa” (corrective rape) với mong muốn “chữa bệnh” cho người đồng tính nữ vẫn xảy ra quá thường xuyên.
Nga
Vào năm 2013, Nga đã thông qua một đạo luật liên bang có tên “Vì mục đích bảo vệ trẻ em khỏi thông tin ủng hộ chối bỏ các giá trị gia đình truyền thống”, nhưng thường được biết đến trên báo chí dưới cái tên “luật cấm tuyên truyền đồng tính luyến ái”.
Theo Reuters, sau khi đạo luật được thông qua, số tội ác vì thù ghét cộng đồng LGBT tại Nga đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ của dân chúng dành cho LGBT vẫn đang âm thầm gia tăng, với 47% người Nga ủng hộ quyền bình đẳng cho cộng đồng này vào năm 2019, cao nhất trong 14 năm qua.
Năm 2017, báo chí đưa tin Cộng hòa Chechnya thuộc Liên bang Nga đã tiến hành một cuộc “thanh trừng người đồng tính”. Họ giam giữ, tra tấn và thậm chí giết chết những người đàn ông bị nghi là đồng tính hoặc lưỡng tính. Các quan chức thậm chí còn kêu gọi người dân hãy giết các thành viên gia đình là LGBT.
Đáp lại sự chỉ trích, ông Ramzan Kadyrov – nhà lãnh đạo của Chechnya – phủ nhận mọi cáo buộc: “Chuyện này thật vô lý, chúng tôi không có loại người này ở đây, không có một người đồng tính nào hết. Nếu có, hãy đưa họ đến Canada”.
Trước tình hình đó, tổ chức Human Rights Campaign đã phát động chiến dịch #EyesOnChechnya để theo dõi sát sao diễn biến sự việc, đồng thời lên tiếng và hành động để chấm dứt những “tội ác phi nhân tính” với cộng đồng LGBT tại Chechnya.
Nhóm thực hiện
Tổng hợp: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Refinery29