Đạo diễn Rob Marshall chia sẻ về quyết định chọn Halle Bailey cho vai Ariel: “Sau quá trình nỗ lực tìm kiếm, rõ ràng, Halle sở hữu sự hòa hợp hiếm có của tinh thần, trái tim, tuổi trẻ, sự ngây thơ và chắc chắn, thêm cả giọng hát tuyệt vời – tất cả những phẩm chất nội tại cần thiết để đảm nhiệm vai diễn mang tính biểu tượng này”.
Bất chấp những “lời có cánh” của đạo diễn dành cho Halle Bailey, quyết định lựa chọn một diễn viên da màu vào vai nàng tiên cá da trắng trong nguyên gốc của Disney đã gây ra nhiều tranh cãi gay gắt.
Bên phản đối muốn bản điện ảnh cũng có một nàng tiên cá da trắng, tóc đỏ giống hệt như nguyên tác: “Ai cũng muốn bình đẳng, nhưng ngoại hình của nhân vật trông như thế là có lý do. Ariel da trắng và tóc đỏ, sự thật là sự thật. Thay đổi nó là thay đổi toàn bộ ý tưởng bộ phim”.
Tất nhiên, ở đầu kia cuộc tranh luận, vẫn có nhiều người vui mừng với quyết định của Disney. Một cô gái trẻ tài năng như Halle Bailey đã được chọn để thổi hồn cho nàng công chúa Disney trong bối cảnh mới, đa dạng hơn.
Người ủng hộ thì hết lời ca ngợi quyết định mang tính đột phá của Disney, dám dũng cảm hòa vào làn sóng chống “tẩy trắng” Hollywood, chống phân biệt chủng tộc và màu da. Bên phản đối thì chỉ trích hãng phim thiếu tôn trọng nguyên tác, làm hỏng hình tượng tiên cá gắn liền với tuổi thơ của họ.
Hai phía đều đưa ra nhiều lý lẽ chứng minh “công đạo” vốn thuộc về mình. Nhưng liệu có tồn tại một khẳng định xác đáng duy nhất cho ngoại hình của nàng tiên cá Ariel hay không?
Khoa học chứng minh tiên cá là… người da trắng?
Khi những người chỉ trích nàng tiên cá da màu của Disney lại trở thành người… bị chỉ trích vì “phân biệt chủng tộc”, họ tìm cách đưa ra lý lẽ có vẻ khó chối cãi hơn, dựa trên khoa học.
Tài khoản Twitter @slicksliding khẳng định nếu có một sinh vật nửa người – nửa cá tồn tại dưới đại dương, màu da của sinh vật đó chắc chắn sẽ là trắng: “Nàng tiên cá sống dưới biển. Dưới nước = hạn chế ánh sáng mặt trời = ít sắc tố melanin = màu da nhạt hơn. Vì sống dưới nước, ánh sáng không thể xuyên qua khi vượt quá một độ sâu nhất định, Ariel và các tiên cá khác sẽ là người bạch tạng”.
Ý kiến này nhanh chóng được phía phản đối Disney chia sẻ rộng rãi, nhưng những lỗ hổng logic cũng được chỉ ra. Nhiều người cho rằng, cố gắng đưa khoa học vào giải thích câu chuyện về một loài cá thần thoại phải chiến đấu với mụ phù thủy biển có chân bạch tuộc, với sự giúp đỡ của một con cua biết hát là chuyện hoàn toàn vô nghĩa. Hơn nữa, phim hoạt hình The Little Mermaid cũng đã có sự hiện diện của những nàng tiên cá da màu.
Không phải sinh vật biển nào cũng có màu trắng, đây là sự thật hiển nhiên. Thậm chí lợn biển – loài vật đã truyền cảm hứng cho những truyền thuyết về nàng tiên cá – cũng có màu xám nâu, không phải trắng. Năm 1943, Christopher Columbus đã bắt gặp 3 con lợn biển khi đang đi thuyền gần Cộng hòa Dominica. Tưởng nhầm đó là các tiên cá, ông nhận xét: “Nàng tiên cá chẳng xinh đẹp được bằng một nửa như trong tranh vẽ”.
Sacha Coward, nhà văn hóa dân gian chuyên nghiên cứu về tiên cá, cho biết những lý lẽ khoa học đang được dùng để ủng hộ nàng tiên cá da trắng thực chất là “khoa học tệ hại” (bad science). Đó là lỗi ngụy biện thiên vị (cherry picking fallacy), chỉ chọn ra một số đặc điểm nhất định phục vụ cho lợi ích của mình, cố tình bỏ qua bức tranh tổng thể và những thông tin bất lợi.
Vì thế, phía ủng hộ nàng Ariel da màu cũng có thể dùng lập luận ngụy biện như trên để chứng minh mình đúng. Ariel sống trong một rạn san hô ấm áp, vùng sinh vật xung quanh cho thấy cô không có nguồn gốc châu Âu. Làn da trắng ngần và mái tóc đỏ rực của Ariel sẽ là điểm yếu chết chóc, thu hút những kẻ săn mồi. Như vậy, nếu nàng tiên cá thật sự tồn tại, nàng phải là một sinh vật to lớn có làn da sẫm màu, không có tóc, trơn láng với chi sau hình mái chèo. Y hệt như… lợn biển!
Thần thoại về tiên cá: Sự tồn tại muôn màu
Xét trong văn hóa dân gian, người cá đã tồn tại từ lâu trên khắp thế giới, trước cả khi Disney vẽ nên một tiên cá da trắng, tóc đỏ, hát hay vào năm 1989. Sinh vật thần thoại này có nhiều cách thể hiện, màu da, bộ phận cơ thể và sức mạnh khác nhau, tùy theo văn hóa.
Ở châu Phi, Mami Wata là những sinh vật có sức mạnh nguyên tố Nước, thường là phụ nữ. Các nàng mạnh mẽ, đầy kiêu hãnh và được tôn làm thần trong một số cộng đồng châu Mỹ. Mami Wata thường được mô tả là người cá, hoặc nửa người nửa rắn.
Tây Phi lại có vị thần Yamaya được xem là “mẹ của đại dương” cũng có ngoại hình của người cá, với những đền thờ được trang trí bằng hình ảnh các nàng tiên cá.
Nhiều nền văn hóa khác cũng có thần thoại riêng về người cá như Úc, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Eskimo, Mexico…
Ai đúng ai sai: Để “hạ hồi phân giải”
Thực tế, hình ảnh Ariel hoạt hình được đưa ra so sánh với Halle Bailey cũng chỉ là phiên bản do Disney sáng tạo, dựa trên truyện cổ Andersen. Màu tóc và màu da của nàng tiên cá không hề được nhắc đến trong truyện cổ tích.
Tuy nhiên, bởi tác giả Hans Christian Andersen là người Đan Mạch, người ta mặc định rằng nàng Ariel là người da trắng, có mái tóc vàng. Hãng Disney đã thay đổi màu tóc của Ariel trong phim hoạt hình năm 1989 thành màu đỏ, vì không muốn trùng với màu tóc của người cá trong phim Splash ra mắt trước đó vài năm.
Khán giả có thể tiếp tục dựa trên khoa học, thần thoại, truyện Andersen hay phim hoạt hình để tranh luận xem ai mới là diễn viên phù hợp nhất cho Ariel. Ai cũng có cái lý của họ, nhưng chắc chắn đó sẽ là cuộc tranh cãi không hồi kết. Không ai hoàn toàn đúng, cũng không ai hoàn toàn sai, vì đơn giản: không hề có hình ảnh chuẩn mực duy nhất nào cho nàng tiên cá cả.
Ariel khác biệt, bởi câu chuyện của cô không gắn liền với nguồn gốc dân tộc, sắc tộc của mình như các công chúa Jasmine (Aladdin), Mộc Lan (Mulan), Tiana (The Princess and the Frog), Pocahontas (Pocahontas)… Disney không thể tuyển một diễn viên da màu vào vai Mộc Lan, nhưng hoàn toàn có thể viết nên câu chuyện của nàng tiên cá da màu.
Bởi lẽ từ đầu, “nhà Chuột” không hề đặt Ariel vào một nền tảng văn hóa cụ thể nào cả, kể cả nguồn gốc châu Âu của Andersen. Và như ta đều biết, không ai chắc chắn nhân vật Ariel phải được tạo hình như thế nào mới là “đúng”, vì đến nay nàng tiên cá vẫn chỉ là một sinh vật thần thoại mà thôi.
Ở thời điểm này, câu chuyện của Halle Bailey trong vai diễn Ariel khá tương đồng với câu chuyện của Will Smith vào vai Thần Đèn trong Aladdin (2019). Hiện tại có hashtag phản đối #NotMyAriel (Không phải Ariel của tôi), ngày trước cũng có hashtag #NotMyGenie (Không phải Thần Đèn của tôi). Halle Bailey bị phản đối vì khác màu da với bản hoạt hình, Will Smith bị phản đối vì trông… kỳ kỳ và là người da đen, trong khi người lồng tiếng cho Thần Đèn bản gốc là Robin Williams – người da trắng. Tiên cá là sinh vật thần thoại, Thần Đèn cũng chỉ có trong cổ tích.
Bất chấp làn sóng chỉ trích ban đầu, Thần Đèn của Will Smith đã trở thành vai diễn nổi bật, nhận được nhiều khen ngợi nhất trong phim Aladdin. Một phiên bản đời thực hoàn toàn khác với hình dung cố hữu về nhân vật, nhưng đã chiến thắng trái tim khán giả nhờ tài diễn xuất của diễn viên và tài kể chuyện của các nhà sản xuất.
Khán giả yêu mến Ariel vì trái tim kiên cường, tính cách hài hước, mê khám phá, hay mơ mộng của cô, thêm cả giọng hát đẹp làm say đắm nhiều thế hệ. Đó là những giá trị sẽ không thay đổi chỉ vì màu da hay màu tóc của nhân vật.
Với tiềm năng của Halle Bailey và cái tài của đội ngũ Disney, khán giả cũng hoàn toàn có quyền hy vọng vào một phiên bản The Little Mermaid tuy khác biệt nhưng táo bạo, nhiều màu sắc và có giá trị riêng – như Disney đã thành công với Aladdin.
Vai diễn Ariel của Halle Bailey thành công hay thất bại, phù hợp hay khiên cưỡng, đó vẫn là chuyện để “hạ hồi phân giải”.
Nhóm thực hiện
Bài: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE