Văn hóa / ELLE Interview

Nhạc sĩ Quốc Trung: “Hãy tắt tivi và khoác ba lô đi du lịch”.

Năm 2011, lịch làm việc của Quốc Trung ngày càng dày lên: công ty riêng ra đời, các kế hoạch làm việc với Thanh Lam, Hồng Nhung và những giọng hát tiềm tàng: quán quân Vietnam Idol Uyên Linh và quán quân Sao Mai Hà Linh...

-003

Vì sao anh chọn thời điểm tháng 6 để xuất hiện một cách rầm rộ: giữa tháng là liveshow “Cầm tay mùa hè” với Thanh Lam, Uyên Linh và Hà Linh, cuối tháng là chương trình Không gian âm nhạc – “Đường xa mây trắng” với Thanh Lam?

Thực ra thì chả có thời điểm gì cố tình cả. Liveshow Cầm tay mùa hè của Thanh Lam, Uyên Linh và Hà Linh thì có lý do khác. Còn Đường xa mây trắng là show diễn theo lời mời của chương trình Không gian âm nhạc.

Từ lâu tôi vẫn có suy nghĩ rằng, bất cứ một ý đồ hoặc dự án âm nhạc không thể cứ gom sức lực vào để thực hiện một đêm diễn rồi bỏ đi, rất lãng phí công sức tập luyện của biết bao nhiêu con người. Cầm tay mùa hè thì có phần nhiều tác phẩm mới tôi đang dàn dựng cho Uyên Linh và Hà Linh. Trước khi album phát hành thì cũng cần phải đưa nó giới thiệu với khán giả.

Lam của 10 năm sau có như Lam của 10 năm trước?

Tôi nghĩ bây giờ Lam có nhiều kinh nghiệm hơn 10 trước, sau một thời gian dài tự bươn chải trong thị trường. Ngày xưa, mọi việc của Lam đều do tôi tính toán. Sau này, tôi chủ yếu lo các dự án cá nhân, bỏ các công việc làm với các ca sĩ, nên về mặt thị trường, thị hiếu bây giờ phải lắng nghe Lam nhiều hơn.

Có thể nói, sau 10 năm, Lam trưởng thành hơn rất nhiều, trong khi tôi đã như một kẻ xa rời thực tế. Hiện tại, tôi nghĩ ngành giải trí cần một sự sắp xếp lại để chuyên nghiệp hơn. Những người như Lam mà cứ phải tự làm việc một mình thì cũng phí. Lam muốn giao lại công việc cho tôi và nhiều người khác. Đó là điều đáng mừng bởi cô ấy sẽ có thời gian nhiều hơn giành cho bản thân và việc hát.

-001

Anh được coi là chim đầu đàn, nhưng thực tế thì chim đầu đàn cũng làm việc cầm chừng lắm. Chừng vài năm nay, đâu thấy anh xông pha dẫn lối thị trường như thời anh làm việc với ban nhạc Phương Đông và Thanh Lam đâu?

Tôi cảm ơn những đánh giá và kỳ vọng của bạn và mọi người dành cho mình. Nhưng tôi không dám nhận cái “danh hiệu” đó đâu. Nhiều chim đầu đàn của tôi, hơn tôi mà cũng hoạt động cầm chừng hoặc làm những việc chẳng liên quan gì đến âm nhạc đấy thôi.

Khi hoạt động một mình, tôi không còn dính nhiều đến thị trường như trước. Nhưng dù là nghệ sĩ độc lập thì mọi hoạt động âm nhạc vẫn ít nhiều tác động và cộng hưởng đến thị trường, miễn nó là sản phẩm lao động nghiêm túc.

Chẳng lẽ Thanh Lam – Hồng Nhung đã lấy đi hết của anh sự hứng khởi, để rồi sau đó chẳng tài năng nào đủ thắp lửa tiếp cho anh sao? Nhiều người bây giờ coi việc thưởng thức nhạc tiền chiến là một thú tao nhã, biết hưởng thụ những “giá trị âm nhạc” đã được kiểm chứng qua thời gian. Sự đứng lại của nhạc pop Việt cũng một phần là sự quay trở lại?

Khi hiện tại bế tắc, tương lai mờ mịt thì người ta hay ôn lại quá khứ. Thế tức là bạn cũng nhìn thấy nó đứng lại. Có bao nhiêu người nghĩ và quan tâm như bạn và tôi? Nó là trách nhiệm không chỉ riêng của tôi và bạn đâu. Cây cối muốn ra hoa kết trái thì cũng phải được chăm sóc, mảnh vườn để hoang thì chỉ có cỏ dại mọc mà thôi.

Tôi cứ tưởng khán giá Hà Nội là sang cả, là kén chọn, là khó tính lắm cơ. Nhưng anh thấy đấy, thánh đường âm nhạc Nhà hát lớn cả năm nay vàng vọt với những bài nhạc sến đó thôi! Anh thử nhìn nhận thực tế hơn về thị trường âm nhạc đi! Chẳng hạn có cung thì có cầu, người ta lâu không được nghe thì…

Đừng trách khán giả hay người tiêu dùng vội. Nói về cung và cầu thì tại sao chúng ta vẫn hàng ngày sử dụng và tiêu thụ rất nhiều hàng hóa, thực phẩm, hoa quả không an toàn từ Trung Quốc, những thực phẩm không được quản lý, kiểm định và nhất là không hề có lợi hay thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển?

Ngoài việc nghiên cứu sản xuất, một món hàng cũng cần được giới thiệu và tạo thói quen mới cho người tiêu dùng chứ. Người ta không thể mang cá, thịt vào Vincom bán hay mang nước hoa ra Chợ Hôm để bán, đúng không?

Chính vì thế mà người ta cần phân cấp, phân loại sản phẩm để đặt đúng nơi, đúng chỗ. Thánh đường âm nhạc có vàng vọt hay không, không phải là việc của tôi cũng như của bạn.

-002

Giả dụ tôi có tiền và có nhu cầu giải trí cao cấp. Theo anh, tôi nên làm gì? Và nên đặt niềm tin hay đơn giàn hơn là nên tìm nơi nào để thưởng thức âm nhạc có giá trị đích thực?

Hãy tắt TV và FM radio rồi khoác ba lô đi du lich! Bạn sẽ được nghe Jazz hay Blues trong một quán bar hay club ở New York. Bạn có thể đi nghe một buổi hòa nhạc ở Opera House tại Paris hay xem một vở nhạc kịch ở London, hoặc vào sân vận động ở ngay Singapore, Thailand để xem một ngôi sao ca nhạc nào đó biểu diễn trong tour lưu diễn vòng quanh thế giới.

Và bạn sẽ thắc mắc là với chất lượng như vậy, tại sao giá vé lại rẻ hơn so với những chương trình ở Việt Nam. Và sẽ tự hỏi vì sao những nghệ sĩ này lại không bao giờ đến diễn ở Việt Nam.

Có lẽ Việt Nam vẫn còn nghèo nên cái gì cũng đắt hơn các nước giàu (?!). Âm nhạc cũng vậy. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật không phụ thuộc vào tiền nhiều hay ít, một khi nó trở thành thói quen và thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người.

Anh đi nhiều không?

Suốt từ năm ngoái đến nay, tôi không đi đâu được dù rất muốn đi. Tôi đã đặt vé đi Liên hoan phim Cannes cùng đoàn phim Cánh đồng bất tận để có dịp trở lại Pháp. Vậy mà cũng phải bỏ. Suốt từ mùa hè năm ngoái, tôi không có một kỳ nghỉ nào ra hồn. Có bận đang đưa con đi nghỉ ba ngày nhưng đến ngày thứ hai đã phải đổi vé quay trở về.

Một nách hai con nhỏ, anh có áp lực không?

Rất nhiều. Áp lực về tiền, về thời gian, về sự kiên nhẫn… Với hai đứa con, tôi cảm thấy bao nhiêu kinh nghiệm cũng vẫn chưa đủ, nhiều lúc không biết phải làm thế nào. Các cháu ngoài bố mẹ còn có ông bà chăm sóc. Nhưng ông bà thì chỉ chăm lo được việc học hành chứ việc giáo dục con thì bản thân tôi phải quyết.

Thế hệ bố mẹ đã khác chúng ta về quan điểm, huống chi là với đám trẻ. Chính bản thân tôi cũng phải thay đổi rất nhiều để có thể hiểu và làm bạn được với con cái. Đôi khi, phải nghiến răng để có đủ bình tĩnh hỏi con “tại sao?”.

Anh có bao giờ chia sẻ điều gì với con cái về mẹ và thần tượng của chúng?

Đôi khi tôi trêu đùa một cách tếu táo thôi. Trong mắt chúng, hình ảnh mẹ lúc nào cũng đẹp. Và không nên làm hỏng hình ảnh ấy vì sự ích kỷ.

Chúng đã hiểu, anh và Lam là hai gia đình khác nhau chưa?

Chúng hiểu.

Câu hỏi cuối cùng, anh đang phải làm gì để giữ bản lĩnh của một Quý ông – một nghệ sĩ đích thực, sống phong lưu và đầy đủ?

Quý ông thì phải xài toàn đồ hiệu hay ở nhà triệu đô? Còn phong lưu hay không tôi nghĩ nó phụ thuộc vào văn hóa sống chứ không phải phụ thuộc vào thu nhập. Tôi chọn cách sống để tự cảm thấy đầy đủ. Còn có xứng đáng là Quý ông hay không thì nên để cho các Quý bà đánh giá.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Chu Minh Vũ - Ảnh: Long Phạm
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)