Văn hóa / Thế giới văn hóa

Trang trí nắp cống Nhật Bản: Nghệ thuật dưới những gót giày

Không gì nói lên tinh thần lạc quan, yêu cái đẹp của người Nhật Bản hơn những tác phẩm nghệ thuật đời thường, hiện diện trên từng con phố, ngay dưới chân bao lượt người qua kẻ lại hàng ngày: Những chiếc nắp cống.

trang trí nắp cống nhật bản feature
trang trí nắp cống 04
Ảnh: Behrouz Mehri/AFP.

Lượng khách du lịch đổ về Nhật Bản mỗi lúc một tăng, thậm chí đạt mức kỷ lục vào đầu năm 2018, sau thông tin thủ đô Tokyo giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa Hè năm 2020. Khách du lịch thường cảm nhận Nhật Bản theo hai vẻ hoàn toàn khác biệt: một nước Nhật nền nã, bình yên với những tán anh đào, những cổng đền đỏ thắm và tòa lâu đài cổ kính, hay một nước Nhật hiện đại, xa hoa với hàng triệu ánh đèn và nhịp chân đi hối hả.

Với vô số yếu tố “tấn công thị giác” xung quanh như thế, mấy ai nghĩ mình sẽ muốn cúi xuống nhìn một thứ quá tầm thường như… nắp cống bao giờ? Vậy mà người Nhật đã làm được. Họ biến hàng ngàn chiếc nắp cống thành một chuỗi tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thu hút khách du lịch và người yêu văn hóa, nghệ thuật trên thế giới.

hoa văn nắp cống 01
Ảnh: S. Morita.

Thuyết phục dân chúng sử dụng dịch vụ công

Dự án trang trí nắp cống khởi đầu từ một kế hoạch quảng bá cho hệ thống thoát nước tại Nhật Bản, nay mở rộng áp dụng cho nhiều loại hố ga công cộng khác như đường cấp điện và nước sinh hoạt. Đầu những năm 1950, các tấm kim loại đúc làm nắp cống chỉ được trang trí bằng họa tiết hình học đơn giản. Đến năm 1985, những chiếc nắp cống nghệ thuật đầu tiên ra đời, khởi đầu cho một hiện tượng văn hóa được tiếp nối đến tận ngày nay. Đó là ý tưởng của ông Yasutake Kameda – một nhân viên công chức bình thường.

nhà máy nắp cống nhật bản
Bên trong nhà máy sản xuất nắp cống tại Nhật. Ảnh: AFP.

Yasutake Kameda làm việc tại Bộ Xây dựng Nhật Bản đầu những năm 1980. Nhiệm vụ của ông là tìm cách thuyết phục người dân kết nối nhà họ với hệ thống thoát nước công cộng chính – tuy tốn kém nhưng cần thiết. Thời điểm đó, hệ thống thoát nước mới chỉ phục vụ có 60% dân số nước Nhật.

Kameda quyết định rằng, nếu không thể đưa người dân hoài nghi đến gần với hệ thống thoát nước, hãy mang hệ thống ấy đến gần họ. Thế là ông bất chấp mọi ràng buộc, nâng cấp những chiếc nắp cống khiêm tốn thành một hình thức nghệ thuật. Kameda chỉ đưa ra một số hướng dẫn an toàn cơ bản, sau đó cho phép các thị trấn, thành phố tự do sáng tạo thiết kế của riêng mình. 

trang trí nắp cống 02
Lắp đặt nắp cống hình Hello Kitty tại khu đô thị Tama. Ảnh: Behrouz Mehri/AFP.

Nhờ thế mà ngày nay, nắp cống ở Nhật Bản chỉ phải tuân thủ tối thiểu yêu cầu về hình thức, nhưng tối đa yêu cầu về an toàn. Nắp cống phải đảm bảo độ bám cho bánh xe trong điều kiện ẩm ướt và vững vàng cả khi trời nổi bão, còn lại, khả năng sáng tạo là vô hạn.

Quảng bá tinh hoa văn hóa địa phương

Thiết kế trên nắp cống thường là những hình ảnh đặc trưng của văn hóa từng địa phương: logo biểu tượng của thị trấn, các địa danh nổi tiếng, sự kiện lịch sử quan trọng, ẩm thực đặc sản hoặc loài chim, loài hoa đại diện chính thức… Đó là những tác phẩm nghệ thuật công phu nhưng gần gũi, quen thuộc mà bất cứ người dân nào sống trong khu vực cũng có thể hiểu được.

hoa văn nắp cống 04
Ảnh: S. Morita.

Chẳng hạn, thành phố Takasaki sở hữu nắp cống in hình lễ hội pháo hoa mùa Hè nổi tiếng, hay chú lật đật linh vật Daruma Meisui-kun. Tại đô thị Tama, ngoại ô Tokyo – “ngôi nhà” của công viên giải trí Sanrio Puroland, bạn có thể bắt gặp nắp cống in hình mèo Hello Kitty ngộ nghĩnh. Các đội thể thao địa phương cũng thường xuất hiện trên nắp cống gần sân thi đấu của đội nhà, như logo hình chibi mang sắc đỏ bắt mắt của đội bóng chày Hiroshima Carp.

trang trí nắp cống 06
Nắp cống hình đội bóng chày Hiroshima Carp. Ảnh: S. Morita.

Đa phần, nắp cống trang trí đặc biệt sẽ đặt gần các địa điểm văn hóa, lịch sử nổi bật hoặc gần công viên, sân vận động, nơi có nhiều người qua lại. Dù vậy, với kế hoạch mở rộng hình thức này trên khắp Nhật Bản, người ta có thể bất ngờ bắt gặp một chiếc nắp cống bắt mắt ngay giữa con đường hẻo lánh, thưa người, như phát hiện được kho báu bí mật giữa đời thường.

Theo Japan Today, ngày nay, ước tính có đến 95% số thành phố, thị trấn tại Nhật Bản sử dụng nắp cống trang trí theo phong cách riêng, với trên 12.000 kiểu thiết kế khác nhau.

Nếu không vẽ màu, những chiếc nắp cống có gia công họa tiết trang trí, nặng hơn 36 kg sẽ có giá khoảng 585 đô la (13,6 triệu đồng) – cao hơn 5% so với nắp cống trơn. Nắp cống có màu sắc sặc sỡ được vẽ tỉ mỉ hoàn toàn bằng tay, vì thế mà chi phí cũng đắt gấp đôi so với nắp cống có trang trí không màu.

trang trí nắp cống 01
Nếu muốn nắp cống có màu sắc, công nhân sản xuất phải vẽ màu bằng tay. Ảnh: Behrouz Mehri/AFP.

Tình yêu mãnh liệt dành cho… nắp cống

Những chiếc nắp cống càng nổi tiếng, càng có nhiều tổ chức, hội đoàn chịu trách nhiệm ra đời. Quy mô của “fandom” (hội người hâm mộ) cũng càng lớn mạnh và quy củ hơn. Hiệp hội Cống Nhật Bản (Japan Ground Manhole Association) đặt trụ sở tại thủ đô Tokyo, là liên minh của 32 công ty sản xuất nắp cống, nắp hố ga trên cả nước. Câu lạc bộ Nắp cống Nhật Bản (Japanese Society of Manhole Covers) là một website do người hâm mộ sáng lập, đăng tải hàng ngàn bức ảnh nắp cống đủ hình dạng, kích thước, màu sắc do các thành viên chụp và gửi về từ Bắc chí Nam. 

hoa văn nắp cống 03
Ảnh: S. Morita.

Người hâm mộ cuồng nhiệt nghệ thuật trang trí nắp cống sẵn sàng du ngoạn đến mọi vùng xa xôi, hẻo lánh của Nhật Bản để “săn lùng” những kiểu dáng nắp cống độc, lạ nhất. Họ chụp ảnh và sưu tầm các bản in “takuhon” của hoa văn trên nắp cống. Các bộ bài in hình thiết kế nắp cống trở thành vật phẩm sưu tập nổi tiếng, được trả giá cao ngất ngưởng trên các sàn đấu giá online.

trang trí nắp cống 07
Người hâm mộ mang tấm thẻ trong bộ bài đến chụp hình cùng bản gốc. Ảnh: Yomiuri/Japan News.
in áo thun hoa văn trên cống
Hoa văn trên nắp cống có thể dùng để in lên áo, túi. Ảnh: This Is Colossal.

Một trong những người hâm mộ đáng chú ý là nữ ca sĩ – nhạc sĩ Kei Takebuchi. Niềm đam mê của Takebuchi với nghệ thuật trang trí nắp cống bắt đầu từ năm 2015, khi cô bắt gặp nắp cống in hình nhện nước của thành phố Nagoya trên đường lưu diễn. Từ đó, cô thường xuyên đăng tải ảnh chụp những nắp cống đẹp mình gặp trên phố lên Twitter cá nhân. 

Có lần, Takebuchi dành 3 tiếng đồng hồ đứng run rẩy dưới cái lạnh thấu xương của thành phố Kawagoe chỉ để chụp hình bằng được chiếc nắp cống phiên bản đặc biệt, in hình tháp chuông lịch sử Toki no Kane. Nữ ca sĩ chia sẻ với trang Atlas Obscura: “Mỗi thiết kế nắp cống có một ý nghĩa riêng. Chúng cho thấy rằng con người có thể sử dụng bất cứ chất liệu gì để tạo ra nghệ thuật”.

trang trí nắp cống 05
Bức ảnh nắp cống hình tháp chuông Toki no Kane do ca sĩ Kei Takebuchi chụp. Ảnh: Kei Takebuchi.

Ở Nhật, tình yêu nồng nhiệt dành cho nắp cống không được xem là sở thích kỳ quặc như nhiều người nước ngoài lầm tưởng. Nó trở thành một xu hướng chính thống, được chấp nhận rộng rãi. Đầu tháng Hai vừa qua, lễ hội nắp cống đầu tiên được tổ chức ở Tokyo, bày bán các mặt hàng, món ăn lấy cảm hứng từ nghệ thuật trang trí nắp cống.

Ở hầu hết các quốc gia, nắp cống chỉ là một cái nắp kim loại tầm thường, thực dụng, bị hàng ngàn người giẫm đạp mỗi ngày. Nhưng ở đất nước mặt trời mọc, nắp cống trở thành biểu tượng của bản sắc văn hóa địa phương, đại diện cho cách ứng dụng nghệ thuật cộng đồng vào phục vụ, quảng bá cho các tiện ích công cộng.

trang trí nắp cống 03
Người dân dừng lại chụp ảnh chiếc nắp cống độc đáo trên đường đi dạo buổi sáng. Ảnh: AFP.

Những hình ảnh đẹp vẽ trên nắp cống là cách người Nhật cổ vũ, lan tỏa niềm say mê tìm hiểu văn hóa, lịch sử nước nhà. Đồng thời, đó là lời nhắc nhở khéo léo dành cho người dân của quốc gia vốn có guồng quay công việc hối hả, căng thẳng tai tiếng: Dù thành công đến mấy, xin đừng quên cúi đầu khiêm tốn; dù tham vọng đến mấy, đừng quên cái đẹp, cái ý nghĩa luôn có thể đến từ những điều nhỏ bé, tầm thường nhất trong cuộc sống.

hoa văn nắp cống 05
Ảnh: S. Morita.
hoa văn nắp cống 02
Ảnh: S. Morita.
hoa văn nắp cống 06
Ảnh: S. Morita.
nghệ thuật trang trí nắp cống nhật bản
Ảnh: The Tokyo Times.

Nhóm thực hiện

Bài: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)