Hơn 14 năm kinh nghiệm trong nghề, từng trải qua nhiều vị trí trong công việc từ dự án đến phát triển thị trường, từ những công việc chuyên môn đến quản lý cấp cao, điều chị Quyên Nguyễn luôn tâm đắc nhất đó là học hỏi được sự tận tụy và cẩn trọng trong công việc của những người đồng nghiệp Nhật – nơi chị có cơ hội tích góp được nhiều kinh nghiệm và phát triển sự nghiệp của mình. Hiện nay, ngoài việc điều hành tại Sunrise Software Solutions (S3 Corp Japan), chị còn là Phó chủ tịch tại liên minh các công ty IT tại Việt Nam (VNITO Alliance) và là Ủy viên Ban chấp hành câu lạc bộ hợp tác công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam – Nhật Bản trực thuộc Vinasa. Mời bạn cùng trò chuyện với người phụ nữ tài năng này để hiểu thêm về những người phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ – họ có “khô khan” như mọi người vẫn nghĩ, hay đằng sau sự mạnh mẽ ấy là những con người đầy sự nữ tính!
Được tham gia các khóa đào tạo trong lĩnh vực công nghệ và công việc sau này cũng liên quan đến lĩnh vực công nghệ, hẳn đó là một lợi thế rất tốt để chị đảm nhiệm vị trí hiện tại ở một công ty giải pháp phần mềm?
Tôi có duyên với lĩnh vực công nghệ từ năm tư đại học khi đang theo học ngành kinh tế và ngoại ngữ. Qua một người bạn của thầy giáo, tôi được gặp vị CEO của tập đoàn công nghệ Nhật Bản tại Việt Nam trong bối cảnh những năm 2003 khi ngành công nghệ điện thoại di động tại Nhật Bản đang phát triển ở đỉnh cao. Điều này làm tôi cảm thấy rất thú vị với những dự án mà ông trình bày. Tôi quyết định tham gia khóa đào tạo của công ty và theo đuổi sự nghiệp trong ngành CNTT cho đến bây giờ. Có thể nói dù xuất phát điểm ban đầu của tôi không phải là công nghệ nhưng đó lại là động lực để tôi học hỏi, phấn đấu.
Sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ giữa các công ty Việt Nam trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp về lĩnh vực này đang diễn ra như thế nào, thưa chị?
Phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là một số các doanh nghiệp thành công mang lại tiếng vang cho toàn ngành và tạo ra thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, điều đó đã tạo ra sự cạnh tranh về nguồn lực CNTT. Ngày nay, việc tuyển một kỹ sư phần mềm làm việc tại các dự án quốc tế là điều khó khăn rất nhiều so với 5-10 năm về trước. Rất nhiều bạn trẻ ảo tưởng về phong trào này. Khi vận hành một doanh nghiệp khởi nghiệp cần nhiều kiến thức quản trị, thị trường chứ không đơn thuần chỉ có kiến thức chuyên môn. Điểm tiêu cực tôi nhận thấy trong phong trào này là hầu hết điểm đến của các bạn trẻ khởi nghiệp là tìm kiếm được đầu tư chứ không phải mang về giá trị cho xã hội. Điều này làm lãng phí khá nhiều nguồn lực của chúng ta.
Ngày nay, lĩnh vực công nghệ không chỉ có các start-up mà đã thu hút các tập đoàn lớn tham gia nên sắp tới sự cạnh tranh từ nguồn lực cho đến thị trường sẽ càng trở nên khốc liệt, nhưng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh. Ngoài ra, tôi nghĩ cạnh tranh và hợp tác luôn là hai mặt gắn liền nhau. Thị trường CNTT toàn cầu rộng lớn và có vô vàn cơ hội, do vậy trên bước đường toàn cầu hóa, các doanh nghiệp IT Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác với nhau thay vì chỉ có cạnh tranh. Với suy nghĩ đó, tôi đã tích cực tham gia sáng lập và điều hành liên minh các công ty IT Việt Nam VNITO với mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau hợp tác, cùng phát triển như thị trường Nhật Bản.
Quay trở lại doanh nghiệp của mình, có thể gọi là một doanh nghiệp khá trẻ với hơn 3 năm tuổi trên thị trường, yếu tố nào khiến chị tự tin trong việc điều hành doanh nghiệp?
Khi tôi nhận lời tham gia sáng lập S3 Corp Japan là khi tôi cảm thấy mình có đầy đủ tự tin về chuyên môn cũng như kinh nghiệm về quản trị. Việc vận hành một công ty công nghệ không đơn giản chỉ ở việc có vốn hay đã từng thành công vài dự án với khách hàng. Tất cả những start-up lớn quốc tế để thành công thì công nghệ chỉ là một yếu tố. Việc vận hành doanh nghiệp đó như thế nào, nguồn lực ra sao, yếu tố thị trường… là vô cùng quan trọng. Cái khó trong lĩnh vực này không đơn giản như khi chúng ta đi chào bán một sản phẩm có sẵn cầm trên tay mà mỗi một ý tưởng hay dự án trong lĩnh vực này đều nhằm để giải quyết một vấn đề xã hội hoặc doanh nghiệp. Ngoài ra, đam mê và quyết tâm cũng là một nhân tố quan trọng để thành công. Với tôi, công thức thành công là đam mê, quyết tâm, kinh nghiệm và chuyên môn.
Nghề nghiệp sinh tính, mọi người vẫn thường nghĩ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ thường “khô khan”, chị thấy sao về quan niệm này?
Quả là những định kiến như “phụ nữ làm công nghệ thì cứ như đàn ông” cũng tạo nhiều cản trở cho sự phát triển nghề nghiệp của phụ nữ. Tôi lại nghĩ khác. Tôi luôn tự hào giới thiệu với khách hàng cũng như bạn bè quốc tế về vai trò, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong các dự án công nghệ tại Việt Nam nói chung và tại doanh nghiệp của tôi nói riêng. Tôi luôn tạo điều kiện và cân bằng môi trường làm việc để các bạn nữ được tự tin phát triển sự nghiệp của mình trong lĩnh vực này. Tôi tin rằng trong xã hội hiện đại, phụ nữ có thể dấn thân giải quyết các vấn đề xã hội và phát triển sự nghiệp mà vẫn giữ được nét nữ tính.
Thời gian của chị được phân chia thế nào để là một người phụ nữ hiện đại, năng động, quyết đoán nhưng vẫn đầy nữ tính?
Tôi tổ chức và sắp xếp quỹ thời gian của mình để dung hòa mọi việc vì đối với tôi công việc và gia đình đều quan trọng như nhau. Ngoài ra, tôi cũng có những khoảng thời gian dành cho bản thân, chẳng hạn làm đẹp và chơi golf. Tôi luôn xác định những việc gì đích thân mình phải thực hiện và những việc gì có thể giao phó cho nhân viên để sắp xếp được quỹ thời gian, cân bằng được giữa gia đình và công việc. Tôi cũng luôn tâm niệm khối lượng không quan trọng bằng chất lượng. Mỗi thời khắc trôi qua tôi luôn sống hết mình dù là trong công việc hay với gia đình.
Nếu không chọn công nghệ, chị nghĩ mình sẽ làm việc ở lĩnh vực nào khác?
Tôi đã chọn công nghệ và sẽ tiếp tục sự nghiệp này đến cùng. Tuy nhiên, tôi sẽ không đặt vấn đề “nếu không chọn công nghệ tôi sẽ làm gì” mà tôi sẽ kế thừa nền tảng công nghệ và kinh nghiệm từ nghành IT để kinh doanh sang một vài lĩnh vực khác như làm đẹp, du lịch và nông sản công nghệ cao. Hiện nay, tôi bắt đầu khởi nghiệp với vài đối tác về một sản phẩm công nghệ (crowdsourcing platform) để tối ưu hóa nguồn nhân lực phổ thông và những bà mẹ muốn tìm thêm thu nhập khi làm việc tại nhà, giúp cải thiện thu nhập cho người ở vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi tin rằng công nghệ phải đem đến cơ hội cải thiện cuộc sống cho tất cả mọi người dù họ là ai và ở đâu.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh Ảnh: Huy Nguyễn Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE