Trên thị trường làm đẹp hiện có rất nhiều dòng mỹ phẩm được ra mắt. Không chỉ kể đến các thương hiệu mỹ phẩm uy tín, lâu đời, các ngôi sao Hollywood cũng tự tạo nên thương hiệu mỹ phẩm cho riêng mình. Tuy nhiên, phải chăng là thị trường mỹ phẩm đang bị “bão hoà”? Câu trả lời là không. Hiện nay, giữa vô vàn những sản phẩm làm đẹp khác nhau thì người ta lại ưa chuộng các dòng mỹ phẩm organic và thân thiện với môi trường. Vì thế mà chu trình chăm sóc da “xanh” được hình thành và đang gây bão ở các quốc gia phát triển. Nếu bạn cũng là một trong số đó, hãy bắt đầu cùng ELLE xây dựng một chu trình chăm sóc da “xanh”.
chu trình chăm sóc da “chuẩn xanh”
Thế nào là một chu trình chăm sóc da “chuẩn xanh”?
Chu trình chăm sóc da “chuẩn xanh” là một chu trình chăm sóc da chỉ sử dụng các sản phẩm làm đẹp đạt tiêu chuẩn “sạch”. Vì giờ đây, điều mà mọi người quan tâm không chỉ là những sản phẩm làm đẹp hiệu quả mà chúng còn phải đảm bảo an toàn với người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Các nhãn hàng đua nhau tung ra những dòng sản phẩm gắn mác “eco”. Tuy nhiên, để đạt được Chứng nhận hữu cơ từ các Uỷ ban Kiểm định chất lượng trên thế giới chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vì thế bạn cũng nên thận trọng trước khi chọn mua bất kỳ sản phẩm làm đẹp nào hứa hẹn về độ “sạch” của chúng.
Bạn nên bắt đầu từ đâu?
Tất nhiên việc thay đổi chu trình dưỡng da không bao giờ là chuyện dễ dàng. Bạn phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu những sản phẩm mà bạn muốn thay đổi. Và một chu trình chăm sóc da thì thường không phải gói gọn trong 1 sản phẩm. Gợi ý dành cho bạn là hãy thay đổi từng sản phẩm một. Bạn nên lưu ý đổi những sản phẩm lưu lại trên da cả ngày như kem dưỡng ẩm hoặc kem chống nắng sang một loại khác “sạch” hơn. Tiếp theo là sửa rửa mặt, tẩy tế bào chết hoặc tinh chất… Cách thay đổi “cuốn chiếu” này sẽ giúp bạn có đủ thời gian để lựa chọn một sản phẩm vừa đạt chuẩn “sạch” vừa phù hợp với làn da của bạn.
Các thành phần mỹ phẩm nên tránh
Bí kíp lựa chọn các sản phẩm làm đẹp “sạch” để xây dựng chu trình chăm sóc da “xanh” là hãy chú ý bảng thành phần mỹ phẩm.
Parabens
Đây là một thành phần phổ biến trong mỹ phẩm có tác dụng ngăn ngừa nấm mốc và hạn chế sự phân huỷ của những phần khác. Hiểu nôm na parabens được ví như là “chất bảo quản” trong mỹ phẩm. Một số nghiên cứu cho rằng parabens có thể thấm vào máu, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh sản, tuyến giáp và tăng khả năng ung thư. Thậm chí, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng Methylparaben khi tiếp xúc với tia UVB có thể tăng khả năng lão hoá và tổn thương DNA. Hiện nay, Uỷ ban Châu Âu đã cấm 5 loại parabens là isopropyl-, isobutyl-, phenyl-, benzyl- và pentylparaben trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Hương liệu và phthalates
Ai cũng biết rằng hương liệu là một trong số các thành phần dễ gây kích ứng da nhất. Hầu như, bất kì sản phẩm nào chứa hương liệu đều đi kèm với phthalates vì chất này giúp giữ mùi hương lâu hơn. Trong khi hương liệu khiến cho làn da dễ bị kích ứng thì phthalates sẽ khiến cho sức khoẻ của bạn gặp vấn đề. Theo một số nghiên cứu của Mỹ thì phthalates có thể cản trở cho sự phát triển trí não, dị tật bẩm sinh, vô sinh, ung thư… Tuy rất nguy hiểm những các dạng của phthalates như BBP, DBP, DEHP vẫn được cho phép sử dụng ở Mỹ với nồng độ nhỏ hơn 0,1%.
Dầu khoáng
Là một chất giữ ẩm tốt nến các chiết xuất dầu khoáng được sử dụng rộng rãi trongcác sản phẩm kem dưỡng và son dưỡng. Ít có ai biết răng nguồn gốc của dầu khoáng là từ dầu mỏ. Ngoài bảo vệ tài nguyên thì việc bảo vệ chính bản thân bạn cũng là lí do quan trọng để bạn từ bỏ dầu khoáng trong bảng thành phần mỹ phẩm của mình. Theo Tổ chức Ý tế Thế giới, dầu khoáng sau một thời gian dài tích tụ trong cơ thể người có khả năng gây ung thư.
Hydroquinone
Nếu bạn là một người am hiểu về mỹ phẩm chắc bạn không còn xa lạ gì với hydroquinone. Hydroquinone là một chất làm trắng phổ biến trong các loại huyết thanh, tinh chất và kem dưỡng. Tuy nhiên đây cũng là một chất gây tranh cãi trong giới làm đẹp. Hydroquinone có liên quan đến nguyên nhân hình thành bệnh ung thư, khả năng đề kháng của cơ thể và tăng tỉ lệ nhiễm trùng của cơ thể. Chính vì vậy mà Liên minh châu Âu, Úc và Nhật đã cấm chất này trong xuất hiện thành phần mỹ phẩm.
—
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Điệp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tổng hợp