Đã từ lâu, nghệ thuật không còn là một yếu tố được coi là chỉ dành riêng cho vài người, trong một không gian nhất định, mà đã trở thành một phần của cuộc sống đô thị. Với nhiều thành phố trên khắp thế giới, các tác phẩm nghệ thuật công cộng đã trở thành một yếu tố không thể thiếu vì lợi ích của người dân. Nếu bạn đã từng đến thăm các nước châu Âu, chắc bạn khó có thể quên những tác phẩm điêu khắc, sắp đặt có mặt khắp các đô thị lớn, đặc biệt là ở các khu phố trung tâm. Nhờ là trái tim của văn hóa nghệ thuật phương Tây, các thành phố như Paris, London, Berlin hay Amsterdam… không thiếu cả chất liệu, nghệ sĩ và ngân sách để kiến tạo nên các tác phẩm này.
Khi cái đẹp tạo ra nguồn lợi
Lợi ích của các tác phẩm nghệ thuật công cộng không chỉ là các lợi ích mềm như làm đẹp không gian, niềm tự hào của người dân mà còn cả ở chuyện nguồn thu tài chính khổng lồ của các thành phố. Hãy nghĩ xem, đã có bao nhiêu lần bạn nhìn thấy hình ảnh bạn bè đi du lịch và selfie hoặc tạo dáng bên cạnh một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng? Các tác phẩm nghệ thuật công cộng có thể thay đổi số phận của cả một khu vực đô thị, chính là nhờ lượng khách du lịch tới đó để ngắm nhìn các tác phẩm và chụp ảnh cùng chúng.
Chính vì thế, các nhà quản lý đô thị của các thành phố sớm nhận ra rằng không phải cứ để dành đất đai để xây dựng các tòa nhà hay trung tâm mua sắm mới góp phần phát triển kinh tế của thành phố. Một ví dụ cụ thể, tác phẩm Waterfall của thành phố New York cần số tiền đầu tư hơn 15,5 triệu USD, nhưng đã mang lại cho thành phố 69 triệu USD chỉ sau bốn tháng trưng bày ngắn ngủi.
Nghệ thuật công cộng còn góp phần thay đổi bộ mặt của các đô thị. Thành phố Denver tại bang Colorado (Mỹ) yêu cầu các chủ đầu tư khi lên kế hoạch phát triển một khu vực đô thị ở một mức nhất định phải dành ít nhất 1% ngân sách cho nghệ thuật công cộng trong khu vực đó. Đây là một chính sách đúng đắn đã được chứng minh qua thực tế. Các con phố có các tác phẩm nghệ thuật công cộng nổi tiếng đều trở nên nhộn nhịp và thu hút các nhãn hàng kinh doanh lớn tới đặt địa điểm.
Từ một khu vực đô thị chen chúc và u ám, trung tâm thành phố Denver đã trở nên thanh lịch, hấp dẫn hơn bao giờ hết với những tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là sự có mặt của chú gấu xanh khổng lồ đang tò mò nhìn qua cửa kính của một trung tâm hội nghị. Không chỉ thu hút khách du lịch tới đây chụp ảnh với chú gấu và mua sắm từ các cửa hàng ngay gần đó, thành phố còn thu bộn tiền từ việc bán các sản phẩm lưu niệm với hình ảnh chú gấu này.
Thay đổi số phận con người
Chính bởi nguồn thu tài chính khổng lồ từ khách du lịch, đời sống người dân ở các khu vực quanh các tác phẩm nghệ thuật cũng được cải thiện đáng kể. Nhờ thế, tệ nạn xã hội và nhiều vấn đề về an sinh cũng được cải thiện. Vì vậy, các thành phố cũng bắt đầu chịu khó đầu tư hơn trong việc cung cấp không gian và hỗ trợ tài chính cho các nghệ sĩ thực hiện các tác phẩm nghệ thuật công cộng.
Ngay cả ở các nước kém phát triển hơn, dù ngân sách để phát triển đô thị có thể còn hạn hẹp, nhưng nhiều nhà quản lý đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc dành không gian cho các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Câu chuyện của thành phố Penang và các bức tranh tường tại George Town ở Malaysia đã trở thành niềm tự hào của du lịch nơi đây chính là ví dụ điển hình cho quyết định sáng suốt của những nhà lãnh đạo có tầm nhìn. Ở Việt Nam, làng bích họa Tam Thanh đã trở thành điểm đến khiến khách du lịch trẻ không ngại ngần vượt đường xa ghé thăm khi họ đến Đà Nẵng – Hội An.
BÀI LIÊN QUAN
Nguồn thu từ những vị khách muốn tìm cái mới mẻ, cái đẹp đã thay đổi cuộc sống của người dân ở đây, giúp họ trở nên sung túc và yên tâm hơn về thu nhập. Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật công cộng cũng mở ra những thử thách trong thiết kế đô thị. Trước hết, câu hỏi liệu các tác phẩm ấy có gây tác động tiêu cực lên những người sống lâu năm tại khu vực đó hay không? Nhiều người dân ở các khu vực trung tâm vốn đã quen với nhịp sống xưa cũ đã bày tỏ sự bất mãn khi quá nhiều khách du lịch kéo tới địa phương của họ. Chưa kể, khi cuộc đua phải có tác phẩm nghệ thuật để trưng bày trở nên căng thẳng giữa các thành phố, nhiều sản phẩm không có chút giá trị thẩm mỹ hay văn hóa nào cũng được trưng bày vô tội vạ, gây lãng phí cả tiền bạc và không gian.
Vậy nên, dù được coi là một phần quan trọng của phát triển đô thị trong tương lai với những lợi ích kinh tế hiển hiện, nghệ thuật công cộng vẫn là một loại hình rất đặc thù, buộc các đô thị phải có chuyên gia thực sự và những tiêu chí nghiêm khắc.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Huyên Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE