Chị đã đến với ngành tư vấn tài chính và thành lập công ty DDP Group như thế nào?
Trước khi trở thành một nhà huấn luyện doanh nghiệp, tôi là chuyên gia về quản trị tài chính kế toán. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, tôi nhận thấy trăn trở của hầu hết doanh nghiệp hiện nay là số liệu tài chính, kế toán chỉ phục vụ cho báo cáo quý/năm và kê khai thuế chứ chưa được vận dụng vào công tác điều hành doanh nghiệp hằng ngày một cách hiệu quả. Hiểu được vấn đề trên, tôi mong muốn mọi doanh nghiệp đều có một hệ thống quản trị tài chính – kế toán chuyên nghiệp. Từ đó, phòng kế toán có thể chứng minh rằng họ không chỉ là người nói câu chuyện của những số liệu trong quá khứ mà còn cùng Ban lãnh đạo thiết kế tương lai và tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao tôi quyết định thành lập DDP Group.
Ở thời đại 4.0, khi các phần mềm thông minh đang dần thay thế con người, theo chị, có hướng đi nào cho những phụ nữ đã lựa chọn nghề Tài chính – Kế toán hay không?
Câu hỏi của bạn rất hay. Như bạn thấy, phòng kế toán thường có tỷ lệ nữ giới rất lớn. Thông thường, những người đến với ngành này có tính cách tỉ mỉ, chăm chỉ và khá yên phận. Tuy nhiên, nếu kế toán chỉ dừng lại ở hạch toán, kê khai thuế, báo cáo số liệu thì máy móc hoàn toàn có thể làm thay con người việc này. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp rất cần dự báo, phân tích hiệu quả kinh doanh đa chiều, cải tiến hoạt động, kiểm soát tiết kiệm chi phí… Như vậy, kế toán viên cần phải phát triển bản thân thành một người có tầm nhìn, có kiến thức về quản trị doanh nghiệp, biết xây dựng một hệ thống quản trị tài chính – kế toán bài bản, am hiểu về kiểm soát nội bộ. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các bạn nữ theo nghề Tài chính – Kế toán nên bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình, trau dồi và phát triển bản thân để đón đầu thời kỳ “vượt ngưỡng” của sự nghiệp.
Đối với chị, thế nào là quản lý tài chính trong gia đình theo phong cách hiện đại?
Các cụ có câu “Đàn ông là cái giỏ, phụ nữ là cái hom” với ngụ ý người phụ nữ phải biết giữ tiền trong gia đình. Theo tôi, khái niệm “giữ tiền” bây giờ được hiểu là “cân bằng chi tiêu để nhân giá trị”. Có 3 kiểu người với các cách chi tiêu khác nhau: Người nghèo: Thu nhập – (trừ) chi phí (chưa ráo mồ hôi đã hết tiền); Trung lưu: Thu nhập – chi phí – nợ (vay thêm tiền mua tài sản để hưởng thụ sớm nên thu nhập chỉ đủ chi tiêu và trả nợ); Người giàu: Thu nhập – chi phí – đầu tư + thu nhập thụ động (có thêm lợi nhuận thụ động). Trong cuộc sống, có 6 thứ phải cân bằng là: Sức khỏe, sự nghiệp, hạnh phúc, phát triển bản thân, giải trí và các mối quan hệ. Cả 6 thứ trên đều phải được “đầu tư” phù hợp với từng giai đoạn cuộc đời. Phụ nữ hiện đại không còn bo bo cất tiền mà đã biết đầu tư để hướng đến tự do tài chính. Khi biết chi tiêu, đầu tư đúng chỗ, đúng lúc, số tiền thu về thậm chí còn được nhân lên nhiều lần.
Với kinh nghiệm của chị, phụ nữ thường gặp những khó khăn nào khi quản lý tài chính doanh nghiệp, đặc biệt lúc mới khởi nghiệp?
Trong kinh doanh, không nên có sự phân biệt giới tính. “Sân chơi” này công bằng với mọi đối tượng tham gia. Tất nhiên, phụ nữ sẽ khó khăn hơn một chút bởi họ không thể dành 100% tâm trí và sức lực cho kinh doanh như đàn ông. Tuy nhiên, cả hai giới đều sẽ gặp nguy cơ tài chính nếu họ không tính toán và có kế hoạch bài bản từ đầu. Tôi không nói toàn bộ, nhưng một số phụ nữ vẫn bị ảnh hưởng bởi tính tỉ mỉ trong cuộc sống, khiến họ quá chi tiết trong điều hành kinh doanh. Trong quản trị có hai khái niệm “work-in” (làm việc trực tiếp, chi tiết) và “work-on” (làm việc tổng thể và quản lý chung thông qua công cụ). Nếu chúng ta có một hệ thống quản trị tài chính – kế toán tốt, CEO hoàn toàn có thể “work-on” mà không cần phải “work-in”. Lời khuyên của tôi là các bạn nên lập một bản dự báo tài chính thật cụ thể, phù hợp với mục tiêu kinh doanh trung, dài và ngắn hạn cho mình. Từ đó, bạn có thể yên tâm dành thời gian và tâm trí vào những việc khác.
Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của chị!
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh Ảnh: NVCC Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE