Tất cả chúng ta đều muốn có được một cuộc hôn nhân lý tưởng. Tuy nhiên, như thế nào là một cuộc hôn nhân lý tưởng và làm thế nào để có được điều đó? Có lẽ, cuộc hôn nhân hoàn hảo là cuộc hôn nhân khiến chúng ta hạnh phúc và không bao giờ muốn rời bỏ. Thế nhưng, quan điểm về sự hạnh phúc lại rất khác nhau đối với từng người. Và mỗi người lại có một cách khác nhau để đi tới điều đó.
Rất nhiều phụ nữ cho rằng họ đang bị chồng áp chế, và tiếng nói cuối cùng trong gia đình không thuộc về họ. Tuy nhiên, việc được thỏa mãn mọi nhu cầu không hẳn là cách tốt nhất để có hạnh phúc. Các nhà khoa học tổ chức một cuộc thí nghiệm về hôn nhân tại đại học Auckland (New Zealand) đã yêu cầu người chồng nhất nhất nghe theo mọi quan điểm và yêu cầu của người vợ để xem liệu sự đồng thuận ấy có mang lại cho hôn nhân cảm giác hạnh phúc. Tuy nhiên, thí nghiệm trên đã buộc phải dừng lại đột ngột vì một lý do đặc biệt: Tới ngày thứ 12, một trong số những người chồng tham gia thí nghiệm đã suy sụp tinh thần vì không chịu nổi việc vợ mình càng thấy chồng đồng ý thì càng hay than phiền và đòi hỏi, chê bai. Các nhà nghiên cứu kết luận, “có lẽ trong hôn nhân, sự hợp lý quan trọng hơn việc cố gắng làm người kia vui lòng”.
Vậy còn với người vợ thì sao? Có lẽ hầu hết phụ nữ khi lấy được người mình yêu đều muốn dành cho chồng sự chăm sóc chu đáo và thấu hiểu tuyệt đối. Tuy nhiên, có phải lúc nào người chồng cũng cần tới điều ấy, và liệu sự có mặt thường xuyên của vợ có làm anh cảm thấy ngột ngạt? ELLE đã thực hiện một cuộc trắc nghiệm ngắn với hai cặp vợ chồng ở độ tuổi 23 đến 30, một cặp đã có con và một cặp chưa có. Các câu hỏi được gửi riêng cho từng người vợ/ chồng họ không hề biết câu trả lời của người bạn đời cho tới lúc này. Chúng tôi xin chia sẻ kết quả tại đây (theo cam kết, ELLE xin giấu tên các nhân vật phỏng vấn) và hi vọng bạn có thể rút ra được điều gì đó cho mình trong các câu trả lời.
CẶP 1: LỨA TUỔI 27-33
Bạn nghĩ rằng một người vợ/chồng lý tưởng là người như thế nào?
Chồng: Người vợ lý tưởng cần là một người tâm lý, có công việc ổn định, biết nấu ăn, yêu, hiểu và thông cảm quan tâm chăm sóc chồng và gia đình chồng, có mong muốn hòa hợp với gia đình.
Vợ: Một người chồng lý tưởng là người có thể chia sẻ cuộc sống của anh ấy với vợ, ví dụ như những khó khăn trong công việc, những áp lực cuộc sống, những vấn đề cần ý kiến của người khác… Anh ấy cũng có những mối quan hệ khác ngoài gia đình, nhưng vẫn biết giữ chừng mực và khoảng cách.
Mỗi ngày sau khi tan sở, anh có muốn vợ chuẩn bị bữa tối chờ mình ở nhà?
Chồng: Nếu có thì tốt, còn không thì cũng không quá quan trọng, còn tùy thuộc vào tình hình công việc của hai người.
Buổi tối sau khi đi làm về, chị muốn về trước để chuẩn bị bữa tối cho chồng?
Vợ: Mình luôn muốn là người về trước để chuẩn bị bữa tối cho chồng. Và mình cũng muốn chồng về trước bữa tối một chút để phụ mình dọn cơm, như thế bữa cơm sẽ nóng sốt và ngon miệng hơn, hai vợ chồng có thời gian để trò chuyện với nhau.
Anh/chị có nghĩ chủ yếu là thái độ, còn lại việc nhà người… giúp việc làm cũng được?
Chồng: Không đúng, qua công việc gia đình vợ chồng sẽ yêu nhau hơn, chỉ nên có người giúp việc khi công việc của cả hai không đủ thời gian
Vợ: Người giúp việc sẽ không hiểu hết tính cách và sở thích của chồng bằng mình, nên trước hết mình vẫn muốn cố gắng sắp xếp được thời gian để dành cho gia đình nhỏ của mình.
Nếu anh nhậu say về muộn, anh muốn được vợ đối xử như thế nào?
Im lặng, mình sẽ tự tắm rửa đi ngủ, đừng cằn nhằn lúc mình say. Sáng sớm có gì nói chuyện sau.
Nếu chồng nhậu say về muộn, chị sẽ làm gì?
Im lặng và để cho anh ấy ngủ. Hôm sau mới hỏi thăm và nhắc nhở.
Bạn có nghĩ chồng và vợ thì cái gì cũng nên… báo cáo với nhau? Tại sao?
Chồng: Có những cái nên nói và không nên nói, nên cố gắng chia sẻ càng nhiều càng tốt, nhưng cả hai đều phải tôn trọng không gian riêng và quyền riêng tư của nhau.
Vợ: Không phải là tất cả nhưng tốt nhất là nên minh bạch với nhau về mọi chuyện thì sẽ không dẫn đến những sự tò mò, khó hiểu về đối phương. Đó còn là sự tin tưởng lẫn nhau trong mọi việc.
Bạn có biết những khó khăn, áp lực mà vợ/chồng mình đang phải đối mặt gần đây? Vợ/chồng bạn có hiểu các nhu cầu, tâm tư của bạn và thông cảm với chúng?
Chồng: Có, không toàn vẹn lắm nhưng cũng vừa đủ.
Vợ: Cả hai câu đều có. Nhưng đôi khi mình cũng cần phải nói ra suy nghĩ, tâm tư của mình thì anh mới hiểu hết.
Đã bao giờ bạn cảm thấy vợ/chồng đi vắng thì… cũng vui đấy?
Chồng: Cũng vui, mình có thể làm những thứ thời độc thân hay làm.
Vợ: Chưa, nhưng thỉnh thoảng chắc cũng sẽ có cảm giác giống thời độc thân.
Anh có sẵn sàng dẫn vợ theo trong những cuộc gặp gỡ bạn bè và giới thiệu chị nhà với mọi người?
Tùy tính chất cuộc gặp gỡ và những người mình gặp.
Chị có sẵn sàng đi theo tụ tập bạn bè và biết rõ về từng người bạn của anh?
Có. Đó cũng là cách mở rộng mối quan hệ và khi chồng chia sẻ, mình có thể hiểu được câu chuyện của anh đang nói về họ.
Trong nhà, bạn có phải người đưa ra quyết định sau cùng không?
Chồng: Không.
Vợ: Cả hai cùng đưa ra quyết định và thống nhất.
CẶP THỨ 2: LỨA TUỔI 23-27
Bạn nghĩ rằng một người vợ/chồng lý tưởng là người như thế nào?
Chồng: Biết tự chăm sóc bản thân và gia đình, có tính tỉ mỉ trong công việc và luôn luôn đặt gia đình đi trước bản thân.
Vợ: Người chồng lý tưởng là người biết chi phối giữa công việc và gia đình hợp lý, phụ giúp vợ việc nhà khi rảnh rỗi, hiểu rõ những gì vợ không thích thì không nên làm, không nhất thiết phải lãng mạn như thời mới yêu nhưng ít nhất những dịp lễ, Tết cũng nên cùng vợ con đi ăn uống, xem phim, không tụ tập nhậu nhẹt với bạn bè… Và đức tính quan trọng nhất là chung thủy.
Mỗi ngày sau khi tan sở, anh/chị có nghĩ vợ chuẩn bị bữa tối chờ chồng ở nhà?
Chồng: Cũng được, nếu không thì ra ngoài ăn.
Vợ: Nếu thời gian cho phép, ngoài những lúc về muộn thì cũng muốn chồng về trước chuẩn bị cơm nước hoặc ít nhất mua sẵn đồ ăn về nhà
Bạn có nghĩ chủ yếu là thái độ, còn lại người… giúp việc làm cũng được?
Chồng: Nếu không có đủ tiền thuê người giúp việc thì sao?
Vợ: Những việc như giặt giũ và dọn dẹp thì có thể để người giúp việc làm, nhưng bữa cơm gia đình thì vợ nên là người nấu vì như vậy mới thắt chặt tình cảm gia đình được.
Nếu anh nhậu say về muộn, anh muốn được vợ đối xử như thế nào?
Mình không biết uống bia, nhưng mà nếu có thì cũng chỉ mong vợ đừng cằn nhằn, để sáng hôm sau nói chuyện.
Nếu chồng nhậu say về muộn, chị sẽ làm gì?
Sẽ nói chuyện thẳng thắn với chồng là mình không thích anh ấy làm vậy và giúp anh ấy ý thức được rượu bia luôn là nguyên nhân khiến gia đình bất hòa và gây ra nhiều tội ác trong xã hội.
Bạn có nghĩ chồng và vợ thì cái gì cũng nên… báo cáo với nhau? Tại sao?
Chồng: Nghe báo cáo thì hơi quá, chia sẻ thì đúng hơn.
Vợ: Đúng vậy. Chia sẻ những điều từ nhỏ đến lớn sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau hơn, hiểu người bạn đời của mình đang trong tình trạng như thế nào, tránh nghi ngờ lung tung và hiểu lầm nhau.
Bạn có biết những khó khăn, áp lực mà vợ/chồng mình đang phải đối mặt gần đây không? (câu trả lời chỉ cần có, hoặc không). Vợ/chồng bạn có hiểu các nhu cầu, tâm tư của bạn và thông cảm với chúng?
Chồng: Biết, rất nhiều. Có, kha khá.
Vợ: Có. Chồng mình đôi khi rất vô tư, nếu có gì không vui thì mình không nói ra anh ấy cũng không biết, chỉ khi nào mình thể hiện ra mặt thì chồng mới hỏi là bị sao vậy. Ví dụ như mình không hài lòng anh ấy có tật lề mề và ngủ mê mệt đến mức gọi gần cả tiếng (có khi hai ba tiếng đồng hồ) mới chịu dậy, nhưng không nói thẳng thì anh ấy sẽ không biết. Còn lại thì chồng cũng tâm lý về nhu cầu và sở thích shopping của mình, không cằn nhằn khi mình đi shopping cùng bạn bè.
Đã bao giờ bạn cảm thấy vợ/chồng đi vắng thì… cũng vui đấy?
Chồng: Chưa.
Vợ: Chưa bao giờ như thế cả, vì vợ chồng mình luôn muốn dính chặt nhau khi điều kiện cho phép, nếu một trong hai người phải đi công tác xa vài ngày thì người kia ở nhà cũng không vui. Còn mình thì chỉ cần chồng đi đến 12h khuya chưa thấy về là cảm giác như ngồi trên đống lửa rồi.
Anh có sẵn sàng dẫn vợ theo trong những cuộc gặp gỡ bạn bè và giới thiệu chị nhà với mọi người?
Có.
Chị có sẵn sàng đi theo tụ tập bạn bè và biết rõ về từng người bạn của anh?
Sẵn sàng. Mình còn khuyến khích chồng dẫn mình đi theo. Bản thân mình đi chơi với bạn bè cũng muốn chồng đi chung. Như vậy cả hai sẽ biết rõ những mối quan hệ của nhau, đặc biệt là bạn bè khác giới thì càng phải rõ ràng để tránh ghen tuông vô căn cứ.
Trong nhà, bạn có phải người đưa ra quyết định sau cùng?
Chồng: Không, tùy theo vấn đề sẽ chọn ý kiến tốt nhất.
Vợ: Không. Cả hai sẽ cùng bàn bạc và đưa ra quyết định chung.
LỜI KHUYÊN
Vào thời điểm hiện tại, cả hai cặp vợ chồng ELLE phỏng vấn đều có một cuộc sống hạnh phúc. Và như bạn đã thấy, họ có nhiều quan điểm khác nhau, điều quan trọng là từ cả hai phía đều cảm thấy mình thấu hiểu tâm tư tình cảm của người kia, và thấy người kia thấu hiểu mình. Dù tính cách khác nhau, nhưng cán cân của hôn nhân luôn cần phải giữ được sự cân bằng và biết được những giới hạn mình có thể chạm tới.
Nếu có bao giờ tự hỏi làm sao để có được cuộc hôn nhân hạnh phúc, bạn nên tham khảo bản danh sách những việc cần làm đã được các chuyên gia về hôn nhân chỉ ra. Tuy nhiên, nên nhớ rằng thay vì đặt áp lực lên vai: Tôi phải làm hết những điều này, bạn chỉ cần thư giãn, và hiểu rằng điều quan trọng là bạn đang cố gắng.
1. Phải là chính mình, chân thật với người kia ngay từ đầu.
2. Thường xuyên luyện tập khả năng hài hước khi nói chuyện.
3. Tha thứ, tha thứ và tha thứ.
4. Nghi ngờ thì nói ngay, nhưng không kết tội vội vàng.
5. Bỏ qua các khó chịu nho nhỏ.
6. Tìm cách để chia sẻ trách nhiệm gia đình với bạn đời.
7. Cầm tay, hôn nhau mỗi ngày.
8. Đừng cầu toàn thái quá.
9. Khi có bất đồng, căng thẳng, hãy làm điều gì đó thật đáng yêu để tạo ra cảm giác thư giãn.
10. Tìm ra điểm tốt của chồng/vợ mỗi ngày và nói với anh/nàng điều đó.
11. Rút kinh nghiệm từ lỗi lầm và cố gắng không lặp lại.
12. Đừng giấu bí mật và đừng cố tình gây ra nghi ngờ.
13. Coi trọng trách nhiệm hơn xúc cảm nhất thời.
14. Lên kế hoạch thời gian cho gia đình và bản thân.
15. Cư xử như mọi việc vẫn ổn khi có vài trục trặc nhỏ.
16. Cứ đi ngủ dù vẫn thấy giận.
17. Tự hỏi mình nên làm gì để đời sống của chồng/vợ được vui hơn.
18. Hôn vợ/chồng trước khi đi làm và đi ngủ.
19. Nói cảm ơn trước mọi điều nhỏ nhặt người kia làm cho mình.
20. Thỉnh thoảng nên tổ chức tiệc chung với các cặp vợ chồng khác.
21. Chia sẻ quyền quyết định trong nhà.
22. Cười xòa thoải mái trước các sai lầm của chồng/vợ.
—
Xem thêm:
Những câu nói hay về tình yêu trong hôn nhân đáng suy ngẫm
Khi đàn ông ngoại tình, không phải dạng vừa đâu
Nhóm thực hiện
Bài: Huy Phương, Thanh Hải - Ảnh: Corbis