Mắc phải ung thư vú là một trong những trải nghiệm khó chấp nhận nhất, trừ khi bạn không tự mình bước qua giai đoạn khó khăn trong hành trình đấu tranh với căn bệnh hiểm ác này. Bàn đến sự thật khốc liệt của căn bệnh này với những ai không mắc bệnh thật sự là điều khó khăn, nhưng một khi đã tường tận, người ấy có thể mang đến cho bạn những sẻ chia, cảm thông, đồng hành, hỗ trợ và xoa dịu phần nào tinh thần đang kiệt quệ vì bệnh tật của bạn.
Dưới đây là những điều mà bệnh nhân ung thư vú mong muốn được truyền tải sớm hơn đến mọi người thông qua câu chuyện từ người trong cuộc.
1. Bạn luôn cần người thân nhất bên cạnh khi Đến cuộc hẹn quan trọng với bác sĩ điều trị
Chẳng phải là rất bất thường khi bạn rời khỏi phòng khám sau cuộc hẹn quan trọng với bác sĩ mà quên mất những gì đã nói hoặc nghe hay sao. Khi phải đối mặt với tình huống căng thẳng, tiếp nhận nhiều thông tin mới, đầy tính chuyên môn và có phần đáng sợ, chuyện bạn lúng túng và đôi lúc mất tập trung vào cuộc hội thoại là điều dễ hiểu. Từng trải điều ấy nên Peggie D.Sherry, 62 tuổi, một người từng mắc ung thư biểu mô tại chỗ (DCIS), chia sẻ: “Bạn sẽ ra khỏi đó và chẳng nhớ những gì (bác sĩ) đã nói cũng như không hiểu chuyện gì đang diễn ra”. Thế nên, nếu có thể, Sherry khuyên bạn nên đi cùng người bạn tin tưởng nhất để họ có thể ghi chú những điều quan trọng và đưa ra sự hỗ trợ kịp thời.
Một mẹo nhỏ dành cho bạn: Mỗi khi có một câu hỏi liên quan đến tình trạng bệnh xuất hiện trong đầu, hãy ghi chú lại kể cả khi bạn chưa có cuộc hẹn với bác sĩ. Bằng cách ấy, bạn sẽ không phải bối rối khi gặp bác sĩ và tránh bỏ sót câu hỏi khi quá lo lắng đấy.
2. Hãy chuẩn bị để ứng phó với các loại bảo hiểm
Mắc phải ung thư vú không phải một mà những hai lần, Sherry vận dụng kinh nghiệm vào việc điều hành một nơi tập trung cho những người bệnh ở tất cả các giai đoạn từ 1999 đến nay. Với thâm niên ấy, cô cũng biết mốt số điều để đối phó với căn bệnh này. Một trong những vấn đề lớn nhất lúc này chính là ứng phó với vấn đề mang tên bảo hiểm.
Trong giai đoạn điều trị ung thư vú, bạn phải dành nhiều thời gian cho các viện nghiên cứu và các chuyên gia y tế, nhưng không phải tất cả đều chấp nhận cùng một kế hoạch bảo hiểm của bạn.
Hiển nhiên, việc phải kiểm tra những điều khoản bảo hiểm chi tiết sau khi bị chẩn đoán mắc ung thư không phải là điều dễ dàng. Thế nên, thay vì hỏi từng chuyên gia hay viện điều trị có chấp nhận bảo hiểm của bạn hay không, hãy gọi điện cho công ty bảo hiểm để xác minh phạm vi và các dịch vụ ưu đãi của nhà cung cấp.
3. Những người thân yêu có thể khiến bạn thất vọng
Một khi dính vào căn bệnh quái ác này, bạn luôn cần sự quan tâm, chăm sóc của những người thân yêu. Tuy nhiên, có những trường hợp, bạn sẽ không khỏi thất vọng khi đối diện với cách hành xử của những người mình vốn tin yêu. Sherry gợi nhớ lại người bạn từng làm cô tổn thương thế nào khi đến gặp cô trong nước mắt và tuyên bố: “Tớ không thể chịu được việc nhìn cậu chết”, rồi sau đó rời đi và không bao giờ liên lạc nữa.
Ở phía ngược lại, đôi khi việc nhận được những câu hỏi quan tâm cũng khiến bạn không biết phải ứng xử thế nào. Điển hình như khi Sherry được hỏi: “Bạn khỏe không?”. Hẳn là không có câu hỏi nào khó trả lời hơn lúc này khi bạn đang cảm nhận căn bệnh từng ngày nhưng vẫn bị thách đố bởi suy nghĩ: Mình có đang khỏe không?
Nhưng khoan vội bi quan vì ngạc nhiên hơn cả, những lúc bệnh tật thế này, ngay cả người thân cũng có thể khiến bạn tổn thương nhưng những người lạ thì luôn tìm đến để giúp bạn thấy khá hơn. Sự quan tâm từ những người xa lạ đôi lúc là thuốc chữa những tổn thương trong tâm hồn bạn.
4. Hệ thống hỗ trợ trực tuyến có thể rất hữu ích
Không có sự sẻ chia nào thấu đáo bằng những người cùng cảnh ngộ với bạn. Chỉ khi thật sự tham gia vào các tổ chức hỗ trợ cộng đồng, trải nghiệm quanh những người đồng cảm với nỗi đau ấy, bạn mới cảm thấy được thấu hiểu một cách chân thành nhất. Dẫu thế, nếu không có điều kiện tham dự các nhóm hỗ trợ thực tế, lựa chọn một hệ thống hỗ trợ ung thư vú trực tuyến cũng rất có ích.
Những hệ thống trực tuyến với định dạng diễn đàn công cộng là nơi bạn có thể thoải mái cập nhật các thông tin bệnh tình cũng như chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình trị liệu mà không chịu bất kỳ sự phán xét nào. Qua đó, bạn cũng không cần phải cố bày tỏ sự phản ứng nếu nhận được lời động viên, ủng hộ từ những người xa lạ, điều bạn cảm thấy trở ngại ngoài thực tế khi loay hoay tìm cách biểu đạt. Ngoài ra, các thành viên trong cộng đồng còn có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình điều trị để giúp nhau vượt qua thời kỳ khó khăn này.
5. Đừng ngại hỏi tất cả những điều liên quan đến phương pháp trị liệu
Nếu bạn có thể thực hiện một thủ thuật như cắt bướu (phẫu thuật cắt bỏ khối u) hoặc cắt bỏ vú (phẫu thuật cắt bỏ một hoặc cả hai vú), hãy hỏi bác sĩ tất cả những khả năng giúp bạn xoay chuyển căn bệnh.
Nicole M., một bệnh nhân 48 tuổi, biết rằng việc cắt bỏ khối u trước khi phẫu thuật cắt bỏ vú sẽ khiến phần ngực của cô thụt vào, nó trông như một miệng núi lửa vì vết lõm sau phẫu thuật. Tuy nhiên, Nicole đã bất ngờ được thông báo có thể sử dụng máy mở rộng mô dùng cho cuộc phẫu thuật tái tạo của cô. Dụng cụ mở rộng mô là những túi chứa đầy nước muối để lại bên dưới lớp da sau phẫu thuật cắt bỏ vú để tạo chỗ cho cấy ghép. Nicole cũng nhận ra cô có thể cảm nhận nhiệt độ thông qua phần dụng cụ cấy ghép mở rộng kia.
Dù phẫu thuật luôn tồn tại nhiều ẩn số nhưng cũng đừng ngần ngại hỏi chi tiết bác sĩ về những phương pháp điều trị được tiến hành trên cơ thể bạn. Nắm rõ tình hình sẽ giúp cho tinh thần bạn được vững vàng và thoải mái hơn.
BÀI LIÊN QUAN
6. Hóa trị không phải lúc nào cũng khủng khiếp như bạn tưởng
Một số người thật sự phải trải qua giai đoạn điều trị hóa trị kinh khủng nhưng đó không phải là tất cả. Vẫn có những cá nhân cảm thấy ổn khi sử dụng phương pháp “kinh khủng” này.
Có những bệnh nhân chỉ cần nghe đến hóa trị đã hình dung ra cảnh mình nôn thốc nôn tháo trong nhà vệ sinh như phim ảnh hay mô tả. Crystal Brown-Tatum cũng vậy, trong cuốn sách Hành trình vượt qua ung thư vú của tôi (My Journey through Breast Cancer), cô đã miêu tả mình trì hoãn hóa trị thế nào dù đang trong giai đoạn nguy hiểm vì cảm thấy không tin tưởng.
Cho đến khi thật sự trải qua, cô bất ngờ với lợi ích mà nó mang lại, bệnh tình của cô đã thuyên giảm trong 12 năm qua. Lần duy nhất cô thấy mình khó chịu là sau lần trị liệu đầu tiên. Sau điều trị, vẫn có những bệnh nhân sinh hoạt bình thường từ đến phòng tập thể dục cho đến du lịch. Nếu đang hoặc sắp trải qua quá trình hóa trị, hãy ghi lại cảm giác của bạn trong các lần thực hiện để nhận thấy những chuyển biến tích cực và lấy đó làm động lực cho các quy trình tiếp theo.
7. Tìm những cách giúp chu trình trị liệu dễ dàng hơn
Trong khu hỗ trợ của mình, Sherry giúp mọi người thiết lập bảng kế hoạch để giữ cho họ tập trung vào các mục tiêu sau ung thư. Tạo ra những lời nhắc nhở hữu hình về những gì bạn mong muốn hoặc thậm chí là những điều mang lại ý nghĩa cuộc sống có thể giúp bạn vượt qua những cảm xúc tiêu cực.
Sari K., 44 tuổi, người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 2 cách đây ba năm, nói rằng, cô luôn mang theo son môi Chanel màu đỏ đến bệnh viện, tìm việc để làm trong phòng chờ và tiến hành các kế hoạch thú vị như mát-xa sau đó.
Hãy tìm cho mình những phương cách giúp bản thân thoải mái hơn trong quá trình trị liệu, bạn sẽ cảm thấy quãng thời gian ấy không đến nỗi kinh khủng như mình nghĩ.
8. Hãy tự trở thành người ủng hộ tốt nhất cho chính mình
Dĩ nhiên, khi điều trị, bác sĩ là người nắm trong tay quyền lực gần như tối cao bởi họ là người hiểu rõ các phương pháp chữa bệnh. Nhưng không có nghĩa là bạn phải từ bỏ quyền cho bản thân lựa chọn vì chỉ có bạn mới biết điều mình muốn và thứ mình cần.
Hãy mạnh dạn thảo luận cùng bác sĩ những điều bạn cho là đúng đắn và phù hợp nhất với mình. Bạn có thể mỏi mệt về thể xác, nhưng không nên dừng lại quá lâu về tinh thần. Đôi khi, bạn có thể tự mình tìm kiếm những giải pháp tốt nhất cho bản thân chứ không phải là bác sĩ.
9. tìm động lực cho cuộc sống
Chẳng hạn, khi đang điều trị, Kristin, một bệnh nhân ung thư vú, đã lấy được bằng thạc sĩ tâm lý học pháp y. Ngoài ra, cô không chỉ kết hôn mà còn hoàn thành hai tháng cuối cùng để lấy bằng thạc sĩ trong khi điều trị ung thư vú. Cô cũng tiếp tục leo núi, thậm chí lập hồ sơ cá nhân và bắt đầu công ty tạp chí của mình để giúp các bệnh nhân ung thư khác ghi lại trải nghiệm của họ .
Cuối cùng, Kristin chia sẻ, việc hoàn thành nhiều ước nguyện trong lúc điều trị giúp cô tin rằng mình sẽ sống sót và sống để làm những việc khác. Bây giờ, không còn bị ung thư, cô ấy đã thực hiện tốt lời hứa đó với chính mình. Kristin gọi đây là khởi đầu mới của mình. Một trong những quãng thời gian kinh khiếp đã khép lại, và bây giờ, chương mới trong cuộc đời cô được viết tiếp.
Dẫu biết rằng bạn đang phải đối mặt với căn bệnh “quái ác” không hề dễ chịu, nhưng suy nghĩ tích cực và tìm kiếm động lực mới cho bản thân cũng như học cách sống hạnh phúc, đôi lúc, lại chính là liều thuốc công hiệu nhất cho căn bệnh của bạn đấy.
—
Để tìm hiểu sâu hơn các vấn đề về ung thư vú, mời các bạn tham gia hội thảo ELLE Women in Society tháng 10/2019, chủ đề SỨC MẠNH NƠ HỒNG – CHIẾN THẮNG UNG THƯ TỪ HY VỌNG, diễn ra vào ngày 26/10/2019 tại GEM Center, 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM.
Dresscode: Trắng, hồng
Vì số lượng tham gia có hạn, các bạn vui lòng đăng ký trước tại ĐÂY.
100 độc giả ELLE đăng ký đầu tiên và có xác nhận bằng email sẽ nhận được một phiếu quà tặng trị giá 500.000 VNĐ khi check-in tại sự kiện. Thẻ quà tặng được áp dụng trực tiếp cho các mặt hàng thuộc BST CALVIN KLEIN PERFORMANCE và CALVIN KLEIN UNDERWEAR, với tổng giá trị đơn hàng từ 1.500.000 VNĐ trở lên.
Cảm ơn thương hiệu CALVIN KLEIN đã đồng hành cùng ELLE trong sự kiện lần này.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Self Ảnh: Unplash