Hôn nhân là sự gắn kết đặc biệt giữa hai con người vốn từng xa lạ. Nó chính là tổ ấm, là nơi nương tựa của mỗi người khi trưởng thành. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng. Dưới đây là 7 dấu hiệu cho thấy cuộc hôn nhân của bạn đang gặp vấn đề.
1. Cuộc trò chuyện hàng ngày trở thành “khẩu chiến”
Dạo gần đây bạn thường xuyên cảm thấy bị tổn thương bởi nhiều hành động và lời nói của đối phương. Mọi cuộc thảo luận bỗng dưng biến thành một cuộc chiến vì bạn cảm thấy quan điểm của mình không được người ấy lắng nghe. Cả hai bạn bắt đầu khơi gợi lại những lỗi lầm trong quá khứ của nhau để săm soi, trách móc.
Thông thường, sau nhiều năm chung sống với người bạn đời, chúng ta ngừng tích cực lắng nghe và bắt đầu đưa ra các giả định như người ấy đã thay đổi, người ấy chẳng còn tôn trọng mình nữa… Các giả định này có rất nhiều điểm không chính xác bởi chúng hình thành dựa trên cảm xúc và góc nhìn chủ quan một phía.
Do đó, không tích cực lắng nghe có thể khiến cuộc hôn nhân của bạn dần đi vào bế tắc. Hai bạn đang mong muốn suy nghĩ của mình được đối phương lắng nghe nhưng không ai chịu hiểu cho nhau để hướng tới một giải pháp có hiệu quả.
Hãy nỗ lực để thực hiện kỹ năng lắng nghe tích cực bằng cách thể hiện sự tôn trọng thông điệp mà người nói đưa ra. Bạn cần thu thập thông tin trong quá trình nghe, tránh phản ứng bằng những câu nói gây ảnh hưởng đến tinh thần của đối phương và cố gắng tìm ra giải pháp để cả hai đều thỏa mãn.
2. Có rất nhiều khoảng lặng trong hôn nhân
Dạo gần đây, bạn rất hay im lặng vì cảm thấy không có gì để nói và việc thảo luận về các vấn đề hôn nhân của mình với người khác trở thành một việc thú vị. Tuy nhiên, vợ/chồng của bạn nên là người nhận được sự tin tưởng của bạn thông qua việc trò chuyện với nhau mỗi ngày, cho bạn lời khuyên hay tìm cách giúp bạn khắc phục những khó khăn trong cuộc sống. Sự thân mật tình cảm này chính là nền tảng của một cuộc hôn nhân bền vững.
Khi bạn chọn người khác để sẻ chia, bạn sẽ vô tình phủ nhận vai trò của bạn đời. Theo Tiến sĩ Shirley Glass và Jean Staeheli, tác giả của sách Không chỉ là bạn bè, việc chia sẻ những chuyện đáng chú ý trong ngày của bạn hoặc những rắc rối trong hôn nhân với một đối tượng khác chính là đang xây dựng một bức tường ngăn cách giữa bạn và vợ/chồng. Càng nhiều rào cản giữa hai bạn, hôn nhân càng đi vào ngõ cụt.
3. những yếu tố tiêu cực xuất hiện
Theo nhà nghiên cứu tâm lý John Gottman, cuộc hôn nhân của bạn chắc chắn sẽ gặp trục trặc nếu xuất hiện 4 yếu tố tiêu cực sau:
Phê bình tiêu cực
Phê bình là đưa ra đánh giá về những phần tốt và phần xấu của một cái gì đó. Tuy nhiên, khi phê bình vợ/chồng mình, bạn thường chỉ nhắm đến những điều chưa tốt. Bạn phàn nàn về chiếc áo sơmi mới của chồng vì nó quá đắt, chỉ trích gay gắt vợ mình khi cô ấy nấu canh hơi mặn… Thay vì nhìn nhận mọi thứ ở góc độ khách quan, bạn chỉ nhìn thấy lỗi lầm của họ và không có bất kỳ sự cảm thông nào.
Phòng thủ quá mức
Khi nghe bất cứ lời góp ý nào từ đối phương, bạn cũng có xu hướng phòng thủ tuyệt đối. Bạn tự biện minh cho mình bằng cách cố tình gạt bỏ tất cả những lý lẽ chính đáng của họ cho dù bạn biết mình đang sai. Bạn luôn có cảm giác mình bị tấn công và cần phải phòng thủ một cách quyết liệt. Thật không may, điều này sẽ khiến đối phương cảm thấy bạn không hề nghiêm túc và rất ích kỷ. Sự phòng thủ hiếm khi dẫn đến những giải pháp tốt trong các tình huống.
Khinh thường
Bạn hay chế giễu bạn đời vì một số điều kiện của họ không bằng mình như tiền lương, hoàn cảnh gia đình, địa vị… Điều này làm cho đối phương cảm thấy tự ti và cho rằng bạn không tôn trọng họ.
Phản ứng dữ dội
Khi vợ/chồng bạn từ chối đi đâu đó cùng bạn, gọi điện không nghe máy vì họ đang bận… bạn sẽ phản ứng rất gay gắt bằng cách lớn tiếng hoặc có những hành động thiếu lịch sự. Trong một mối quan hệ, khi việc “ném đá” như thế này đã bắt đầu, nó có thể nhanh chóng trở thành một thói quen xấu và khó dừng lại.
4. Chuyện ân ái không còn mặn nồng
Tình dục không chỉ tốt cho cảm xúc mà còn giúp duy trì sự bền vững của hôn nhân. Quan hệ tình dục thường xuyên với bạn đời giúp cải thiện sự tự tin của cả hai. Khi “yêu”, cả hai bạn đặt niềm tin vào nhau và điều đó giúp gia tăng sự thân mật. Sự sẻ chia và thấu hiểu trong “chuyện ấy” tạo ra mong muốn gần gũi và gắn bó với bạn đời, dẫn đến sự hài lòng trong mối quan hệ được cải thiện. Do vậy, thiếu vắng chúng sẽ khiến hôn nhân trở nên nguội lạnh.
5. Không có nhiều thời gian dành cho nhau
Thay vì dành thời gian cho nhau thì bạn lại bận rộn với các cuộc vui ngoài xã hội và thậm chí ngay khi ở nhà, bạn cũng làm việc riêng ở một góc nào đó. Nếu bạn tránh việc dành thời gian cho người bạn đời của mình, cả hai bạn sẽ bị mất kết nối và ngày càng xa nhau hơn. Khoảng cách này khiến đối phương hiểu rằng bạn không còn xem trọng mối quan hệ.
Mọi sinh vật đều cần được chăm sóc. Không được chăm sóc và nuôi dưỡng, chúng sẽ chết. Cũng giống như đứa trẻ, thú cưng hoặc cây trồng trong nhà, mối quan hệ hôn nhân của bạn sẽ không thể tồn tại nếu thiếu sự chăm sóc và vun đắp.
6. Không làm gì để cứu vãn cuộc hôn nhân
Tất cả các cặp vợ chồng đều trải qua thời kỳ “khủng hoảng” trong hôn nhân. Tuy nhiên, nếu thời kỳ đó kéo dài hơn hai năm mà không có dấu hiệu cải thiện, có lẽ đã đến lúc bạn tìm đến một chuyên gia tư vấn hôn nhân. Nếu không còn thiết tha với mối quan hệ này nữa thì một kết thúc trong êm đẹp có lẽ là hướng giải quyết tốt nhất cho cả hai.
7. Mơ mộng về một cuộc sống không có bạn đời
Thường xuyên tưởng tượng về một cuộc sống không có vợ/chồng cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn không còn thiết tha với mối quan hệ hôn nhân nữa. Bạn biến cuộc hôn nhân của mình thành cuộc sống độc lập của hai người xa lạ bằng cách đưa ra các quyết định về các vấn đề trong gia đình như bạn đang độc thân. Bạn không còn cân nhắc ý kiến hay nguyện vọng của đối phương. Cho dù bạn có quyết định duy trì mối quan hệ hay không, bạn vẫn đang ngầm gửi tín hiệu cho người ấy biết rằng bạn chẳng còn xem trọng sự tồn tại của họ nữa.
CHÚNG TA NÊN LÀM GÌ?
Hãy dành một chút thời gian ngay bây giờ và nhắm mắt lại. Chỉ tập trung vào hơi thở của bạn và tiếp tục làm như vậy cho đến khi bạn cảm thấy mình thật sự tĩnh tâm. Trong trạng thái này, hãy tự hỏi, cuộc hôn nhân của mình có hạnh phúc thật sự không?
Lúc này, chính trực giác của bạn sẽ nói lên sự thật. Bề ngoài, bạn cố tình phủ nhận mọi dấu hiệu cho thấy rạn nứt đang xảy ra nhưng trực giác của bạn thì không. Hãy trung thực với chính mình. Càng để lâu thì càng có nhiều vấn đề không thể khắc phục được.
Sau khi đã đối mặt với sự thật, bạn hãy tiếp tục tự hỏi chính mình những câu như “Mình có còn muốn gắn bó với người ấy nữa không?”, “Mình có thể làm gì để cứu vãn cuộc hôn nhân này?”… Sau khi suy nghĩ xong, hãy tự đưa ra quyết định thật đúng đắn bạn nhé!
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Thu Trang Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Minds Journal