Mỗi kiểu trang phục chúng ta đang thấy và mặc hằng ngày hôm nay đều được tạo ra bởi những tên tuổi gạo cội của làng thời trang. Với niềm đam mê, sự táo bạo và khao khát muốn được thay đổi cái cũ, làm mới thời trang, những biểu tượng thời trang này đã làm nên một chặng đường lịch sử vô cùng lôi cuốn. Những cái tên như Coco Chanel, Christian Dior, Cristóbal Balenciaga hay Yves Saint Laurent vẫn là nguồn cảm hứng cho các sáng tạo thiết kế mới, và cả trong cách chúng ta ăn mặc hằng ngày.
Trải qua những thăng trầm, một số thương hiệu tạm xa sân chơi thời trang để chờ ngày tái xuất với cái nhìn mới mẻ, nhưng cũng có những thương hiệu vẫn không ngừng nghỉ trên chặng đường viết tiếp cuộc hành trình của mình.
Chanel
Người phụ nữ đầu tiên và được nhắc đến nhiều nhất đã tạo nên phong trào nữ quyền trong thời trang hiện đại không ai khác chính là Coco Chanel. Việc giải phóng vòng eo của phụ nữ khỏi chiếc áo chẽn, thay vào đó là trang phục suôn thoải mái đem lại sự tự do cho cơ thể và cả nhận thức của phái đẹp ở thời đại trọng nam khinh nữ. Bà là người sử dụng chất liệu thun jersey bình dân cho những kiểu đầm thời thượng tạo nên xu hướng thời bấy giờ. Nước hoa Chanel No.5 nổi tiếng ngày nay cũng là mùi hương do chính bà sáng tạo nên. Kinh điển nhất vẫn là bộ suit gồm áo và chân váy bằng vải tweed mà mãi cho đến tận bây giờ vẫn được ưa chuộng.
Sau khi Karl Lagerfeld, người kế nhiệm thiên tài của Coco Chanel qua đời, Virginie Viard được bổ nhiệm làm tân giám đốc sáng tạo và cũng là nữ tướng đầu tiên của hãng sau Coco Chanel. Viard có thể coi là người phù hợp nhất để tiếp tục gìn giữ những giá trị thời trang kinh điển của thương hiệu vì bà là người kề cận với Karl trong nhiều năm, hiểu rõ DNA của thương hiệu cũng như cách vận hành các xưởng thời trang cao cấp của nhà Chanel.
Dior
Sau Thế chiến II, Christian Dior là người tái định nghĩa vẻ đẹp sang trọng và thanh lịch của phụ nữ bằng “New Look” với Bar Jacket. Phần eo được chiết nhỏ tương phản với phần thân dưới được mở rộng thành hình bầu tròn hoàn hảo và cả những chiếc đầm dạ hội lộng lẫy. Thời trang của Dior đại diện cho kỹ thuật cắt may haute couture đáng tự hào của Paris, được hồi sinh sau khoảng thời gian u tối của chiến tranh. Và thế là phụ nữ lại tìm thấy niềm đam mê ăn mặc thật quý phái.
Nói đến Christian Dior là nói đến vẻ nữ tính, thanh lịch kiểu Pháp và haute couture. Maria Grazia Chiuri, nữ giám đốc sáng tạo đầu tiên của thương hiệu, bằng phong cách nhẹ nhàng và những câu chuyện về nữ quyền đã tạo nên một “New Look” thân thiện hơn với giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Dior qua lăng kính của Maria xuất hiện một cách đồng nhất với những dấu ấn của thương hiệu thể hiện qua trang phục dễ mặc cùng sự phong phú của những món phụ kiện như túi xách, giày vốn là sở trường của Maria.
Balenciaga
Nếu ví thời trang là kiến trúc thì Cristóbal Balenciaga là một kiến trúc sư tài ba dựng nên những thiết kế mang tính cấu trúc từ vải vóc. Là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo và làm việc không ngừng nghỉ, Balenciaga dành cả cuộc đời để nghiên cứu và hoàn thiện kỹ thuật may và dựng phom dáng mới cũng như cấu trúc thông minh cho trang phục. Ông cũng là NTK hiếm hoi được những vị đồng nghiệp lẫy lừng cùng thời ca tụng. Coco Chanel gọi ông là couturier chính tông duy nhất, Christian Dior gọi ông là bậc thầy của tất cả, và Hubert de Givenchy ví ông là kiến trúc sư của haute couture.
Balenciaga ngày nay giữ lại được dấu ấn của những bộ trang phục có cấu trúc và hình khối vững chãi nhưng khoác lên chiếc áo đậm chất đường phố của NTK đại diện cho trào lưu hậu Soviet – Demna Gvasalia. Demna tái định nghĩa Balenciaga và đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của khách hàng thuộc thế hệ Millennial vào một thương hiệu haute couture có bề dày di sản.
Versace
Thương hiệu với biểu tượng chiếc đầu của nữ thần tóc rắn Medusa là một trong những niềm tự hào của thời trang Ý. Sở dĩ biểu tượng thời trang Gianni Versace lựa chọn hình tượng này vì ông muốn rằng những ai đã trót đem lòng yêu mến thương hiệu sẽ khó lòng dứt ra được, hệt như quyền năng của Medusa. Thật vậy, phong cách phóng khoáng, gợi cảm đã đem đến cái nhìn tươi mới cho thời trang, khiến Versace trở thành thương hiệu đình đám nhất thập niên 80.
Sau cái chết của người anh trai, Donatella Versace kế vị ngai vàng và tiếp tục truyền nguồn năng lượng trẻ trung cho thương hiệu. Dù hình tượng người phụ nữ ngày nay của Versace đã được làm mới qua góc nhìn của Donatella, chúng ta vẫn thấy được tình cảm và sự tôn trọng đối với người anh quá cố qua những dấu ấn mà Gianni đã để lại như họa tiết baroque và báo đốm, những gam màu nổi bật và phong cách khiêu gợi khó cưỡng. Đặc biệt, Donatella cũng đã thành công trong việc giữ vững vị trí của thương hiệu Versace mỗi khi nhắc đến những chiếc đầm dạ hội có thể biến những ai mặc chúng đều trông như một nữ thần.
Saint Laurent
Chanel mạnh mẽ, Christian Dior quý phái còn Balenciaga và Givenchy đoan trang, duy chỉ có Yves Saint Laurent lại là chàng trai hư hỏng của thời trang Pháp. Những người phụ nữ Paris đã từng bị từ chối phục vụ và mời ra khỏi nơi công cộng vì mặc đồ của Yves Saint Laurent. Không ngạc nhiên khi những sáng tạo của ông là sự bứt phá, vượt qua những ranh giới và định kiến về tiết hạnh hay đạo đức của phụ nữ: tuxedo Le Smoking, BST The Scandal, trang phục xuyên thấu… Nói một cách khác, Yves Saint Laurent là người giải phóng phụ nữ một lần nữa bằng thời trang.
Thương hiệu YSL lừng danh ngày nay đã được đổi thành Saint Laurent nhờ quyết định táo bạo của NTK Hedi Slimane cách đây 6 năm. Bằng phong cách siêu gợi cảm thập niên 80 với chất liệu da, đầm cực ngắn và độn vai mạnh mẽ cùng với chất rock cá tính của người tiền nhiệm, Anthony Vaccarello đã tiếp tục xây dựng thành công hình tượng cô gái và chàng trai Saint Laurent trẻ trung, thời thượng, sành điệu và cực “ngầu”.
Burberry
Là một trong những thương hiệu thời trang lâu đời nhất, Burberry không chỉ là biểu tượng lịch lãm của trang phục khoác ngoài trời mà còn là niềm tự hào của Anh quốc. Từ xưa đến nay, hễ nhắc đến Burberry là phải nhắc đến áo chiếc trench coat, họa tiết ca rô đặc trưng. Với tầm nhìn của nhà sáng lập Thomas Burberry, thương hiệu đã phát triển trên nền tảng chất liệu bền bỉ với thời tiết để rồi được “trọng dụng” trong trang phục ngoài trời và quân phục.
Trong bối cảnh thời trang thời đại mới, Burberry cần một diện mạo mới trẻ trung hơn, có phong cách hơn. Chính vì vậy, NTK người Ý Riccardo Tisci đã được chọn để trở thành giám đốc sáng tạo cho nhà thời trang Anh quốc. Tisci đã đem đến vẻ thanh lịch pha lẫn chất đường phố rất riêng cho Burberry. Bên cạnh họa tiết ca rô tartan trứ danh, Tisci cũng lăng xê họa tiết monogram mới với hai chữ cái TB viết tắt tên nhà sáng lập để hòa cùng xu hướng logomaniac đang thống lĩnh thị trường thời trang.
Alexander Mcqueen
Lee Alexander McQueen được mệnh danh là thiên tài của thời trang nhưng hơn thế nữa, ông là phép màu mà có lẽ sẽ không xảy ra lần nữa. Ở Lee là sự pha trộn giữa trí tưởng tượng siêu phàm và những kỹ thuật haute couture thượng thừa mà ông tự tích cóp được. Chỉ riêng những câu chuyện được ông kể cũng đã là một sự giằng xé của những thái cực thiện-ác, tốt-xấu giàu triết lý.
Kể từ sau khi Alexander McQueen qua đời, cánh tay phải của ông trong nhiều năm, NTK Sarah Burton không một chút hoài nghi trở thành người kế nhiệm xứng đáng. Nhiều năm kề cận, Sarah hiểu Lee với vai trò là một NTK, một người thầy. Dĩ nhiên không ai có thể hoàn toàn thay thế một thiên tài, nhưng chỉ là qua bàn tay của người phụ nữ này, chúng ta thấy được một Alexander McQueen mềm mại, nữ tính và không thể thiếu những kỹ thuật đỉnh cao vốn là niềm tự hào của thương hiệu và cả quốc gia.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Lê Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE