Màu Pantone được chọn qua mỗi năm đều thể hiện những chuyển biến chung của thế giới. Không những vậy, các tông màu này còn ảnh hưởng đến lựa chọn màu sắc trong ngành thời trang, kiến trúc, mỹ thuật nói chung.
Nguồn gốc của Pantone và con đường định hình xu hướng màu sắc
Pantone được thành lập năm 1963 bởi Lawrence Herbert. Khởi đầu, Pantone được biết đến là đơn vị xây dựng hệ thống nhận diện và phối màu sắc trong ngành công nghiệp in và thiết kế vải. Sau thời gian, Pantone Matching System (tạm dịch: hệ thống phối màu Pantone) được xuất bản. Đây trở thành tiêu chuẩn về màu sắc trong các lĩnh vực trên.
Kể từ đó, Pantone liên tục cho ra mắt nhiều công cụ khác. Nếu là người làm trong lĩnh vực in hoặc thiết kế, hẳn bạn đã nghe qua hệ thống màu CMYK (Cyan – Magneta – Yellow – Black/Key). Hệ thống này chính là một trong những sản phẩm của Pantone.
Hiện nay, Viện Màu Sắc là một trong những đơn vị thuộc Pantone nhận được nhiều sự chú ý nhất. Viện nghiên cứu ảnh hưởng của màu sắc đến quá trình suy nghĩ, tâm trạng và phản ứng của con người. Mục đích chính là giúp các chuyên gia hiểu rõ hơn về màu sắc và sử dụng chúng hiệu quả hơn.
Từ năm 2000, Viện Màu Sắc Pantone tổ chức các cuộc họp nội bộ và nghiên cứu vào mỗi mùa Xuân. Quá trình này diễn ra xuyên suốt 9 tháng để đưa ra “màu của năm”. Chính vì thế, những màu sắc này luôn mang ý nghĩa và thông điệp phù hợp với bối cảnh xã hội toàn cầu.
Màu Pantone định hình thế giới thời trang trong 5 năm qua
Cùng nhìn lại thông điệp đằng sau những màu sắc được chọn trong 5 năm vừa qua.
2016 – Rose Quartz & Serenity
Năm 2016 là lần đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại Pantone chọn màu của năm là gam màu được tạo thành từ hai màu sắc. Theo Pantone, đây là tổng hòa giữa màu hồng ấm áp và xanh dương yên bình, thể hiện sự liên kết, sức khỏe và mang đến cảm giác thư thả. Tại thời điểm đó, sống trong chánh niệm là “phương thuốc” được nhiều người tìm đến khi đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống hiện đại.
Không những vậy, giữa bối cảnh ranh giới về mặt giới tính trong ngành thời trang dần được xoá bỏ, sự kết hợp của hai màu sắc này còn tượng trưng cho quyền bình đẳng giới và sự đa dạng về giới tính. Thế hệ người tiêu dùng trẻ có xu hướng mặc màu sắc họ thích và không sợ bị phán xét về giới tính. Rose Quartz còn được còn là “Millennial Pink” (tạm dịch: màu hồng của thế hệ Millennial).
Các nhà mốt Emporio Armani, Emilia Wickstead, Gucci, Burberry, Balmain đồng loạt ra mắt các thiết kế trong tông màu Rose Quartz trong hai mùa mốt năm 2016.
2017 – Greenery
Greenery là màu xanh tông vàng tượng trưng cho mùa Xuân và sự khởi đầu mới. Theo Viện Màu Sắc, càng tất bật với cuộc sống hiện đại, con người càng khao khát được đắm mình và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên. Chuyển biến này được thể hiện qua xu hướng quy hoạch đô thị, kiến trúc, lối sống và các thiết kế toàn cầu.
Ở khía cạnh khác, Greenery còn thể hiện tinh thần nỗ lực theo đuổi ước mơ cá nhân.
Không có gì ngạc nhiên khi tông màu này xuất hiện với tần suất dày đặc xuyên suốt mùa mốt Xuân – Hè 2017. Gucci gây ấn tượng với thiết kế có màu xanh lá ngả vàng điểm hoạ tiết hoa. Kylie Jenner thậm chí đã nhuộm tóc màu này.
2018 – Ultra Violet
Ultra Violet là màu tím tông xanh giúp con người nâng cao tiềm năng bản thân. Từ phát triển công nghệ mới đến khám phá vũ trụ, từ biểu đạt nghệ thuật đến suy tư tâm linh, Ultra Violet “dẫn lối” chúng ta đến tương lai.
Phức tạp và huyền bí, Ultra Violet gợi đến bí ẩn vũ trụ, những điều chưa được con người khám phá. Bầu trời rộng lớn bất tận là biểu trưng cho khát khao chinh phục và khám phá của loài người.
Bên cạnh đó, màu tím còn được gắn liền với sự khác biệt. Những biểu tượng âm nhạc như Prince, David Bowie, Jumi Hendrix dùng các tông tím khác nhau để thể hiện phong cách cá nhân. Màu sắc năm 2017 tượng trưng cho những điều dị biệt, truyền cảm hứng để mỗi cá nhân tưởng tượng đến dấu ấn riêng của họ trên thế giới và mở rộng ranh giới sáng tạo.
Viện Màu Sắc cho biết, sử dụng đèn màu tím tại nơi thiền tập hoặc các địa điểm công cộng có khả năng truyền năng lượng đến những người có mặt và giúp tạo ra mối liên kết giữa mỗi cá nhân.
2019 – Living Coral
Tươi tắn nhưng vẫn dịu dàng, Living Coral mang đến sự ấm áp và thoải mái. Đây còn là màu tượng trưng cho sự kết nối trong cộng đồng và cảm xúc tích cực.
Bên cạnh đó, tên gọi “Living Coral” còn gợi chúng ta đến san hô – sinh vật biển đầy màu sắc, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái toàn cầu. Giữa bối cảnh nhiều rặng san hô lớn đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cái tên Living Coral giúp góp phần nâng cao nhận thức và kêu gọi những thay đổi để bảo vệ sinh vật này.
Trên sàn diễn, Living Coral là màu chủ đạo trong các thiết kế của nhiều nhà mốt như Prada, Brandon Maxwell, Elizabetta Franchi.
2020 – Classic Blue
Niềm tin và sự tin tưởng lẫn nhau là hai yếu tố quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Classic Blue, màu xanh sẫm tượng trưng cho uy tín, trách nhiệm mang đến sự yên bình. Đây còn là màu của bầu trời lúc sẫm tối. Classic Blue khiến chúng ta mở rộng suy nghĩ và tự ngẫm về chính bản thân.
Nhân loại sẽ bước qua thập niên mới vào năm 2020. Giữa bối thế giới biến động từ Mỹ đến Anh, Hồng Kông, Syria, màu xanh cổ điển mang lại sự tự tin và kết nối mà nhiều người đang tìm kiếm.
Trong chuỗi tuần lễ thời trang Xuân – Hè vừa diễn ra. Nhiều thương hiệu từ “tứ đại” kinh đô thời trang như Balenciaga, Demna Gvasalia, Gucci, Marc Jacobs, Simone Rocha, Moschino… đồng loạt ra mắt các thiết sử dụng tông màu này.
Năm nay, Viện Màu Sắc Pantone đã tổ chức sự kiện giới thiệu Classic Blue cùng các đối tác thuộc nhiều ngành khác nhau để tạo ra trải nghiệm màu này qua 4 giác quan bao gồm thị giác, khướu giác, vị giác, thính giác. Nước hoa Classic Blue được mô tả là “mang mùi hương nơi bầu trời và đại dương gặp nhau”. Vị của màu sắc này tựa dây leo, cảm giác khi chạm vào “mềm mại như nhung” và âm thanh mang niềm “hoài cổ sống động”.
Nhóm thực hiện
Bài viết: Ngọc Chuyên Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: People, Pantone, CNN