Khi nhắc đến muối, hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến loại gia vị giúp món ăn thêm đậm vị. Có thể nói rằng đây là một trong những gia vị gây ra nhiều tranh cãi xoay quanh công dụng mang đến cho con người. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ăn nhiều muối sẽ dẫn đến một số bệnh như tim mạch và tăng huyết áp. Ngoài ra trên phương diện làm đẹp, loại gia vị này là nguyên nhân gây ra hiện tượng sưng mặt. Qua những nghiên cứu kể trên, phần đông mọi người bắt đầu có xu hướng hạn chế tiêu thụ muối. Thế nhưng, đừng vội xóa tên của muối ra khỏi cuộc sống của bạn. Trên thực tế, loại gia vị này còn ẩn chứa rất nhiều lợi ích cho nhan sắc và sức khỏe của bạn, đặc biệt là muối biển.
Để mang đến cho bạn cái nhìn khách quan hơn, bài viết này của ELLE đã tổng hợp lại những công dụng có lợi của muối biển, cũng như những cách sử dụng an toàn và hiệu quả.
Đôi điều về nguồn gốc và các loại muối
Thông thường sẽ có hai loại muối phổ biến, chính là muối ăn và muối biển. Nguồn gốc của hai loại này hoàn toàn khác nhau. Muối ăn được điểu chế từ việc khai thác mỏ muối, trong khi đó muối biển hình thành từ nước biển bay hơi. Cả hai loại muối đều chứa lượng sodium (natri) như nhau. Tiêu thụ nhiều muối sẽ gây ảnh hưởng xấu đế sức khỏe, thế nhưng cơ thể của chúng ta vẫn còn được bổ sung một lượng natri nhất định. Theo American Heart Association (AHA), mỗi ngày bạn nên tiêu thụ nhiều nhất là 2.3 grams muối.
Điểm khác biệt duy nhất giữa hai thành phần này chính là lượng chất khoáng. Vì được hình thành từ nước biển thiên nhiên, muối biển chứa nhiều chất khoáng hơn. Trong khi đó, lượng khoáng trong muối ăn đã được chắt lọc đi trong quá trình điểu chế. Vì vậy, muối biển thường được sử dụng nhiều hơn để chăm sóc da.
Những công dụng chăm sóc sức khỏe của muối biển
Súc miệng bằng muối
Nước muối có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, vì thế súc miệng bằng nước muối mỗi ngày giúp bạn làm sạch khoang miệng và giảm thiểu vi khuẩn. Đối với những người mắc các triệu chứng như viêm họng, amidan, phương pháp này phần nào giúp làm dịu cổ họng của bạn. Về lợi ích chăm sóc răng, nước muối có công dụng ngăn ngừa và làm dịu các hiện tượng viêm xảy ra trong miệng. Ngoài ra, công thức này còn có thể loại bỏ các mảng thức ăn bị kẹt lại giữa các kẽ rằng. Nhờ đó, bạn có thể tránh khỏi các nguy cơ gây viêm, sâu răng và giữ cho hơi thở luôn thơm mát.
Dưới đây là phương pháp súc miệng bằng nước muối dành cho bạn tham khảo:
- Pha 250ml nước ấm với một muỗng cà phê muối (có thể sử dụng muối ăn hoặc muối biển). Nếu không tự tin vào khoảng tự làm nước muối tại nhà, bạn nên mua nước muối sinh lý tại nhà thuốc.
- Chia thành hai lần súc miệng.
- Lần đầu tiên giữ nước muối trong miệng khoảng 30 giây. Cố gắng đẩy dung dịch đến mọi vùng trong miệng để đạt được hiệu quả cao.
- Súc miệng lần hai trong khoảng 60 giây sau đó súc miệng lại bằng nước sạch.
BÀI LIÊN QUAN
Làm kem đánh răng từ muối
Đây là công thức có công dụng kháng khuẩn cho răng miệng hiệu quả. Ngoài ra, kết hợp muối và baking soda giúp loại bỏ mảng bám, giúp răng trở nên sạch và sáng hơn. Đây là các bước DIY kem đánh răng từ muối và baking soda:
- Trộn hỗn hợp baking soda với muối biển hoặc muối ăn theo tỉ lệ 3:1.
- Làm ướt bàn chải rồi nhúng vào hỗn hợp, sau đó bắt đầu đánh răng.
Lưu ý: Sau khi đánh răng bằng công thức này, bạn không nên ăn hoặc uống trong vòng 30 phút. Hơn nữa, không nên sử dụng phương pháp này quá thường xuyên để tránh tình trạng mòn men răng.
Muối biển giúp làm sạch mũi
Bên cạnh việc hit thở, mũi còn là bộ phận giúp ngăn bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Thế nhưng, trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm, chức năng này của mũi dần bị suy yếu. Vì thế, làm sạch mũi là một việc khá quan trọng để phục hồi chức năng bảo vệ của mũi. Dung dịch rửa chứa muối biển có khả năng kháng khuẩn và làm sạch mũi vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, bạn nên kiểm soát liều lượng muối và lực xịt để không gây kích ứng cho niêm mạc.
Muối biển có lợi ích gì cho vẻ đẹp của bạn?
Tẩy tế bào chết cho da
Giống với đường, muối biển là một nguyên liệu tẩy tế bào chết rất hiệu quả. Muối biển có khả năng loại bỏ các lớp da chết bám trên da, giúp da trở nên mịn màng và tươi sáng hơn. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý lực chà xát để tránh làm xước da, đặc biệt là da mặt. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm tẩy tế bào chết từ muối biển. Bạn có thể tham khảo và lựa chọn loại thích hợp cho mình.
Gợi ý sản phẩm: Lush Ocean Salt.
https://www.instagram.com/p/BdcBRCXHg-J/
Tăng cường sức khỏe cho làn da
Nghiên cứu từ Đại học Kiel (Đức) cho thấy tắm bằng dung dịch muối biển giúp cải thiện hàng rào bảo vệ da. Ngoài ra, phương pháp này còn có công dụng tăng cường độ ẩm, làm sạch và giảm thiểu tình trạng viêm da. Những công dụng này xuất phát từ việc muối biển chứa nhiều chất khoáng như magie và canxi. Bạn có thể dùng các sản phẩm sữa rửa mặt hoặc dưỡng ẩm có chiết xuất từ muối biển.
Gợi ý sản phẩm: Innisfree Sea Salt Cleanser, The Face Shop Dr.Belmeur Daily Repair Ato Salt Cream.
https://www.instagram.com/p/B6nR28IAvC2/
https://www.instagram.com/p/BU8zG51hRj5/
Kích thích mọc tóc
Muối biển có khả năng kích thích lưu thông máu tại chỗ. Vì vậy, mát xa da đầu bằng muối biển có thể hồi phục nang tóc và kích thích mọc tóc. Hơn nữa, nguyên liệu này còn giúp loại bỏ bã dầu và bụi bẩn bám trên da đầu. Sau khi làm ướt tóc, bạn có thể cho một muỗng cà phê muối lên da đầu. Mát xa trong khoảng 10-15 phút sau đó gội đầu sạch như bình thường.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Khanh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Stylecraze Ảnh: Tổng hợp