Thời trang / Thế giới thời trang

Coronavirus và những thay đổi bước ngoặt của ngành thời trang

Dẫu biết thử thách luôn ở phía trước, nhưng ngành hàng xa xỉ và thời trang đã không ngờ rằng năm đầu tiên của thập niên mới lại mang đến một siêu khủng hoảng bất ngờ mang tên Coronavirus. 2020 sẽ trở thành một năm đáng nhớ với tất cả, một năm đánh dấu những bước ngoặt, những thay đổi mạnh mẽ nhất của ngành thời trang.

Tình hình ngành thời trang hậu đại dịch - BST Gucci Thu - Đông 2019

bức tranh ảm đạm của ngành thời trang

Tổn thất nặng nề bao trùm Hai tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc sau đó lan đến hơn 200 nước trên toàn thế giới, ngành thời trang đã dự đoán được những tổn thất sơ bộ bao gồm sản xuất, xuất nhập khẩu bị đình trệ vì mọi hoạt động từ nhà cung cấp, công xưởng lớn nhất thế giới bị tê liệt. Coronavirus cũng mang đến những mối lo âu về sức tiêu thụ hàng hiệu của những trung tâm tài chính, thời trang lớn như New York, Pháp, Thượng Hải, Hong Kong… Hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa vì vấn đề cấp bách nhất là sức khỏe và tính mạng chứ không phải quần áo đẹp. Mối lo về sự lây lan mang tính toàn cầu đã nhen nhóm tạo ra hoang mang cho tình hình bán lẻ của những nước châu Á lân cận như Việt Nam, Thái Lan và Singapore.

thời trang ngành thời trang thế giới

Thiệt hại của ngành bán lẻ thời trang trong thời điểm diễn ra dịch bệnh từ đầu năm đến nay vô cùng nghiêm trọng. Theo phân tích của McKinsey, khoảng 80% công ty thời trang của Mỹ và châu Âu sẽ rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, doanh số bán hàng của ngành bán lẻ toàn cầu cũng sẽ giảm 30% trong năm nay. Theo báo cáo của tổ chức tư vấn BCG, trong hai tháng vừa qua, doanh thu tại Trung Quốc giảm 85% và tại châu Âu (Ý, Tây Ban Nha và Pháp) là 95%. Cùng với hai tổ chức nghiên cứu và tư vấn này, các chuyên gia từ Bain và OC&C cũng nhận định tình hình hồi phục rất khó đoán và gian nan bởi chúng ta chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu của cuộc khủng hoảng.

Thu – Đông 2020 có lẽ là tuần lễ thời trang ảm đạm, pha lẫn nguy hiểm nhất mà bất cứ ai trong làng mốt từng trải nghiệm. Đây là dịp hàng chục ngàn người từ những quốc gia trên thế giới tề tựu, và cũng là lý do để dịch bệnh lây lan một cách âm thầm. Milan là nạn nhân đầu tiên và nghiêm trọng nhất khi con số nhiễm bệnh không ngừng tăng vọt trong và sau thời gian diễn ra các buổi diễn. Trong lúc Paris Fashion Week bắt đầu, người ta râm ran truyền tai nhau rằng Milan thất thủ khiến không khí của những buổi trình diễn bao trùm sự lo âu và dè dặt. Các thương hiệu liên tục nhắn nhủ khách mời rằng họ có thể bỏ qua buổi trình diễn hay tham quan showroom nếu thấy không khỏe. Ngoài ra, có đến 6 thương hiệu từ Trung Quốc buộc phải hủy lịch trình tại Paris gồm Uma Wang, Calvin Luo, Masha Ma, Shiatzy Chen, Jarel Zhang và Maison Mai.

Tính đến thời điểm này, chúng ta đã trở nên quen thuộc với những khái niệm cách ly, làm việc ở nhà, trì hoãn hay hủy bỏ. Ðể đảm bảo an toàn, nhiều tòa soạn đã nhanh chóng gửi email cho nhân viên thông báo về việc ngừng làm việc tại công sở. Ðầu tiên là thông báo từ tập đoàn truyền thông Hearst cho nhân viên tại Mỹ làm việc ở nhà với những căn dặn kỹ lưỡng để phòng dịch và yêu cầu hạn chế di chuyển ra nước ngoài nếu thực sự không cần thiết. Ðó cũng là yêu cầu chung của nhiều công ty thời trang khác bao gồm Gucci, Moncler hay Tommy Hilfiger, Calvin Klein…

Tình hình ngành thời trang - thời trang sàn diễn Thu Đông Balenciaga
Không khí u ám và những gợi ý về ngày tận thế trong show diễn Thu-Đông 2020 của Balenciaga diễn ra trong thời điểm dịch bệnh bùng phát tại châu Âu không khỏi làm người ta băn khoăn về tương lai của thời trang và cả nhân loại.

hàng loạt sự kiện lớn bị hủy

Ở yên một chỗ là thượng sách ngay lúc này, và đó cũng là một trong những lý do hàng loạt show diễn bị hủy bỏ: Chanel tại Capri vào ngày 7/5, Gucci tại San Francisco ngày 18/5, Max Mara ở St. Petersburg ngày 25/5, Ralph Lauren – New York tháng 5, Hermès tại London vào ngày 28/4. Một số thương hiệu khác như Giorgio Armani, Prada, Burberry, Versace hay Dior chỉ ra thông báo hoãn trình diễn để xem xét tình hình. Những tuần lễ thời trang tại Seoul, Tokyo, Brazil hay Thượng Hải đều đồng loạt tuyên bố không diễn. Ðáng buồn hơn là Tuần lễ thời trang Haute Couture và Menswear vào tháng 7 tại Paris cũng đã chính thức thông báo hủy bỏ. Các BST nam giới tại Milan sẽ được diễn chung vào tháng 9 cùng với các BST nữ. Không chỉ có các buổi trình diễn, những sự kiện liên quan đến thời trang khác cũng chung số phận. MET Gala được mong chờ nhất năm đưa ra thông báo hoãn hoặc có thể bị hủy. Liên hoan phim Cannes cũng đã thông báo hủy luôn sự kiện được lên lịch từ ngày 12-23/5. Vòng chung kết cuộc thi LVMH Prize 2020 sẽ không diễn ra và giải thưởng được chia đều cho 8 thí sinh vào chung kết.

Trước tình hình nhu cầu dịch chuyển và mua sắm không còn được quan tâm, các trung tâm thương mại hay cửa hàng đóng cửa hàng loạt; những tổn thất nặng nề về doanh thu với các tập đoàn thời trang và bán lẻ hoàn toàn không thể tránh khỏi. Vấn đề là trầm trọng đến mức nào, khả năng xoay chuyển và vực dậy hay sẽ kết thúc mãi mãi. Theo hiệu ứng domino, nhân sự các lĩnh vực trong ngành thời trang lần lượt bị ảnh hưởng. Ðể ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các trung tâm thương mại, cửa hàng được yêu cầu tạm đóng cửa, khiến những người trong ngành bán lẻ buộc phải tạm nghỉ việc. Khâu sản xuất cũng cho thấy những hệ lụy. Thương hiệu Gap ra thông báo hủy các đơn hàng mùa Hè và mùa Thu năm nay. Ðiều này hoàn toàn có thể xảy ra với bất cứ thương hiệu nào dù ở mức độ bình dân hay xa xỉ. Dòng haute couture cũng nằm trong vùng nguy hiểm khi hầu hết thợ thủ công tại các atelier đều đã lớn tuổi, là đối tượng khó chống chọi căn bệnh nếu vô tình nhiễm phải virus Covid-19.

Tình hình ngành thời trang - Cửa hàng Louis Vuitton

Tình hình ngành thời trang - Cửa hàng Nike

con số “biết nói”

Quý I của năm 2020 đã qua, và thiệt hại mà ngành thời trang hứng chịu từ dịch bệnh thể hiện rõ ràng qua những con số. Theo báo cáo tài chính vừa công bố của LVMH, doanh thu của quý I năm nay giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành hàng xa xỉ và đồ da giảm 9%, mỹ phẩm-nước hoa giảm 18% và đồng hồ-trang sức giảm đến 24%. Theo dự báo của trung tâm McKinsey, nếu chiến dịch phong tỏa và giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài thêm 2 tháng, sẽ có đến hơn 80% doanh nghiệp thời trang lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính.

những tác động vô hình

Dịch bệnh cũng mang lại một tác dụng phụ gây chia rẽ mối quan hệ giữa những người nổi tiếng với công chúng. Người mẫu Doutzen Kroes đã chia sẻ lời cảm ơn đến Coronavirus trên Instagram sau những chuyển biến tích cực về môi trường tại Italy được chia sẻ rộng rãi trên internet. Ngay lập tức cô đã nhận không ít chỉ trích về sự nông cạn và vô tâm từ người dùng mạng, trong đó có influencer Chiara Ferragni. Arielle Charnas, một blogger thời trang hàng đầu ở New York bị tẩy chay và đe dọa vì được cho là đã quá khoe khoang những “đặc quyền” của mình trước và sau quá trình nhiễm bệnh. Nhiều ngôi sao khác như Jennifer Lopez, Gal Gadot, Ryan Reynolds hay Madonna cũng nhận phản ứng dữ dội từ công chúng khi đăng tải những video tận hưởng những ngày cách ly tại dinh thự đầy tiện nghi của mình.

Tình hình ngành thời trang - Fashionista Chiara Ferragni mang khẩu trang

Ngành thời trang có những giải pháp gì?

Không có lý do gì để trì hoãn hay đứng ngoài cuộc, ngành thời trang đã nhanh chóng chung tay hành động để ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh.

Trong vai trò “anh cả”, hai tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới đã ngay lập tức hành động. Kering, LVMH cùng những thương hiệu khác đã tập trung sản xuất khẩu trang, “phụ kiện” duy nhất mà người dân lẫn các chuyên gia y tế đang cần. Số tiền mà hai tập đoàn lớn quyên góp cho cuộc chiến chống Corona cũng lên đến hàng triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, LVMH đã tận dụng cơ sở sản xuất nước hoa của mình để tập trung sản xuất nước khử trùng. Xưởng sản xuất quần áo của Louis Vuitton tại Paris đã chuyển sang sản xuất áo bảo hộ dành cho các bệnh viện. Giorgio Armani đã chi hơn hai triệu đô la Mỹ cho các bệnh viện ở Ý còn Chanel chi 1,2 triệu euro cho hệ thống cấp cứu của bệnh viện công, đồng thời trả lương 8 tuần cho nhân viên tại Pháp. Donatella Versace, Miuccia Prada, Remo Ruffini của Moncler, Renzo Rosso của tập đoàn OTB cùng nhiều thương hiệu và NTK khác của Ý đã quyên góp số tiền lên đến trên 55 triệu đô la Mỹ.

Tình hình ngành thời trang - Xưởng may Ready to Wear của Louis Vuitton
Xưởng sản xuất đồ ready-to-wear của Louis Vuitton đã chuyển sang sản xuất áo bảo hộ dành cho các bác sĩ ở bệnh viện tại Paris.
Tình hình ngành thời trang - gel rửa tay của LVMH
Chai gel sát khuẩn của LVMH được sản xuất từ xưởng sản xuất nước hoa của Dior.
Tình hình ngành thời trang - quá trình sản xuất khẩu trang
Ngoài hiện kim, khẩu trang và áo bảo hộ y tế là những đóng góp thiết thực đến từ những thương hiệu thời trang như Louis Vuitton, Prada, Burberry.

Rất nhiều người nổi tiếng cũng thể hiện sự quan tâm và quan ngại một cách thiết thực. Tại Ý, influencer Chiara Ferragni cùng chồng đã quyên góp 100.000 euro và gây quỹ phòng chống Coronavirus lên đến hơn 4 triệu euro. Người nổi tiếng tại Mỹ lại quyên góp theo nhiều cách khác nhau. Vợ chồng Blake Lively và Ryan Reynolds quyên góp 1 triệu đô, diễn viên Kristen Bell quyên góp 150 triệu đô cùng Justin Timberlake, Jimmy Fallon, Vanessa Hudgens để hỗ trợ chống dịch và cung cấp thực phẩm. Ca sĩ Lady Gaga chia sẻ 20% doanh số bán hàng từ thương hiệu mỹ phẩm riêng để quyên góp cho ngân hàng thực phẩm tại Los Angeles và New York. Quỹ cứu trợ do cô gây dựng trong một tuần đã nhận được 35 triệu đô, một hành động thực sự rất ý nghĩa cho công cuộc chống đại dịch lúc này.

Tình hình ngành thời trang - nữ ca sĩ Lady Gaga
Sức ảnh hưởng của người nổi tiếng cũng rất có ý nghĩa trong thời điểm này. Lady Gaga và Chiara Ferragni là hai cái tên có những đóng góp nổi bật nhất hiện tại.

Với đại dịch toàn cầu, nhân sự của ngành thời trang không tránh khỏi phải nghỉ không lương, hoặc giảm lương nếu làm ở nhà hoặc thậm chí mất việc, nhất là khi tất cả cửa hàng lẫn văn phòng đều tạm đóng cửa. Thế nhưng trong giai đoạn khó khăn này, thương hiệu Valentino lại đặt ra chính sách vô cùng “được lòng dân”. Người đồng sáng lập thương hiệu Giancarlo Giammetti đã thông báo trên Instagram của mình rằng lương của mọi nhân viên vẫn và sẽ được đảm bảo, kể cả với nhân viên bán hàng ở những cửa hàng phải đóng cửa. Bên cạnh đó, những nhân viên phải nghỉ vì bệnh tật sẽ không bị trừ vào ngày nghỉ phép. Bài post với hashtag #responsibility và #proudofit của ông được hưởng ứng nồng nhiệt bởi cộng đồng mạng lẫn những người hoạt động trong ngành thời trang bởi tất cả đều hiểu rằng việc được nhận đủ tháng lương trong thời điểm này là một phước lành. Nhiều tạp chí như Numéro, Vogue, Another Man đã cho tải về miễn phí những số báo mới nhất để bạn đọc có thể đọc trong những ngày dài ở nhà.

kỳ vọng hay giải pháp trong tương lai?

Những hành động ngay lúc này của ngành thời trang suy cho cùng vẫn chỉ mang tính ứng phó và không ai dám chắc liệu sẽ có những tình huống tương tự sẽ xảy ra trong tương lai hay không. Cắt giảm, thu hẹp hầu bao hay thậm chí lên lộ trình phá sản ngoài ý muốn là những kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra sau đại dịch. Ðiều mà ngành thời trang cần làm lúc này và ngay sau khi dịch bệnh được dập tắt là đưa ra những giải pháp thay đổi mang tính bền vững, có thể ứng phó với những cuộc khủng hoảng để giảm thiệt hại thấp nhất và từng bước phục hồi guồng máy, đồng thời thay đổi phương thức hoạt động phù hợp với thời thế.

Qua cơn khủng hoảng này, ngành thời trang sẽ nhìn lại điều gì là đủ và cần thiết bởi đa số người tiêu dùng lúc này đều không đặt tiêu chí mặc đẹp và mua sắm lên hàng đầu. Theo dòng thời gian của thời trang trong một năm, đây là thời điểm giữa mùa Xuân – Hè và vì vậy những BST resort và Xuân – Hè 2020 có nguy cơ tồn kho lớn. Ðồng thời, các đơn hàng của hai mùa chớm Thu và Thu – Ðông đang trong giai đoạn chốt đơn, sản xuất cũng có thể bị trì hoãn, chậm trễ hoặc thậm chí hủy bỏ từ cả phía nhà cung cấp lẫn người mua. Sau dịch bệnh, đa số người tiêu dùng cũng sẽ có xu hướng thắt lưng buộc bụng và chỉ ưu tiên chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu như lương thực, nhà ở và giáo dục bởi thu nhập của họ có thể phục hồi nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nền kinh tế. Vì vậy, ngành bán lẻ và hàng xa xỉ dự báo sẽ phải tiếp tục chịu lỗ trong nhiều tháng sau đó.

Có lẽ, ngành thời trang cũng cần cân nhắc lại liệu chúng ta đã và đang quá lãng phí hoặc sản xuất vượt quá nhu cầu? Vấn đề này đã được đặt ra trong rất nhiều năm, và đây là lúc cần nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc để điều chỉnh và giải bài toán cung cầu. Ðiều này không chỉ đảm bảo sự an toàn trong những trường hợp bất khả kháng mà còn có lợi cho môi trường, đưa công cuộc bền vững hóa thời trang tiến lên một bậc cao hơn.

Dự đoán một loạt thay đổi mới trong cách thức giới thiệu mẫu mã của các thương hiệu sẽ ra đời. Những tuần lễ thời trang hay show diễn bị hủy trong hai tháng gần đây cho thấy mô hình trình diễn truyền thống vốn rất tốn kém lại có rủi ro cao trong bối cảnh dịch bệnh. Rất có thể công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi này. Viktor & Rolf đang được xem là tiên phong khi ra mắt BST không khán giả và một người mẫu duy nhất vào năm 2009. Không thư mời, không ê-kíp hùng hậu và chỉ một người mẫu là Shalom Harlow, Viktor & Rolf đã đưa ra ý tưởng về một show thời trang bền vững được phát trực tuyến để mọi người trên thế giới đều có thể tham dự. Với sự phát triển của công nghệ VR, chúng ta có quyền kỳ vọng được thưởng thức thời trang tại hàng ghế đầu ngay tại nhà. Công nghệ là chuyện của tương lai, còn hiện tại, giải pháp cho các BST thời dịch bệnh là những bộ lookbook hoặc phim thời trang. Cách thức tuy cổ điển nhưng vẫn hữu hiệu bởi suy cho cùng, điều tối quan trọng của thời trang vẫn là sự sáng tạo và chất lượng thiết kế.

Tình hình ngành thời trang - sàn diễn Xuân Hè 2020 của Viktor & Rolf
Ý tưởng show diễn chỉ một người mẫu mùa Xuân – Hè 2009 của Viktor & Rolf có thể là giải pháp của các thương hiệu khi các tuần lễ thời trang bị hủy bỏ bất khả kháng.

Nhưng nếu người mẫu không thể tham dự show diễn hay buổi chụp hình của nhãn hàng? Công nghệ lại một lần nữa chứng minh sự hữu dụng của mình. Với chất lượng chuẩn từ màu sắc, không gian cho đến chi tiết, công nghệ tạo hình ngày nay tiên tiến đến mức có thể tạo ra những nhân vật có cảm xúc và chuyển động mượt mà và giống người thật gần như hoàn toàn. Hai hiện tượng người mẫu kỹ thuật số là Shudu và Lil Miquela được ra mắt vài năm trước cho thấy tiềm năng và chỗ đứng của người mẫu ảo trong tương lai. Trên thực tế, các thương hiệu đã sử dụng người mẫu ảo cho chiến dịch của mình, điển hình có Louis Vuitton với chiến dịch quảng cáo Xuân – Hè 2016 và Miu Miu với người mẫu Aimee trong chiến dịch mới đây tại Trung Quốc.

Tình hình ngành thời trang - người mẫu kỹ thuật số của Prada
Miu Miu sử dụng người mẫu kỹ thuật số Aimee.

Tạm kết

Ngành thời trang đang lâm vào trạng thái đình trệ và khủng hoảng. Đây là lúc sự đoàn kết tầm cỡ quốc tế cần thiết hơn bao giờ hết. Đó cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại một cách nghiêm túc, tái cơ cấu và xây dựng lại ngành công nghiệp thời trang vốn đã cần được sắp xếp một cách ngăn nắp và bền vững, phù hợp với thời đại. Khủng hoảng phần nào thúc đẩy sáng tạo, và ít nhất là sau đó, “trò chơi” được khởi động lại còn người chơi giỏi sẽ là người trụ lại.

Lẽ dĩ nhiên trong cuộc khủng hoảng này, người tiêu dùng cũng không nằm ngoài tổn thất nhưng họ chính là một trong những yếu tố chủ chốt để vực dậy ngành công nghiệp. Để đưa ra phương án phù hợp, ngành thời trang có thể sẽ mất một thời gian đáng kể nhưng trong vai trò người tiêu dùng, điều tối thiểu chúng ta có thể làm sau khi dịch bệnh qua đi là mua sắm nội địa. Điều này có ý nghĩa lớn với không chỉ những thương hiệu và nhà bán lẻ trong nước, nhất là những thương hiệu trẻ, vừa và nhỏ. Nếu nhìn về bức tranh lớn, sự ủng hộ này còn đem lại việc làm cho nhiều lao động và là một trong những hành động được đánh giá là bền vững trong thời trang.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Lê Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)