Không ít khán giả của chương trình Người đương thời – VTV vẫn nhớ đến buổi phát sóng đặc biệt diễn ra cách đây khá lâu, trường quay được dựng ngoài trời và cuộc trò chuyện diễn ra dưới mưa, trong cái lạnh 10 độ C của Hà Nội.
Và nhân vật chính của chương trình – chị Phạm Thị Loan – đã thực sự tỏa sáng giữa bối cảnh đó, với sự điềm tĩnh đáng phục và nụ cười thường trực trên môi. Đó là nụ cười dịu dàng, đằm thắm của một phụ nữ đẹp đã đạt đến độ chín của sự trải nghiệm.
Gây ấn tượng không kém là đôi mắt sáng, rất sắc sảo, thể hiện rõ sự thẳng thắn và quyết liệt của một nữ doanh nhân đã vực dậy công ty sắp phá sản của mình và biến nó thành một tập đoàn hùng mạnh.
Cũng trong chương trình ấy, rất nhiều khán giả không thể quên được hình ảnh chồng chị đứng bên cạnh, lặng lẽ che ô cho vợ. Dường như chính sự đối lập giữa tâm hồn đa cảm với tính cách quyết liệt đã giúp chị trở thành một người phụ nữ thành đạt với gia đình hạnh phúc sau lưng.
Là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á, Đại biểu Quốc hội khóa 2007 – 2011, Ủy viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội… nhưng chị luôn xem nhẹ tiền bạc và chức quyền.
Chị nói: “Ở Việt Nam kiếm tiền không khó. Muốn giàu thì đi buôn bất động sản, chứ tội gì xây nhà máy. Nhưng tôi chưa bao giờ có ý tưởng hưởng thụ cho riêng mình. Bé thì lo cho gia đình, lớn thì lo cho những người xung quanh… Tiền chỉ là phương tiện thôi. Nếu vì tiền mà cố thì không có an lạc, nếu vì quyền lực mà cố, thì cũng đau khổ. Vật chất chỉ là bèo bọt”.
Nhưng thưa chị, khuôn mặt thỏa mãn của những người ngồi trong chiếc xe hơi cực kỳ đắt tiền dường như cũng thể hiện sự an lạc đấy chứ?
Họ sẽ an lạc trong một thời gian rất ngắn thôi. Xe chỉ làm họ an lạc lúc mới tậu. Xe đấy có phải là mới nhất đâu. Rồi người ta sẽ cho ra một dòng xe khác mới hơn. Rồi họ sẽ phải lo sắm xe mới. Chừng nào còn đuổi theo cái mới thì chừng đó họ không được thanh thản. Bởi vậy chưa chắc người giàu đã thanh thản bằng những người nông dân hài lòng với thửa ruộng của mình.
Chị đã từng làm việc cho các công ty nước ngoài, mức lương khá, lại được đi đây đi đó nhiều, tại sao chị lại quyết định rời bỏ và tự lập doanh nghiệp?
Khi còn làm cho Công ty XNK Bao bì, tôi từng được đi học ở Ấn Độ 4 tháng, thăm hơn 30 nhà máy nên nắm được hết công nghệ sản xuất công nghiệp, được mở mang đầu óc. Ấn Độ dù còn nghèo nhưng đã chế tạo ô tô, xe máy, và cả nguyên tử. Sau đó, khi có dịp đi sang Hàn Quốc, tôi thấy bức tranh đã rõ hơn, cái gì cũng Made in Korea, từ nồi cơm điện, điện thoại, ô tô… hiếm thấy ô tô nhập khẩu. Rồi có dịp sang Đức, tôi thấy ý chí bản lĩnh dân tộc lớn hơn. Năm 1945 họ vẫn còn phải vặt từng cái bu-lông ốc vít để trả nợ chiến tranh, vậy mà giờ họ đã có những tập đoàn khổng lồ.
Về đến sân bay, nhìn nước mình lạc hậu mà buồn. Nhân lực có, trí tuệ có, nhưng sao cứ đì đẹt thế này? Tôi muốn đem những gì học được về truyền lại cho mọi người, nhưng tiếng nói của mình nhỏ bé quá. Và cũng chẳng ai để ý. Vấn đề là quản lý, là đào tạo, là giáo dục tính cộng đồng, hợp tác, chia sẻ… Tôi thấy mình phải làm một điều gì đấy.
Chị tìm thấy điều gì thú vị ở ngành điện, lĩnh vực rất kỹ thuật và khô khan tưởng như chỉ phù hợp với nam giới?
Tôi không thích những gì theo lối mòn, tôi thích thách thức. Điện là một lĩnh vực rất trí tuệ, và là một biển lớn về kiến thức. Nó hợp với tư chất của tôi. Logic điện cũng như các nguyên tắc phát triển của điện có liên hệ với nhau, tương tự như logic và nguyên tắc phát triển của cuộc sống hàng ngày.
Tôi hình dung các máy cắt, biến thế, thiết bị giống như các bộ phận của cơ thể người. Hệ thống điều khiển từ xa giống như hệ thần kinh, rồi các bộ phận thoại với nhau như người nước nọ thoại với người nước kia. Bộ phận chuyển mạch giống như bộ phận phiên dịch. Khi hiểu được logic, và làm được thì sẽ thấy điện rất hấp dẫn. Đôi với tôi Điện không chỉ là công việc mà còn là nhân duyên.
Chị trở thành Đại biểu quốc hội như thế nào?
Từ xưa tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ làm chính trị. Ngay cả việc làm chủ doanh nghiệp cũng là do được đẩy vào làm. Trong quá trình chuẩn bị Quốc hội, người ta phân bổ cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa một suất. Khi tiến hành bầu trong Hiệp hội thì tôi cao phiếu nhất, thế thì vào thôi. Nhưng đã vào thì làm hết trách nhiệm, vì tính tôi vốn thẳng thắn.
Được gọi là “người đàn bà thép” trong kinh doanh và trên chính trường, nhưng nghe nói chị cũng rất dễ rơi nước mắt. Trong một chuyến đi từ thiện ở miền Trung, khi chứng kiến những thảm cảnh của dân nghèo phải vật lộn với bão lũ, chị đã òa khóc trước rất nhiều người?
Tôi cũng từng trải qua rất nhiều biến cố trong đời, kể từ thời thơ ấu. Sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên ở Nghệ An với mẹ và bà nội. Thời đấy là chiến tranh, cả nhà phải di tản, trong khi bố phục vụ quân đội… Bà nội tôi rất vất vả tần tảo. Bà đẻ được bố tôi thì mất chồng, một mình nuôi con từ năm 23 tuổi… (khóc).
7 tuổi tôi đã theo bà nội đi cấy, bắt còng, lên rừng hái củi, lên miền ngược buôn măng, sắn… Tôi học được nhiều từ bà, như tính chỉn chu đến nơi đến chốn, không bao giờ dừng lại giữa đường, không nề hà, chê bai, lúc nào cũng lo cho người khác, vì người khác. Dễ cảm động, thương người. Mẹ tôi cũng có đức tính ấy, bố tôi cũng thế, nhưng đậm sâu nhất là bà nội, vì gian khổ của bà vượt hơn tất cả, và bà vượt qua một mình.
Dường như gia đình có giá trị đặc biệt quan trọng với chị?
Tôi vẫn nghĩ rằng dù có bản lĩnh thế nào, gia đình vẫn luôn là giá trị quan trọng nhất của một người phụ nữ. Những khoảnh khắc hạnh phúc và bình yên nhất với tôi là được ở bên cạnh những người thân yêu, và nhìn thấy con cái trưởng thành từng ngày.
Nhóm thực hiện
Bài Uyên Ly