Sáng tạo không chỉ là một vấn đề phức tạp mà còn là chủ đề mang tính trừu tượng đối với một số người. Nhiều người cho rằng sáng tạo là khả năng giải quyết vấn đề và tạo ra điều mới mẻ theo cách khác nhau. Nhưng có thực sự là như vậy? Cùng ELLE tìm hiểu xem các nhà tâm lý học định nghĩa như thế nào về sự sáng tạo nhé.
sáng tạo bao gồm những yếu tố nào
Theo các nhà tâm lý học, có hai thành tố cơ bản hình thành nên sự sáng tạo là Tính nguyên bản và Chức năng. Xét về tính nguyên bản, những ý tưởng sáng tạo không đơn thuần là những điều mới lạ mà còn được xây dựng từ những cái đã có. Còn về chức năng, chúng chỉ được gọi là ý tưởng sáng tạo khi ý tưởng đó thực sự đem lại hiệu quả và phục vụ cho cuộc sống của nhân loại.
BÀI LIÊN QUAN
người sáng tạo là người như thế nào
Khi quan sát nhiều nhóm người khác nhau, các nhà tâm lý học nhận thấy khả năng sáng tạo thường xảy đến trong một vài tình huống cụ thể. Có thể thấy, những người sáng tạo là những người có tính cách khuấy động, thú vị và có suy nghĩ khác biệt. Họ cũng là những người có cái nhìn mới mẻ, bao quanh bởi nguồn ý tưởng giàu cảm hứng và luôn khát khao khám phá thế giới xung quanh.
Họ chính là những cỗ máy sáng tạo với nguồn năng lượng là khả năng tò mò một cách say mê và mãnh liệt. Đối với họ, sự công nhận của người khác đôi khi còn là điều thừa thãi, vì họ hiểu rõ những ý tưởng điên rồ của mình có vai trò quan trọng và ý nghĩa đến chừng nào. Có rất nhiều nhà phát minh và nghệ sĩ đạt được thành tựu mới lạ và mang lại nhiều ý nghĩa cho nhân loại như họa sĩ Pablo Picasso và nhà khoa học Nikola Tesla.
Các kiểu sáng tạo
Trong tiếng Anh, sáng tạo có nghĩa là Creativity, do đó mà các chuyên gia chia sáng tạo thành 4 kiểu C.
Kiểu thứ nhất là Mini-C, những người này là những cá nhân có nhiều ý tưởng và cái nhìn sâu sắc, ý nghĩa về cuộc sống. Tuy nhiên, những ý tưởng của họ thường có mức độ ảnh hưởng thấp và hiếm khi được các cá nhân này áp dụng.
Kiểu thứ hai là Little-C, kiểu này liên quan đến những cá nhân có khả năng giải quyết cho hầu hết các vấn đề trong cuộc sống thường ngày. Với Little-C, họ sẽ biết cách tìm ra phương hướng cho những gian nan mà mình đang phải đối mặt cũng như giúp họ thuận lợi thích ứng với sự thay đổi của môi trường xung quanh.
Kiểu thứ ba là Pro-C, những chuyên gia sáng tạo thông thường là những cá nhân thuộc kiểu này. Họ là những người có kỹ năng riêng biệt trong lĩnh vực tương ứng, nhưng họ cũng không thực sự đạt được thành tựu nổi bật trong sự nghiệp.
Và kiểu cuối cùng là Big-C, họ là những người tạo ra những ý tưởng và công trình nổi bật trong một lĩnh vực cụ thể. Kiểu sáng tạo này thường tạo ra những thay đổi lớn cho thế giới về mặt y tế, khoa học công nghệ, nghệ thuật…
BÀI LIÊN QUAN
Điều gì tạo nên khả năng sáng tạo
Năng lượng: Họ sở hữu nguồn năng lượng dồi dào về cả thể chất lẫn tinh thần cũng như khả năng chiêm nghiệm, dành thời gian suy ngẫm về bản thân và thế giới xung quanh.
Sự thông minh: Các nhà tâm lý học tin rằng trí thông minh đóng một vai trò vô cùng quan trọng góp phần tạo nên sự sáng tạo. Những người có chỉ số IQ (Intelligence quotient – chỉ số trí tuệ) cao thường là những người có khả năng sáng tạo tuyệt vời. Nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa rằng tất cả những ai thông mình đều là những cá nhân sáng tạo. Thông minh là điều kiện cần và điều kiện đủ chính là khả năng quan sát của bạn về thế giới xung quanh.
Tính kỷ luật: Họ không ngồi ở nhà và đợi sáng tạo đến gõ cửa. Để khiến bản thân không bị nhàm chán và lười biếng trong suy nghĩ, họ sẽ không ngần ngại mạo hiểm những điều mới và nghiêm túc theo đuổi những gì mình đã định ra.
LIỆU CHÚNG TA CÓ THỂ RÈN LUYỆN KHẢ NĂNG SÁNG TẠO
Ngoài một số người có bản năng sáng tạo tự nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện năng lực sáng tạo cho bản thân. Như nhà phát minh Thomas Edison đã từng nói, “thiên tài được tạo bởi 1% cảm hứng và 99% giọt mồ hôi”, càng luyện tập tư duy sáng tạo, khả năng sáng tạo của bạn càng được trau dồi.
Tư duy sáng tạo có thể được trau dồi qua những thói quen và hoạt động trong cuộc sống thường ngày. Đừng để nguyên tắc và sự nhàm chán rập khuôn và bó hẹp khả năng tư duy và tinh thần cởi mở của bạn. Luôn có nhiều cách giải quyết cho một vấn đề, chỉ cần bạn thay đổi hướng nhìn, mọi chuyện sẽ thay đổi theo chiều hướng khác. Đồng thời, đừng để trí tưởng tượng của bạn bay quá xa, xây dựng một khuôn khổ nhất định sẽ giúp tư duy sáng tạo của bạn đi theo đúng hướng và khiến bạn tự tin về nó hơn khi trình bày với bất kỳ ai.
Nhóm thực hiện
Bài: Vi Tường Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Verywellmind