Dưới đây là ý nghĩa và lịch sử của 9 biểu tượng mà bạn có thể bắt gặp trong cuộc sống tâm linh cũng như trong các nền tôn giáo khác nhau.
1. Om
Biểu tượng Om đến từ Ấn Độ giáo và được thể hiện trong Vedas – quyển Kinh thánh Ấn Độ giáo cổ xưa nhất. Om mang ý nghĩa đại diện cho hơi thở của vũ trụ. Trong tiếng Phạn, Om còn được gọi là vũ trụ và là biểu trưng cho nguồn năng lượng vô tận nhất của thiên nhiên. Chính vì thế, trong Yoga, mỗi khi luyện tập, chúng ta ngân lên tiếng Om với mục đích lấy hơi thở làm trọng tâm chuyển hóa nguồn năng lượng vũ trụ thành sức mạnh.
2. Hoa Sen
Đây cũng là một dấu hiệu phổ biến khác trong Ấn độ giáo, đại diện cho “tử cung” của vũ trụ – nơi mọi thứ được tạo ra. Theo đó, hoa sen – biểu trưng của cái đẹp, chỉ mọc trong những khu vực đầm lầy – đại diện cho những thứ xấu xa và bất ổn. Cho nên hình ảnh này ám chỉ rằng con người chúng ta luôn hướng tới những điều tốt đẹp và cố gắng vượt qua nghịch cảnh. Ngoài ra, trong đạo Phật, hoa sen cũng liên quan đến ý tưởng về linh hồn của vũ trụ. Cho đến ngày nay, hoa sen đã được công nhận là quốc hoa của Ấn Độ.
3. bàn tay Hamsa
Biểu tượng bàn tay Hamsa thường được tìm thấy trên trang sức và quần áo, tượng trưng cho thần hộ mệnh xua đuổi tà ác và những điều tiêu cực. Theo đó, bàn tay Hamsa còn liên quan đến Hồi giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo và Phật giáo. Trong Hồi giáo và Do Thái giáo, Hamsa chính là bàn tay của Chúa với đôi mắt của Thần Horus giúp bảo vệ người đeo và thu hút nguồn năng lượng tích cực. Còn đối với Ấn Độ giáo, Hamsa gắn liền với ý nghĩa tâm linh, đại diện cho Thánh thần Tối thượng và Thực tại Tối hậu – bản chất tuyệt đối của vạn vật.
4. Phật
Đây là hình ảnh của Đức Phật Siddhartha Gautama sống trong thế kỷ V trước Công Nguyên. Ngày nay, hình ảnh của Đức Phật Gautama đại diện cho sự giác ngộ, hợp nhất, hòa bình và được lan tỏa trên khắp thế giới, đặc biệt trong các không gian tâm linh. Đức Phật còn là biểu tượng ẩn dụ cho một người đã hiểu rõ chân lý, lẽ đời và có thể dùng trí tuệ của mình để nhận thức về thế giới cũng như đạt đến trình độ khai sáng nhất.
BÀI LIÊN QUAN
5. Mandala
Từ lâu, Mandala đã có kết nối tâm linh với Phật giáo và Ấn Độ giáo. Những họa tiết này đại diện cho hành trình khám phá thế giới bên ngoài cũng như bên trong của chúng ta. Về bản chất, các lớp họa tiết là chi tiết ẩn dụ cho những phẩm chất mà chúng ta cần tu luyện để đạt được giới hạn cao về trí tuệ và giác ngộ vạn vật. Ngoài ra các nhà sư Phật giáo còn sử dụng Mandala cát tượng trưng cho sự vô thường và xem nhẹ vật chất. Còn trong Ấn Độ giáo, thì Mandala chính là biểu tượng kết nối giữa sự vô hình và hữu hình.
6. Mắt quỷ
Ngoài ý nghĩa liên quan đến biểu tượng tâm linh Hamsa, trong Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo và Phật giáo, Mắt quỷ cũng rất phổ biến. Theo đó, ý tưởng của Mắt quỷ ám chỉ những điều xấu xa và thế lực quỷ dữ đang tác động đến bạn. Kết hợp với Hamsa, con người đeo thường đeo Bùa Mắt quỷ để chống lại “quỷ dữ”, những điều tồi tệ và xua đuổi cái nhìn “ác ý” xung quanh.
7. Luân Xa
Luân Xa là những điểm tiếp nhận và truyền tải năng lượng tâm linh từ Vũ Trụ. Trong cơ thể chúng ta có 7 Luân Xa chính chạy dọc theo cột sống từ chân trụ đến đỉnh đầu. Chúng ta thường nhắc đến Luân Xa như cơ thể vô hình của con người với nguồn năng lượng được phân bổ ở nhiều nơi. Trong bất kỳ trường hợp nào, khi Luân Xa bị ảnh hưởng thì đều có thể dẫn tới tác động tiêu cực đến sức khỏe và tâm thần của chúng ta. Ngoài ra, năng lực tâm linh của mỗi người cũng được thể hiện qua độ sáng trong màu sắc của mỗi Luân Xa.
8. Namaste
Ở Ấn Độ, Namaste giống như một lời chào, mang ý nghĩa gửi lời hỏi thăm và chúc phúc đến người được chào hỏi. Nhưng nếu tham gia lớp học yoga, bạn vẫn có thể bắt gặp một lời chào như “Ánh sáng trong tôi tôn vinh ánh sáng trong bạn – namaste”. Ở đây, Namaste lại thể hiện sự tôn kính của người nói dành cho người nghe cũng như thần linh trú ngụ bên trong họ.
9. Âm và Dương
Âm và Dương đại diện cho tính nam và tính nữ, ánh sáng và bóng tối cũng như định luật phân cực. Theo định luật phân cực, mọi thứ trên đời này đều có hai mặt như tốt đẹp và xấu xa, ấm áp và lạnh lẽo. Ở Trung Quốc, ý tưởng về hai mặt đối nghịch được lan truyền qua nhiều thế hệ và trường phái tư tưởng khác nhau. Sau cùng, Âm Dương chính là biểu tượng tâm linh thể hiện sự hài hòa và cân bằng trong tự nhiên.
Nhóm thực hiện
Bài: Vi Tường Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Mindbodygreen