BỐN BÁNH CÙNG CHIA GIỚI TÍNH
Bốn bánh có thể chỉ như là một thế thân của hai bánh, chỉ một chiếc xe đàn bà tự lái, đơn giản là một thứ để đi, không như đàn ông cứ nghĩ xe là một phần quyền lực. Quyền lực xoay chuyển, quyền lực được chứng tỏ bản thân, hoặc nói một cách nào đó, nhiều đàn ông thích xe hơi chỉ bởi cảm giác chinh phục ngạo nghễ mà chiếc vô lăng mang lại.
Không hiểu sao có rất nhiều đàn ông chỉ muốn châm biếm và cười cợt người đàn bà ngồi sau tay lái ô tô. Ngày tôi lấy bằng lái xe, xe số, chỉ để dự định cùng người bạn lái chiếc Jeep cao ngồng có tuổi đời cổ lỗ hơn cả tuổi tôi ra biển đêm, tôi chưa nhận được bằng lái đã nhận được mail chúc mừng.
Trong mail, có một bộ sưu tập những tình huống hài hước khi người đàn bà lái xe, lôi theo cả vòi bơm xăng từ cây xăng vừa dừng mua, đánh võng giữa hai làn đường phân vân, hay đỗ xe ngang trong bãi xe dọc của đàn ông. Thậm chí những tai nạn kỳ khôi như xe tí hon rẻ tiền Solio kẹt giữa hai đầu xe buýt cũng được gán cho tài xế là đàn bà.
Người gửi thậm chí không hiểu ra rằng, ngay từ khi chúng ta di chuyển trong thế giới xe hai bánh, anh ta đã không thể nào ngồi lên yên chiếc xe đua thể thao phân khối lớn của tôi. Anh ta chưa từng tới được những vùng xa tôi từng một mình chinh phục. Vậy cái sự cười cợt của anh ta chào đón tôi vào thế giới bốn bánh liệu có buồn cười như anh ta tưởng không?
Hay tiêu biểu cho những người đàn ông đang ngắm nhìn phụ nữ ngồi sau tay lái chiếc xe hơi, nhiều người đàn ông nghĩ rằng, chỗ ngồi đẹp nhất của phụ nữ là bên ghế phụ, khép hai đầu gối gợi cảm dưới chiếc váy ngắn. Và khi phụ nữ nói: “Em không thuộc đường!” hoặc “Em không biết lái xe!” đó chính là thông điệp khả ái và dễ chịu, như thể gợi ý: “Anh sẽ đưa đón em chứ!”.
Dường như có một triết lý nào đó thiên lệch giới của những nhà tài phiệt miệng ngậm xì gà – là đàn ông, tất nhiên – bá chủ những đế chế xe hơi. Nên cho dù họ vẫn cho ra đời dòng xe nữ giới, từ thiết kế nội thất cho tới màu sơn xe dường như chỉ chứng tỏ sự chiếu cố của đàn ông dành cho những phụ nữ lái chiếc xe bốn bánh đang đi trong thế giới đàn ông.
Họ sẵn sàng gắn gương soi hai mặt lớn để, nếu đàn ông chiếu hậu thì đàn bà tô son khi chờ đèn đỏ ngã tư. Họ quảng cáo Ford Escape chinh phục đỉnh núi – với tay lái đàn ông, tất nhiên, trong khi ngay trong shot quảng cáo liền kề, Suzuki lại cho cái xe đi ra cửa chỉ để chủ nhân đổ rác, rồi lùi vào gara, khỏi giải thích cũng rõ người ngồi sau tay lái hẳn lại đàn bà, một người đàn bà đi đổ rác trên chiếc xe bốn bánh. Và khi tôi đi xem xe trong Showroom, ngay lập tức ông chủ ngỏ ý lắp tặng miễn phí camera sau đuôi xe, cùng với bộ cảm ứng để lùi xe, như thể đàn bà hễ ngồi sau vô-lăng là cần tới trợ giúp.
ĐỜI PHÍA NGOÀI CỬA KÍNH XE
Phụ nữ giản đơn hơn nhiều, qua cửa kính xe, chúng ta thấy cuộc sống đã thay đổi, và người phụ nữ cảm thấy, chiếc xe ta lái đẹp nhất là chiếc xe do chính ta tự mua.
Qua cửa kính xe, đàn ông đáng ghét khi đi sau hay bóp còi, lúc vượt lên thường quay sang nhìn mặt. Khó chịu khi có người đàn ông lười biếng đã đỗ chiếc Volvo dài vào ngay vị trí đầu tiên của bãi gửi xe tầng hầm. Ghét cả những gã đàn ông mở nhạc quá to trên xe, như thể, chỉ hắn mới có dàn loa xịn.
Và cái điều làm phụ nữ thấy phản cảm nhất, khi họ ngồi sau tay lái chiếc xe hơi, đó là người đàn ông ta gặp đôi khi nghĩ thầm: “món quà xa xỉ này của chàng dại gái nào?”. Đàn ông nhìn xe hơi của phụ nữ, thường không chịu nhìn cái xe chỉ đúng như một cái xe.
Nhiều người bạn tôi công nhận rằng, mới chỉ vài năm nay ngồi sau tay lái xe hơi, họ đã thấy đời họ đổi thay. Đầu tiên là ít đàn ông theo đuổi. Rồi sau đó là khó yêu, sau cửa kính chiếc xe ô tô, nhìn thấy nhược điểm của đàn ông nhiều hơn, ví dụ, thêm một cơ số’ các chàng không bằng lái, không xe đã rớt lại quá khứ.
Một người bạn tôi số phận xếp cho yêu phải một anh bạn ở… cùng chung cư mới, vì tình cờ quen trong hầm để xe, chàng mua chỗ đỗ xe ngay cạnh xe nàng, cả hai xe tình cờ đều là Civic 1.8. Kết cuộc bi thảm, cuộc tình chấm dứt sau lần hò hẹn thứ năm chỉ bởi một hôm nàng tiện tay cầm chìa khóa xe chàng đi bát phố’ với bạn bè, khi về, chàng đã xem xét tỉ mỉ mọi góc cạnh xem xe mình có bị xước sơn chỗ nào chăng.
Bạn tôi nói, một người đàn ông thấy của cải to như thế, thì làm sao quý người? Quan trọng hơn, quan điểm sống quá khác xa nhau, cái xe rốt cuộc chỉ là phương tiện, nó phải phục vụ mình, chứ tại sao lại để cho mình thành nô lệ của xe, cho dù “xế” có xịn tới tiền tỷ hay chục tỷ đi nữa?
Không có bất kỳ một nghiên cứu nào, nhưng tôi tin rằng phụ nữ sở hữu chiếc xe của riêng mình luôn giữ quyền độc lập và tự chủ khá lớn trên tình trường, ít nhất, họ không lụy đàn ông.
Blog Trang Hạ
Nhóm thực hiện
TRANG HẠ