Ai trong chúng mình cũng đã được dạy dỗ rằng làm mẹ là “thiên chức” của phụ nữ. Theo mình hiểu, đã là thiên chức thì phải được thực hiện một cách tự nhiên, tốt đẹp, nhẹ nhàng. Nôm na là bản năng làm mẹ đã có sẵn trong người phụ nữ, cứ đẻ con là sẽ nuôi được, giống như trời sinh voi thì phải sinh cỏ. Thế mà, sự nuôi dạy con hôm nay có vẻ hoàn toàn không đơn giản như vậy.
Vòng luẩn quẩn của các bà mẹ hiện đại
Ở Việt Nam, việc nuôi con vẫn là đặc quyền, đặc ân, và nói thẳng ra vẫn là trách nhiệm chính của phụ nữ. Vừa đi làm để có sự nghiệp, để khẳng định sự độc lập của nữ giới, để là người phụ nữ đương đại, lại vừa nuôi con và lo toan cho gia đình. Quỹ thời gian vẫn chỉ có 24h một ngày. Thật tội cho con cái khi mẹ bận, nhiều lần không đi họp phụ huynh cho con được, khi 5, 6 giờ chiều rồi mà chưa được nhìn mặt con vì ở cơ quan, việc vẫn chất núi.
Cảm giác tội lỗi đến với các bà mẹ thường xuyên vì mình chăm thì ít, người giúp việc hay ông bà nội ngoại chăm thì nhiều. Thế nhưng nếu bỏ giờ vàng ngọc của công ty ra để đưa đón con đến trường hay chăm con ốm thì lại thấy bồn chồn, nhấp nhổm vì bao nhiêu email chưa trả lời, báo cáo chưa viết, dự án chưa hoàn thành. Căng thẳng với công việc, nhiều khi mẹ mắng oan con, không có đủ kiên nhẫn với chúng.
Cái trạng thái thiếu cân bằng trên tạo thành một vòng luẩn quẩn rất tệ hại: phụ nữ hiện đại luôn thấy mắc lỗi với cả hai bên: con cái và công việc. Thế là để đền bù cho những “tội lỗi” ấy, các bà mẹ “mua chuộc” tình yêu thương của tụi nhỏ bằng các chuyến đi nghỉ, bằng quần áo đẹp, bằng đồ chơi đắt tiền. Nhiều bà mẹ siêu nhân về sớm hơn đón con, ngồi giúp con học bài, rồi thức khuya làm nốt việc khi con đã ngủ. Sáng mai lại đến công sở và chiều lại về sớm đón con… sự cân bằng hầu như là xa xỉ!
Ngoài ra, phụ nữ vốn cả nghĩ, hay so bì, lúc nào cũng muốn con mình phải hơn. Nếu con người khác học đàn, vẽ, cờ tướng, v.v…, con mình cũng phải học từng đó thứ, và cũng phải giỏi như con bạn mình, con hàng xóm… Nếu con người khác đi du học, mình cũng sẽ phấn đấu, làm việc như điên để cố gắng kiếm nhiều tiền, cho con mình cũng đi. Điều này lại càng làm quỹ thời gian của các bà mẹ vốn đã ít lại càng ít hơn. Cái vòng luẩn quẩn ít-thời-gian-vì-phải-nhọc-nhằn- làm-việc-nuôi-con lại càng tệ hơn nữa.
Khoa học và phương pháp nuôi con: mâu thuẫn!
Trong lĩnh vực này, các bác sĩ, giáo sư, tiến sỹ trên thế giới chia ra làm nhiều trường phái. Hãy thử google “parenting philosophy”, hay tiếng Việt “cách nuôi dạy con”, bạn sẽ hoảng vì có quá nhiều kết quả trái ngược.
Ví dụ: Ông Spock, bác sĩ nhi nổi tiếng người Mỹ, là một trong những nhà phân tích tâm lý trẻ em hàng đầu. Ông tin rằng cha mẹ nên linh hoạt trong việc nuôi dạy con, luôn âu yếm, trìu mến, đối xử với chúng như là những cá nhân, không nên bắt chúng vào khuôn khổ quá. Điều này khác hẳn với tư duy “yêu cho roi cho vọt”.
Ngược lại, Gina Ford, người Anh, tác giả của cuốn sách The Contented Little Baby (Những đứa bé thỏa mãn), đã và đang là cuốn sách gối đầu giường của không ít các bà mẹ lại khuyên nuôi trẻ một cách rất “phát xít”. Ví dụ: 6h30 phải thức, đang ngủ say cũng đánh thức, 7h10 cho ăn, 7h30 đi dạo. Cô tin rằng trẻ em, ngay từ khi còn là hài nhi, cần được nuôi với một lịch sinh hoạt đúng giờ giấc. Cô tin và chứng minh rằng phương pháp này đảm bảo cho các bà mẹ có những đứa con ngoan, không quấy khóc, lớn lên sẽ rất tự lập. Bạn sẽ chọn ai?
Thiên chức là gì?
Đọc đến đây, các ông bà sẽ kêu lên: “Các chị hiện đại nên phức tạp quá, ngày xưa, tôi nuôi con đơn giản, mà các chị vẫn nên người”. Bỗng một hôm các bà mẹ trẻ giật mình nghĩ lại điều đó. Nên chăng, đơn giản hóa việc nuôi dạy con, dừng cái vòng luẩn quẩn và cuộc chạy đua, bằng lòng với những gì mình có thể dành được cho con?
Nuôi dạy con quan trọng nhất là xây dựng nền tảng vững chắc, như đổ móng khi xây nhà. Hãy dạy con biết suy nghĩ, biết giải quyết vấn đề bằng nhiều cách khác nhau, không thành kiến với thế giới xung quanh. Dạy chúng truyền đạt mạch lạc những suy nghĩ, sống thật thà, công bằng, và đúng mực. Hãy dạy chúng về sự rủi ro, mạo hiểm khi khám phá những lĩnh vực mới. Và trên hết, hãy dạy con điều hay, lẽ phải, giúp chúng phân biệt trắng đen, phải trái.
Chúng ta cũng đừng quên, yếu tố quan trọng nhất trong những tháng ngày đằng đẵng nuôi con là tình yêu con tha thiết của người mẹ. Đây có lẽ chính là “thiên chức” của phụ nữ mà chúng ta cứ loanh quanh đi tìm. Con ngoan mẹ tự hào, nhưng con chưa ngoan, mẹ cũng vẫn yêu con, vì con là con của mẹ.
“Đừng quá lo lắng về khả năng nuôi dạy con, hãy tự tin vào khả năng và trực giác của riêng mình”. Tiến sỹ tâm lý JoAnn Deak viết trong một cuốn sách Con gái sẽ luôn là con gái. Trong đó bà nhấn mạnh: “Con trẻ tha thứ cho những lỗi lầm mà ta mắc phải khi học cách nuôi dạy chúng, miễn sao ta làm việc đó một cách nghiêm túc, thực sự quan tâm, và luôn cố gắng làm hết sức mình”. “Thiên chức” hóa ra là tình yêu vô hạn của các bà mẹ với con.
Nhóm thực hiện