Trên hành trình trưởng thành, từ khi có ý thức đến giai đoạn định hình tính cách, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng đôi lần tự hỏi bản thân mình là ai và không ngừng tìm kiếm bản ngã. Vậy, bản ngã là gì? Nó có ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định trong đời sống một con người? Hãy cùng ELLE tìm hiểu nhé.
BẢN NGÃ LÀ GÌ?
Bản ngã có nghĩa là lý tưởng, ký ức, kết luận, kinh nghiệm, niềm tin rằng bản thân là một cá thể riêng biệt, tách biệt với phần còn lại của thế giới và tự chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình.
Sống với bản ngã là sống với cái tôi của mình, phát triển cái tôi đó lớn lên nhằm tạo ra sự khẳng định bản thân. Triết lý của nhà Phật cho rằng, một khi cái tôi càng lớn lên, con người càng gây ra nhiều nghiệp chướng, sai lầm.
BÀI LIÊN QUAN
Bản ngã – Cuộc đời thay đổi khi ta thay đổi
Cơ chế hoạt động của bản ngã
- Kiểm soát: Bản ngã tự động hóa và định nghĩa bản thân vào tất cả những gì mà nó tin rằng nó đang kiểm soát.
- Xây dựng và duy trì: Bản ngã luôn muốn giữ vững và bảo vệ những gì nó kiểm soát, đồng thời không ngừng mở rộng chúng. Bản chất của bản ngã chỉ là giả tạm và hư cấu nên nó luôn muốn kiểm soát càng nhiều càng tốt. Đó là lý do con người thường có xu hướng ham muốn tiền bạc và quyền lực vì nó cho ta cảm giác kiểm soát được mọi thứ. Sự mất kiểm soát tương đương với sự chết chóc đối với bản ngã.
- Phản chiếu: Bản ngã không thể tự đánh giá hay nhìn nhận chính bản thân nó, vì thế nó có thể tạo ra vô số bản ngã và những cá thể riêng lẻ. Nhưng bạn có thể nhìn nhận bản ngã của mình qua con mắt người khác.
Ví dụ: Đằng sau những tấm hình selfie thường ẩn theo thông điệp: “Hãy chú ý đến tôi và khen tôi đi. Hãy cho tôi biết rằng tôi đẹp, tôi giàu có, tôi đang có cuộc sống tốt…”. Càng nhận được nhiều sự chú ý và phản chiếu từ người khác, bản ngã càng cảm thấy mình chân thực hơn.
LÀM SAO ĐỂ VƯỢT QUA BẢN NGÃ VÀ SỐNG thật VỚI CHÍNH MÌNH
Khi chúng ta để cho bản ngã ngự trị thì những ham muốn về sở hữu vật chất, quyền lực sẽ càng lớn mạnh, cản trở chúng ta sống tự do và chân thật. Bản ngã thường gắn liền với nguyên nhân gây đau khổ. Do vậy, chúng ta cần hiểu rõ bản chất của nó để kiểm soát và từ bỏ .
Cảm giác xấu hổ của bản ngã thường xuất hiện khi hình ảnh phản chiếu của bạn kém chất lượng hơn so với người khác. Vì thế, bạn thường phải làm tất cả để xây dựng và duy trì hình tượng tốt đẹp cho bản thân. Bạn phải luôn kiểm soát cảm xúc, hình ảnh, ngôn ngữ, làm theo đúng chuẩn mực xã hội… để chiều lòng số đông. Đây là trường hợp cụ thể để dẫn chứng cho nguyên nhân vì sao sống theo bản ngã dễ khiến ta rơi vào đau khổ, ghen tị.
BÀI LIÊN QUAN
Có một điều đặc biệt là bản ngã dường như không thích sự thay đổi, nó nhìn nhận vấn đề một cách chủ quan và cứng nhắc. Vì thế, khi có những đụng chạm về quan điểm, lối sống, nó dễ bị tổn thương và hình thành phản ứng đấu tranh để bảo vệ mình. Chưa kể, khi bản ngã quá lớn – cái tôi lớn, chúng ta còn trở nên thích phán xét người khác và áp đặt chính mình. Việc chúng ta nên làm là ngừng đánh giá và bỏ bớt những quan điểm cá nhân như: Bạn là người tốt hay xấu, đánh giá ai đó thành công hay thất bại. Bạn cũng nên tự đối diện với những kỳ vọng của chính mình bằng thái độ cởi mở và nhẹ nhàng nếu thất bại.
Chúng ta thường có rất nhiều quan điểm: hãy sống tự tin, nỗ lực hết mình, dám ước mơ và sẵn sàng thách thức. Những thông điệp này hoàn toàn chính xác vì nó động viên mỗi người sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nó cũng là gánh nặng và là tiêu chí gây áp lực đối với những người có quan điểm khác, lối sống và mục tiêu khác.
—
“Nếu thiếu động lực chân chính, những kiểu tham vọng như vậy sẽ chỉ vuốt ve bản ngã để đến lúc nào đó, chúng ta sẽ tự đánh mất chính mình” .
Những CÁCH KẾT NỐI với con người bên trong
THIỀN
Trong thiền định, bạn sẽ được kết nối mạnh mẽ với sự im lặng của bản thân và bỏ qua những lời nói và suy nghĩ của chính mình. Nó như một cánh cửa để đi vào nơi ẩn giấu bên trong của tâm hồn. Thực ra, bản ngã và linh hồn luôn muốn dành thời gian để nói chuyện với bạn, nhưng tâm trí của ta quá bận rộn với công việc, cuộc sống, quá khứ, tương lai. Thiền sẽ là cách để bạn cho phép tâm trí im lặng và nhận thức được lời thì thầm của tâm hồn bạn.
LỜI CẦU NGUYỆN
Hãy sử dụng lời cầu nguyện để giao tiếp với bản ngã cao hơn (higher-self) của bạn và hướng dẫn tinh thần gửi lời cảm ơn đến vũ trụ về tất cả những gì bạn đang có trong cuộc sống. Cầu nguyện để kết nối với Trí tuệ, Tình yêu và Sức mạnh trong bạn, yêu cầu nhận được sự hướng dẫn và nói lời cảm ơn trước.
BÀI LIÊN QUAN
Ăn – Cầu nguyện – Yêu ở Bhutan
Viết tự do
Đây là một trải nghiệm thú vị để bạn kết nối với bản ngã cao hơn. Viết tự do là kiểu viết những điều vượt ngoài suy nghĩ của riêng bạn, bạn có thể kết nối với phần “thông minh” hơn trong tâm trí của bạn – nơi có tất cả câu trả lời.
Bạn chỉ cần lấy một tờ giấy và một cây bút. Viết lên đầu trang của bạn “Bản ngã cao hơn, bạn đã sẵn sàng viết thư cho tôi chưa?”. Sau đó, viết nhanh ra câu trả lời hiện diện đầu tiên trong tâm trí bạn hoặc âm thanh bạn lắng nghe trong đầu. Hãy để việc viết tự do trở thành thói quen hằng ngày ngay sau khi thiền định, nó sẽ dẫn lối và bạn sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời vượt mức khả năng của bản thân.
Nhóm thực hiện
Bài: My Phan Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Mindbodygreen