Trong khi rất nhiều người chụp ảnh hiện nay thích dùng các hiệu ứng của Instagram cũng như các chương trình sửa ảnh khác để tạo ra một tấm ảnh chụp “không giống thật” thì lại có những nghệ sĩ chọn lối đi ngược lại: vẽ và điêu khắc sao cho càng thật càng tốt. Nhìn những bức tranh thuộc trường phái này, bạn dễ nhầm lẫn đây là một tấm ảnh có độ phân giải cao, nhìn những bức tượng thuộc trường phái này, bạn có cảm giác như chúng đang sắp sửa chuyển động. Đôi khi, chúng còn tạo cảm giác sinh động và chân thật hơn ảnh chụp, và đó là lý do các nhà phê bình và sưu tập gọi trường phái này là Hyperrealism (Chủ nghĩa cực thực).
Cho dù trào lưu nghệ thuật này phát triển mạnh nhất từ đầu những năm 2000, nhưng thực ra tên gọi Hyperrealism đã xuất hiện từ lâu, khi nhà sưu tầm nghệ thuật người Pháp Isy Brachot lấy từ này (nguyên văn tiếng Pháp: Hyperréalisme) để đặt tên cho một triển lãm lớn. Đây là một trào lưu phát sinh từ trào lưu Photorealism (bắt đầu từ cuối thập niên 1960 trong ảnh hưởng của trào lưu Pop Art). Tuy nhiên, nếu như Photorealism lấy ảnh chụp để làm mẫu rồi tạo ra những bức tranh trông y như ảnh, thì các Hyperrealist còn muốn nhiều hơn thế: tạo ra những hình ảnh sống động mà đến cả máy ảnh cũng không tạo ra được.
Nghệ sĩ cực thực Paul Carden từng nói rằng “Hyperrealism hướng đến việc tạo ra được các tác phẩm có hiệu quả cảm xúc, xã hội và văn hóa mạnh mẽ, khác hẳn với Photorealism chỉ chú ý về các vấn đề kỹ thuật”. Phát biểu của anh có thể được coi là đại diện cho các nghệ sĩ khác cùng trường phái.
Hyperrealism, dù cơ bản cũng tạo ra cảm giác về ảnh chụp, nhưng nhắm đến sự phức tạp hơn trong cả chủ đề lẫn cách thể hiện. Nhân vật và khung cảnh được miêu tả nhấn mạnh vào chi tiết, tăng cảm giác về chiều sâu, và từ đó, kể cả các nghệ sĩ có dùng một tấm ảnh gốc để làm mẫu, thì tác phẩm của họ vẫn miêu tả ra được một “hiện thực” không có mặt trong tấm ảnh gốc đó, nhưng vẫn hết sức sinh động và chân thực. Một số nghệ sĩ, có thể kể đến như Marilyn Minter hay Alyssa Monks, còn nỗ lực miêu tả lại những điều mà mắt người khó có thể quan sát được.
Vì thế, thay vì đơn giản mô phỏng lại hiện thực trước mắt, các nghệ sĩ cực thực lại tạo ra một “ảo giác về hiện thực”. Họ tạo ra một bức tượng, hay vẽ ra một bức tranh để nhằm mang lại cho khán giả cảm giác về một sự thật thực ra không có thật, cùng lúc với việc đưa cảm xúc, các quan điểm về xã hội, văn hóa, chính trị của mình vào đó. Nhờ đó, họ phân biệt mình với những người chỉ chép lại hình ảnh trước mắt. Họ hư cấu ra một thế giới mới, nhưng lại làm bạn tưởng rằng đó là thế giới hiện hữu mà bạn vẫn thường thấy bằng đôi mắt của mình.
Để làm được điều đó, các nghệ sĩ cực thực thường phải là những người có khả năng cao trong việc nắm bắt được chi tiết, hiểu rõ về các nguyên lý của ánh sáng và bóng tối cũng như những chuyển động phức tạp của các nhóm cơ trên cơ thể con người. Tuy nhiên cùng lúc, họ phải luôn nhắc nhở mình sử dụng tài quan sát đó cùng với một cách thể hiện đậm tính cá nhân. Tác phẩm của họ, vẫn phải là cái đến từ bên trong, chứ không phải là sự sao chụp đơn giản thế giới bên ngoài.
Điều đáng kinh ngạc là càng về gần đây, các nghệ sĩ theo trường phái này càng muốn sử dụng những phương tiện, công cụ vốn không mấy khi tạo ra cảm giác “thực” để sáng tác. Diego Fazio, họa sĩ người Ý, đã làm cả thế giới kinh ngạc với những bức tranh vẽ chì mà như ảnh chụp đen trắng, miêu tả lại những khoảnh khắc cảm xúc thoắt hiện của con người. Paul Lung, một nghệ sĩ châu Á, cũng sử dụng bút chì để tạo ra hình ảnh của những con vật với biểu cảm khuôn mặt hết sức tinh tế và những gương mặt người biết kể chuyện.
Và nếu người ta thấy màu nước chỉ phù hợp với những bức tranh mơ mộng, cách điệu thì Erich Christensen chứng minh khả năng mô tả được chiều sâu và sự biến đổi ánh sáng tinh tế của chất liệu này qua các bức tĩnh vật. Trong khi đó, một số nghệ sĩ trẻ tuổi hơn như Juan Francisco Casas thậm chí còn thử thách bản thân với bút bi, một chất liệu tưởng chừng không bao giờ phù hợp với việc gì khác ngoài ký họa.
Trong khi đó, các nhà điêu khắc theo trường phái này lại cố gắng chuyển tải thông điệp bằng rất nhiều phương pháp. Họ sử dụng các chất liệu làm mannequin và búp bê để tạo ra các bức tượng. Tuy nhiên, đó là những bức tượng hoặc rất khổng lồ, phóng đại hết cỡ trạng thái xúc cảm của con người, hoặc những giống vật chưa từng tồn tại, nhưng vì sự sống động quá mức trong chi tiết, khán giả không khỏi giật nảy mình khi chợt nhìn thấy chúng. Một số nghệ sĩ khác chọn cách không làm ra bức tượng trọn vẹn, họ chỉ cho một phần gương mặt y như thật được xuất hiện, và phần thiếu vắng còn lại là hàng trăm câu hỏi chúng ta sẽ phải tự đặt cho mình.
Hành trình khám phá và vươn đến đỉnh cao của trào lưu nghệ thuật này vẫn tiếp tục. Và giới nghiên cứu vẫn còn tiếp tục chờ xem các nghệ sĩ sẽ vận dụng thêm những phương tiện thể hiện nào nữa.
Xem thêm Nhiếp ảnh gia Deborah Turbeville
Xem thêm Eugenio Recuenco – Nhiếp ảnh & Nghệ thuật
Xem thêm Nhiếp ảnh gia Thái Phạm – Kẻ mơ mộng
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Thủy