Trong những năm gần đây, việc các công ty tìm kiếm cách thức kinh doanh bền vững không còn là điều mới mẻ, nhu cầu của người tiêu dùng về những sản phẩm thân thiện với môi trường đã gia tăng đáng kể, sống xanh trở thành xu hướng trong mọi chiến lược quảng bá và là phong cách sống được ưa chuộng. Tuy nhiên, mặc dù tất cả đều nói về việc “xây dựng một tương lai bền vững hơn”, tính bền vững vẫn là một chủ đề vô định hình được thảo luận chủ yếu trong các tuyên bố mơ hồ mà không thực sự hiểu rõ nó là gì. Việc thúc đẩy mọi người tiến đến lối sống bền vững mà không có hình dung hay bối cảnh cụ thể đã dẫn đến nhiều biến thể của một trào lưu có vẻ sôi động ở bề mặt nhưng lại dễ bị nông cạn về mặt gốc rễ.
Hiểu đúng về tính bền vững
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Xã hội năm 2005, ba trụ cột của phát triển bền vững được xác định là phát triển kinh tế – phát triển xã hội – bảo vệ môi trường. Kể từ đó, ba mục tiêu này đã trở thành nền tảng cho một số tiêu chuẩn và chứng nhận về tính bền vững. Khái niệm này được chấp nhận bởi tất cả các bên liên quan trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì thế, cần xem xét yếu tố bền vững một cách toàn diện chứ không nên chỉ nhìn một chiều từ góc độ môi trường.
Khi nhắc đến cụm từ “bền vững”, điều quan trọng là phải xác định lĩnh vực bạn đang nói đến. Tính bền vững của lĩnh vực giao thông vận tải rõ ràng có thách thức và cơ hội khác với tính bền vững của nông nghiệp toàn cầu. Nếu một lĩnh vực trở nên bền vững hơn trong khi lĩnh vực khác trở nên kém bền vững, liệu chúng ta có thực sự đạt được hiệu quả tổng thể như mong muốn? Ngay cả trong từng lĩnh vực cũng có thách thức riêng. Nếu đặt mục tiêu là tạo ra một hệ thống năng lượng bền vững, các chính sách đang tập trung vào giảm lượng khí thải carbon – bao gồm cả năng lượng hạt nhân – hay đang đề cập đến các nguồn năng lượng tái tạo “sạch” như năng lượng mặt trời và gió? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tiềm lực quốc gia, tài nguyên thiên nhiên và chính sách phát triển kinh tế.
Chúng ta cũng cần làm rõ ai được hưởng lợi từ các nỗ lực bền vững. Ví dụ, quần áo bền vững có mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất trong khi vẫn mang đến một mức giá hợp lý cho người tiêu dùng hay không? Năng lượng bền vững có giúp hàng triệu người đang phụ thuộc vào lưới điện quốc gia có một cuộc sống thoải mái hơn không? Gắn mác hữu cơ cho thực phẩm liệu có dẫn đến một lối canh tác thiếu bền vững hơn so với lối canh tác thuận tự nhiên? Chúng ta đang nói về tính bền vững đối với con người, động vật, thực vật hay các hệ thống tự nhiên khác? Bền vững là một trạng thái cân bằng mà mọi lựa chọn cần được cân nhắc trên nhiều khía cạnh. Nếu có bất kỳ bên nào phải hy sinh lợi ích – dù là xã hội loài người hay thế giới tự nhiên – khi đó, tính bền vững cần được xem xét lại.
BÀI LIÊN QUAN
Trên hết, không ít người tin rằng lối sống bền vững chỉ có thể đạt được bằng sự đánh đổi. Đi bộ và đi xe đạp có thể là hình thức di chuyển ít tác động đến môi trường nhất, nhưng lại không phải là lựa chọn hiệu quả về mặt thời gian nếu bạn phải đi từ đầu này đến đầu kia của thành phố để đến nơi làm việc. Cho dù ta muốn tương lai có khác biệt như thế nào, chúng ta cũng không thể bỏ qua cách con người đang thực sự sống ngày nay. Đảo ngược quy trình, đưa con người trở lại với lối sống cách đây hàng chục năm là một suy nghĩ đơn giản và thiếu thực tế. Thay vì vậy, chấp nhận thực tại và nhìn thẳng vào những vấn đề hiện hữu là cách duy nhất thúc đẩy chúng ta tìm ra những giải pháp hợp lý hơn.
Và bởi vì mỗi người lại có một hoàn cảnh khác nhau, không có cách sống bền vững nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người. Một số người tập trung vào cuộc sống ít chất thải, những người khác tập trung vào vận động thời trang bền vững, một số giúp truyền bá các lựa chọn cho chế độ ăn dựa trên thực vật, số khác lại xem xét sức khỏe của đất hay quan tâm đến năng lượng tái tạo… Có hàng trăm cách để mỗi người vừa áp dụng thói quen bền vững, vừa xây dựng một lối sống tích cực hơn. Sự đa dạng của các phương pháp có thể giúp nhau cùng thay đổi. Nhận thức được sự đa dạng này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn cởi mở và không phán xét cách sống của người khác.
Nền kinh tế tuần hoàn và tương lai của chất liệu tái chế
Khi bước vào thập kỷ thứ ba của thiên niên kỷ, phát sinh chất thải toàn cầu là một trong những vấn đề cấp bách nhất của thời đại. Vì vậy, tái chế sẽ trở thành vấn đề trọng yếu trong công cuộc tìm kiếm những giải pháp khả thi.
Các vật liệu tái chế ngày càng trở nên đa dạng. Sự sáng tạo vô hạn của con người giúp cho mọi loại chất thải đều có cơ hội trở lại với đời sống dưới một hình hài tươi mới, có tính ứng dụng cao. NTK người Việt Uyên Trần đã phát triển một loại vật liệu sinh học mềm dẻo có tên là TômTex, được làm từ chất thải thực phẩm như vỏ hải sản và bã cà phê, có thể in nổi với nhiều loại hoa văn để mô phỏng da động vật, đủ mềm đề khâu tay hoặc máy. Rens là thương hiệu giày chống thấm nước làm từ bã cà phê đầu tiên trên thế giới do 2 người Việt Nam sống tại Phần Lan sáng lập, với mỗi đôi giày được tạo nên từ 150 gram bã cà phê và 6 chai nhựa. Biofase – một công ty tại Mexico – đã sử dụng quy trình được cấp bằng sáng chế để chuyển khoảng 130 tấn hạt bơ hàng tháng thành một vật liệu gọi là avoplast, dùng để sản xuất dao, nĩa, thìa và ống hút. Plastic People – một dự án do hai người nước ngoài sống tại Việt Nam sáng lập – đã giúp xử lý hơn 60 tấn rác thải nhựa và biến chúng thành vật liệu xây dựng nhà cửa, nội thất. Tái chế cái gì và ứng dụng như thế nào không còn là một câu hỏi khó, vấn đề cần quan tâm ở đây là sự minh bạch thông tin trong quá trình sản xuất. Như đã nói ở trên, nếu để tạo ra sản phẩm tái chế mà các nhà sản xuất gây ô nhiễm nguồn nước hay lãng phí điện năng, sự đánh đổi này sẽ không tạo ra một tương lai bền vững hơn.
Một cách khác để các công ty phát triển bền vững hơn là áp dụng nền kinh tế tuần hoàn (circular economy). Trái ngược với nền kinh tế tuyến tính theo mô hình “khai thác, chế tạo, sử dụng, thải bỏ”, nền kinh tế tuần hoàn về cơ bản là giữ cho sản phẩm, nguyên liệu và tài nguyên được lưu thông trong thời gian ngày càng dài thông qua vòng lặp bảo trì, sửa chữa, tân trang, tái phân phối trước khi chuyển sang lựa chọn cuối cùng là tái chế – vốn có nhu cầu năng lượng cao hơn. Hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn đồng nghĩa với việc giảm bớt áp lực lên tài nguyên thiên nhiên; giảm tác động môi trường của hoạt động khai thác; giảm năng lượng cần thiết để xử lý nguyên liệu, sản xuất sản phẩm và tái chế… Ngoài ra, còn có những lợi ích rõ ràng về một nền kinh tế nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Đông Quân
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Phái đẹp ELLE