Rối loạn lo âu (Anxiety Disorders) là một trong những chứng bệnh phổ thông nhất của con người, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong đời người. Rối loạn lo âu lặp lại và kéo dài có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta. Ở khía cạnh chuyên môn, chuyên gia tâm lý Sunny Đặng Phương, Giám đốc Viện Tâm lý SunnyCare, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực hỗ trợ và trị liệu tâm lý, sẽ chia sẻ cùng bạn đọc ELLE các kiến thức về một trong các chứng bệnh tâm lý đang được quan tâm nhất hiện nay.
Chào chị, dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, chị có thể chia sẻ nguyên nhân gì gây ra nỗi sợ hãi, lo lắng và dẫn đến chứng rối loạn lo âu?
Dưới góc nhìn tâm lý giáo dục, chứng lo âu ở nhiều người ảnh hưởng từ những sự kiện, lối sống thời thơ ấu, trong giáo dục gia đình, tác động từ môi trường sống như điều kiện khó khăn, tình cảm gia đình thiếu gắn bó, thiếu an toàn, kỳ vọng tiêu cực ở trẻ… làm cho trẻ thường xuyên lo lắng, bất an, tự ti, ảnh hưởng đến tâm thức lâu dài, dẫn đến kỹ năng nhận thức bản thân và khả năng ứng phó các tình huống khó khăn hoặc biến cố cuộc sống hạn chế. Nguyên nhân của các rối loạn lo âu dù chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng cả hai yếu tố tâm lý, giáo dục nhận thức, kỹ năng sống và giáo dục tự thân của mỗi người khác nhau do nhiều điều kiện chi phối.
Các vấn đề lo âu có thể phát sinh khi gặp những căng thẳng trong cuộc sống như lo lắng về tài chính hoặc bệnh mãn tính. Lo âu của thanh thiếu niên và thanh niên phổ biến là do những căng thẳng của sự tương tác xã hội, áp lực học tập và sự thiếu tự tin về hình ảnh cơ thể.
Cảm xúc lo lắng là trạng thái thường gặp ở con người, đôi khi cần thiết để mang đến những ảnh hưởng tích cực, tuy nhiên, ở cấp độ nào sẽ trở thành bệnh lý cần được bác sĩ chẩn đoán, thưa chị?
Mỗi người thường trải qua nỗi sợ hãi và lo âu. Sợ hãi là phản ứng cảm xúc, thể chất và hành vi đối với một mối đe dọa có thể nhận biết được diễn ra tức thì từ bên ngoài. Ví dụ lo về nhiễm bệnh, lo không hoàn tất công việc, lo sợ khiển trách… Lo âu là một trạng thái cảm xúc căng thẳng, khó chịu của sự lo sợ và không thoải mái. Lo âu ở mức độ vừa phải có tính thích nghi tích cực, là một phản ứng tâm lý thể hiện ý thức, trách nhiệm và mối quan tâm của cá nhân trong cuộc sống. Đó là bản tính tự nhiên và có lợi, nó giúp mọi người chuẩn bị, thực hành và tập luyện trước một kỳ thử thách như thi cử, nói chuyện trước đám đông, tổ chức một sự kiện nào đó và có thể giúp họ có một sự cẩn trọng hợp lý trong các tình huống cuộc sống hay phòng vệ trước những nguy hiểm tiềm ẩn.
Tuy nhiên, vượt quá mức độ nhất định như lo âu thường xuyên, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, ăn uống, chất lượng cuộc sống, vượt ngoài khả năng chế ngự của cá nhân thì việc đến gặp chuyên gia tâm lý có chuyên môn tại các tổ chức uy tín là điều nên làm. Tình trạng nặng hơn như trầm cảm, không thể kiểm soát hành vi, có ý định tự hại bản thân hoặc người khác thì ngoài việc hỗ trợ tích cực của các chuyên gia tâm lý cũng cần được kê thuốc điều trị từ bác sĩ tâm thần kinh. Nếu không được điều trị, rối loạn lo âu có thể kéo dài đến nhiều năm, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần suốt đời như tuyệt vọng, sống trong trạng thái lo âu, buồn bã, mệt mỏi, suy kiệt tinh thần, thể chất; làm giảm năng lực lao động và năng lực tương tác xã hội; làm thay đổi cảm nhận, suy nghĩ và cách cư xử trong đời sống hằng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng sống của toàn thể gia đình. Nếu không được điều trị thích hợp, rối loạn lo âu sẽ có khả năng tái phát rất cao và hơn nữa là có khả năng tự hại bản thân như lạm dụng thuốc và hủy hoại cơ thể.
Theo thống kê, chứng rối loạn lo âu ở người trẻ ngày càng tăng. Theo chị, lý do tăng đó là do đâu (xã hội, công nghệ, môi trường, Covid-19…)?
Nhu cầu tâm lý và thể lý cơ bản nhất của con người là có điều kiện sinh sống đảm bảo, an toàn. Nên khi gia đình không an vui, môi trường sống ảnh hưởng đến con người như ô nhiễm, dịch bệnh, thiên tai xảy ra, con người có xu hướng lo lắng cho sức khỏe của người thân và chính mình là điều tất yếu. Hiện nay, dịch bệnh Covid -19 đang diễn ra phức tạp, sức khỏe bị đe dọa, việc làm khó khăn hơn, đó cũng là nguyên nhân nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái lo âu này.
Đối với các bạn trẻ đang ở giai đoạn học hành, áp lực điểm số, tiền phí trang trải học tập và kỳ vọng của người thân làm cho các em căng thẳng thường xuyên, sống ngày càng khép kín, bế tắc và lệ thuộc mạng xã hội, game để giải tỏa, điều đó lại càng làm ảnh hưởng đến tâm lý lo âu của các bạn trẻ.
Bên cạnh đó, những nhu cầu lớn nhất mà ai cũng hướng đến là được yêu thương, tôn trọng và phát huy tối đa khả năng của mỗi người để có giá trị trong xã hội. Vì vậy, xã hội ngày càng phát triển, các bạn trẻ càng phải nỗ lực học tập không ngừng để khẳng định giá trị bản thân. Mâu thuẫn giữa mong đợi về giá trị cá nhân nhưng lại thiếu kỷ luật, thiếu lành mạnh, thiếu kỹ năng thực hành xã hội làm cho các bạn trẻ thở thành nạn nhân tâm lý do lối sống của chính mình gây ra.
Nói về tình trạng các bệnh tâm lý ở Việt Nam, nhất là ở những người trẻ, trước đây do nhiều khía cạnh xã hội mà ít được đề cập đến. Vậy theo chị, cho đến thời điểm hiện tại là năm 2021, tình trạng đó đã được cải thiện chưa và cải thiện như thế nào? Mức độ cởi mở của người Việt khi nói ra tâm bệnh mình đang gặp phải?
Từ trước năm 2015, một vài trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý đã mở ra nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì người Việt Nam chưa có thói quen sử dụng dịch vụ chăm sóc tinh thần cũng như chưa hiểu rõ về vai trò quan trọng của tham vấn trị liệu tâm lý. Nên khi cuộc sống có nhiều khó khăn, bế tắc cần giải tỏa thì họ tự giải quyết một mình chứ không tìm đến chuyên gia tâm lý.
Hiện nay, với sự hỗ trợ tâm lý cộng đồng trên các kênh truyền thông như báo chí, đài phát thanh, truyền hình, người Việt đã hiểu hơn về chức năng và nhiệm vụ của nhà tham vấn tâm lý chuyên nghiệp, giúp cho việc giáo dục ngành nghề này đến với mọi người ngày càng phổ biến. Vì thế, người Việt đã dần cởi mở hơn để đặt lịch thăm khám tâm lý với những trung tâm tham vấn – trị liệu uy tín. Tuy vậy, để việc tham vấn trị liệu tâm lý được hiệu quả và nhanh chóng thì các bạn trẻ nên chủ động gặp chuyên gia tâm lý sớm.
Theo nghiên cứu về thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997-2000 trở về sau), họ được gọi là thế hệ lo âu, theo chị vì sao trong khi các bạn sinh ra trong những năm này có nhiều điều kiện và cơ hội hơn hẳn các thế hệ trước?
Tôi không chắc rằng “thế hệ Gen Z” ở độ tuổi này có thực sự đúng với tên gọi là thế hệ lo âu hay không. Nhưng tôi cho rằng khi xã hội ngày càng phát triển thì các bạn trẻ ngày nay nói chung, và thế hệ lứa tuổi trên nói riêng đều có nhu cầu thể hiện giá trị bản thân ngày càng cao, đòi hỏi các bạn trẻ càng phải nỗ lực phấn đấu. Vật chất đủ đầy không quyết định hay tỉ lệ thuận với chất lượng đời sống tinh thần vì sự cân bằng đến từ nhiều yếu tố của Thân – Tâm – Trí mà tạo thành.
Theo chị những phương pháp nào đơn giản nhất để người bệnh có thể tự trị liệu hay chữa lành tại nhà?
Rối loạn lo âu cũng có thể tiến triển nặng dẫn đến nguy cơ bị trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc lưỡng cực… Vì vậy, can thiệp điều trị sớm là vấn đề cần thiết để bảo vệ sức khỏe tâm lý và duy trì chất lượng cuộc sống.
Với những trường hợp lo âu nhẹ, bệnh nhân có thể áp dụng một số cách hỗ trợ tại nhà mà không cần dùng thuốc. Chúng tôi khuyến khích thân chủ của mình thay đổi lối sống bằng việc tập thể dục hằng ngày, rèn luyện các bài tập thân tâm kết hợp như thiền, yoga, bơi lội, đọc sách, trải nghiệm thiên nhiên, tham gia các hoạt động vui chơi và kết nối với bạn bè, hoặc có thể tìm sự trợ giúp và đồng hành từ người thân, bạn bè để giảm bớt sự lo lắng, quản lý căng thẳng, cơ thể được gần gũi với thế giới bên ngoài và yêu quý bản thân hơn. Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện các chế độ ăn uống hợp lý, quan tâm và cải thiện giấc ngủ, giảm lượng caffeine và ngừng hút thuốc. Từ đó họ có thêm kết nối về ý nghĩa cuộc đời thông qua sự khỏe mạnh về thể chất.
Thực hành suy nghĩ tích cực, từ bỏ thói quen phụ thuộc các yếu tố bên ngoài; Dành thời gian kết nối gần gũi với bản thân; Nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống; Nỗ lực thực hiện kế hoạch đã định một cách có kỷ luật; Thích nghi với những bất tiện cuộc sống như là điều tất yếu.
Theo chị, môi trường làm việc và học tập cần thay đổi như thế nào để cải thiện chứng rối loạn lo âu? Chúng ta có cần đề cao tầm quan trọng của tâm lý học bằng cách đưa vào trường học như một môn học chính thức?
Tôi nghĩ đây là vấn đề hết sức quan trọng cần quan tâm để lồng ghép chương trình tham vấn tâm lý học đường với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đó nên là một môn học ngoài giờ chính khóa cần lưu tâm nhất để rèn luyện kỹ năng sống, nhận thức hành vi chuẩn mực, đồng hành với học sinh về sức khỏe tinh thần thông qua đó có thể phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp đối với học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường, góp phần giúp sức cho các em trở thành những công dân sống có trách nhiệm, yêu thương, thành công trong nghề nghiệp và cuộc sống sau này.
Nhóm thực hiện
Bài: H. Tôn
Ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE