Tuy nhiên, nhiều nghi vấn cũng được đặt ra. Liệu máy lọc không khí khử khuẩn có thật sự hiệu quả trong việc phòng chống COVID-19 hay không? Các loại máy lọc không khí hoạt động như thế nào? Và chúng ta có nên “đầu tư” một chiếc cho ngôi nhà của mình?
Hãy cùng ELLE đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc này nhé.
Có những loại máy lọc không khí nào?
Hầu hết các máy lọc không khí được chia thành hai loại cơ bản: lọc bụi và khử khuẩn. Một số máy được tích hợp cả hai chức năng.
Máy lọc bụi được thiết kế để cải thiện chất lượng không khí trong nhà bằng cách loại bỏ các tác nhân vật lý li ti, trôi nổi như bụi, phấn hoa hay lông thú cưng. Những tạp chất này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng chúng có thể khiến tình trạng dị ứng của một số người trở nên trầm trọng hơn. Vậy nên, việc lọc sạch chúng là cần thiết. Một trong những loại bộ lọc bụi của máy lọc không khí phổ biến nhất hiện nay là HEPA.
HEPA là viết tắt của cụm từ “bộ lọc bụi hiệu suất cao” (high-efficiency particulate arresting). Đúng như cái tên của mình, bộ lọc này hút bụi và ngăn chúng bay trở lại không khí rất hiệu quả. Bộ lọc HEPA giữ các hạt li ti bằng sợi siêu nhỏ với đường kính 0,01 micromet, chỉ bằng một phần nhỏ chiều rộng của tóc người.
Máy khử khuẩn không khí được thiết kế để tiêu diệt vi khuẩn, vi rút, nấm mốc cũng như bào tử nấm trôi nổi. Các tác nhân này cũng được sinh ra một cách tự nhiên. Tuy nhiên, nếu nồng độ của chúng trong không khí cao có thể khiến bạn ngộ độc. Thiết bị khử khuẩn được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là đèn UV.
Các máy khử khuẩn bằng đèn UV không loại bỏ bất kỳ tạp chất nào. Thay vào đó, tia cực tím từ đèn UV sẽ “làm chết” các tác nhân có khả năng gây bệnh trôi nổi trong không khí.
Bên cạnh đó, trên thị trường hiện nay cũng xuất hiện loại máy tạo ion âm. Những chiếc máy này hoạt động với nguyên lý tương tự tĩnh điện. Các tạp chất trong không khí thường mang điện tích dương. Loại máy này sẽ tạo ra ion mang điện tích âm để hút tạp chất và giữ chúng lại.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy những máy tạo ozone. Chúng sẽ thay đổi các phân tử oxy trong không khí, từ hai nguyên tử thành ba nguyên tử oxy. Khi đó, các phân tử này được gọi là ozone. Khí ozone có khả năng khử độc và diệt khuẩn, nhưng cách phản ứng của chúng với môi trường xung quanh chúng ta rất khác so với oxy thông thường.
BÀI LIÊN QUAN
Máy lọc không khí có thể hỗ trợ phòng chống COVID-19 không?
Vi rút corona nằm ở cuối phạm vi “bắt bụi” của bộ lọc HEPA. Vì thế, loại máy lọc này sẽ không hút được toàn bộ vi rút trong một lần hoạt động. Tuy nhiên, nếu máy lọc HEPA chạy trong một khoảng thời gian dài, chúng có khả năng loại bỏ khoảng 99,94 – 99,7% vi rút khỏi không khí. Mặt khác, cũng giống như các loại vi rút khác, nếu COVID-19 tiếp xúc đủ lâu với tia UV trong các thiết bị khử khuẩn thì chúng sẽ bị vô hiệu hóa.
Như vậy, máy lọc không khí thực sự có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ lan truyền của vi rút corona trong nhà mình. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn không thường xuyên ra ngoài và chỉ giao tiếp với nhau, bạn không cần đầu tư cho thiết bị này.
Ngược lại, nếu một thành viên có khả năng nhiễm bệnh cao, do họ thường xuyên ra ngoài làm việc chẳng hạn, bạn nên cân nhắc trang bị một chiếc máy lọc không khí trong nhà. Nếu gia đình bạn có người nhiễm COVID-19 hoặc cần tự cách ly cho đến khi nhận kết quả dương tính, bạn nên đặt một thiết bị lọc trong phòng của họ. Việc này sẽ bảo vệ những người chăm sóc bệnh nhân khỏi nguy cơ lây nhiễm.
Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng máy lọc không khí không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Chúng mang đến cho bạn và gia đình thêm một “hàng rào” bảo vệ, nhưng bạn vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng chống khác, ví dụ như khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc, đeo khẩu trang và nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội mỗi lúc ra ngoài. Đó mới là “hàng rào” quan trọng và an toàn nhất dành cho sức khỏe của bạn cũng như người thân.
BÀI LIÊN QUAN
Bạn nên lưu ý điều gì khi mua máy lọc không khí?
Độ an toàn
Ba loại máy lọc bụi, máy khử khuẩn và máy tạo ion âm đều an toàn cho người sử dụng.
Mặt khác, việc hít phải khí ozone có nguy cơ gây kích ứng cổ họng, ho, khó thở và các vấn đề hô hấp khác, kể cả ở những người khỏe mạnh. Ozone thậm chí có thể làm tổn thương phổi. Những người bị hen suyễn hoặc có bệnh lý về đường hô hấp thường nhạy cảm với chất lượng không khí. Vì thế, họ cần hạn chế tiếp xúc với khí ozone. Tóm lại, máy tạo ozone thực sự có hiệu quả khử khuẩn, tuy nhiên cũng mang lại nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Kích thước không gian
Máy lọc không khí sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất trong những căn phòng nhỏ được đóng kín cửa. Vì vậy, những không gian mở sẽ khó làm sạch hơn.
Từng loại máy lọc với công suất khác nhau sẽ phù hợp cho từng diện tích sàn khác nhau. Bạn cần xem xét kỹ lưỡng thông số này để lựa chọn được thiết bị phù hợp cho ngôi nhà của mình. Nếu nhà bạn quá rộng, việc chia nhỏ không gian và đặt nhiều máy lọc có công suất thấp sẽ mang đến hiệu quả làm sạch không khí tốt hơn. Mặt khác, nếu trần nhà của bạn cao khoảng 3 – 4 m, bạn cũng nên cân nhắc lựa chọn thiết bị có công suất cao hơn.
BÀI LIÊN QUAN
Một số biện pháp cải thiện chất lượng không khí khác
Không khí lưu thông tốt có thể giúp giảm nguy cơ vi rút COVID-19 tồn tại trong nhà bạn. Bạn có thể mở cửa sổ hoặc sử dụng quạt trần để tăng lưu thông khí. Bạn cũng có thể khéo léo bố trí quạt thông hơi hoặc quạt sàn, sao cho một chiếc “đẩy” không khí trong nhà ra cửa sổ, trong khi chiếc còn lại “hút” không khí trong lành vào nhà từ một cửa sổ khác.
Nếu bạn e ngại các tác nhân gây dị ứng, nhiệt độ hay độ ẩm từ môi trường bên ngoài, bạn có thể đóng cửa sổ, nhưng hãy để hệ thống điều hòa không khí chạy liên tục. Ngay cả khi không làm mát hay sưởi ấm, chúng vẫn sẽ giúp lưu thông không khí trong nhà.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên thường xuyên thay đổi những tấm lưới lọc trong điều hòa. Những bộ lọc dùng cho hộ gia đình có tuổi thọ trung bình là 90 ngày. Tuy nhiên, nếu điều hòa nhà bạn hoạt động liên tục, bạn nên cân nhắc thay lưới sau 45 ngày. Việc này sẽ giúp tăng hiệu quả làm sạch không khí của thiết bị.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Uyên
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: MD Anderson Cancer Center