Lifestyle / Bí quyết sống

6 bí quyết tạo ấn tượng trong buổi phỏng vấn trực tuyến

Cùng với sự phát triển của mạng Internet, hình thức phỏng vấn trực tuyến ngày càng được ưa chuộng nhờ tính hữu dụng và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Hình thức phỏng vấn trực tuyến đang dần trở nên phổ biến trong các doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Phỏng vấn trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn ứng viên đa dạng mà còn tạo điều kiện thuận lợi về mặt không gian và thời gian cho ứng viên và nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, hình thức này khiến ứng viên gặp nhiều khó khăn hơn trong việc kết nối và xây dựng cảm tình với nhà tuyển dụng. Làm thế nào để có một buổi phỏng vấn trực tuyến thành công? Hãy cùng ELLE khám phá 6 bí quyết dưới đây.

1. Kể chuyện

Trong một buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể sẽ yêu cầu bạn kể về những trở ngại trong công việc hay trong cuộc sống mà bạn đã từng trải qua để kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề của bạn. Thay vì liệt kê những trải nghiệm của mình, bạn nên biến chúng thành một câu chuyện để thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Bạn hãy chuẩn bị cho mình khoảng 2-3 câu chuyện và cố gắng tập luyện trước. Để có được một câu chuyện hay, ngắn gọn, làm nổi bật điểm mạnh của mình, bạn cần nhớ 3 yếu tố sau: nêu vấn đề, cách giải quyết và giá trị mà bạn đã tạo ra được.

kể chuyện khi phỏng vấn
Ảnh: Pexels/ Andrea Piacquadio

2. Để camera ngang tầm mắt

Khi nói chuyện, chúng ta luôn phải nhìn thẳng vào mắt của người đối diện. Điều này lại càng đặc biệt quan trọng trong buổi phỏng vấn. Đặt camera cao hơn hoặc thấp hơn tầm mắt sẽ dễ tạo ấn tượng không tốt với nhà tuyển dụng. Do đó, bạn nên điều chỉnh camera ở vị trí phù hợp, ngang tầm mắt để thể hiện sự tôn trọng đối với nhà tuyển dụng và giúp khuôn mặt của bạn trông tự nhiên hơn trong quá trình phỏng vấn.

3. Lựa chọn vị trí thích hợp

Một căn phòng bừa bộn, ồn ào chắc chắn sẽ để lại ấn tượng không tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Bạn có thể tùy ý lựa chọn địa điểm phỏng vấn nhưng hãy chọn nơi yên tĩnh, thoáng mát, có đầy đủ ánh sáng, tốt nhất là ánh sáng tự nhiên, tránh các yếu tố gây mất tập trung. Điều này không chỉ giúp bạn có một buổi phỏng vấn hiệu quả mà còn thể hiện phong thái chuyên nghiệp của bạn.

chọn vị trí phỏng vấn
Ảnh: Pexels/ Ron Lach

4. Kiểm tra thiết bị

Trong buổi phỏng vấn trực tuyến, các thiết bị kỹ thuật có vai trò kết nối ứng viên với nhà tuyển dụng. Để buổi phỏng vấn diễn ra thuận lợi, bạn cần đảm bảo máy tính, webcam, điện thoại, tai nghe, đường truyền Internet… đều hoạt động tốt. Bạn có thể thử gọi điện cho bạn bè, người thân trước khi phỏng vấn để kiểm tra chất lượng hình ảnh, âm thanh và điều chỉnh ngay nếu có vấn đề. Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng tai nghe có micro để nâng cao chất lượng âm thanh, giúp nhà tuyển dụng dễ dàng nghe thấy bạn trong quá trình phỏng vấn.

kiểm tra thiết bị trước buổi phỏng vấn
Ảnh: Unsplash/ Beci Harmony

5. Phong thái tự tin, chuyên nghiệp

Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng và luôn nhớ ăn mặc gọn gàng, lịch sự dù không phỏng vấn trực tiếp. Điều này vừa thể hiện phong thái chuyên nghiệp, thái độ tôn trọng của bạn đối với nhà tuyển dụng, vừa giúp bạn tự tin hơn trong quá trình phỏng vấn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý tư thế ngồi, cách ứng xử, tương tác bằng ánh mắt, cử chỉ, nụ cười… để ghi điểm với nhà tuyển dụng.

phong thái tự tin khi phỏng vấn
Ảnh: Pexels/ MART PRODUCTION

6. Đặt câu hỏi chất lượng cho nhà tuyển dụng

Cuối buổi phỏng vấn, ứng viên thường sẽ được yêu cầu đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Đừng trả lời rằng “Tôi không có bất kì câu hỏi nào” mà hãy tận dụng thời điểm này để ghi điểm với nhà tuyển dụng. Việc đặt câu hỏi không chỉ giúp bạn giải đáp những thắc mắc của mình mà còn là cách để nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng và mức độ quan tâm của bạn đối với vị trí công việc.

Để đặt câu hỏi đúng cách, bạn nên tìm hiểu thật kỹ về công việc và văn hóa công ty. Bạn có thể đặt câu hỏi về chuyên môn như quá trình đào tạo, lộ trình công việc, thử thách của vị trí bạn ứng tuyển, kinh nghiệm từ người đi trước hoặc những câu hỏi liên quan đến công ty như xu hướng phát triển trong năm tới. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hỏi về quy trình tiếp theo sau buổi phỏng vấn, thời gian nhận kết quả để có sự chuẩn bị tốt nhất. Để tránh mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng, bạn không nên đặt những câu hỏi mà bạn có thể dễ dàng tìm được đáp án trên mạng. 

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Linh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: wellandgood

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)