Từ chiếc mũ làm vườn quen thuộc ở những miền quê đến công cụ “sống ảo” đặc trưng trong chuyến dã ngoại, nón rơm là một người bạn che nắng che mưa hữu ích lại đồng thời có thể biến hóa thành một phụ kiện thời trang đầy tính nghệ thuật. Với sự lên ngôi của trào lưu Cottagecore hiện nay, chiếc nón này đã trở thành một item được yêu thích bất kể bốn mùa.
Sinh ra từ làng, tạo trend từ Mỹ
Xuất hiện từ thời Trung cổ ở châu Á và châu Phi, mũ rơm là loại mũ được tạo ra từ rơm và lao sậy với kiểu dáng rộng vành, bảo vệ đầu khỏi ánh nắng gay gắt buổi ban trưa. Đến giữa thế kỷ XVIII, chiếc mũ rơm dành cho các quý bà sang trọng lại được điểm xuyến bởi vòng hoa, ruy băng bên ngoài. Cũng trong thời kỳ đó, nhiều tác phẩm nghệ thuật ra đời cũng gắn liền với hình ảnh chiếc mũ đội đầu bằng rơm như một dấu ấn thời đại.
Năm 1907, Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt chụp một loạt ảnh tại công trường xây dựng kênh đào Panama trong bộ vest bảnh bao, đội mũ rơm sành điệu, ngay lập tức, chiếc mũ cũng trở thành một “hiện tượng” đương thời và được ưa chuộng bởi mọi tầng lớp.
Đặc tính độc đáo của mũ rơm khiến chúng trở thành một món phụ kiện tuyệt vời bất kể mọi thời tiết. Khi nắng, mũ rơm đan giúp thoát nhiệt ra ngoài, đồng thời bảo vệ tóc và đầu. Còn khi trời trở lạnh, chỉ cần quấn một lớp vải mỏng ở mặt trong chiếc mũ, chúng có thể lưu giữ nhiệt độ hiệu quả. Một chiếc mũ rơm được dệt đúng cách còn là “lá chắn” chống nước, bảo vệ mái tóc của các cô gái trước cơn mưa phùn trong chuyến rong chơi.
Hành trình tạo ra một chiếc nón rơm trải qua các bước dệt và tạo hình. Mặc dù chúng ta vẫn thường thấy những chiếc mũ rơm với nhiều màu khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là sắc trắng ngà hay ngả vàng của loại sợi tự nhiên. Bên cạnh đó, kích thước và kiểu dáng đa dạng cũng là ưu điểm giúp các cô nàng dễ dàng tìm được chiếc mũ rơm phù hợp với gương mặt của mình.
BÀI LIÊN QUAN
Khi nón rơm hóa “vương miện” trên những sàn diễn thời trang
Cứ đến mỗi mùa Xuân-Hè, mũ rơm hay rơm lại là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế làm mới sàn diễn. Ngược về quá khứ vào năm 2015, BST Haute Couture của hai nhà thiết kế Hà Lan Viktor Horsting & Rolf Snoeren từng gây ấn tượng với giới mộ điệu khi sử dụng các chất liệu thiên nhiên, truyền thống, nhưng vẫn mang đậm hơi thở đương đại. Mượn nguồn năng lượng trong tranh vẽ của Vincent van Gogh, bộ đôi NTK đã tạo nên một BST nổi loạn và độc đáo với mỗi thiết kế đều mang ba điểm chung: váy baby doll in hoa, dép tông nhiều màu và mũ rơm nhiều kiểu dáng. Đặc biệt hơn, những chiếc nón khổng lồ được tạo hình 3D, với những sợi rơm cứng cáp tủa ra ngẫu hứng, khi thì chếch lên, khi lại rủ xuống, được cường điệu hóa để trở nên thật khác biệt trên sàn diễn.
Tại Paris Fashion Week 2019, Valentino trình làng BST Xuân-Hè chứa đựng câu chuyện về sự tự do bên trong bản ngã con người. Mỗi một trang phục đều mang nét phóng khoáng mà không làm mất đi tinh thần Haute Couture vốn có của nhà mốt nước Ý. Với ý nghĩa đó, chiếc mũ rơm cỡ lớn được đính kết lông đà điểu trở thành điểm nhấn cho những bộ quần áo rộng thùng thình, váy hay jumpsuit quá khổ.
Đầu năm 2019, Gucci cũng gây chú ý khi ra mắt chiếc mũ rộng vành được làm từ chất liệu vải giống rơm, có phần dây màu be đi kèm và dây rút phía dưới cằm với mức giá gần 400USD. Không những thế, nhà mốt còn gợi ý cho những “tín đồ” của mình cách kết hợp chúng cùng những bộ cánh vải tweed đặc trưng, hay blazer, skinny jeans và sneakers sành điệu.
Nhắc đến Paris Fashion Week 2020, không thể nào quên BST Xuân-Hè được lấy cảm hứng từ công việc trồng vườn của em gái Christian Dior. Cỏ cây, hoa lá trở thành họa tiết chủ đạo, được in kỹ thuật số hoặc thêu tay trên nền vải tulle, organza và lụa. Xuyên suốt màn trình diễn, chiếc nón rơm hình xô đặc trưng của người làm vườn cũng được tôn vinh một cách đầy trang trọng và gần gũi như tình thương của ông dành cho em gái Catherine.
Nhóm thực hiện
Bài: Phùng Nhi Ảnh: Tổng hợp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE