Mục đích chính của giao tiếp là người nói và người nghe phải hiểu được thông tin đang được truyền đạt. Bạn sẽ không muốn thấy mình rơi vào tình huống khó xử khi đang say sưa giải thích chủ đề “tủ” và bất chợt nhận ra gương mặt đầy bối rối và biểu cảm nghi ngờ của thính giả đúng không? Theo nhà vật lý Dominic Walliman, 4 nguyên tắc sau sẽ giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn, đặc biệt là khi phải giải thích điều gì đó cho người khác.
1. Giải thích các thuật ngữ chuyên ngành
“Mỗi người sở hữu một nền tảng kiến thức khác nhau, vì vậy, bạn nên cố gắng giải thích điều mình đang muốn truyền tải và quan trọng hơn là diễn giải nó bằng ngôn ngữ chung mà tất cả mọi người đều có thể hiểu. Nếu bạn vẫn không chắc thính giả có đang bắt kịp câu chuyện của mình hay không, hãy hỏi lại họ với các câu hỏi như “Các bạn có hiểu không ạ?” hay “Các bạn có theo kịp không ạ?”…
Bạn không phải lo sợ mình đang lặp lại điều người nghe có thể đã biết rồi, thường thì mọi người không quá để ý đến việc đó, và như vậy thì tốt hơn là để mọi người bối rối khi không biết bạn đang cố gắng truyền đạt thông điệp gì”, Walliman chia sẻ.
BÀI LIÊN QUAN
2. Đừng quá chi tiết
“Não bộ con người không thể tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng một lúc. Vì vậy, bạn không nên “khủng bố” người nghe với quá nhiều chi tiết và nó sẽ khiến bạn trở nên lan man, lạc đề. Thay vào đó, hãy cố gắng đưa ra các ý chính để người nghe có cái nhìn bao quát”.
3. Ưu tiên sự rõ ràng
“Khi được nói về chủ đề yêu thích, chúng ta thường bị thôi thúc bởi suy nghĩ rằng phải nói đúng đến từng chi tiết. Tuy nhiên, đôi khi, nếu bạn tập trung quá nhiều vào sự chính xác, bạn sẽ bỏ qua mục đích chính là giúp mọi người hiểu được vấn đề mình đang nói”.
Walliman cho biết, “Một lời giải thích đơn giản tuy không hoàn toàn đúng về mặt kỹ thuật nhưng lại giúp người nghe nắm được cốt lõi của vấn đề. Nếu thính giả có mong muốn tìm hiểu thêm, lúc đó bạn có thể cung cấp cho họ một bức tranh chi tiết hơn”.
BÀI LIÊN QUAN
4. Thêm quan điểm cá nhân
“Một điểm quan trọng trong giao tiếp, đặc biệt là khi giải thích hay thuyết phục một người về vấn đề nào đó, là đưa ra ý kiến riêng của mình. Tại sao bạn lại quan tâm đến chủ đề đó, hay điều gì khiến bạn nghĩ nó thú vị và quan trọng? Bạn càng dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề, chẳng hạn như đưa ra ví dụ chứng minh vấn đề đó ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào, sẽ càng khiến người nghe thích thú và ghi nhớ lâu hơn.
Việc thuần thục kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là khả năng giải thích vấn đề làm sao để người khác hiểu, là rất khó. Bạn sẽ phải tập luyện rất nhiều. Nhưng đừng để thất bại làm bạn nản chí, hãy nhớ rằng, bạn học được một điều mới khi hiểu một thứ gì đó, nhưng bạn học được nhiều điều hơn khi có thể chia sẻ nó cho tất cả mọi người”, Walliman nhận định.
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Anh Thư
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: ted.com