Văn hóa / Thế giới văn hóa

“Người Môi Giới”: Niềm hy vọng trong thế giới tuyệt vọng

Được cho là phần tiếp theo của bộ phim vô cùng thành công Shoplifters (2018), khán giả sẽ được chứng kiến một Hirokazu Kore-eda vừa quen, vừa lạ mà cũng đong đầy cảm xúc với Người Môi Giới.

review phim broker người môi giới
Poster phim Người Môi Giới
Ảnh: Hancinema

ĐẶC TRƯNG KORE-EDA

Người Môi Giới có nhiều tương đồng với Shoplifters trong tổ hợp nhân vật cũng như cách thức khai thác vấn đề ở nhiều phương diện của Kore-eda. Ở bộ phim này, Kore-eda giữ nguyên motif “chắp vá” từ Shoplifters, khi ta có một tên sát nhân, hai kẻ buôn bán trẻ em, một cậu nhóc đang trên hành trình trao đổi trẻ nhỏ. Và cũng như cái “tổ hợp” ấy, hành trình của dàn nhân vật cũng vô cùng “bất ổn”.

Việc “nhặt” từng câu chuyện, từng cá tính một vào trong mạch phim để liên kết với những điểm chung cho thấy đối tượng mà Kore-eda hướng tới là những cá nhân bị xếp dưới đáy xã hội. Cũng như Parasite, đoàn người của “tổ hợp” kia cũng đang “ăn bám” vào các “lỗ rò”, ở đây chính là chiếc hộp trẻ em. Đó là khái niệm ngầm chỉ một khoảng không gian mà những đứa trẻ “ngoài ý muốn” bị bỏ rơi mà vẫn được chăm sóc trong khi người mẹ không quay trở lại.

Phim Hàn Người môi giới
Ảnh: MUBI

Cậu bé Woo Sung cho ta cảm giác như Juri của Shoplifters, khi cậu cũng được nhận nuôi bởi một gia đình bất toàn và được giữ lại bởi lòng thương hại và sự lợi dụng. Động cơ, mục đích cũng như diễn tiến ở hai bộ phim rất giống nhau, khi sau một hành trình dài, Kore-eda cũng đã mang được tính nhân văn vào phim của mình, hướng tới một hy vọng tươi sáng hơn.

Thế nhưng, đặc trưng của Kore-eda vẫn luôn nằm trong những nan đề ông đặt ra. Ở Người môi giới, ông đã thể hiện tình thế lưỡng nan trong việc trả lời những câu hỏi lớn, để từ đó dẫn dắt khán giả qua nhiều góc nhìn. Vì sao người mẹ trẻ phải bỏ lại con? Hành động đi bán trẻ em tuy với mục đích nhân đạo (chỉ bán cho những gia đình có đủ tình cảm cũng như điều kiện), nhưng suy cho cùng, nó vẫn là một hành động định danh “bắt cóc”.

Những đứa trẻ luôn bị bỏ sót trong hành trình đó cũng là một vấn đề lớn. Chúng không thể nói và không được nói, dẫu chúng là người duy nhất có quyền quyết định vận mệnh cuộc đời của mình. Và rồi, rốt cuộc, những chiếc hộp đựng trẻ sơ sinh có nên tồn tại, khi những đứa trẻ không chỉ có được cuộc sống mới, mà rất có thể chúng sẽ bị lạm dụng trong những đường dây mua bán và điều này cũng vô tình “khuyến khích” những bà mẹ trẻ sống vô trách nhiệm.

Kore-eda đã hàn gắn những mảnh vỡ riêng thành bức tranh vô cùng đặc sắc, khiến người xem tự vấn về bản thân trước những gì mình chứng kiến. Cuộc đời không chỉ tồn tại đúng – sai, và bất cứ câu chuyện nào, vấn đề nào cũng cần được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn.

KHÔNG CÒN MÀU LAM

Nói về ngôn ngữ điện ảnh, Kore-eda đã kịp thực hiện một “bước nhảy” lớn. Từ không gian chứa toàn màu lam đại diện cho những nỗi buồn của Shoplifters, ông đã chuyển mình sang màu lục chứa chan hy vọng của Người môi giới. Không khó nhận ra sự chuyển biến từ những cảnh phim có phần chật chội với mưa và sự giá lạnh của mùa Đông ở bộ phim trước sang những cảnh quay bắt trọn toàn cảnh trên cao của những khu rừng và bãi biển mùa Hè trong Người môi giới.

Phim Người môi giới
Ảnh: Kino

Có thể thấy, Kore-eda đã thay đổi toàn diện từ màu sắc Nhật Bản sang bối cảnh Hàn Quốc. Nếu Shoplifters vẫn chứa đựng đâu đó nỗi buồn ủ ê thấm đẫm chất Nhật qua những đoạn thoại trung tính về mặt cảm xúc, thì Người môi giới linh hoạt và sống động hơn với những cá tính đầy nổi loạn hay vẻ tinh nghịch trẻ thơ.

Việc thêm “tính dương” vào Người môi giới là điểm tốt, nhưng đôi khi còn nhiều hạn chế. Cái buồn của Shoplifters đã để lại dấu ấn khó quên khi nó không thể lột tả, không thể nói ra, trong khi với Người môi giới, ta có thể thấy rất nhiều cảm xúc thân quen trong hành trình chữa lành. Tuy nhiên, đặc trưng của Kore-eda là khai thác tác phẩm dưới nhiều góc nhìn, do đó, Người môi giới vẫn là tác phẩm gợi được nhiều suy tư hơn.

Phim Người môi giới
Ảnh: Best Movie

Một điểm thay đổi đáng chú ý khác là Kore-eda đã dần thoát khỏi cái bóng cá nhân để đến gần hơn với cái toàn thể. Trong Shoplifters, thật khó để quên khung cảnh tận hiến cho tình yêu của nhân vật chính. Có thể nói rằng đây là khung hình đắt giá và ấn tượng nhất của bộ phim. Chỉ bằng thước phim tuyệt đẹp về mặt thẩm mỹ, Kore-eda đã bóc trần được sự tuyệt vọng thông qua chiếc phao cứu sinh duy nhất: tình yêu. Tuy nhiên, Người môi giới lại khác lạ hơn khi không hề có những cảm xúc mãnh liệt như thế. Thay vào đó, Kore-eda xoa dịu người xem bằng những cảm xúc thuần túy đến từ người cha thiếu tình cảm gia đình và đứa trẻ không được nhận nuôi, giữa người mẹ trẻ bỏ rơi đứa con và người đàn ông từng bị mẹ từ bỏ… Kore-eda chắp vá nhân vật của mình, không bằng ngôn ngữ điện ảnh có phần trừu tượng, mà bằng những cảm xúc được thể hiện một cách rõ ràng. Chúng tươi sáng, thiêng liêng và cảm động.

Với việc chuyển dịch góc nhìn như đã đề cập, Người môi giới xóa nhòa lằn ranh ngăn cách giữa những nhân vật và người xem phim. Shoplifters đã ít nhiều tạo ra bức ngăn đó bởi tính nghệ thuật cũng như bối cảnh có phần cục bộ. Trong khi đó, Người môi giới lại gần gũi, dễ tiếp cận hơn và ít nhiều khơi gợi được sự đồng cảm chứ không thương cảm như tác phẩm trước.

Chiến thắng giải thưởng Prize of the Ecumenical Jury cho các bộ phim xoáy vào chiều sâu của cảm xúc con người ở LHP Cannes 2022, Người môi giới là một tác phẩm đáng trân trọng và cũng đáng xem. Thông qua bộ phim, người ta có dịp suy ngẫm cũng như có thêm niềm tin vào một thế giới đầy rối ren. Bằng những cảm xúc chân thật và gần gũi, Người môi giới của Kore-eda đã đến gần hơn với đông đảo khán giả.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Thuận Phát

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)