Thời điểm nào chị nhận ra rằng mình đang bị bạo hành?
Đến tận năm tôi 25 tuổi thì vấn đề bạo hành trẻ em mới được chú ý hơn ở Việt Nam. Tôi có cơ hội đọc những bài báo về các trường hợp xảy ra ở nước ngoài rồi mới biết rằng đó là bạo hành. Tôi đã bị mẹ đánh một cách rất thô bạo từ khi chỉ mới 4-5 tuổi cho tới khi trưởng thành, không phải kiểu đánh dạy dỗ mà là đánh tới tấp, đánh lên mặt hoặc thậm chí xô xuống đất. Ở Việt Nam, chuyện mẹ đánh con là quá bình thường, cho nên người thân xung quanh thấy tôi bị đánh cũng không có ai can ngăn. Đến cả người lớn còn cho đó là điều bình thường thì làm sao một đứa trẻ có thể nghĩ rằng đó là điều bất thường được.
Lần đầu tiên chị phản kháng lại là khi nào?
Năm tôi học lớp 10, có lần mẹ giơ tay định đánh thì tôi đã giữ tay mẹ lại và đẩy mẹ ra. Đó là lần đầu tiên tôi phản kháng. Lúc đó, tôi nhận ra mẹ không quá mạnh mẽ và quyền lực như mình vẫn nghĩ khi còn nhỏ. Một phần tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đã có thể chống cự lại, nhưng ngay lúc đó, tôi cũng cảm thấy buồn vì nhận ra mẹ đã già. Thật mâu thuẫn.
Chị từng làm gì để thoát khỏi sự bạo hành của mẹ?
Khi còn học tiểu học, tôi sống với ba mẹ nên mỗi lần bị bạo hành chỉ biết chấp nhận. Lên cấp hai, ba mẹ tôi ly hôn. Từ đó, tôi sống lưu lạc khắp nơi. Có lúc sống với ba, có lúc sống với cô, với dì, nhưng phần lớn thời gian tôi sống nhờ nhà của một vài người bạn. May mắn là tôi có những người bạn rất yêu thương mình, cha mẹ họ cũng chấp nhận và giúp đỡ tôi. Mỗi khi về nhà tôi đều bị đánh, đâu có vui vẻ, hạnh phúc gì, nên từ năm lớp 7 đến khi trưởng thành, tôi không có thời gian nào thực sự sống cùng mẹ mà sẽ luân phiên ở nhà của hết người bạn này đến người bạn khác, hết người dì này đến người dì khác. Tôi chỉ biết cách ly mình khỏi mẹ càng xa càng tốt. Ngoài cách đó ra thì tôi cũng không biết làm gì khác để tự bảo vệ mình.
Khi còn nhỏ, mỗi lần bị đánh mà không ai giúp đỡ, chị nghĩ gì? Chị có từng thực sự lên tiếng yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác chưa?
Không. Tôi không hề nghĩ rằng đó là chuyện cần sự can thiệp từ người ngoài, bởi tôi đâu biết đó là bạo hành, tôi chỉ nghĩ rằng mình không ngoan nên bị mẹ đánh thôi. Chỉ một vài lần, ví dụ như khi mẹ đã đọc trộm nhật ký mà còn đánh tôi, tôi cảm thấy rất vô lý và uất ức. Cũng có những giây phút tôi ước rằng giá như có ai đó ngăn mẹ mình lại, nhưng suy nghĩ đó cũng chỉ thoáng qua nhanh.
Xem thêm
• Vì sao người từng bị tổn thương lại là người có trái tim nhân hậu nhất?
• 20 câu nói hay về sức mạnh của sự chữa lành giúp bạn có thêm động lực sống
• ELLE lắng nghe bạn: Phụ nữ và những tổn thương
Bây giờ, nhìn lại những chuyện đã qua, chị cảm thấy như thế nào?
Mặc dù có thể kể lại những chuyện đã qua với tâm thế như xem một cuốn phim, đôi khi tôi vẫn cảm thấy giận những người dì của tôi nhiều hơn là giận mẹ. Có thể một đứa trẻ chưa đủ nhận thức để phản kháng, nhưng tôi tin là những người lớn xung quanh có thể làm được nhiều hơn để bảo vệ đứa trẻ ấy. Nếu không thể can ngăn ngay lúc tôi bị đánh, ít ra sau đó họ phải thể hiện thái độ bất bình hay tức giận. Chính vì không ai nói gì nên mẹ tôi luôn nghĩ rằng đó là chuyện đúng và cứ tiếp tục làm như vậy thôi. Đến bây giờ, mẹ tôi vẫn không nghĩ rằng mình sai và chưa một lần xin lỗi tôi. Điều đó thỉnh thoảng vẫn khiến tôi buồn.
Có lẽ do bị đánh quá nhiều trong suốt tuổi thơ mà bây giờ tôi có sự đồng cảm hơi quá mức với nỗi đau của người khác. Chỉ cần nhìn thấy một người bị đau là tôi ngay lập tức cảm nhận được nỗi đau của người đó về mặt thể lý. Khi thấy một đứa trẻ bị đánh, tôi chỉ nghĩ rằng nó rất đau và muốn chấm dứt sự đau đớn đó. Vậy nên, mỗi khi thấy bạn bè mình đánh con, tôi đều lên tiếng can ngăn.
Việc chị nhạy cảm với nỗi đau của người khác cũng như “nghiện cảm giác bị đau” như chị từng chia sẻ trên mạng xã hội có phải là một dư chấn tâm lý hay không?
Cũng có thể. Mặc dù không làm điều gì điên rồ nhưng tôi biết, sâu thẳm bên trong tôi có những điều không được bình thường. Chỉ có chồng là người duy nhất tôi dám chia sẻ góc khuất trong tâm trí mình. Đến hiện tại, tôi vẫn kiểm soát được nó. Nhưng tôi không biết mình sẽ kiểm soát được bao lâu.
Chị có từng hành động cực đoan?
Năm lớp 9, mẹ từng gửi tôi vào trường nội trú ở xa nhà. Đó là ngôi trường dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Khi chuyển vào đây sống, ba và mẹ chưa từng gọi cho tôi một lần. Ngoài tiền ăn hai bữa đã đóng cho trường, tôi không có tiền để làm bất cứ thứ gì, sáng nào cũng đi học với cái bụng đói. Đó là khoảng thời gian tôi buồn nhất. Những đứa trẻ ở đó cũng đều bị cha mẹ bỏ rơi. Một đám trẻ thiếu thốn tình cảm sống chung với nhau, tâm trạng ngày càng tệ hơn. Có những lúc tôi cảm thấy sao mình cô đơn và lẻ loi quá, không có ai để bám vào. Tôi đã chọn tự tử bằng thuốc ngủ. Và may mắn là không chết. Năm đó tôi mới 14 tuổi.
Nhưng em tin nổi không, sau khi được bác sĩ cho xuất viện, mẹ tôi đã để tôi trở về nhà trên một chiếc xe ôm, trong trạng thái vẫn còn mơ màng vì thuốc. Lúc đó tôi gục lên vai ông xe ôm và ngủ chứ không biết gì nữa. Cũng may ông xe ôm là người đàng hoàng, chở tôi về đến nhà, chứ nếu ông ấy chở tôi đi đâu đó và làm chuyện gì xấu thì chẳng biết sẽ như thế nào. Chưa dừng ở đó. Tôi chỉ vừa tự tử ngày hôm trước, ngày hôm sau, cả ba lẫn mẹ đều chối bỏ, không ai muốn nuôi tôi. Cả hai không quan tâm tôi sống chết thế nào. Ngay ngày hôm sau, tôi phải khăn gói sang nhà một người cô để ở. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không thể hiểu được tại sao ba mẹ tôi lại có thể lạnh lùng, vô cảm đến như vậy. So với chuyện bị đánh thì cảm giác bị bỏ rơi khiến tôi đau khổ nhiều hơn.
———
“So với chuyện bị đánh thì cảm giác bị bỏ rơi khiến tôi đau khổ nhiều hơn”.
BÀI LIÊN QUAN
Thật khó tin là chị có thể chịu đựng tất cả những chuyện này!
Tôi may mắn có những người bạn rất thương yêu mình. Có những người không hề thân thiết nhưng vẫn giúp đỡ tôi. Tập thể lớp cấp hai cũng yêu thương và động viên tôi rất nhiều. Họ đều mong tôi sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Các bạn tôi đều có một gia đình bình thường, được cha mẹ yêu thương. Sống giữa những người như vậy, tôi không có lý do gì phải nổi loạn, nghỉ học hay làm gì đó để hủy hoại bản thân. Tôi muốn có một cuộc đời bình thường giống như họ nên cố gắng học và tiếp tục sống thật tử tế.
Gần đây, tôi có đọc một cuốn sách, trong đó có nói rằng mức độ cảm nhận niềm vui hay nỗi buồn của con người đều đã được mã hóa trong DNA. Có những người từ khi sinh ra đã có mức độ lạc quan và vui vẻ từ trung bình (mức 5) đến cao (mức 7). Có những người dù cố đến mấy thì mức độ vui vẻ của họ cũng chỉ từ mức 5 trở xuống. Có lẽ tôi may mắn có mức độ vui vẻ cao nên ngoại trừ những lúc quá cực đoan, tâm trạng của tôi luôn được cân bằng, bản thân cũng dễ tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Cũng không hiểu sao, tôi lại sớm có suy nghĩ là nếu mình không lo cho mình thì chẳng ai lo cho mình hết. Đây là cuộc đời của mình, mình phải có trách nhiệm với nó. Trong phim, có nhiều đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc thì thường sẽ sa ngã, tìm cách phá hoại cuộc đời mình để trả thù cha mẹ. Tại sao lại phải trả thù cha mẹ bằng cách phá hoại cuộc đời của mình? Vì tới cuối cùng, mình cũng là người chịu đựng tổn thương cơ mà. Vì vậy nên tôi chưa bao giờ có ý nghĩ phải làm những chuyện ngu ngốc.
Chị đã hoàn toàn vượt qua những chuyện này chưa?
Kể cả bây giờ, khi kể lại cho em, tôi vẫn khóc cơ mà. Tôi cũng không biết là mình đã hoàn toàn vượt qua chưa. Vết thương vẫn cứ nằm đó, không mất đi đâu. Mỗi khi nhớ lại, tôi thấy thương bản thân mình quá. May mà tôi mạnh mẽ, có bạn bè và chồng thương yêu, bù đắp cho tôi nên dù quá khứ vẫn gây nhức nhối nhưng cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của tôi được nữa.
Có bước ngoặt đặc biệt nào đáng nhớ trên hành trình chữa lành của chị không?
Không có cột mốc nào rõ ràng cả. Chỉ là sau khi tự tử, tôi biết rằng mình không thích chết, rằng mình phải cố gắng sống. Có những người nghĩ rằng sống thì phải thế này thế nọ, đối với tôi, chỉ cần được sống bình yên đã là hạnh phúc rồi. Chỉ cần buổi tối đi ngủ mà biết rằng ngày mai mình không bị đuổi ra đường đã là may mắn lắm rồi. Cứ ngày này qua ngày khác như vậy, tôi chỉ cố gắng sống sót mà thôi.
Khi kể câu chuyện của mình, chị mong người nghe sẽ phản ứng như thế nào?
Khi chia sẻ nó như một cách để động viên người khác, tôi mong mọi người đón nhận như nó vốn là, để mạnh mẽ hơn, để tìm thấy sự tích cực và vượt qua nỗi đau, để không phá hoại cuộc đời mình. Tôi không cần mọi người phải tỏ ra thương hại, tội nghiệp hay khuyên tôi phải làm gì. Còn đối với những người thân yêu, tôi mong sẽ được nhận sự an ủi đôi chút.
———
“Chỉ cần buổi tối đi ngủ mà biết rằng ngày mai mình không bị đuổi ra đường đã là may mắn lắm rồi. Cứ ngày này qua ngày khác như vậy, tôi chỉ cố gắng sống sót mà thôi”.
Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ những người bị tổn thương tâm lý?
Đối với những người tự tử vì thiếu thốn tình cảm, đặc biệt là những đứa trẻ bị bỏ rơi như tôi, thì đơn giản lắm, đừng bỏ rơi nó nữa, đừng để nó thiếu thốn tình cảm nữa. Không cần phải khuyên can gì hết. Hãy yêu thương nó đi. Điều duy nhất đứa trẻ cần là tình thương. Khi được yêu thương đủ đầy, nó sẽ không bao giờ muốn tự tử hết. Chứ không thương nó mà cứ khuyên nhủ, dạy dỗ rồi lên lớp thì chẳng giải quyết được gì hết.
Xem thêm
• [ELLE Voice] Hành trình chữa lành tổn thương tâm lý: Vượt qua vực thẳm
• Những điều có thể gây tổn thương cho 12 cung hoàng đạo
• Cộng đồng LGBT dễ bị tổn thương hơn trước bạo lực tình dục
Theo chị, đâu là những điều mà người khác thường nghĩ sai về người bị tổn thương tâm lý?
Vẫn có không ít người xem nhẹ nỗi đau của những người bị tổn thương tâm lý. Điều đó rất độc ác và tàn nhẫn. Có một câu tiếng Anh là “hãy đối xử tốt với tất cả những người mà bạn gặp vì có thể họ đang chiến đấu cuộc chiến của riêng họ”. Nếu không thể giúp đỡ, an ủi hay chia sẻ được với họ thì cũng đừng xem thường nỗi đau của họ.
———
“hãy đối xử tốt với tất cả những người mà bạn gặp vì có thể họ đang chiến đấu cuộc chiến của riêng họ”.
Điều quan trọng chị nhận ra được sau khi nhìn lại toàn bộ hành trình này là gì?
Đó là phải luôn yêu bản thân mình. Bản thân mình phải là trên hết. Ngay cả không ai yêu bản thân mình cũng không sao, mình yêu bản thân mình là đủ rồi. Người ta thường nói, “đừng dựa dẫm vào bất kỳ ai trên đời này bởi vì đến cuối ngày, ngay cả cái bóng của bạn cũng rời bỏ bạn trong bóng đêm”. Nếu có chuyện gì xảy ra, mình chỉ có thể vượt qua bằng chính sức mạnh nội tại. Tất nhiên, sẽ thật may mắn nếu có ai đó giúp đỡ mình, nhưng đừng quá trông chờ để không phải nhận về thất vọng. Yêu bản thân, mạnh mẽ, không phụ thuộc vào người khác là những điều tôi học được.
Đối với chị, chữa lành thật sự là gì?
Nếu mọi người nghĩ rằng chữa lành tức là giúp cho người đó quên đi những chuyện đã xảy ra thì không thể, bởi vì người bị tổn thương tâm lý sẽ không bao giờ quên được những chuyện đã xảy ra. Bản thân tôi cũng muốn tìm hiểu xem ý nghĩa của chữa lành là gì. Nếu gặp ai đó bị tổn thương, tôi chỉ mong mọi người hãy cố gắng giúp cho người đó hạnh phúc nhiều hơn để bù đắp lại những nỗi đau mà họ phải trải qua. Tình yêu thương có lẽ là liều thuốc duy nhất. Ngoài ra, cộng đồng và xã hội cũng nên sẵn sàng can thiệp và có những biện pháp bảo vệ trẻ em nhiều hơn trước bạo lực gia đình.
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Trúc
Hình ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE