Chiến sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã kéo theo hàng loạt ảnh hưởng mang tính vi mô và vĩ mô, tác động đặc biệt mạnh mẽ lên đời sống của người dân châu Âu. Trong những tháng gần đây, lạm phát tăng cao tại các quốc gia phát triển thuộc châu lục này đã vô hình gây áp lực lên ngành thời trang cao cấp. Cùng tìm hiểu những ảnh hưởng của sự chênh lệch tỷ giá khi USD tăng cao cũng như chiến lược đối phó của các thương hiệu xa xỉ!
BÀI LIÊN QUAN
Nguyên nhân USD tăng giá
Châu Âu có lẽ đang đối mặt với những khủng hoảng kép nặng nề nhất thế kỉ này khi mức lạm phát tiếp tục thiết lập đỉnh điểm mới. Tốc độ leo thang giá cả ở đây cũng làm trầm trọng thêm nền kinh tế vốn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga. Để cứu vãn tình hình, Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu nâng mức lãi suất để chống lạm phát vào tháng 7.
Bên kia đại dương, Mỹ cũng đang phải đối mặt với khả năng suy thoái trong tương lai gần. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã quyết định nâng lãi suất với mục đích ngăn chặn lạm phát kỉ lục trong 40 năm qua ở xứ sở cờ hoa. Như một hệ quả tất yếu, khi lãi suất tăng, giá trị các tài sản ở Mỹ cũng tăng theo, tạo ra sức hút lớn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Tất cả điều này dẫn đến việc đồng USD tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, không chỉ bỏ lại đồng Euro, USD cũng kéo dài khoảng cách với nhiều đồng tiền chính khác trên thế giới.
BÀI LIÊN QUAN
liệu các thương hiệu thời trang có chịu tổn thất?
Trái với những gì chúng ta nghĩ, việc tăng giá của đồng USD sẽ mang lại lợi nhuận cho các thương hiệu thời trang có trụ sở ở châu Âu. Đây là những công ty trả tiền cho nhân công, mặt bằng cũng như nguyên vật liệu phần lớn bằng đồng Euro. Theo Giám đốc Tài chính Philippe Blondiaux của CHANEL: “Đồng Euro yếu là một điều rất tốt cho các nhãn hàng xa xỉ của Pháp”. Lý giải cho nhận định trên, chúng ta phải suy xét đến doanh thu của các thương hiệu cao cấp này ở Mỹ. Với việc đồng USD tăng, mỗi giao dịch với loại tiền tệ này sẽ có giá trị hơn khi quy đổi lại thành Euro. Khi đó, các công ty sẽ dùng khoản thu này bù đắp vào chi phí nhân công và nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao tại khu vực EU. Không chỉ mỗi Eurozone, động thái tương tự cũng áp dụng cho các thương hiệu thời trang ở Anh như Burberry vì đồng bảng Anh có xu hướng giảm so với USD.
Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro tiền tệ, các thương hiệu từ trước đến nay luôn sử dụng các hợp đồng có thời hạn được gọi là hợp đồng phòng ngừa rủi ro. Điều này dẫn đến việc các giao dịch vẫn được thanh toán theo tỷ giá hối đoái cũ, mang về ít lợi nhuận hơn và tác động của tỷ giá mới có thể chưa rõ ràng.
lợi hay mất đối với người tiêu dùng xa xỉ phẩm?
Thời điểm lên giá của đồng USD trùng hợp với thời điểm du lịch quốc tế có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Trong khi các khách hàng tiềm năng nhất của xa xỉ phẩm đang trải qua lệnh phong toả nghiêm ngặt ở quê nhà Trung Quốc, người Mỹ lại lựa chọn châu Âu như một điểm đến nghỉ dưỡng và dường như quan tâm đến các thương hiệu cao cấp hơn bao giờ hết. Không thể không nhắc đến các đối tượng khách du lịch Việt Nam sau hơn hai năm bị “cầm chân”. Việc mở lại các đường bay và tour Châu Âu trọn gói dẫn đến hiện tượng “mua sắm phục thù” để giải toả tinh thần, bù đắp cho khoảng thời gian không chi tiêu gì trước đó. Có thể nói, đồng Euro yếu chính là một “cú huých” khuyến khích khách hàng mua sắm khi du lịch tại các thành phố châu Âu.
Một mẫu túi Louis Vuitton được bán với giá $2.030 tại Mỹ hiện nay chỉ có giá €1.500 (tức $1.528,79) ở Pháp. Điều đấy đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ tiết kiệm được 25% nếu “chốt đơn” chiếc túi này ở đại lộ Champs-Élysées. Khi tính cả chính sách hoàn thuế cho khách du lịch không thuộc Liên minh châu Âu, con số này lên đến 35% nhờ vào quyền lợi chiết khấu thuế 12% ở Pháp và Ý.
BÀI LIÊN QUAN
Mức giá hấp dẫn này cũng góp phần làm tăng sức quyến rũ của các thương hiệu cao cấp trong mắt những aspirational shopper (chỉ đối tượng khách hàng ám ảnh với thời trang cao cấp nhưng không có tiềm lực kinh tế vững chắc, coi việc sở hữu hàng hiệu để nâng cao giá trị bản thân và địa vị xã hội).
Ngành thời trang nên ứng phó thế nào?
Phổ biến cho khách hàng Mỹ về chính sách hoàn thuế sẽ là một trong những hành động góp phần làm tăng doanh thu của các nhãn hàng ở châu Âu. Tuy đây là một trong những “kiến thức cơ bản” của con dân thời trang châu Á khi mua đồ hiệu ở nước ngoài nhưng lại không phải là điều “ai cũng biết” ở xứ cờ hoa.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định sự chênh lệch lớn của giá bán xa xỉ phẩm có thể dẫn tới khả năng hình thành một thị trường hàng xách tay trốn thuế tại Mỹ như những gì đã và đang xảy ra ở Đại lục. Điều này sẽ làm vô hiệu hóa những nỗ lực trong việc xây dựng mối liên kết trực tiếp giữa nhãn hàng và người tiêu dùng ở Mỹ, điều mà các thương hiệu vẫn luôn cố gắng sau sự xuất hiện của một làn sóng mới các khách hàng tiềm năng hậu Covid. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ khó có khả năng xảy ra khi xét đến những chính sách nhập khẩu và hải quan chặt chẽ cũng như văn hoá hoá tuân thủ luật pháp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Với vấn đề lạm phát, chi phí nhân công cũng như năng lượng vẫn tiếp tục tăng cao, việc các nhà mốt cao cấp cân nhắc việc tăng giá sản phẩm là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những đợt tăng giá sắp tới được dự đoán là “khiêm tốn” so với biến động trong suốt hai năm dịch bệnh.
Tiêu biểu là vào tháng 3/2022, CHANEL đã tăng tận 13% cho mẫu Large Classic Flap Bag so với đợt tăng giá trước đó vào tháng 11/2021. Mẫu túi được yêu thích của Gucci là Marmont Mini Bag Matelassé cũng chứng kiến lần tăng kỉ lục là 21.1% tại thị trường Pháp và Trung Quốc. Dẫu vậy, với tình hình dịch bệnh gần như được kiểm soát ở hầu hết các nước châu Âu, làn sóng du lịch đổ về đây là dấu hiệu đáng mừng cho những thương hiệu thời trang này. Chúng ta sẽ lại được nhìn thấy đại lộ mua sắm nhộn nhịp trở lại khắp các thủ đô cổ kính ở lục địa già – “đại bản doanh” của phân khúc thời trang cao cấp.
Nhóm thực hiện
Bài: Từ Phương
Ảnh: Tổng hợp
Tham khảo: Business of Fashion