Cần rất nhiều nỗ lực và cả một quá trình dài để xây dựng sự thành công, trong đó bao gồm cả việc thay đổi tư duy và rèn luyện một tinh thần vững mạnh.Từ sự thay đổi này sẽ dẫn đến sự thay đổi khác, bằng cách “nâng cấp” tư duy, bạn cũng nâng cấp nhân sinh quan của mình để từ đó thực hiện những hành động phù hợp để đạt được điều mình muốn. Vì vậy, yếu tố đầu tiên quyết định liệu một người có thành công hay không đến từ cách họ tư duy, suy nghĩ.
Dưới đây là 8 sự thay đổi về mặt tinh thần, tư duy mà bạn phải áp dụng nếu muốn trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân.
1. Thay vì mải tìm kiếm kiến thức, hãy nuôi dưỡng SỰ khiêm tốn
Trau dồi và dung nạp kỹ năng, kiến thức mới là bước không thể thiếu trên hành trình hướng đến thành công. Đây cũng là cách để bạn đầu tư cho sự phát triển của bản thân.
Tuy nhiên, nếu bạn thật sự nghiêm túc trong hành trình phát triển bản thân và chuyên môn, bên cạnh việc tích lũy tri thức, bạn cũng phải nuôi dưỡng đức tính khiêm tốn. Dù một người có học hỏi nhiều đến đâu cũng không thể lĩnh hội tất cả mọi kiến thức trên đời. Do đó, những người thành đạt không bao giờ đặt mình ở vị thế của một chuyên gia, mà họ luôn xem mình là người cần học hỏi. Họ luôn nhận thức rằng, chỉ dựa vào những gì mình biết là chưa đủ, cần phải tích lũy thêm tri thức từ nhiều lĩnh vực để thăng tiến xa hơn trong sự nghiệp. Chính sự khiêm tốn trong lối suy nghĩ này đã giúp họ trở nên nổi bật và xuất chúng.
BÀI LIÊN QUAN
2. Xem NHỮNG lời chối từ là cơ hội, không phải sự thất bại
Thay vì xem việc bị khước từ là một sự thất bại, là dấu chấm hết cho mọi thứ, hãy xem đó là cơ hội để phát triển bản thân.
Khi một người khước từ bạn, hãy xem đó là động lực để bạn chứng minh họ đã sai lầm. Thay vì tức giận, bạn có thể nhìn nhận đâu là thiếu sót của bản thân, đâu là khía cạnh cần cải thiện để từ đó tự tạo động lực và nỗ lực thay đổi thành phiên bản tốt hơn.
Đôi khi, sự từ chối cũng là một thông điệp cho thấy rằng bạn vẫn chưa đủ sẵn sàng cho một công việc nào đó. Bạn đừng nên xem việc bị từ chối là dấu chấm hết cho những mục tiêu mà bạn theo đuổi, thực chất đó chỉ là một gợi ý rằng còn rất nhiều hướng đi khác để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Khi bạn nhận thức được điều này càng sớm, bạn sẽ càng vững chãi hơn trước những lời từ chối trong cuộc sống. Suy cho cùng, việc bị từ chối cũng chỉ là một cơ hội để bạn thích nghi với cuộc đời và tôi luyện để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Xem thêm
• 7 lời khuyên để duy trì tình bạn bền lâu khi đã trưởng thành
• 9 cách để phát triển bản thân lành mạnh và hạnh phúc hơn
• Ý nghĩa của việc liên tục nhìn thấy ngày sinh của bản thân ở khắp nơi
3. Thay vì tiếp nhận mọi thứ một chiều, hãy phản biện
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ngừng thỏa hiệp với mọi thứ và bắt đầu đặt câu hỏi?
Giả sử, trong một tổ chức, thay vì chấp nhận mọi quy tắc, luật lệ đã được định sẵn, bạn cũng nên xem xét liệu có khía cạnh nào cần cải thiện để mọi thứ vận hành tốt hơn không. Hãy tự hỏi bản thân và những người xung quanh tại sao mọi thứ lại hoạt động như hiện tại? Những ai đang hưởng lợi và ai đang chịu thiệt thòi? Liệu chúng ta có nên làm gì để cải thiện mọi thứ tốt hơn không?
Một ví dụ khác, giả sử bạn là sinh viên mới tốt nghiệp và ứng tuyển vào một công việc mà bạn yêu thích, nhưng bạn lại không đáp ứng được tiêu chí về số năm kinh nghiệm làm việc từ nhà tuyển dụng. Thay vì từ bỏ cơ hội việc làm đó, bạn có thể chứng minh năng lực của bản thân thông qua những kinh nghiệm tích lũy được từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cho họ thấy khả năng của bạn và giải thích vì sao bạn là người phù hợp cho vị trí họ đang tuyển dụng.
Học cách đặt câu hỏi và phản biện là bước đầu tiên để tạo nên những thay đổi tích cực. Điều này đòi hỏi một quá trình dài quan sát và trải nghiệm trong cuộc sống, từ đó phát triển cái nhìn sâu sắc hơn và tìm ra những hướng thay đổi tích cực.
4. Tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn cao hơn
Một trong những nền tảng căn bản giúp bạn xây dựng sự thành công là chia sẻ quan điểm với những người giỏi giang hơn mình. Trao đổi thường xuyên và học hỏi từ họ sẽ giúp bạn dần “nâng cấp” lối tư duy của mình. Theo thời gian, bạn thậm chí sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn hiện tại.
Mỗi giám đốc điều hành, doanh nhân hoặc nghệ sĩ thành công đều có cho mình một đội ngũ những người có kiến thức và kỹ năng tốt để họ có thể tham khảo quan điểm, cùng tham gia vào việc chỉnh sửa, phản hồi và đưa ra ý kiến cho mỗi dự án.
Việc chủ động học hỏi, tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn không chỉ giúp nâng cao kỹ năng và năng lực, đây còn là cách để mỗi người rèn luyện tính khiêm tốn.
Khi bạn tìm kiếm lời khuyên từ những người có năng lực, bạn sẽ dần quen với việc “bị” chỉnh sửa và phê bình. Đây là điều cần thiết để hình thành nên khả năng tiếp nhận thông tin cũng như rèn luyện sức mạnh tinh thần cho bản thân. Đồng thời, đó cũng là giúp bạn học cách bỏ cái tôi lại phía sau, giúp bạn tập trung vào phát triển những kỹ năng cần thiết.
Con đường của những người thành công không hề dễ dàng. Họ tìm kiếm lời khuyên và đôi khi bị chỉ trích rất nhiều lần, chỉ vì họ mong muốn được lắng nghe những đánh giá chân thật để từ đó có thể học hỏi từ những sai sót và trở thành những phiên bản tốt hơn.
BÀI LIÊN QUAN
5. Thay vì cố gắng làm mọi thứ, hãy tập trung vào điều bạn làm tốt nhất
Khi bạn cố gắng làm nhiều đầu việc nhất có thể trong bản danh sách đầy rẫy những công việc vụn vặt mỗi ngày, bạn sẽ không thể tập trung vào một công việc chính có thể giúp bạn nâng cao trình độ và kỹ năng trong công việc.
Đây là lý do vì sao san sẻ công việc một cách hợp lý cho người khác là điều cần thiết. Bạn sẽ khó làm việc hiệu quả nếu ôm đồm tất cả mọi thứ, kể cả những việc vụn vặt mà không có sự giúp đỡ của những người xung quanh.
Hãy tập trung vào những việc bạn làm tốt nhất và chỉ bạn mới có khả năng xử lý, những việc còn lại bạn có thể giao phó cho người khác. Làm việc hiệu quả là khi bạn biết phân chia và sắp xếp công việc hợp lý để không bị kiệt sức vì phải đảm nhận quá nhiều việc.
6. Thay vì lập danh sách, hãy lên kế hoạch
Ngày nay, nhiều người lựa chọn sử dụng công cụ lập danh sách như một phương thức hữu hiệu để tìm kiếm sự thành công và xây dựng một cuộc sống có tổ chức.
Tuy những danh sách có thể khiến bạn cảm thấy công việc được trình bày có tổ chức hơn nhưng đôi khi, chúng không giúp bạn đạt được mục tiêu cuối cùng. Khi bạn lập một danh sách, bạn vô tình bị thôi thúc phải cố hoàn thành mọi nhiệm vụ trong đó, điều này đôi khi khiến bạn bỏ qua những việc thực sự quan trọng.
Thay vào đó, một bản kế hoạch chi tiết lại là một lựa chọn hợp lý hơn. Bản kế hoạch nêu rõ và đảm bảo thời hạn hoàn thành công việc, đâu là những điều cần ưu tiên, từ đó mọi thứ trở nên rõ ràng hơn và không đầu việc nào bị bỏ sót.
Một bản kế hoạch có thể chỉ đơn giản là ghi lại những việc cần làm trong tuần. Nó giúp vạch ra các mục tiêu và đưa ra các bước cụ thể bạn sẽ thực hiện để đạt được những mục tiêu đó. Bản kế hoạch cũng cho thấy bạn cần ưu tiên những gì và tại sao.
Một bản kế hoạch cũng có thể vạch ra “đường lui” khi bạn “lạc lối” trong công việc. Đôi khi bạn để lỡ một số việc, khi nhìn vào bản kế hoạch, bạn biết nên bắt đầu quay lại từ bước nào.
BÀI LIÊN QUAN
7. Hãy lưu tâm đến kết quả của công việc
Đôi khi, nỗ lực làm việc vất vả trong thời gian dài không chứng minh được hiệu quả công việc. Để nâng cấp cuộc sống và sự nghiệp, bạn phải xem xét, nhìn nhận điều gì mang lại hiệu quả và điều gì không mang lại hiệu quả. Nếu những việc không có khả năng đem lại kết quả tích cực, chúng ta nên dừng lại, từ bỏ hoặc sẽ xem xét lại nếu có thời gian. Ví dụ, khi bạn đã dành rất nhiều thời gian chỉnh sửa, xây dựng trang web của mình, nhưng người dùng lại cảm thấy khó sử dụng, bạn nên từ bỏ thiết kế cũ và dành thời gian tạo nên một trang web mới thân thiện với người dùng hơn.
Khi bạn tập trung, đầu tư hết mình vào quá trình và kết quả của công việc, mọi nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp.
Xem thêm
• Những kiểu người tri kỷ chúng ta có thể gặp trong đời
• 5 mẹo nhỏ cho cuộc sống ngăn nắp hơn
• 9 điều bạn nên làm với chị, em gái của mình ít nhất một lần trong đời
8. Tin tưởng vào khả năng của bản thân
Một trong những công thức thành công phổ biến nhất là giải phóng bản thân khỏi những hoài nghi về năng lực của chính mình. Thay vì e sợ bản thân không đủ tốt cho một công việc hay vị trí nào đó, hãy nỗ lực hết mình để phát triển bản thân thành một phiên bản tốt hơn và tích lũy kỹ năng cần thiết cho công việc đó. Thay vì nghĩ về những tổn thất và mất mát khi thực hiện một việc nào đó, hãy quan tâm đến những giá trị mà bạn thu được từ trải nghiệm ấy. Chỉ cần bạn tin tưởng vào bản thân, bạn có thể làm được bất cứ điều gì. Niềm tin đó dù rất nhỏ cũng có thể thúc đẩy bạn bước từng bước một trong hành trình phát triển bản thân sau này.
Tóm lại, đừng đánh giá thấp sức mạnh của những thay đổi về mặt tinh thần dù là nhỏ nhất. Cuộc sống là sự phản ánh tư duy của bạn. Mọi hành động đều xuất phát từ lối suy nghĩ của mỗi người. Do đó, thay đổi cách tư duy tích cực hơn trong mọi khía cạnh sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu của bản thân trong cuộc sống.
Nhóm thực hiện
Bài: Vy Dương Thảo
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Thought Catalog