Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

5 phút tập cơ mặt mỗi ngày đánh tan nỗi lo về nọng cằm

Bên cạnh việc chăm sóc da, cấu trúc gương mặt cũng là vấn đề mà các tín đồ làm đẹp lưu tâm. Khi kể các vấn đề thường gặp khiến cấu trúc gương mặt bạn mất cân đối, nọng cằm là một vấn đề nhức nhối, không thể bỏ qua.

Có nhiều cách để khắc phục tình trạng nọng cằm. Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ can đảm, đủ điều kiện để thực hiện những biện pháp can thiệp giải phẫu. Hiểu được tâm lý chung của các nàng, ELLE sẽ giới thiệu đến bạn những động tác massage và luyện tập cơ mặt có cải thiện tích cực tới tình trạng nọng cằm. Đừng lo lắng, theo các kinh nghiệm đã được thực hành với massage giảm mỡ, các bài tập massage mặt tác động tới cơ mặt có thể đánh tan được lớp mỡ tạo thành chiếc cằm đôi của bạn.

nọng cằm
Massage là phương pháp dễ dàng, ít tốn kém, có thể giúp bạn cải thiện tình trạng nọng cằm. Ảnh: BeBeautiful.

Nguyên nhân gây ra nọng cằm

Theo Heathline, hai cằm – còn được gọi là mỡ dưới cằm – xảy ra khi một lớp mỡ hình thành bên dưới cằm của bạn, tạo cảm giác có nhiều hơn một cằm. Tình trạng này có thể là do những nguyên nhân sau đây gây nên: 

Chống cằm

Chống cằm là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho cằm chúng ta xuất hiện nọng. Khi chống cằm thường xuyên, vùng da quanh mặt sẽ bị chùng xuống, về lâu về dài sẽ mất đi tính đàn hồi. Để tránh cho chiếc cằm thứ 2 xuất hiện, những lúc trò chuyện, ăn uống, lướt điện thoại, xem TV hay đọc sách, các nàng nên cố gắng hạn chế thói quen chống cằm vô hại nhưng hại không tưởng này.

chống cằm
Thói quen chống cằm là nguyên nhân gây ra nọng. Ảnh: Unsplash.

Ngồi gù lưng gây ra nọng cằm 

Không chỉ ảnh hưởng đến cột sống và lưng, tư thế ngồi gù lưng và cúi đầu thấp để lướt điện thoại hay làm việc trên laptop còn khiến mỡ thừa “tập hợp” ở cằm. Để không bị ảnh hưởng bởi thói quen này, chị em phải cải thiện ngay tư thế ngồi càng sớm càng tốt bằng cách giữ thẳng lưng, và đặt màn hình máy tính, điện thoại đúng tầm nhìn hạn chế cúi đầu quá thấp.

gù lưng gây nọng cằm
Gù lưng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe cột sống mà còn làm giảm khí chất của các nàng đi rất nhiều. Ảnh: Shutterstock.

Lão hóa gây ra nọng cằm 

Khi làn da bước vào quá trình lão hóa thì phần da mặt hay cổ chảy xệ sẽ khiến chiếc cằm “thứ hai” xuất hiện. Nguyên nhân là do các cơ bắp ở người lớn tuổi bị suy yếu và giảm sự liên kết với các mô da. Khi đó, các chất béo dưới da và nguồn năng lượng thừa nhanh chóng lấp đầy vị trí da bị chảy xệ, chuyển hóa thành mỡ thừa gây ra tình trạng nọng cằm.

Tăng cân gây ra nọng cằm 

Khi bị tăng cân do ăn quá nhiều chất dinh dưỡng, năng lượng thừa không sử dụng hết sẽ phân bố đi khắp cơ thể và tích tụ lại thành mỡ thừa, trong đó có vùng dưới cằm. Đồng thời vùng da cằm – cổ tương đối mỏng, yếu nên khi bị tích mỡ sẽ có xu hướng chảy xệ rất nhanh và bị biến dạng như một chiếc cằm thứ hai. 

nọng cằm
Ảnh: Getty Images.

Các bài tập cơ mặt đánh tan nọng cằm 

Mặc dù hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh các bài tập có thể có tác dụng nhanh chóng trong việc loại bỏ tình trạng nọng cằm. Tuy nhiên theo kinh nghiệm, các hình thức massage và tập luyện tác động vào khu vực cơ có tác dụng đối với việc đánh tan, làm giảm vùng mỡ. Nhưng lưu ý là phương pháp này chỉ hiệu quả khi chúng ta thực hiện chăm chỉ, đều đặn và biến massage nọng cằm trở thành một thói quen hàng ngày.

Nếu bạn đang có tình trạng nọng cằm và muốn khắc phục nó ngay tại nhà thì có thể tham khảo những động tác tập cơ mặt sau đây. Bài tập được tham khảo từ hướng dẫn của bác sĩ Eric Berg, một bác sĩ chỉnh hình và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục sức khỏe. 

massage mặt giảm nọng cằm
Massage và tập cơ mặt là một phương pháp đòi hỏi sự kiên trì để có thể đánh bay được mỡ vùng cằm. Ảnh: yooni_mup. <dùng hình này làm hình featured ngang nè Linh ui>

Khởi động

Khi bắt đầu thực hiện động tác làm giảm nọng cằm, bạn cần khởi động các cơ để giãn cơ, tránh tổn thương không đáng có. Cách khởi động làm giảm nọng cằm như sau:

  • Để làm nóng cổ, hãy nhẹ nhàng xoay đầu theo chiều kim đồng hồ, sau đó xoay theo chiều ngược lại.
  • Bạn cũng có thể dùng chuyển động xoay tròn miệng để kéo căng cơ hàm.
  • Hãy mở rộng miệng, đẩy hàm dưới lần lượt sang trái và phải, giữ mỗi vị trí trong khoảng 2 – 3 giây.
  • Bây giờ, các cơ đã nóng lên và bạn có thể bắt đầu thực hiện cách hết nọng bằng các bài tập tiếp theo.
massage mặt
Thao tác massage theo chuyển động xoay tròn miệng để kéo căng cơ hàm. Ảnh: Giphy.

Tập với quả bóng

  • Đặt một quả bóng 9 -10 inches dưới cằm của bạn. Nếu không có bóng, có thể thay bằng cốc hoặc bất kì thứ gì miễn là nó tròn và có kích cỡ phù hợp để đặt vào dưới cằm bạn.
  • Ấn cằm xuống, tì đè lên quả bóng. 
  • Lặp lại 25 lần mỗi ngày.

động tác “Chu môi lên TRỜI” giúp giảm nọng cằm  

  • Ngồi thẳng lưng và thả lỏng vai.
  • Ngả đầu ra sau, nhìn lên trần nhà và chu môi như đang hôn lên trời. 
  • Hãy để môi thư giãn nhưng vẫn giữ chặt vừa đủ để cảm thấy sức căng ở cổ.
  • Bạn giữ vị trí này trong 10 – 20 giây và lặp lại tư thế khoảng 10 lần.
tập giảm nọng cằm
Ảnh: healthwire.

Thè lưỡi 

  • Nhìn thẳng về phía trước, thè lưỡi ra xa nhất có thể. 
  • Nâng lưỡi của bạn lên trên và về phía mũi của bạn. 
  • Giữ trong 10 giây và thả ra.  
thè lưỡi
Ảnh: Shutterstock.

Động tác “Ấn LƯỠI” giúp giảm nọng cằm 

  • Ngửa đầu ra sau và nhìn lên trần nhà.
  • Ấn lưỡi vào vòm miệng.
  • Giữ trong 5 – 10 giây rồi thả ra. 

động tác “Đẩy hàm dưới” giúp giảm nọng cằm 

  • Ngửa đầu ra sau và nhìn lên trần nhà.
  • Quay đầu sang phải.
  • Trượt hàm dưới của bạn về phía trước.
  • Giữ trong 5 – 10 giây rồi thả ra.
  • Lặp lại quy trình với đầu quay sang trái. 
nọng cằm
Kéo căng hàm về phía trước để bài tập đạt hiệu quả cao. Ảnh: Shutterstock.

Bạn có thể tham khảo các bài tập trên trong video sau để hiểu kĩ càng hơn:

 

Nhóm thực hiện

Bài: Tiểu Linh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Dr.Berg.com

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)