Ai cũng có một đứa trẻ bên trong tâm hồn. Chúng không trưởng thành theo số tuổi của ta mà lưu giữ những tất cả kỷ niệm và cảm xúc ta có được trong những năm tháng đầu đời. Một khi bạn dung túng cho sự tồn tại của đứa trẻ ấy quá nhiều, chúng sẽ kiểm soát hành động và suy nghĩ của bạn. Điều này thường xảy ra ở những người không muốn trưởng thành và mãi mãi không chịu lớn lên. Tâm lý học gọi họ là những người mắc hội chứng Peter Pan.
Tuy nhiên, không có ai có thể chống lại được quy luật của tự nhiên, vì vậy, việc giữ một tâm hồn trẻ thơ trong một thân xác trưởng thành mang đến rất nhiều rắc rối không chỉ đối với bản thân mà còn đối với những người xung quanh. Đặc biệt là trong tình yêu, những người mắc hội chứng Peter Pan sẽ khiến cuộc tình lãng mạn biến thành một cơn ác mộng.
Nếu bạn thắc mắc rằng làm thế nào để nhận ra họ, hãy để ELLE mách bạn 18 dấu hiệu của hội chứng Peter Pan này nhé!
Hội chứng Peter Pan là gì?
“Tất cả trẻ em, trừ một đứa, đều lớn lên“. Và đứa trẻ chẳng bao giờ lớn ấy là cậu bé Peter Pan – một nhân vật trong tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn James Matthew Barrie và từng xuất hiện trong nhiều bộ phim của hãng hoạt hình Walt Disney. Peter là một cậu bé tinh nghịch, đáng yêu, mang trong mình một trái tim thuần khiết và quả cảm đến từ vùng đất thần tiên Neverland. Tại đó, cậu không bao giờ lớn lên và chính cậu cũng không mong muốn trở thành người lớn.
Nhà tâm lý học Daniel Kiely là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “hội chứng Peter Pan” để gọi những người lớn chối bỏ sự trưởng thành và việc phải đảm nhận những trách nhiệm của một người lớn. Nếu tuổi trẻ vĩnh hằng của Peter Pan phải đánh đổi bằng việc cậu dễ quên lãng và phải chứng kiến những người bạn của mình trưởng thành rồi thay đổi thì những người mắc hội chứng này cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Không giống như cậu bé thần thoại có thể mãi ở trong hình hài của một thiếu niên 12 tuổi, họ vẫn phải lớn lên về mặt thể xác. Nhận thức và cách hành xử như trẻ con của họ có thể gây phiền phức cho những người xung quanh.
Hội chứng phổ biến ở cả nam và nữ nhưng chủ yếu xảy ra ở nam giới. Tuy nhiên, hội chứng này vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ công nhận là một dạng rối loạn tâm thần.
Nguyên nhân nào gây ra hội chứng Peter Pan?
Nhiều nghiên cứu chuyên sâu đã được thực hiện để tìm hiểu các nguyên nhân khiến một số người không có sự trưởng thành về mặt cảm xúc. Kết quả cho thấy hội chứng Peter Pan có thể xuất hiện ở bất kỳ ai với nhiều lý do khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào hoàn cảnh họ lớn lên và quá trình mà họ được nuôi dạy.
Một số nguyên nhân chính như:
- Sự bảo bọc quá mức của cha mẹ từ thuở thơ ấu.
- Họ không được rèn luyện tính kỷ luật khi còn nhỏ. Họ cảm thấy mình có thể hành động theo cách họ thích và không quan tâm đến các quy tắc hay trách nhiệm.
- Họ đã trải qua những tổn thương ở tuổi thơ và không thể vượt qua nó.
- Luôn có người thay họ ra quyết định, thu xếp mọi chuyện, gánh vác trách nhiệm và giải quyết những việc mà họ không thể làm.
18 dấu hiệu của hội chứng Peter Pan
1. Người ấy không có tài chính ổn định
Những đứa trẻ thì thường không quan tâm đến tài chính. Vì vậy, những người mắc hội chứng Peter Pan thường tiêu tiền một cách thiếu thận trọng và gặp nhiều rắc rối với tài chính cá nhân. Đồng thời, họ thường dựa dẫm vào bố mẹ để được đáp ứng những nhu cầu về tài chính.
BÀI LIÊN QUAN
2. Người ấy mong bạn thanh toán cho mọi thứ
Chia tiền trong các cuộc hẹn hò dường như là một vấn đề nhạy cảm đối với nhiều cặp đôi. Những người mắc hội chứng Peter Pan sẽ đơn giản hóa việc này bằng cách để bạn thanh toán mọi thứ. Bởi họ thường được bố mẹ và gia đình đảm bảo nhu cầu tài chính, trong mối quan hệ gắn bó khác, họ cũng mặc định rằng đối phương phải đảm nhận trách nhiệm này.
3. Người ấy không thể nấu ăn
Nhiều người trong chúng ta cũng không thể nấu ăn và điều này hoàn toàn không phải là một khuyết điểm. Điểm khác biệt là người trưởng thành có thể tự chăm lo cho những bữa ăn của mình dù họ không thể tự chế biến, còn những “đứa trẻ không chịu lớn” sẽ không bao giờ học cách nấu ăn và mong đợi người khác phục vụ thức ăn cho họ như ngày còn thơ bé.
4. Người ấy không muốn và không thể giữ một công việc ổn định
Với tâm hồn của một đứa trẻ, những người mắc hội chứng Peter Pan thường vô tư tận hưởng cuộc sống thay vì suy nghĩ đến vấn đề lớn lao như xây dựng sự nghiệp. Họ cũng có những ước mơ nhưng chẳng bao giờ nỗ lực để hiện thực hóa chúng.
Họ thường có thái độ hời hợt đối với công việc như làm việc tùy hứng, không quan tâm đến cơ hội thăng tiến, hay thoái thác trách nhiệm, thường mâu thuẫn với đồng nghiệp hoặc cấp trên… Nếu có thể, họ thậm chí chọn không đi làm. Ngoài ra, họ cũng không có quá nhiều lựa chọn nghề nghiệp do thiếu kỹ năng sống.
5. Người ấy thường không thể đưa ra quyết định
Ước tính một người bình thường đưa ra hơn 35.000 quyết định mỗi ngày. Có thể nói đó là một phần quan trọng của việc trở thành người lớn. Những người có hội chứng Peter Pan thường không thể và cũng không muốn ra quyết định, họ thường phụ thuộc vào người khác. Thông thường, họ sợ sẽ bị mọi người nhìn nhận một cách tiêu cực và vì vậy, họ không thể quyết đoán với các quyết định của mình.
6. Người ấy là một người thích tiệc tùng
Tất nhiên, không có gì sai khi yêu thích những bữa tiệc nhưng một “Peter Pan” thường trở nên sa đà vào những cuộc vui hơn hẳn những người lớn bình thường bởi họ không chịu áp lực từ trách nhiệm hoặc nghĩa vụ mà người trưởng thành phải đảm đương sau khi họ thức dậy vào sáng hôm sau. Những người mắc hội chứng này thường vô tư tận hưởng những niềm vui tiệc tùng mà không quan tâm đến số tiền họ đang tiêu, lượng rượu họ đã uống hoặc thời gian họ đang lãng phí.
7. Người ấy không có ý định trở thành một bậc phụ huynh tốt
Những người mắc hội chứng Peter Pan thường không thể trở thành một bậc cha mẹ tốt, bởi chính họ là một đứa trẻ luôn kỳ vọng được chăm sóc. Họ bỏ bê công việc gia đình, giao phó toàn bộ trách nhiệm chăm sóc con cái cho người bạn đời của mình và xem đó là điều hiển nhiên.
8. Người ấy thường không có kế hoạch cho tương lai
Những người trưởng thành có tâm hồn trẻ con có xu hướng tận hưởng những khoảnh khắc hiện tại và ít quan tâm đến việc lập kế hoạch dài hạn. Ngay cả trong những mối quan hệ, họ thường chỉ hứng thú với đối phương trong một thời gian ngắn. Vì vậy, họ thường lảng tránh xác định rõ ràng một mối quan hệ và không thích bị ràng buộc trong những kiểu quan hệ ổn định như hôn nhân.
Nếu bạn cố gắng lên kế hoạch tương lai với họ, họ sẽ ngay lập tức né tránh và lảng sang vấn đề khác.
9. Người ấy thường dựa dẫm vào bố mẹ
Sự phụ thuộc vào bố mẹ là dấu hiệu rõ ràng nhất để xác định một người có mắc hội chứng Peter Pan hay không. Mối quan hệ gắn bó này có thể cực đoan đến mức họ cần sự chăm sóc của bậc phụ huynh từ những điều căn bản nhất như miếng ăn, giấc ngủ. Vì cảm xúc của họ non nớt như một đứa trẻ, họ cần sự khen ngợi liên tục từ bố mẹ để cảm thấy an toàn. Đồng thời, họ cũng đặt mọi quyền quyết định về cuộc sống của bản thân vào tay bố mẹ, kể cả chuyện tình yêu. Do đó, họ có xu hướng nhắc đến bố mẹ trong bất cứ câu chuyện nào với nửa kia.
10. Người ấy mong đợi bạn đảm nhận các trách nhiệm trong gia đình
Những người mắc hội chứng Peter Pan thường được bao bọc từ nhỏ. Do đó, không khó hiểu khi họ không thể làm những công việc như dọn dẹp nhà cửa hay tự đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt căn bản… Họ sẽ có xu hướng nghĩ những việc trên đều không phải trách nhiệm hay nghĩa vụ của họ.
Ngay cả khi họ đã rời khỏi vòng tay của bố mẹ, họ vẫn mong đợi được chăm sóc như khi ở nhà. Bạn sẽ luôn thấy bát đĩa của họ chất thành đống trong bồn rửa, tránh giặt giũ cho đến khi không có gì sạch để mặc… Họ sẽ hy vọng, thậm chí mặc định rằng bạn sẽ đảm nhận vai trò dọn dẹp, quán xuyến nhà cửa, cũng như mọi thứ khác trong gia đình. Nếu bạn cảm thấy mình đã trở thành “mẹ” của người bạn yêu, có thể người ấy là một chàng “Peter Pan” ngoài đời thực.
11. Người ấy dễ tự ái
Khi còn là một đứa trẻ, chúng ta thường được mọi người quan tâm, nhường nhịn, cưng chiều, là tâm điểm của mọi sự chú ý. Trong quá trình trưởng thành, ta dần nhận ra mình không phải là duy nhất, từ đó thay đổi cách nhìn nhận và đối xử với thế giới. Với những người mắc hội chứng Peter Pan, họ luôn không thể thoát khỏi đứa trẻ trong tâm hồn ấy, vì vậy, họ thường chỉ quan tâm đến bản thân họ, không bao giờ nghĩ về bạn hoặc nhu cầu của bạn. Đồng thời, họ có xu hướng bao biện và đổ lỗi cho người khác khi mọi việc diễn ra không như ý muốn. Họ dễ tức giận khi người khác bày tỏ quan điểm trái ngược với họ và luôn cho rằng những người xung quanh đang công kích mình. Nhiều chuyên gia coi việc đó là một phương pháp cực đoan để bù đắp cho sự thiếu tự tin của họ.
12. Người ấy thường không biết cách bộc lộ cảm xúc
Những người này thường không biết cách điều tiết cảm xúc của mình cho phù hợp với môi trường xung quanh. Nếu bạn cố gắng khuyên nhủ họ gánh vác trách nhiệm của một người trưởng thành, họ sẽ vô cùng tức giận. Họ thường xuyên mất kiểm soát cảm xúc khi đối mặt với áp lực. Bên cạnh đó, họ cũng thường phàn nàn hay nổi giận vô cớ với người khác nhằm giải tỏa cảm xúc bản thân và luôn thấy mình bị đối xử bất công. Thế nhưng, khi xảy ra xung đột, họ sẽ tìm mọi cách để né tránh nó như nhốt mình trong phòng ngủ, rời khỏi nhà…
13. Người ấy thích đọc truyện tranh và xem các chương trình truyền hình dành cho trẻ em
Chúng ta phải thừa nhận rằng những món đồ chơi, truyện tranh, phim hoạt hình… đều có sức hấp dẫn lớn không chỉ đối với trẻ em mà còn đối với những người lớn. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, những món đồ vốn chỉ dành cho trẻ con ngày càng được chăm chút, sáng tạo hơn, vì vậy chúng được nhiều người lớn yêu thích.
Những người mắc hội chứng Peter Pan thể hiện niềm đam mê với đồ chơi ở một mức cao hơn nhiều. Do chưa trưởng thành về mặt cảm xúc và còn mắc kẹt trong suy nghĩ của một đứa trẻ, họ thường xem các chương trình dành cho trẻ em, đọc truyện tranh và chơi trò chơi điện tử mà không hứng thú với thể loại nào khác. Thông thường, bạn sẽ phải chiều theo sở thích của họ bởi họ sẽ không dành cho bạn bất kỳ sự nhượng bộ nào.
14. Người ấy luôn ăn mặc như một thiếu niên
Không giống như Peter Pan có thể ở mãi hình dạng niên thiếu, những người mắc hội chứng này vẫn phải trải qua sự thay đổi của ngoại hình theo thời gian. Tuy nhiên, họ thường ăn mặc như khi 15 -16 tuổi dù đã bước qua tuổi ngũ tuần. Phong cách này cũng góp phần thể hiện việc cảm xúc không bao giờ thay đổi của họ.
Xem thêm
• Các chứng rối loạn tâm lý phổ biến liên quan đến tình yêu
• Hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome): Nguyên nhân và cách đối diện
• 4 cách chữa lành hội chứng sợ yêu để chào đón một cuộc tình mới
15. Người ấy thường uống rượu
Chúng ta vẫn thường “mượn rượu giải sầu” mỗi khi gặp những khó khăn trong công việc và cuộc sống. Không thể phủ nhận, đó là một cách giải tỏa căng thẳng cực kỳ hiệu quả. Những cơn say là một khoảng nghỉ để những người trưởng thành tiếp thêm năng lượng và động lực để họ tiếp tục cố gắng giải quyết những vấn đề của mình. Những Peter Pan thì không như thế. Những người này thường dùng việc say rượu như một cách trốn chạy khỏi việc gánh vác trách nhiệm của người trưởng thành. Họ chìm đắm trong men rượu để có thể sao nhãng thực tế, né tránh những việc mà họ không thích làm. Họ sẽ không quan tâm đến số tiền họ chi cho rượu và thậm chí có thể sử dụng tiền của bạn để thỏa mãn sở thích của mình.
16. Người ấy giao thiệp những người bạn giống như mình
Chúng ta thường có xu hướng kết bạn với những người có chung sở thích, có cùng lối sống hoặc người mà chúng ta mong muốn trở thành. Những người xung quanh phần nào phản ánh chúng ta là ai. Hơn ai hết, những người mắc hội chứng Peter Pan cũng thường chọn kết giao với những người giống mình. Khi đó, cái tôi của họ sẽ được bảo vệ và họ sẽ không bị chất vấn hay chỉ trích bởi bản tính trẻ con của mình. Vì vậy, nếu bạn đang không chắc chắn liệu người yêu của mình có phải là một Peter Pan hay không, hãy quan sát những người bạn của anh ấy.
17. Người ấy chưa bao giờ sống một mình
Một người mắc hội chứng Peter Pan không thể đảm nhận trách nhiệm của cuộc sống trưởng thành và họ luôn cần được chăm sóc. Nếu những người này sống một mình thì họ sẽ phải tự mình giải quyết những vấn đề xảy ra đối với cuộc sống của họ, điều mà họ không thể làm được. Vì vậy, hầu hết những Peter Pan đều sống trong ngôi nhà thời thơ ấu của họ cho đến khi tìm được người khác có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Nếu bạn sống cùng với đối phương mắc hội chứng Peter Pan, họ có thể xem bạn là người để dựa dẫm, và vô tình bạn phải đóng vai trò “người mẹ” bất đắc dĩ của họ.
18. Người ấy không cảm nhận được cảm xúc của bạn
Bạn thường không thể mong đợi một người mắc chứng Peter Pan sẽ cho bạn sự chia sẻ về mặt cảm xúc mà bạn cần. Đôi khi, họ còn chẳng thể nhận ra rằng tâm trạng bạn đang bất ổn. Họ cần người khác quan tâm đến cảm xúc của họ nhưng bản thân họ lại không màng đến cảm xúc của người khác. Ở trong mối quan hệ tình cảm với họ, bạn sẽ liên tục nhận lấy thất vọng bởi bạn cho đi mà chẳng nhận lại được gì.
Nhóm thực hiện
Bài: Xuân Yến
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Hernorm