Hạnh phúc không dễ nắm bắt. Bạn có thể cảm thấy hân hoan trong một khoảnh khắc và rồi đột nhiên cảm giác ấy tan biến ngay trong những khoảnh khắc tiếp theo. Trong đời sống hiện đại, con người định nghĩa hạnh phúc bằng thành tựu, tiền tài, danh vọng, khát khao đổi mới bản thân và hoàn cảnh sống. Tuy nhiên, không ai có thể duy trì được trạng thái hạnh phúc như trên, bởi lẽ, chúng ta sẽ luôn bị ám ảnh và áp lực bởi suy nghĩ: làm thế nào để duy trì tất cả những tiền tài, những danh vọng, những địa vị ấy mãi mãi để kéo dài niềm hạnh phúc của mình?
Có một loại hạnh phúc không dựa vào tất cả những yếu tố trên mà được dựng xây từ “sự hài lòng”. Đó là khi mỗi người biết hài lòng với chính mình, hài lòng với vị thế hiện tại của bản thân, hài lòng với những gì mình đang sở hữu. Nếu lấy sự hài lòng làm yếu tố then chốt trong hành trình xây dựng sự hạnh phúc, bạn không cần phải ép buộc bản thân quá mức, tất cả những gì bạn cần làm chỉ là lưu tâm và trân trọng những thứ tốt đẹp mình mà bản thân đang sở hữu.
Những hành vi dưới đây chính là lý do khiến bạn không thể tìm thấy sự hài lòng bất kể bạn đang có trong tay mọi thứ hoặc đã đạt được rất nhiều thành tựu trong cuộc sống.
1. So sánh bản thân với người khác
Việc liên tục so sánh bản thân với người khác có thể là một trở ngại lớn cho sự phát triển của bạn. Chúng ta thường tự so sánh với mọi người ở mọi khía cạnh từ điểm số, chức danh công việc, thu nhập đến nhà cửa và cả lượt tương tác trên mạng xã hội. So sánh là con đường dẫn đến sự bất mãn, chán nản và lo âu vì sự so sánh luôn thúc đẩy bạn nhìn vào những người thành công hơn mình mà lờ đi những giá trị vốn có của bản thân và chỉ tập trung vào những thứ mà mình thiếu thốn trong cuộc sống.
Do đó, trước khi so sánh mình với bất kỳ ai khác, bạn nên nhìn nhận vào những điểm tích cực của bản thân cũng như những điều mà mình may mắn sở hữu trong cuộc sống. Ngoài ra, bạn cũng cần thường xuyên đặt câu hỏi cho chính mình rằng: “Điều gì là tốt nhất trong cuộc sống của mình hiện tại?”. Việc này có thể giúp bạn đánh giá cao cũng như trân trọng những trải nghiệm độc đáo và quý giá trong cuộc đời mình.
BÀI LIÊN QUAN
2. Đổ lỗi cho hoàn cảnh
Những người không chịu thừa nhận hay nhận lấy trách nhiệm cho những lỗi lầm mình gây ra thường khó có thể duy trì các mối quan hệ trong cuộc sống. Do đó, họ không thể tìm thấy niềm hạnh phúc trong cuộc đời của mình khi luôn cho rằng nguyên cớ của mọi vấn đề đều nằm ở người khác chứ không phải đến từ chính họ.
Khi một chuyện không hay xảy ra, chúng ta không thể phủ nhận mọi trách nhiệm và đổ lỗi cho ngoại cảnh, đôi khi, bản thân mỗi người phải tự đặt câu hỏi và xem xét liệu bản thân có góp phần gây nên tình huống không mong muốn đó hay không. Chẳng hạn như trong một cuộc tranh cãi, nguyên nhân của vấn đề không thể xuất phát từ một phía. Mỗi người đều chịu một phần trách nhiệm trong việc tìm ra hướng giải quyết cho tình huống hiện tại, suy xét kỹ hơn về bản thân và nhận lỗi nếu mình là người gây ra sai lầm.
Xem thêm:
• 10 điều khiến người hướng nội cảm thấy hạnh phúc
• 9 cách để phát triển bản thân lành mạnh và hạnh phúc hơn
• 46 câu nói hay từ những người phụ nữ nổi tiếng giúp khơi dậy hạnh phúc cho bạn
3. Không thể chấp nhận hoàn cảnh
Một phần vẻ đẹp thực sự của cuộc sống đến từ những điều không thể đoán trước. Học cách chấp nhận hiện thực trong những hoàn cảnh khác nhau giúp bạn dễ dàng vượt qua những điều không mong đợi một cách nhẹ nhàng và bình yên hơn.
Thay vì luôn xem mình là nạn nhân và tự hỏi bản thân rằng: “Tại sao mình phải trải qua chuyện tồi tệ này?”, bạn nên đặt những câu hỏi giúp dễ dàng tiếp cận và giải quyết vấn đề như: “Làm thế nào để vượt qua nỗi buồn này?”, “Mình có thể học được gì từ việc này?”, “Mình nên gọi cho ai để nhờ hỗ trợ/ nói chuyện?”. Việc luyện tập cách chấp nhận hoàn cảnh sống ngay bây giờ sẽ giúp bạn đối phó với những khủng hoảng trong tương lai theo một cách bình thản và nhìn nhận vấn đề bằng một góc độ tích cực hơn.
BÀI LIÊN QUAN
4. Dễ bị phân tâm bởi các thiết bị điện tử
Với lượng thông tin liên tục được cập nhật trên Internet ngày nay, chúng ta khó lòng rời mắt khỏi màn hình điện thoại, máy tính để bắt kịp xu hướng của xã hội và không bị lạc hậu. Điều này khiến chúng ta bị phân tâm khỏi những khoảnh khắc hiện tại và liên tục thay đổi suy nghĩ trong khi lướt màn hình, dẫn đến những hậu quả như giảm năng suất lao động, căng thẳng, rối loạn lo âu hay thậm chí là kiệt quệ tinh thần.
Nếu không được sử dụng đúng cách, các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính khiến chúng ta bị phân tán tư tưởng và không thể tập trung vào cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó, chúng có thể khiến chúng ta cảm thấy tiêu cực và tự so sánh mình với những người xung quanh trên mạng xã hội. Vì thế, đôi khi chúng ta cần sống chậm lại một chút, tắt điện thoại và an trú trong từng khoảnh khắc của hiện tại, tập trung và phát triển các giá trị của bản thân để có thể xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, nhẹ nhàng và bình yên hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Hy
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Psychology Today