Hiệu ứng ánh đèn sân khấu (The spotlight effect) là một xu hướng nhận thức khiến mọi người đánh giá quá cao mức độ chú ý của người khác đến vẻ ngoài và hành động của mình. Nói cách khác, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng luôn có ánh đèn sân khấu chiếu vào mình làm nổi bật mọi lỗi lầm và khuyết điểm của bản thân khiến mọi người chú ý.
Hiệu ứng ánh đèn sân khấu có tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của chúng ta theo hướng tiêu cực (xấu hổ) lẫn tích cực (tự hào). Do đó, việc tìm hiểu về khái niệm, tâm lý và cách giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của hiệu ứng này giúp bạn bớt ngại ngùng và trở nên tự tin hơn trong mọi tình huống.
Ví dụ về hiệu ứng ánh đèn sân khấu
Hiệu ứng ánh đèn sân khấu khiến bạn có cái nhìn phóng đại về tầm quan trọng của bản thân đối với những người xung quanh, dẫn đến việc đánh giá sai tình huống và đưa ra quyết định dựa trên việc suy diễn quá mức về cách mọi người nhìn nhận về bạn.
Một số ví dụ về biểu hiện của hiệu ứng ánh đèn sân khấu:
- Bạn cảm thấy xấu hổ và nghĩ rằng mọi người đều chú ý đến mình vì vô tình vấp ngã khi bước vào một khán phòng đông đúc.
- Bạn nghĩ rằng mọi người trong nhà hàng đều nhìn thấy và chê cười vì áo sơ mi của mình có vết bẩn.
- Bạn tin rằng mọi người đang thán phục vì mình vừa làm một hành động đáng tự hào.
- Bạn nghĩ rằng mình đang làm phiền mọi người trong văn phòng vì họ có thể chú ý mỗi khi bạn ho hay hắt hơi do cảm lạnh.
- Bạn vội vàng chỉnh trang vì sợ mọi người sẽ nhìn chằm chằm vào mái tóc đang rối tung của mình.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu bạn làm điều gì đó mà bạn cho là đáng xấu hổ khiến những người xung quanh chê cười thì khi kể lại câu chuyện đó với họ, hầu như sẽ có rất ít hoặc thậm chí không còn ai nhớ đến sự kiện này.
BÀI LIÊN QUAN
Tại sao bạn mắc phải hiệu ứng ánh đèn sân khấu?
Hiệu ứng ánh đèn sân khấu là ví dụ điển hình cho một dạng bóp méo nhận thức được gọi là định kiến vị kỷ (egocentric biases). Loại định kiến nhận thức này làm sai lệch cách bạn nhìn nhận mọi thứ khi phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm của chính mình thay vì xem xét thêm quan điểm của mọi người. Một ví dụ phổ biến khác của định kiến vị kỷ là hiệu ứng đồng thuận giả (The False-Consensus Effect) – hiệu ứng khiến bạn cho rằng mọi người đều có cùng suy nghĩ và quan điểm giống mình. Ngoài ra, định kiến vị kỷ còn bao gồm những ảo tưởng về tính minh bạch (The Illusion of Transparency) – hiện tượng mô tả việc bạn tin rằng người khác có thể nhận ra suy nghĩ và cảm nhận của mình.
Từ đó có thể thấy, chúng ta có xu hướng tập trung vào suy nghĩ và hành động của chính mình. Việc cho rằng quan điểm của người khác cũng giống với quan điểm và cách nhìn nhận của bản thân chính là nguyên nhân khiến bạn mắc phải hiệu ứng ánh đèn sân khấu. Hiểu một cách đơn giản, vì quá tập trung vào bản thân mình nên bạn không nhớ rằng người khác cũng đang dành hầu hết thời gian để tập trung vào chính họ. Chính vì lẽ đó, nhiều người tự chiếu ngọn đèn sân khấu sáng rực về phía mình trong vô thức, họ tự cho mình là trung tâm của vũ trụ trong khi không có quá nhiều người thực sự quan tâm đến vẻ ngoài và hành động của họ.
Xem thêm:
• 25 hiệu ứng tâm lý đầy thú vị có thể bạn chưa nghe bao giờ
• Hiệu ứng tắc kè hoa và cách chúng ta lặp lại hành động của người khác
• 9 dấu hiệu cho thấy bạn không hề thiếu sự tự tin
Làm thế nào để tránh mắc phải hiệu ứng ánh đèn sân khấu?
Việc dành nhiều thời gian để lo lắng về cách người khác nhìn nhận bạn có thể tác động tiêu cực đến sự tự tin và làm tăng cảm giác lo lắng. Mặc dù hiệu ứng ánh đèn sân khấu là tâm lý bình thường của con người, tuy nhiên, hai mẹo nhỏ dưới đây có thể hữu ích nếu bạn cảm thấy thực sự ngại ngùng và tự ti khi mắc phải hiệu ứng này.
Áp dụng kỹ thuật tự giữ khoảng cách (self-distancing)
Self distancing là khả năng quan sát trải nghiệm của bản thân thông qua góc độ của những người xung quanh thay vì góc độ cá nhân. Do đó, nếu bạn cảm thấy lo lắng về một sai lầm khi thuyết trình, hay khi đồng nghiệp nhắc nhở về vết son bị lem của bạn, hãy dành một chút thời gian để xem xét rằng bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu người khác cũng mắc phải những tình huống tương tự. Bạn sẽ chú ý và luôn suy nghĩ về chuyện “đáng xấu hổ” của họ? Hay chỉ nhìn lướt qua rồi phớt lờ hoặc thậm chí không nhận ra điều đó? Việc nhìn nhận mình từ góc độ khách quan sẽ khiến bạn nhận ra rằng mọi chuyện đều không quá nghiêm trọng, không ai quan tâm đến những người xung quanh hơn chính bản thân họ. Điều này giúp bạn cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi giao tiếp hoặc đến những nơi đông người.
BÀI LIÊN QUAN
Nhận phản hồi từ người khác
Việc thu thập phản hồi về cách mọi người nhìn nhận mình trong từng tình huống cụ thể là phương pháp hiệu quả giúp bạn giảm thiểu hiệu ứng ánh đèn sân khấu. Vì vậy, bất cứ khi nào cảm thấy lo lắng về sự chú ý của mọi người dành cho mình, bạn có thể nhờ người đáng tin cậy nhất phản hồi về mức độ chú ý của họ về hành động của bạn. Điều này có thể giúp bạn xác định khi nào mình cần xem xét và cẩn thận hơn trong mọi hành động, khi nào mình đang đánh giá quá cao về mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Ý nghĩa khác của hiệu ứng ánh đèn sân khấu
Như đã đề cập, hiệu ứng ánh đèn sân khấu mô tả xu hướng mọi người đánh giá quá cao khả năng người khác chú ý đến mình theo hướng tiêu cực lẫn tích cực. Bên cạnh cảm giác xấu hổ khi nghĩ rằng người khác sẽ chú ý đến vết bẩn trên áo, bạn cũng hoàn toàn có thể cảm thấy tự hào và cho rằng mọi người đều đang chú ý đến outfit xinh đẹp, nổi bật của mình. Tương tự, bên cạnh cảm giác sợ bị mọi người chê cười khi trót thốt ra những lời nói “ngây ngô”, “thiếu hiểu biết”, bạn cũng sẽ có xu hướng đánh giá cao sự chú ý của người khác đối với những lập luận sắc bén của mình trong buổi thảo luận.
Nhìn chung, điều này liên quan đến nhu cầu được công nhận, tôn trọng và khẳng định giá trị bản thân. Trong trường hợp này, nếu hiệu ứng sân khấu được giữ ở mức độ vừa phải, không thái quá hay biến chúng ta trở thành người tự cao tự đại, điều này có nghĩa bạn là một người khá tự tin về bản thân và luôn suy nghĩ tích cực trong mọi vấn đề.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Hy
Tham khảo: Effectiviology