MỞ RỘNG HỆ SINH THÁI ÂM NHẠC
Concept album là một ý tưởng đã có từ lâu trên thế giới, tuy nhiên, ở Việt Nam, khái niệm này chỉ mới dừng lại ở việc khai thác nội dung một cách thống nhất. Trong năm 2022, khán giả được chứng kiến những dự án lớn với sự kết hợp của nhiều hình thức nghệ thuật, thông qua các buổi triển lãm, showcase hay các MV được đầu tư mạnh.
Theo đó, trải nghiệm đa giác quan đang được nhiều nghệ sĩ quan tâm theo đuổi. Vào giữa tháng 11/2022, Suboi đã giới thiệu triển lãm NONÊ: Thấu Thân với sự đồng hành của hơn 20 nghệ sĩ độc lập thuộc nhiều lĩnh vực cả trong và ngoài nước. Buổi triển lãm này không chỉ có âm nhạc mà còn là sự tổng hòa của nhiều yếu tố như ánh sáng, mùi hương, ảnh động, nghệ thuật sắp đặt…
Đến gần hơn với giới trẻ, rapper Táo cũng vừa giới thiệu triển lãm Y? trong tháng 12/2022. Xây dựng không gian như một “hành lang tâm trí”, Y? mang thông điệp về việc người trẻ có thể “xé kén” để loại bỏ định kiến và tâm lý tiêu cực. Với sự giao thoa giữa các hình thức như thi ca, hội họa, mùi hương… buổi triển lãm này đã góp phần mở rộng hơn nữa phong cách thưởng thức âm nhạc của đại chúng.
Đầu tháng 12/2022, Nhạc của Trang đã tham gia dự án Silence Sings – “Im”, buổi biểu diễn trực tiếp thông qua tai nghe in-ear. Tại đây, khán giả không chỉ được đắm mình trong âm nhạc mà còn có thể tham quan không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ khác. Trước đó, nghệ sĩ violin Hoàng Rob cũng đã giới thiệu triển lãm âm nhạc mang tính tiên phong – Mùa hè vĩnh cửu – nhân dịp ra mắt album mới.
Ở quy mô nhỏ hơn, các buổi showcase ra mắt album, MV ca nhạc…cũng đang được đầu tư vô cùng bài bản. Mới đây, tân binh Grey D (Đoàn Thế Lân) đã “chơi lớn” khi đầu tư các hiệu ứng cảm nhận 4D, có cả nhiệt độ và mùi hương trong buổi công bố EP debut Dự báo thời tiết hôm nay mưa. Ngoài ra, khi giới thiệu Cong, Tóc Tiên cũng đã “tái hiện” lại những ý tưởng trong album này một cách hữu hình bằng các hình tượng hoàn toàn “vật lý”, khiến buổi showcase như một triển lãm theo phong cách futuristic vô cùng ấn tượng.
Với sự phổ biến của nhiều công nghệ mới như 3D, AI, Virtual hay 3D Mapping… cùng sự hậu thuẫn của các tổ chức nghệ thuật độc lập, năm 2023 hứa hẹn sẽ có thêm nhiều concept sáng tạo để đưa nghệ thuật tiệm cận hơn nữa với trí tưởng tượng, và các trải nghiệm ngày càng phong phú, độc đáo hơn.
Xem thêm
• 3 sự kiện khiến Taylor Swift trở thành “Women Changer” của công chúng và ngành công nghiệp âm nhạc
• Lizzo & Beyoncé – Giải phóng bản thân qua âm nhạc
• Trang: Thể hiện âm nhạc theo cách bình dị và nhẹ nhàng hơn
TIKTOK CHI PHỐI CÁCH SẢN XUẤT NHẠC
Theo báo cáo What’s Next 2022 của TikTok Việt Nam, giải trí là một trong ba hạng mục được nhiều bạn trẻ quan tâm theo dõi. Nắm bắt được xu thế đó, bên cạnh cơn sốt chưa hạ nhiệt của trào lưu sử dụng màn hình dọc, nhiều nghệ sĩ cũng đã quảng bá và cố gắng đưa sản phẩm trở nên “viral” trên nền tảng này.
Trong năm vừa rồi, có nhiều sản phẩm gây được sự chú ý nhờ hiệu ứng của dance challenge và kết hợp với các tài khoản có sức ảnh hưởng như 906090 của Tóc Tiên hay Cô đơn trên Sofa của Hồ Ngọc Hà. Vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, TikTok cũng đã góp phần giúp cho See tình và Gieo quẻ của Hoàng Thùy Linh đạt nhiều thành tích ấn tượng trên quy mô toàn cầu. Tuy chỉ là bước khởi đầu nhưng chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng rằng, sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm, dự án được lan tỏa, giúp nâng cao vị thế âm nhạc Việt Nam.
Nói về khác biệt trong một thời đại mà video ngắn “làm chủ cuộc chơi”, những bản “hit” nhanh chóng trở thành xu hướng trên TikTok phần lớn đều có cấu trúc gồm đoạn điệp khúc bắt tai, vũ đạo dễ thực hiện và nội dung ngắn gọn, có thông điệp cụ thể. Điều này khiến cho thành bại của một ca khúc giờ đây phụ thuộc vào một đoạn nhạc chỉ khoảng 30 giây.
Những yếu tố trên tuy giúp cho các tác phẩm được phổ biến rộng rãi nhưng cũng dẫn đến sự xuất hiện của khá nhiều sản phẩm không đạt chất lượng. Việc TikTok chưa quá chặt chẽ với các biện pháp xử lý vi phạm bản quyền cũng đã dẫn đến nhiều tranh cãi xoay quanh việc đạo nhạc hay sử dụng sáng tạo mà chưa xin phép.
Có thể thấy rằng, nếu được quan tâm và đầu tư đúng đắn, nền tảng này chính là phương tiện giúp cho nghệ thuật đến gần hơn nữa với khán giả đại chúng. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi đối với các tác phẩm “thời vụ”, thiếu đầu tư, ít sáng tạo và không mang lại giá trị nghệ thuật.
BÀI LIÊN QUAN
Những “người hùng” của âm nhạc Việt
THỊ TRƯỜNG ÂM NHẠC ĐA DẠNG HƠN
2023 hứa hẹn là năm bùng nổ của nhiều cá tính âm nhạc độc đáo. Trong khi các nghệ sĩ dòng chính vẫn còn lo ngại về việc thay đổi hình tượng, những nghệ sĩ indie trong vài năm qua đã liên tục chuyển mình và cho ra đời nhiều sản phẩm hay. Những dòng nhạc như rock, blues, R&B, soul, jazz… giao thoa với nhạc cổ điển, phong cách thính phòng ngày càng nhiều, báo hiệu một mùa “bội thu” của nhạc Việt.
Trong năm 2022, những sản phẩm thuộc thể loại synth-pop, alternative, R&B/hip-hop… cũng có số lượng vượt trội, cho thấy sự tiệm cận với xu thế âm nhạc thế giới. Trong đó, dòng nhạc R&B liên tục chào đón những gương mặt mới như Tlinh, Mỹ Anh, Wren Evans, Hooligan… Còn với synth-pop hay EDM, những nhà sản xuất cũng dần khẳng định được tên tuổi và ra mắt khá nhiều sản phẩm mang dấu ấn riêng như Mew Amazing, CHARLES hay DTAP… Bên cạnh đó, âm nhạc thể nghiệm cũng vững bước hơn khi năm vừa qua, Rắn Cạp Đuôi Collective, Trần Uy Đức hay Mona Evie đều được Pitchfork quan tâm và dành nhiều lời “có cánh”.
Về mặt nội dung, khi thế giới bắt đầu hòa mình vào nhịp sống bình thường, các chủ đề xoay quanh “YOLO”, tận hưởng cuộc sống đi cùng với âm nhạc EDM, synth-pop, disco… hứa hẹn sẽ lại bùng nổ. Một dòng chảy khác là các tác phẩm chữa lành dành cho những người trẻ cảm thấy ngột ngạt với đời sống cũng được dự đoán sẽ ngày càng phong phú hơn. Y? của Táo, Những vết thương lành của Hà Anh Tuấn là những sản phẩm điển hình cho xu hướng này. Trong bối cảnh ngày càng nhiều podcast và nội dung hướng đến lối sống an yên, trân trọng khoảnh khắc ra đời, album Những con sông ngón tay sắp ra mắt của diva Hà Trần được mong đợi sẽ là sản phẩm tạo dấu ấn trong dòng nhạc chữa lành này.
Trào lưu “cover” lại nhạc cũ cũng rất có thể sẽ quay trở lại nhưng không còn theo phong cách đơn giản như những năm qua. 2022 ghi nhận nhiều sự chuyển dịch trong việc làm mới (remake một cách hoàn toàn với bản phối mới), giao thoa giữa các dòng nhạc và các chất liệu đặc biệt (như Đen và dàn nhạc giao hưởng hay Juky San với nhạc cổ điển), hoặc tìm tòi nội dung mới mẻ khi khai thác nhạc trữ tình thập niên 60 như Mùa Thu cho em của Ngô Thụy Miên hay nhạc Trịnh. Trong năm 2023, các tác phẩm remake hứa hẹn sẽ có một sức sống riêng.
2023 có thể sẽ là một năm đầy hứa hẹn với âm nhạc Việt khi có sự hậu thuẫn của nhiều nền tảng mạng xã hội và công nghệ mới. Tuy vậy, đứng trước tốc độ phát triển quá nhanh, bài toán cân bằng giữa tính nghệ thuật và tính đại chúng cũng là thách thức mà các nghệ sĩ và những nhà sản xuất âm nhạc cần phải nghiêm túc đối mặt và đưa ra phương án phù hợp.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu