THỜI THƠ ẤU XA XĂM
Trân trọng ngày cũ để thêm nâng niu những ngày sắp tới, có lẽ vì thế mà ấn phẩm năm nay dành nhiều thời lượng cho chuyến hành trình tìm về quá khứ. Ở phần đầu sách, độc giả sẽ cùng hai cây viết lớn – đạo diễn Xuân Phượng và nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Thái – tìm về phong vị Tết xưa của những năm 30-40 thuộc thế kỷ trước. Tết thời phong kiến với những lễ nghi, quy tắc khác lạ sẽ khiến cho người đọc không khỏi tò mò.
Tác giả của cuốn hồi ký Gánh gánh gồng gồng, Xuân Phượng, kể về hồi ức đón tết ở quê nội Phan Rí khi có người ông là chức sắc triều đình. Những ngày cận Tết, quần áo mới sẽ được may trong chính tư dinh với những thợ may ở cùng gia đình. Tết xưa diễn ra rất chậm rãi với những nồi bồ kết, hương nhu, chanh sả thơm lừng mà các o giúp việc thường giúp tiểu thư khuê các gội đầu. Thời đó, Tết cũng là sự san sẻ với những nồi cháo được đặt trước cổng để những người kém may mắn đến ăn. Còn với trẻ thơ, đốt pháo và những trò chơi như ném vòng, bài chòi, lô tô hay tam cúc, nhảy dây, nhảy ngựa… luôn thu hút và rất sinh động.
Ký ức về thời sung túc nhanh chóng chuyển biến theo dòng lịch sử. Ở quãng thời gian sau đó, những “mâm cao cỗ đầy” với thịt gà, thịt lợn, dưa hành… trở thành một giấc mơ nhanh chóng phai tàn, chỉ còn lại sự hoài nhớ lùi về xa vắng. Với nhà văn-nhà thơ Ý Nhi, Tết với chị là những giây phút nhìn mẹ gói bánh hay dành dụm đường để làm dưa hành và các loại mứt dùng để đãi khách xuyên suốt mùa Tết. Trong khi đó, Trần Hữu Việt Khôi kể lại một thời oai hùng với những đêm thâu thức canh nồi bánh ở Quân khu Nam Đồng cùng những giọng ca, tiếng đàn của các anh lính kháng chiến. Tết cũng hiện diện trong mùa xa xứ của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Thái ở tận nước Nga xa xôi, để luôn biết rằng: “Người Việt sống tha hương, dù ở phương trời nào, cũng hoài nhớ tết Việt, như một nỗi “nhớ đầy”, và nỗi lòng họ, đã như nước chảy về chỗ trũng là nơi bản quán, như lá phải rụng về cội rễ quê hương”.
BÀI LIÊN QUAN
Tết & Mảng ký ức của dân tộc Việt
“CHO” VUI SƯỚNG HƠN LÀ “NHẬN”
Không chỉ dừng lại ở “trạm” quá khứ, Sách Tết Quý Mão 2023 còn trở lại hiện tại với không khí đương thời của những câu chuyện đô hội. Qua thời dịch bệnh bủa vây, con người dường như đã sống chậm lại và trân quý hơn những thứ bình dị trong cuộc sống này.
Như nhà văn của Mùa lá rụng trong vườn Ma Văn Kháng viết: “Chỉ khi nào ta thực hiện được sự dung hợp giữa con người và con người thì lúc đó ta mới là con người xã hội. Cũng có nghĩa, đã là con người thì phải yêu thương con người. Cũng tức là phải cho đi. Cho là hành vi biểu lộ cao nhất của khả năng và quyền lực, nó diễn tả sức sống linh hoạt của bản thân ta”. Do đó, ta sẽ bắt gặp rất nhiều con người, rất nhiều thân phận và cảnh huống trong một xã hội liên tục đổi thay. Có thể đó là niềm vui của người thầy giáo phải chịu cảnh phạt vạ ăn Tết “dở khóc dở cười” bởi vì tình cảm quá lớn của các bản làng vùng cao. Có thể đó là góc nhìn trân trọng những điều bé nhỏ, như con trâu cái cày và cả những người thân thuộc quanh mỗi chúng ta.
Đó cũng là sự cảm thông mà ta tìm thấy khi đọc về những thân phận bị đời xô đẩy, những cám dỗ và bi kịch không thể tỏ bày. Nhưng điều quan trọng là ta biết cách thoát khỏi nó, để chuyển khuyết điểm thành ưu điểm và sống vị tha trong cuộc đời này. Khi nhìn tha nhân bằng sự bao dung, tự ta sẽ thấy nhẹ nhàng, thấy đời đẹp hơn.
Với Sách Tết Quý Mão 2023, người đọc sẽ được du hành và quan sát rất nhiều biến chuyển trong suốt một năm qua. Dù đó là quá khứ huy hoàng hay hiện tại bất định, tất cả đều dạy ta biết trân quý và nâng niu từng phút giây một, dù là bé nhỏ trong cuộc sống này.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh
Hình ảnh: Tư liệu