Tôi là một thành viên của Thế hệ Millennials – Thế hệ Y (Gen Y). Trong nhiều năm, tôi thường nghe những người bạn đồng niên mô tả Y là thế hệ “may mắn” vì đã lớn lên qua dấu mốc chuyển giao lịch sử. Việt Nam tiến vào thời kỳ Đổi Mới năm 1986, kể từ đó, đời sống người dân đã chuyển biến ngoạn mục. Năm 1997, Việt Nam đã chính thức hòa mạng Internet quốc tế. Thế nhưng, trong những ngày xa xưa ấy, không phải gia đình nào cũng có điều kiện sở hữu máy vi tính riêng, chưa nói đến việc kết nối mạng Internet đắt đỏ và phức tạp. Phải mất thêm khoảng 5 năm, Internet mới thực sự phủ sóng toàn quốc. Khi hồi tưởng về tuổi thơ, quả thật tôi thấy ở đó là hai nửa đối lập. Một nửa vẫn là những thú vui dân dã: ô ăn quan, nhảy dây, đá cầu…; những trưa trốn nhà đi chơi cùng chúng bạn, chạy nhảy leo trèo khắp làng trên xóm dưới. Nửa còn lại, bắt đầu từ tuổi mới lớn, là Internet, những người bạn mạng và khung chat Yahoo!.
Gen Z thì khác. Với những Gen Z sinh ra ở thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, Internet đã có sẵn từ khi các bạn chào đời. Điện thoại thông minh từng là món quà mừng tuổi trưởng thành cho thiểu số Gen Y, nay là công cụ đa số Gen Z đều sở hữu. Gen Z sinh ra trong giai đoạn 1996 – 2012, vì thế mà còn được gọi là iGen (thế hệ Internet). Bản thân ký tự Z cũng là viết tắt của từ Zoomer, nghĩa là những người zoom (soi) vào Internet để tìm kiếm thông tin. Có thể nói, mạng Internet cùng sự phát triển công nghệ đã tạo ra phần lớn khác biệt lõi giữa Gen Z và các thế hệ trước. Internet mở ra cho các bạn khả năng tiếp cận tri thức dồi dào và dễ dàng hơn bao giờ hết, đồng thời cũng đính kèm những rủi ro chưa từng có tiền lệ.
Năm 2003, Gen Y chỉ có một vài ứng dụng chat và các diễn đàn web để tụ họp trực tuyến. Năm 2023, số lượng mạng xã hội là không thể đếm xuể. Gen Z sắp sửa chiếm 25% tổng dân số Việt Nam và số lượng người dùng mạng xã hội trên 18 tuổi tại nước ta đang rơi vào khoảng 64,4 triệu (theo VNETWORK ). Hầu hết phụ huynh của Gen Z là thế hệ X (1965-1980) cũng có mặt trên mạng xã hội. Theo một nghiên cứu toàn cầu của Viện Y tế McKinsey năm 2022, tất cả các thế hệ được khảo sát đều đồng ý mạng xã hội mang đến những lợi ích thiết thực cho đời sống. Thế nhưng, điều bất ngờ là, so với các thế hệ trước, tỉ lệ Gen Z đánh giá mạng xã hội tác động xấu đến sức khỏe tâm thần lại là cao nhất. Trong đó, FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ), mặc cảm ngoại hình và áp lực đồng trang lứa là những vấn đề tinh thần phổ biến hơn cả. Nghiên cứu này cũng cho thấy, dù Gen Z dành thời gian lướt mạng xã hội nhiều hơn, nhưng tỉ lệ đăng bài công khai lại thấp hơn Gen Y và Gen X.
Kết quả trên khớp với kinh nghiệm quan sát được của tôi. Trong số các bạn bè đa dạng lứa tuổi trên mạng xã hội, tôi nhận ra Gen Y tích cực hoạt động nhất và Gen Z lặng lẽ nhất. Đa số các bạn chỉ chia sẻ quan điểm trong nhóm kín, đôi khi bằng tài khoản ảo. Lý do cho hiện tượng này vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng tôi phỏng đoán rằng, vì sinh ra cùng Internet nên Gen Z cũng hiểu Internet hơn ai hết. Gen Z rất thận trọng trên môi trường mạng, đặc biệt là với việc bảo mật thông tin cá nhân, không như nỗi lo lắng của nhiều bậc tiền bối mà tôi biết. Khảo sát vào năm 2020 của Hội đồng Anh tại Việt Nam cho thấy: “Mặc dù coi mạng xã hội là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất nhưng Gen Z cũng bận tâm về sự lan tràn thông tin sai lệch và tin tức giả trực tuyến”.
BÀI LIÊN QUAN
Xét ở khía cạnh tích cực, việc tiếp cận được nguồn thông tin đa đạng, chất lượng; thông thạo nhiều ngoại ngữ và có đa kỹ năng giúp Gen Z hình thành tư duy phản biện khiến tôi ấn tượng. Bên cạnh đó, đây cũng là thế hệ cởi mở và chủ động nhất trong việc giải quyết các vấn đề tinh thần. Nhiều nghiên cứu khác nhau qua các năm gần đây đều chứng minh rằng, Gen Z coi trọng sức khỏe tâm lý và tâm thần hơn các thế hệ trước, sẵn sàng trao đổi, tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia từ trên mạng cho tới đời thực. Đây cũng là một trong những lý do hàng đầu dẫn tới tỷ lệ báo cáo về sức khỏe tinh thần của Gen Z cao nổi trội.
Tôi đặc biệt quan tâm đến Gen Z, không chỉ vì đây là thế hệ tiếp nối mình, mà còn vì đặc tính nghề nghiệp từng đưa tôi tới rất gần các bạn. Giữa những giờ làm việc căng thẳng, tôi thường dành thời gian để trò chuyện cùng Gen Z, không khỏi giật mình khi nhận ra những “đứa trẻ” sinh năm 2000 đã bước sang tuổi 23. Các bạn đang dần trở thành lực lượng lao động chính, không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới.
Ở quy mô toàn cầu, hệ lụy từ đại dịch COVID-19, tình trạng bất bình đẳng, bất ổn chính trị, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang đè nặng trên vai người trẻ. Công nghệ thay đổi và phát triển thần tốc là cơ hội, nhưng cũng tạo ra khoảng cách kỹ năng ngày càng lớn. Gen Z vẫn lạc quan về tương lai, song cũng lo âu về cơ hội việc làm trong thời đại AI. Là thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời bình, được đầu tư phát triển toàn diện, Gen Z còn phải mang theo mình kỳ vọng lớn từ gia đình. Nỗi sợ thất bại, lạc lõng và không được thấu hiểu có thể khiến các bạn xa cách với thế hệ trước.
Gần đây, tôi tình cờ biết rằng series Spider- Man thế hệ mới được nhiều diễn đàn phim bình chọn là tác phẩm mô tả đúng về Gen Z. Ở phần phim Spider-Man: No Way Home, qua ý tưởng vũ trụ song song, lần đầu tiên ba thế hệ Người Nhện được gặp nhau. Đây đồng thời là ba thế hệ diễn viên đóng vai Người Nhện, gồm Tobey Maguire (1975), Andrew Garfield (1983) và Tom Holland (1996). Người Nhện luôn là biểu tượng siêu anh hùng tuổi mới lớn với nhiều khủng hoảng tâm sinh lý, dù ở thời đại nào. Nhưng Người Nhện Gen Z Tom Holland còn chịu thêm một áp lực nữa, đó là bị so sánh với hình tượng đã quá thành công của các đàn anh. Thông điệp của bộ phim đẹp ở chỗ, những Người Nhện tiền nhiệm không xuất hiện để phán xét hay làm lu mờ Người Nhện hôm nay. Họ ở đó để hướng dẫn, nâng đỡ, động viên và bảo vệ cho phiên bản trẻ hơn của mình.
Đi ngược, thậm chí phá bỏ các nguyên tắc cũ là đặc sản của tuổi trẻ, bất phân thời đại. Vậy nên có thế hệ nào mà không từng phải học cách cảm thông cho tiền nhân, bao dung cho hậu bối? “Good old days”, có lẽ ngày cũ thường tươi đẹp, nhưng tôi tin rằng tương lai cũng tươi đẹp không kém, miễn là chúng ta còn lắng nghe nhau. Gen Z, chúng tôi lắng nghe bạn.
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Âu