Tiêu chuẩn chế tác đồng hồ vượt bậc của Rolex
Kể từ năm 1905, Rolex đã luôn giữ vững tầm nhìn của nhà sáng lập Hans Wilsdorf, người đã định vị đồng hồ đeo tay như một sản phẩm của tương lai, biểu tượng của kỷ nguyên hiện đại. Ở thời điểm mà những bộ máy đo thời gian tiêu chuẩn là chiếc đồng hồ bỏ túi luôn nằm yên một chỗ theo đúng nghĩa đen, Hans Wilsdorf quyết định phát triển một chiếc đồng hồ đeo tay có khả năng theo kịp chuyển động của từng cá nhân và thích ứng với những thay đổi bất ngờ trong đời sống ngày càng năng động hơn.
Vào đầu thế kỷ 20, không ai dám nói trước về sự thành công của chiếc đồng hồ đeo tay. Món đồ khó điều chỉnh, mỏng manh và phức tạp này thường được xem là trang sức hơn là bộ máy đo thời gian đáng tin cậy. Hans Wilsdorf đã cách mạng hóa thế giới đồng hồ khi vượt qua ba thách thức lớn, biến chiếc đồng hồ đeo tay thành công cụ thực sự để sử dụng trong đời sống hằng ngày. Thứ nhất là tạo ra những chuyển động nhỏ có độ chính xác tương tự đồng hồ bấm giờ hàng hải – được xem như chuẩn mực tuyệt đối của thời kỳ này. Thứ hai là phát triển vỏ đồng hồ chắc chắn và chống thấm nước để bảo vệ bộ máy khỏi các yếu tố bên ngoài như bụi, hơi ẩm, nước bắn và mồ hôi. Thứ ba là trang bị một hệ thống tự lên dây để đảm bảo sự tiện lợi cho người dùng trong hoạt động hằng ngày. Đối với Hans Wilsdorf, thứ duy nhất mà ông theo đuổi chính là kỹ thuật chế tác đồng hồ vượt bậc nhằm mang lại những giá trị tốt nhất cho người dùng, thông qua việc đảm bảo hiệu suất và độ tin cậy của mỗi chiếc đồng hồ lâu nhất có thể.
Ba cột mốc quan trọng trong lịch sử của Rolex
Độ chính xác
Năm 1914, Đài thiên văn Kew ở Anh – cơ quan có thẩm quyền cao nhất về độ chính xác của đồng hồ bấm giờ vào thời điểm đó – đã trao chứng chỉ chính xác Hạng “A” cho một chiếc đồng hồ đeo tay Rolex. Tin tức này đã gây sửng sốt cho toàn giới chế tạo đồng hồ. Đây là chứng nhận liên quan đến các bài kiểm tra cực kỳ nghiêm ngặt được thực hiện trong hơn 45 ngày và thường chỉ dành riêng cho đồng hồ bấm giờ hàng hải lớn. Lần đầu tiên, Rolex chứng minh rằng một chiếc đồng hồ đeo tay có thể sánh ngang với những bộ máy đo thời gian chính xác nhất
Khả năng chống thấm nước
Năm 1926, Rolex ra mắt vỏ đồng hồ Oyster. Vỏ đồng hồ vặn kín có khả năng bảo vệ tối ưu cho bộ máy bên trong thông qua một hệ thống tài tình đã được cấp bằng sáng chế, bao gồm vành khía đóng chặt, nắp lưng của vỏ đồng hồ và núm vặn lên dây cót. Nhờ đó, chiếc đồng hồ có thể đồng hành cùng người dùng suốt cả ngày, trong mọi hoạt động. Như Hans Wilsdorf đã giới thiệu Oyster là “phát minh quan trọng nhất về đồng hồ trong những năm gần đây”, khả năng chống thấm nước và bụi bẩn của nó thực sự giúp duy trì độ chính xác của đồng hồ bấm giờ trong thời gian dài.
Tính năng tự lên dây
Năm 1931, Rolex đăng ký một loạt đơn xin cấp bằng sáng chế về cơ chế tự lên dây với rotor tự do có tên “Perpetual”, sau này trở thành tiêu chuẩn được toàn bộ ngành đồng hồ áp dụng. Với hệ thống này, bộ chuyển động tự lên dây cót trong khi đồng hồ được sử dụng, vì mọi chuyển động của cổ tay đều làm quay rotor và truyền động cho cơ chế lên dây cót. Phát mình này còn có một ưu điểm khác: lên dây cót thường xuyên khiến đồng hồ luôn có đủ năng lượng để đảm bảo tốc độ chuyển động đều đặn và chính xác hơn. Bằng cách giải phóng người đeo khỏi sự bất tiện của việc lên dây cót thủ công thông thường, hệ thống rotor Perpetual cũng hạn chế thao tác với núm văn dây cót, góp phần tăng khả năng chống thấm nước của đồng hồ.
Giao điểm của tinh hoa
Khát khao vượt qua mọi giới hạn của Rolex sẽ không thể đạt được nếu không có sự đảm bảo về tính độc lập của toàn ngành công nghiệp. Bằng cách tích hợp và phát triển lên mức cao nhất mọi lĩnh vực chuyên môn trong quá trình chế tác đồng hồ, Rolex có thể thiết lập các quy tắc của riêng mình và tiếp tục hành trình tìm kiếm sự ưu tú. Việc lựa chọn quyền tự chủ đã định hình bản sắc của một thương hiệu có sự giao thoa giữa giá trị truyền thống và công nghệ tiên tiến, thể hiện qua 4 khu vực sản xuất được đặt tại Thụy Sĩ.
Các thành phần của bộ máy đồng hồ, từ dây tóc Parachrom và Syloxi cho đến đai ốc Microstella, bộ thoát, bánh đà, tấm khung, cầu nối và hệ thống bánh răng truyền động đều được sản xuất và lắp ráp tại Bienne.
Ở Chêne-Bourg, métiers d’art (nghệ thuật thủ công) như đính đá quý và tráng men song hành với các kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là trong quy trình sản xuất các thành phần làm bằng gốm Cerachrom và mặt số.
Tại Plan-les-Ouates, các đặc tính của nguyên liệu thô được đưa vào thử nghiệm. Vàng kim, vàng trắng và vàng Everose 18 ct được tạo ra ở đây, sau đó, tương tự như Oystersteel, bạch kim 950 và titan RLX, tất cả đều được kiểm tra, đóng dấu, cắt, khoan và chế tác thành vỏ đồng hồ, nắp lưng, vành đồng hồ, dây đeo… trước khi được phủ satin hoặc đánh bóng.
Sau đó, các bộ chuyển động và vỏ đồng hồ được lắp ráp tại khu vực Acacias. Những chiếc đồng hồ này cũng trải qua một loạt bài kiểm tra độc nhất vô nhị do Rolex phát triển, đảm bảo chúng đạt được chứng nhận Superlative Chronometer, bảo chứng cho độ chính xác và độ tin cậy phi thường.
Địa điểm thứ năm đang trong giai đoạn lập kế hoạch, dự kiến sẽ được đặt tại Bulle, thuộc bang Fribourg của Thụy Sĩ.
Nhóm thực hiện
Nguồn: Rolex